Dự án đầu tư xây dựng nhà ở công vụ? Hoạt động lập, thẩm định và phê duyệt dự án đầu tư xây dựng nhà ở công vụ?
Các hoạt động xây dựng nhà ở công vụ hiện nay đều phải tiến hành lập dự án đầu tư xây dựng. Lập dự án đầu tư xây dựng là hoạt động bắt buộc theo quy định pháp luật. Hoạt động lập dự án đầu tư xây dựng nói chung và hoạt động lập dự án đầu tư xây dựng nhà ở công vụ nói riêng là hoạt động có ý nghĩa quan trọng. Bài viết dưới đây Luật Dương Gia sẽ cung cấp các thông tin về dự án đầu tư xây dựng nhà ở công vụ.
* Cơ sở pháp lý:
–
– Nghị định số 15/2021/NĐ- CP ngày 03 tháng 3 năm 2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng.
1. Dự án đầu tư xây dựng nhà ở công vụ
Tại Khoản 1 Điều 28 Luật Nhà ở năm 2014 quy định như sau:
“Điều 28. Dự án đầu tư xây dựng nhà ở công vụ và lựa chọn chủ đầu tư dự án
1. Dự án đầu tư xây dựng nhà ở công vụ bao gồm đầu tư xây dựng mới và mua nhà ở thương mại được lập, thẩm định, phê duyệt và triển khai thực hiện theo quy định của Luật này và pháp luật về xây dựng.”
Từ quy định trên, có thể thấy hoạt động lập dự án đầu tư xây dựng nhà ở công vụ bao gồm hai loại dự án đó chính là dự án đầu tư xây mới nhà ở công vụ và dự án đầu tư mua nhà ở thương mại làm nhà ở công vụ. Đầu tư xây dựng mới nhà ở công vụ là hoạt động tiến hành xây dựng các nhà ở để làm mục đích công vụ, trải qua các giai đoạn xây dựng để có nhà ở công vụ. Còn đầu tư mua nhà ở thương mại làm nhà ở công vụ là hoạt động mua các nhà ở thương mại đã được xây dựng trên thị trường để dùng làm nhà ở công vụ.
Hoạt động lập dự án đầu tư xây dựng nhà ở công vụ trong hai trường hợp trên là hoạt động bắt buộc do nhà ở công vụ là nhà ở để dành cho các cán bộ, công chức, sĩ quan,… và các đối tượng khác theo luật định, sử dụng nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, nên cần phải có sự tính toán, chuẩn bị kỹ lưỡng từ trước như sự chuẩn bị về số lượng nhà, tiêu chuẩn về kỹ thuật, công trình, dự toán,… , cần có sự đánh giá toàn diện về hoạt động đầu tư xây dựng nhà ở công vụ và cũng là căn cứ để chủ thể có thẩm quyền quyết định, phê duyệt dự án đầu tư xây dựng nhà ở công vụ đó.
Dựa vào tiêu chí chủ thể quyết định đầu thì dự án đầu tư xây dựng nhà ở công vụ được chia thành các dạng sau:
Thứ nhất là dự án đầu tư xây dựng nhà ở công vụ do Thủ tướng Chính phủ quyết định đầu tư. Chủ thể đề nghị dự án đầu tư xây dựng nhà ở công vụ là Bộ Xây dựng, mục đích của dự án đầu tư xây dựng nhà ở công vụ là dành cho các đối tượng của các cơ quan trung ương thuê, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản này;
Thứ hai, dự án đầu tư xây dựng nhà ở công vụ do Bộ Quốc phòng, Bộ Công an quyết định đầu tư. Trong trường hợp này, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an quyết định dự án đầu tư xây dựng nhà ở công vụ sau khi có ý kiến thống nhất của Bộ Xây dựng và dự án đầu tư xây dựng nhà ở công vụ này đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận. Mục đích của đầu tư xây dựng nhà ở công vụ để cho đối tượng thuộc diện sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp thuộc lực lượng vũ trang nhân dân được điều động, luân chuyển theo yêu cầu quốc phòng, an ninh nhưng không phải ở trong doanh trại của lực lượng vũ trang
Thứ ba, dự án đầu tư xây dựng nhà ở công vụ do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định đầu tư. Chủ thể đề nghị đầu tư xây dựng nhà ở công vụ là của cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh, thông thường là Sở Xây dựng để cho các đối tượng được điều động, luân chuyển đến làm việc tại địa phương.
