Do nhu cầu của xã hội ngày càng tăng, việc mua bán diễn ra thường xuyên và hằng ngày trong cuộc sống của mỗi người. Tuy nhiên, do việc thiếu hiểu biết pháp luật dẫn đến nhiều hậu quả không mong muốn cho cả người bán lẫn người mua. Vậy chuộc lại tài sản là gì? Quy định về chuộc lại tài sản theo Bộ luật dân sự hiện hành như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Chuộc lại tài sản là gì?
Chuộc lại tài sản là dùng tiền, của để đổi, lấy lại những tài sản thuộc sở hữu của mình mà vì lí do nhất định, tài sản đó đang được người khác nắm giữ, chiếm giữ.
2. So sánh quy định về chuộc lại tài sản theo Bộ luật dân sự 2015 với Bộ luật dân sự 2005 :
Theo Điều 430 Bộ luật dân sự 2015 có nói đến khái niệm của hợp đồng mua bán tài sản như sau:
“Hợp đồng mua bán tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên bán chuyển quyền sở hữu tài sản cho bên mua và bên mua trả tiền cho bên bán.”
Ngoài ra, trong hợp đồng mua bán tài sản có thể có sự thỏa thuận giữa hai bên về điều kiện chuộc lại tài sản. Hợp đồng mua bán tài sản với điều kiện chuộc lại là một loại hợp đồng mua bán, mà theo đó bên bán thỏa thuận với bên mua về quyền chuộc lại tài sản đã bán sau một thời hạn gọi là thời hạn chuộc lại.
Để có thể so sánh điểm mới về hợp đồng mua bán tài sản với điều kiện chuộc lại của Bộ luật dân sự 2015 so với Bộ luật dân sự 2005 thì cả hai Bộ luật này đều chỉ có một điều khoản duy nhất quy định về chuộc lại tài sản đã bán. Đó là Điều 462 Bộ luật dân sự 2005 và Điều 454 Bộ luật dân sự 2015 như sau:
“Điều 462. Chuộc lại tài sản đã bán
1. Bên bán có thể thoả thuận với bên mua về quyền chuộc lại tài sản đã bán sau một thời hạn gọi là thời hạn chuộc lại.
Thời hạn chuộc lại tài sản do các bên thoả thuận nhưng không quá một năm đối với động sản và năm năm đối với bất động sản, kể từ thời điểm giao tài sản. Trong thời hạn này bên bán có quyền chuộc lại bất cứ lúc nào, nhưng phải báo trước cho bên mua trong một thời gian hợp lý. Giá chuộc lại là giá thị trường tại thời điểm và địa điểm chuộc lại, nếu không có thoả thuận khác.
2. Trong thời hạn chuộc lại, bên mua không được bán, trao đổi, tặng cho, cho thuê, thế chấp, cầm cố tài sản, phải chịu rủi ro đối với tài sản.”
“Điều 454. Chuộc lại tài sản đã bán
1. Bên bán có thể thỏa thuận với bên mua về quyền chuộc lại tài sản đã bán sau một thời hạn gọi là thời hạn chuộc lại.
Thời hạn chuộc lại tài sản do các bên thỏa thuận; trường hợp không có thỏa thuận thì thời hạn chuộc lại không quá 01 năm đối với động sản và 05 năm đối với bất động sản kể từ thời điểm giao tài sản, trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác. Trong thời hạn này, bên bán có quyền chuộc lại bất cứ lúc nào, nhưng phải báo trước cho bên mua trong một thời gian hợp lý. Giá chuộc lại là giá thị trường tại thời điểm và địa điểm chuộc lại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
2. Trong thời hạn chuộc lại, bên mua không được xác lập giao dịch chuyển quyền sở hữu tài sản cho chủ thể khác và phải chịu rủi ro đối với tài sản, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.”
Đối với khoản 1 Điều 462 Bộ luật dân sự 2005 có quy định thời hạn chuộc lại tài sản do các bên thỏa thuận nhưng không quá một năm đối với động sản và năm năm đối với bất động sản thì sang khoản 1 Điều 454 Bộ luật dân sự 2015 có quy định chuộc lại tài sản cũng do các bên thỏa thuận, tuy nhiên không có giới hạn giống như ở Bộ luật dân sự 2005 mà trong trường hợp không có thỏa thuận thì thời hạn chuộc lại mới là không quá 01 năm đối với động sản và 05 năm đối với bất động sản.
Như vậy, Bộ luật dân sự 2005 không có quy định về trường hợp thời hạn chuộc lại tài sản các bên không có thỏa thuận và thời hạn tối đa của động sản là 01 năm và bất động sản là 05 năm thì sang Bộ luật dân sự 2015 đã quy định cụ thể và hơn về trường hợp các bên không có thỏa thuận thời hạn và đối với trường hợp có thỏa thuận thì không còn thời hạn tối đa nữa mà các bên có thể thỏa thuận thời hạn mà mình mong muốn.
Theo như khoản 2 Điều 462 Bộ luật dân sự 2005 quy định trong thời hạn chuộc lại, bên mua tuyệt đối không được bán, trao đổi, tặng cho, cho thuê, thế chấp, cầm cố tài sản, phải chịu rủi ro đối với tài sản thì cho dù các bên có thỏa thuận khác thì bên mua cũng không được thực hiện. Đây là một hạn chế của bên mua, vì dù là có điều kiện chuộc lại nhưng đây vẫn là một hợp đồng mua bán, mua nhưng không được tùy ý sử dụng theo ý của mình.
Để khắc phục hạn chế này, khoản 2 Điều 454 Bộ luật dân sự 2015 đã quy định rõ hơn và có lợi hơn đối với bên mua khi nói rõ bên mua không được xác lập giao dịch chuyển quyền sở hữu tài sản cho chủ thể khác và phải chịu rủi ro đối với tài sản, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Tức là, theo nguyên tắc, bên mua không được xác lập giao dịch chuyển quyền sở hữu tài sản cho chủ thể khác, tuy nhiên, nếu bên mua và bên bán có thỏa thuận thì bên mua vẫn có thể bán, trao đổi, tặng cho, cho thuê,… nếu được bên bán đồng ý và có thỏa thuận trong hợp đồng mua bán với điều kiện chuộc lại.
Như vậy, Bộ luật dân sự 2015 đã khắc phục được các điểm yếu trong vấn đề hợp đồng mua bán với điều kiện chuộc lại. Giúp cả bên mua và bên bán hiểu rõ hơn vấn đề này để áp dụng vào thực tiễn và có lợi cho cả hai bên.
3. Chuộc lại tài sản đã bán cho người khác:
Tóm tắt câu hỏi:
Do khó khăn nên tôi đã bán lại cho bạn tôi chiếc laptop Acer với giá 5 triệu đồng. Tôi thỏa thuận trong 4 tháng sẽ đưa tiền và lãi cho bạn tôi để chuộc lại laptop. Tuy nhiên, tháng thứ hai, do đi làm thêm đã có tiền tôi đến xin chuộc lại máy thì bạn tôi không đồng ý trả lại. Trong trường hợp này tôi phải làm gì để đòi lại laptop của mình?
Luật sư tư vấn:
Khi bạn bán laptop cho bạn của bạn thì giữa hai người đã giao kết một hợp đồng mua bán tài sản có điều kiện. Trong đó bên bán là bạn có quyền chuộc lại tài sản là laptop đã bán cho bạn của bạn trong khoảng thời gian 4 tháng. Tranh chấp phát sinh khi người bạn đó từ chối không cho cho bạn chuộc lại laptop của mình. Để làm rõ vấn đề ai đúng, ai sai, có được quyền đòi lại laptop hay không cần xem xét các vấn đề sau:
– Thời hạn chuộc lại tài sản đã bán
– Quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng mua bán tài sản khi có thoả thuận về việc chuộc lại tài sản đã bán.
Căn cứ vào điều 642 Bộ luật dân sự 2015 quy định như sau:
“ 1. Bên bán có thể thoả thuận với bên mua về quyền chuộc lại tài sản đã bán sau một thời hạn gọi là thời hạn chuộc lại.
Thời hạn chuộc lại tài sản do các bên thoả thuận nhưng không quá một năm đối với động sản và năm năm đối với bất động sản, kể từ thời điểm giao tài sản. Trong thời hạn này bên bán có quyền chuộc lại bất cứ lúc nào, nhưng phải báo trước cho bên mua trong một thời gian hợp lý. Giá chuộc lại là giá thị trường tại thời điểm và địa điểm chuộc lại, nếu không có thoả thuận khác.
2. Trong thời hạn chuộc lại, bên mua không được bán, trao đổi, tặng cho, cho thuê, thế chấp, cầm cố tài sản, phải chịu rủi ro đối với tài sản.”
Khi bán chiếc đài cho người bạn đó, bạn đã thoả thuận là sẽ chuộc lại chiếc đài trong thời hạn 4 tháng. Thời hạn này là hoàn toàn phù hợp với quy định của khoản 1 Điều 462 Bộ luật dân sự năm 2015. Theo đó, thời hạn chuộc lại tài sản do các bên thoả thuận nhưng không quá một năm đối với động sản và năm năm đối với bất động sản, kể từ thời điểm giao tài sản.
Như vậy, thời điểm bạn muốn chuộc lại chiếc đài vẫn còn trong thời hạn thoả thuận. Khoản 1 Điều 462 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định, trong thời hạn chuộc lại tài sản, bên bán có quyền chuộc lại bất cứ lúc nào, nhưng phải báo trước cho bên mua trong một thời gian hợp lý. Giá chuộc lại laptop là giá thị trường tại thời điểm và địa điểm chuộc lại, nếu giữa hai bên không có thoả thuận nào khác.
Việc người bạn đó từ chối không cho bạn chuộc lại laptop là trái với quy định mà pháp luật đã đưa ra.
4. Chuộc lại mảnh đất đã bán có được hay không?
Tóm tắt câu hỏi:
Năm 1998, gia đình tôi có đổi cho chú tôi mảnh đất có diện tích là 220 m2, thời điểm này đất chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Sau đó, chú tôi đã bán mảnh đất này cho gia đình tôi rồi lên Cao Bằng làm ăn. Mảnh đất nhà tôi đang sử dụng là của ông nội tôi, được nhà nước cấp cho. Đến lúc này, gia đình tôi đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho phần đất trên. Sau một thời gian, chú tôi làm ăn thua lỗ trở về và đòi lại mảnh đất gia đình tôi đang ở. Để tránh tranh chấp xảy ra, gia đình tôi đã bán mảnh đất có diện tích 110 m2 với giá 150 triệu đồng nhưng chú tôi mới thanh toán 100 triệu đồng. Vì đang gặp khó khăn về kinh tế nên gia đình tôi muốn chuộc lại phần đất này liệu có được không? Xin nhận được sự tư vấn của Luật sư!
Luật sư tư vấn:
Như bạn có trình bày, tại thời điểm trước khi gia đình bạn bán mảnh đất đó cho chú, gia đình bạn được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hợp pháp. Do đó, mảnh đất này thuộc quyền sử dụng của gia đình bạn.
Theo quy định của pháp luật hiện hành, những giao dịch liên quan đến bất động sản (như chuyển nhượng, cho thuê, tặng cho quyền sử dụng đất, …) đều phải thể hiện dưới hình thức văn bản và đây là một trong những điều kiện có hiệu lực của giao dịch. Như bạn có trình bày, gia đình bạn đã bán 110m2 đất cho chú. Tuy nhiên bạn lại không đề cập giao dịch này có được xác lập bằng văn bản hay không. Do đó:
– Nếu giao dịch không được thể hiện dưới hình thức văn bản hợp pháp: trong trường hợp này giao dịch chuyển quyền sử dụng đất (như bạn gọi là mua bán) không có hiệu lực pháp lý vì vi phạm về điều kiện hình thức của giao dịch. Vì vậy giao dịch này vô hiệu toàn bộ. Do đó về mặt pháp lý mảnh đất đó vẫn thuộc quyền sử dụng của gia đình bạn. Gia đình bạn có thể thỏa thuận với chú về vấn đề này để lấy lại mảnh đất và trả lại số tiền 100 triệu đã nhận.
– Nếu giao dịch được thể hiện dưới dạng văn bản hợp pháp: Trong trường hợp này chú bạn đã xác lập quyền sử dụng hợp pháp với mảnh đất này và được pháp luật bảo vệ (có các giấy tờ chứng mình như Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất). Bạn chỉ có quyền đòi số tiền còn lại là 50 triệu (nếu có thỏa thuận về vấn đề này trong hợp đồng) mà không có quyền đòi lại mảnh đất bởi hiện tại chú bạn mới là người sử dụng hợp pháp mảnh đất đó. Tuy nhiên bạn cũng có thể thỏa thuận với chú về vấn đế này.
5. Con lấy xe của mẹ đi cầm đồ đến hạn không chuộc:
Tóm tắt câu hỏi:
tôi có mở dịch vụ cầm đồ và có cầm cho anh A một chiếc xe nhưng xe đó mẹ anh A đứng chủ quyền nhưng do anh A cầm xe quá hạn mà không đóng lãi vì vậy tôi mang xe đi bán mẹ anh A kiện tôi để lấy xe lại vậy tôi có phải thương xe hay không và có bị đi tù hay không còn anh A có triệu trách nhiệm vì về vụ việc không mong luật sư cho tôi hiểu rõ vấn đề nhiêu hơn?
Luật sư tư vấn:
Thứ nhất, Điều 326 Bộ luật dân sự 2015 quy định cầm cố tài sản là việc bên cầm cố giao tài sản thuộc quyền sở hữu của mình cho bên kia để bao đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự. Nếu người chủ sở hữu không đồng ý mà người vay tiện tự ý lấy xe mang đi cầm cố thì giao dịch này sẽ vô hiệu.
Trong trường hợp này, anh A tự ý lấy xe của người mẹ đi cầm cố, không có giấy tờ, chiếc xe này không thuộc chủ sở hữu của của mẹ anh A và không được đồng ý của chủ sở hữu nên giao dịch này bị vô hiệu
Điều 137 Bộ luật dân sự 2015 quy định về hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu như sau:
“1. Giao dịch dân sự vô hiệu không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm xác lập.
2. Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận; nếu không hoàn trả được bằng hiện vật thì phải hoàn trả bằng tiền, trừ trường hợp tài sản giao dịch, hoa lợi, lợi tức thu được bị tịch thu theo quy định của pháp luật. Bên có lỗi gây thiệt hại phải bồi thường.”
Điều 258 Bộ luật dân sự 2015 cũng quy định như sau:
“Chủ sở hữu được đòi lại động sản phải đăng ký quyền sở hữu và bất động sản, trừ trường hợp người thứ ba chiếm hữu ngay tình nhận được tài sản này thông qua bán đấu giá hoặc giao dịch với người mà theo bản án, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền là chủ sở hữu tài sản nhưng sau đó người này không phải là chủ sở hữu tài sản do bản án, quyết định bị huỷ, sửa.”
Như vậy, trong trường hợp này, chủ sở hữu chiếc xe có quyền đòi lại chiếc xe đã bị lấy đi cầm có và bạn phải trả lại xe cho chủ sở hữu của chiếc xe.
Thứ hai, Điều 336 Bộ luật dân sự 2015 quy định về xử lý tài sản cầm cố như sau:
“Trường hợp đã đến hạn thực hiện nghĩa vụ dân sự mà bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện nghĩa vụ không đúng thoả thuận thì tài sản cầm cố được xử lý theo phương thức do các bên đã thoả thuận hoặc được bán đấu giá theo quy định của pháp luật để thực hiện nghĩa vụ. Bên nhận cầm cố được ưu tiên thanh toán từ số tiền bán tài sản cầm cố.”
Trường hợp bạn mang tài sản cầm cố không đóng lãi khi đến hạn đi bán thì không cấu thành tội phạm của
Thứ ba, anh A lấy xe của mẹ đi cầm cố thì anh A có nghĩa vụ hoàn lại cho anh một khoản tiền tương ứng. Nghĩa vụ hoàn phát sinh từ 1 nghĩa vụ trước đó mà theo đó chủ thể nghĩa vụ được người khác nghĩa vụ của mình phải hoàn lại những lợi ích vật chất mà chủ thể nghĩa vụ đã thực hiện thay trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác
Anh A còn có thể phải chịu truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 140 Bộ luật hình sự 2015:
“1. Người nào có một trong những hành vi sau đây chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ một triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới một triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm:
a) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó;
b) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
c) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;
d) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ trên năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;
đ) Tái phạm nguy hiểm;
e) Gây hậu quả nghiêm trọng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:
a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;
b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân:
a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;
b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.”
Theo đó, Tòa án sẽ xem xét, căn cứ vào những quy định trên và hành vi của anh A để xét xử và đưa ra phán quyết.