Đối với các đối tượng được điều động, luân chuyển đến làm việc ở quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương (sau đây gọi chung là cấp huyện) bao gồm các đối tượng sau: Cán bộ, công chức thuộc các cơ quan của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội được điều động, luân chuyển đến công tác tại xã vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn, khu vực biên giới, hải đảo; Giáo viên đến công tác tại khu vực nông thôn, xã vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn, khu vực biên giới, hải đảo; Bác sĩ, nhân viên y tế đến công tác tại khu vực nông thôn, xã vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn, khu vực biên giới, hải đảo; Nhà khoa học được giao chủ trì nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia đặc biệt quan trọng theo quy định của Luật khoa học và công nghệ. Trong trường hợp này thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định đầu tư dự án hoặc ủy quyền cho Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định đầu tư dự án. (Khoản 2 Điều 28 Luật Nhà ở năm 2014).
2. Hoạt động lập, thẩm định và phê duyệt dự án đầu tư xây dựng nhà ở công vụ
Hoạt động lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư xây dựng nhà ở công vụ được hướng dẫn tại Điều 23 Nghị định số 99/2015/NĐ-CP ngày 20 tháng 10 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở. Điều luật này quy định chi tiết về chủ thể có trách nhiệm lập và chủ thể có thẩm quyền quyết định dự án đầu tư xây dựng nhà ở công vụ. Cụ thể như sau:
“1. Dự án đầu tư xây dựng nhà ở công vụ được lập, thẩm định và phê duyệt theo quy định của Luật Nhà ở, Nghị định này và pháp luật về xây dựng.
2. Đối với dự án do Thủ tướng Chính phủ quyết định đầu tư theo quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều 28 của Luật Nhà ở thì Bộ Xây dựng tổ chức lập, thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; trường hợp được Thủ tướng Chính phủ ủy quyền thì thực hiện phê duyệt theo ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ.
3. Đối với dự án do Bộ Quốc phòng, Bộ Công an quyết định đầu tư theo quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều 28 của Luật Nhà ở thì Bộ Quốc phòng, Bộ Công an tổ chức, lập, thẩm định và lấy ý kiến thống nhất của Bộ Xây dựng trước khi báo cáo Thủ tướng Chính phủ chấp thuận. Sau khi Thủ tướng Chính phủ có ý kiến chấp thuận thì Bộ Quốc phòng, Bộ Công an phê duyệt dự án.
4. Đối với dự án do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định đầu tư theo quy định tại Điểm c Khoản 2 Điều 28 của Luật Nhà ở thì Sở Xây dựng tổ chức lập, thẩm định và trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt.
Trường hợp xây dựng nhà ở để bố trí cho thuê cho các đối tượng được điều động, luân chuyển đến làm việc ở cấp quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, đối tượng quy định tại các Điểm c, đ, e và g Khoản 1 Điều 32 của Luật Nhà ở thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có thể ủy quyền cho Ủy ban nhân dân cấp huyện phê duyệt dự án.”
Như vậy, về phần chủ thể có trách nhiệm lập dự án đầu tư xây dựng và chủ thể có thẩm quyền quyết định dự án đầu tư xây dựng cũng được chia thành ba loại theo dự án đầu tư xây dựng như ở mục 1 đã đề cập đến. Còn thủ tục lập, thẩm định và phê duyệt dự án đầu tư xây dựng nhà ở công vụ được tiến hành tương tự như đối với hoạt động lập dự án đầu tư xây dựng theo quy định của pháp luật nhà ở và pháp luật xây dựng.
Hiện nay, thì hoạt động lập, thẩm định và phê duyệt dự án đầu tư xây dựng nói chung được quy định tại Nghị định số 15/2021/NĐ- CP ngày 03 tháng 3 năm 2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng. Nên hoạt động lập, thẩm định và phê duyệt dự án đầu tư xây dựng nhà ở công vụ nói chung cũng cần tuân theo những trình tự lập, thẩm định và phê duyệt dự án đầu tư xây dựng nói chung được quy định trong Nghị định này. Cụ thể thì hoạt động lập, thẩm định và phê duyệt dự án đầu tư xây dựng nhà ở công vụ gồm các hoạt động như: Lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đầu tư xây dựng, sau khi Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đầu tư xây dựng được lập xong thì tiến hành thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đầu tư xây dựng; tiếp đến là hoạt động thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi, Báo cáo kinh tế – kỹ thuật đầu tư xây dựng của người quyết định đầu tư; hoạt động thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng của cơ quan chuyên môn về xây dựng; Phê duyệt dự án, quyết định đầu tư xây dựng. Các hoạt động này tuân theo quy định chi tiết tại Nghị định số 15/2021/NĐ- CP ngày 03 tháng 3 năm 2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng.