Quy định về bồi thường thiệt hại do xâm phạm tính mạng, sức khoẻ. Thời hiệu khởi kiện yêu cầu BTTH, chủ thể được BTTH, căn cứ xác định mức thiệt hại, và các trường hợp được miễn trừ trách nhiệm BTTH.
Nội dung pháp luật về bồi thường thiệt hại do xâm phạm tính mạng, sức khoẻ
Trước khi đi đến nội dung những quy định của pháp luật thực định có hiệu lực hiện hành, chúng ta cùng điểm qua xuất phát điểm và các giai đoạn lịch sử của Sự xuất hiện trách nhiệm BTTH do tính mạng, sức khỏe bị xâm phạm. Trong thời kỳ nhận thức của con người về quyền nhân thân, quyền bất khả xâm phạm tính mạng, sức khỏe thì con người được đặt trong mối quan hệ “nợ máu trả máu” và bản năng tự nhiên của mỗi con người là phản kháng một cách sao chép hành vi mà mình bị xâm phạm, hay nói cách khác, về mặt tâm lý con người thì đó là sự “trả thù” khi bị xâm phạm. Cho đến khi loài người nhận thức được việc cần thiết phải có những tắc ứng xử chung để bảo vệ các quan hệ xã hội, mà điển hình là sự ra đời của Luật La Mã đã quy định “Kẻ nào làm gãy tay người khác thì kẻ đó phải chịu lại tương tự như vậy”. Luật La Mã ra đời khoảng năm 449 Trước Công nguyên, được xem là một hệ thống pháp luật cổ đại đầu tiên ghi nhận quyền được bảo hộ tính mạng, sức khỏe của con người. Mặc dù với nguyên tắc “nợ gì trả nấy”, là một hình thái ý thức thô sơ của con người, nhưng đã phản ánh tư duy cần được bảo vệ của mỗi cá nhân.
Tại Việt Nam, khi trình độ xã hội phát triển đến hình thái xã hội phong kiến, giai đoạn nhà Hậu Lê với Quốc triều hình luật ra đời năm 1428 đã đánh dấu mốc cho sự thừa nhận về quyền đối với tính mạng, sức khỏe của con người, cụ thể: “đánh người gãy răng, sứt tai mũi, chột một mắt, gãy ngón chân, ngón tay, dập xương, hay lấy nước sôi lửa làm người bị thương và rụng tóc, thì xử tội đồ làm khao định hay “người trông nom công dịch mà đánh người phục dịch đến chết thì xử tội đồ và phải phạt một nửa số tiền đền mạng”.
Sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công năm 1945, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đất nước ta bước sang một trang sử mới, và với nền dân chủ được khai sinh thì việc xây dựng những chuẩn mực chung trong đời sống thông qua một hệ thống pháp luật thống nhất là đòi hỏi tất yếu. Và trong bối cảnh đó, Thông tư 173-TANDTC, của Hội đồng Thẩm phán
Vì vậy, việc BTTH về tính mạng, sức khỏe trong trường hợp có ý nghĩa thực chất là đền bù một phần nào thiệt hại về vật chất tạo điều kiện cho nạn nhân hay gia đình họ khắc phục khó khăn do tai nạn gây ra, và trong một số ít trường hợp chỉ có ý nghĩa là một trợ cấp”. Tuy nhiên, chỉ đến BLDS năm 1995 chế định trách nhiệm BTTH ngoài hợp đồng mới thực sự được xây dựng một cách công phu tại Chương V của bộ luật nhằm điều chỉnh một cách tổng quan nhất các vấn đề đặt ra trong việc giải quyết trách nhiệm BTTH ngoài hợp đồng. BLDS năm 1995 được áp dụng để giải quyết các tranh chấp về trách nhiệm BTTH ngoài hợp đồng nói chung, trách nhiệm BTTH do tính mạng, sức khỏe nói riêng kể từ ngày 01/7/1996. Tiếp theo là BLDS năm 2005 ra đời, tại chương XXI của bộ luật đã kế thừa, phát huy hiệu quả của pháp luật trong vấn đề trách nhiệm BTTH do tính mạng, sức khỏe bị xâm phạm.
Trong giai đoạn hiện nay, vấn đề về trách nhiệm BTTH ngoài hợp đồng, BTTH do tính mạng, sức khỏe bị xâm phạm được quy định chủ yếu từ Điều 584 đến Điều 608, thuộc Chương XX của BLDS năm 2015; bên cạnh đó là các quy định về các chủ thể có trách nhiệm BTTH khác như pháp nhân, hay cơ quan Nhà nước có thẩm quyền trong Luật Trách nhiệm BTTH của Nhà nước. Nội dung cơ bản của các quy định pháp luật về trách nhiệm BTTH do xâm phạm tính mạng, sức khỏe gồm các quy định về căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường; nguyên tắc bồi thường; năng lực chịu trách nhiệm bồi thường của chủ thể; chủ thể được bồi thường; thời hiệu khởi kiện yêu cầu BTTH; thời hạn được hưởng bồi thường; các tình huống loại trừ trách nhiệm bồi thường; cũng như các thiệt hại được luật định cụ thể khi xem xét giải quyết các tranh chấp về BTTH ngoài hợp đồng.
Mục lục bài viết
- 1 1. Về căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường:
- 2 2. Về nguyên tắc BTTH, Điều 585 BLDS 2015 quy định:
- 3 3. Về năng lực chịu trách nhiệm BTTH của chủ thể:
- 4 4. Về chủ thể được bồi thường:
- 5 5. Về thời hiệu khởi kiện yêu cầu BTTH:
- 6 6. Về vấn đề xác định thiệt hại do sức khỏe, tính mạng bị xâm phạm:
- 7 7. Về vấn đề thời hạn hưởng bồi thường thiệt hại do tính mạng, sức khỏe bị xâm phạm:
- 8 8. Vấn đề về loại trừ trách nhiệm BTTH:
1. Về căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường:
Điều 584 BLDS 2015 quy định: “1. Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác”. Như vậy, trách nhiệm BTTH do xâm phạm tính mạng, sức khỏe là một hình thức BTTH ngoài hợp đồng và cách tiếp cận căn cứ làm phát sinh trách nhiệm BTTH ngoài hợp đồng của BLDS 2015 thể hiện sự thay đổi lớn so với BLDS 2005. Trong khi BLDS 2005 xem yếu tố “lỗi” là một trong bốn yếu tố cấu thành trách nhiệm BTTH ngoài hợp đồng, và “Người nào có lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của cá nhân…mà gây thiệt hại thì phải bồi thường”, thì BLDS 2015 quy định “Người nào có hành vi xâm phạm”. Việc xây dựng căn cứ pháp lý làm phát sinh trách nhiệm BTTH theo tinh thần nêu trên của các nhà làm luật là phù hợp với thực tiễn khách quan, bao quát được hết những yếu tố thực tiễn có thể gây ra thiệt hại cho con người như “nguồn nguy hiểm cao độ”; và điều này là hoàn toàn đúng đắn. Qua đó, có thể xác định 03 căn cứ làm phát sinh trách nhiệm BTTH do xâm phạm tính mạng, sức khỏe gồm có hành vi vi phạm pháp luật; có thiệt hại thực tế xảy ra; có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm và thiệt hại.
2. Về nguyên tắc BTTH, Điều 585 BLDS 2015 quy định:
“1. Thiệt hại thực tế phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Các bên có thể thỏa thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
2. Người chịu trách nhiệm BTTH có thể được giảm mức bồi thường nếu không có lỗi hoặc có lỗi vô ý và thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế của mình.
3. Khi mức bồi thường không còn phù hợp với thực tế thì bên bị thiệt hại hoặc bên gây thiệt hại có quyền yêu cầu
4. Khi bên bị thiệt hại có lỗi trong việc gây thiệt hại thì không được bồi thường phần thiệt hại do lỗi của mình gây ra.
5. Bên có quyền, lợi ích bị xâm phạm không được bồi thường nếu thiệt hại xảy ra do không áp dụng các biện pháp cần thiết, hợp lý để ngăn chặn, hạn chế thiệt hại cho chính mình.”.
Như vậy, thiệt hại phải là “thiệt hại thực tế”, đây là vấn đề cần được lưu ý bởi lẽ “thiệt hại ước tính” là một khái niệm đang tồn tại trong hệ thống thông luật cũng như dân luật. Chúng ta không thể tìm được một khái niệm cụ thể về thiệt hại thực té trong các quy phạm pháp luật dân sự, tuy nhiên qua rà soát các văn bản quy phạm pháp luật trong những lĩnh vực khác thì có thể hiểu “Thiệt hại thực tế là thiệt hại có thực”, là có thể định lượng được bằng tiền để xác định nghĩa vụ bồi thường. Và việc BTTH phải “toàn bộ và kịp thời”, bồi thường toàn bộ thiệt hại do hành vi trái pháp luật gây ra là nguyên tắc công bằng, hợp lý phù hợp với mục đích và chức năng “phục hồi” của chế định BTTH ngoài hợp đồng. Bồi thường kịp thời cho người bị thiệt hại nhằm khắc phục một cách nhanh nhất hậu quả đã xảy ra, khôi phục tình trạng ban đầu, có ý nghĩa quan trọng đối với việc cứu chữa người bị xâm phạm, hạn chế tối đa những thiệt hại khác có thể phát sinh.
Trên thực tế, không phải bất kì lúc nào “người gây ra thiệt hại” cũng có năng lực trách nhiệm dân sự đầy đủ để thực hiện nghĩa vụ bồi thường. Trong một số trường hợp nhất định, chủ thể có trách nhiệm bồi thường có thể không phải là “người gây ra thiệt hại” mà là cha mẹ khi con chưa thành niên gây ra thiệt hại; người quản lý trực tiếp trong trường hợp người mất năng lực hành vi dân sự gây ra thiệt hại trong thời gian ở trường học, bệnh viện….Và không phải trong mọi trường hợp, thiệt hại xảy ra đối với người bị thiệt hại đều hoàn toàn do lỗi của người gây ra thiệt hại mà có thể cũng do lỗi của người bị thiệt hại. Trong trường hợp người bị thiệt hại cũng có lỗi trong việc gây ra thiệt hại cho chính mình thì bên cạnh người gây ra thiệt hại phải bồi thường, người bị thiệt hại cũng phải chịu trách nhiệm về phần lỗi của mình và sẽ không được bồi thường phần thiệt hại do mình đã “góp phần” tạo ra thiệt hại đó. Vì vậy, để đảm bảo tính công bằng, hợp lý, BLDS 2015 đã sử dụng khái niệm “Người chịu trách nhiệm BTTH” thay cho khái niệm “Người gây ra thiệt hại” sẽ được giảm mức BTTH trong những trường hợp nhất định; và “Khi bên bị thiệt hại có lỗi trong việc gây thiệt hại thì không được bồi thường phần thiệt hại do lỗi của mình gây ra”.
Một tư tưởng hoàn toàn mới được quy định trong BLDS 2015 về BTTH ngoài hợp đồng đó là việc “Bên có quyền, lợi ích bị xâm phạm không được bồi thường nếu thiệt hại xảy ra do không áp dụng các biện pháp cần thiết, hợp lý để ngăn chặn, hạn chế thiệt hại cho chính mình”. Quy định này phù hợp với thực tiễn khách quan bởi mỗi chủ thể có khả năng phòng vệ và phản kháng đối với những nguy hại có thể xảy đến với mình, và trong trường hợp sự phòng vệ, phản kháng này có thể loại bỏ được những mối nguy hại có thể xảy ra thì việc không thực hiện nó dẫn đến bản thân bị xâm hại là lỗi hoàn toàn thuộc về chủ thể bị xâm hại; và bên bị thiệt hại có lỗi trong việc gây thiệt hại thì không được BTTH do lỗi của mình gây ra.
3. Về năng lực chịu trách nhiệm BTTH của chủ thể:
Điều 586 BLDS 2015 quy định: “1. Người từ đủ mười tám tuổi trở lên gây thiệt hại thì phải tự bồi thường.
2. Người chưa đủ mười lăm tuổi gây thiệt hại mà còn cha, mẹ thì cha, mẹ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại; nếu tài sản của cha, mẹ không đủ để bồi thường mà con chưa thành niên gây thiệt hại có tài sản riêng thì lấy tài sản đó để bồi thường phần còn thiếu, trừ trường hợp quy định tại Điều 599 của Bộ luật này.
Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi gây thiệt hại thì phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu không đủ tài sản để bồi thường thì cha, mẹ phải bồi thường phần còn thiếu bằng tài sản của mình.
3. Người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi gây thiệt hại mà có người giám hộ thì người giám hộ đó được dùng tài sản của người được giám hộ để bồi thường; nếu người được giám hộ không có tài sản hoặc không đủ tài sản để bồi thường thì người giám hộ phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu người giám hộ chứng minh được mình không có lỗi trong việc giám hộ thì không phải lấy tài sản của mình để bồi thường.
Về cơ bản, quy định của BLDS năm 2015 về năng lực chịu trách nhiệm bồi thường của chủ thể không có thay đổi đáng kể so với BLDS năm 2005 trước đây, và việc quy định năng lực trách nhiệm BTTH ngoài hợp đồng dựa trên nền tảng các quy định về năng lực pháp luật, năng lực hành vi dân sự của cá nhân được quy định tại Mục 1, Chương III của bộ luật.
4. Về chủ thể được bồi thường:
Khoản 2 Điều 590 và Điều 591 BLTTDS 2015 quy định “Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp sức khỏe của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại … mà người đó gánh chịu”, “người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp tính mạng của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại…cho những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại, nếu không có những người này thì người mà người bị thiệt hại đã trực tiếp nuôi dưỡng, người đã trực tiếp nuôi dưỡng người bị thiệt hại được hưởng khoản tiền này”. Như vậy, trách nhiệm BTTH do xâm phạm tính mạng, sức khỏe hướng đến chủ thể được bồi thường là người bị xâm phạm sức khỏe; người thân thích, người có quan hệ trực tiếp nuôi dưỡng của người bị xâm phạm về tính mạng.
5. Về thời hiệu khởi kiện yêu cầu BTTH:
Điều 588 BLDS năm 2015 quy định: “Thời hiệu khởi kiện yêu cầu BTTH là 03 năm, kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm”.
03 năm là khoảng thời gian hợp lý mà các nhà làm luật cho rằng trong khoảng thời gian này chủ thể bị xâm phạm tính mạng, sức khỏe có quyền yêu cầu bồi thường cho những thiệt hại bị gây ra. Khoảng thời gian này theo quy định của BLDS năm 2005 là 02 năm. Thay đổi về thời hạn yêu cầu khởi kiện được xem là một điểm mới của BLDS năm 2015 trong việc cho phép chủ thể bị thiệt hại về tính mạng, sức khỏe có nhiều thời gian hơn để yêu cầu
6. Về vấn đề xác định thiệt hại do sức khỏe, tính mạng bị xâm phạm:
Thiệt hại được pháp luật dân sự xác định khi sức khỏe, tính mạng bị xâm phạm là thiệt hại thực tế về vật chất và tinh thần. Thiệt hại về vật chất là những chi phí thực tế đã phải bỏ ra để khôi phục lại tình trạng ban đầu của người bị thiệt hại; thiệt hại về tinh thần là những tổn thương mà người bị thiệt hại về sức khỏe, người thân thích của người bị thiệt hại về tính mạng phải gánh chịu.
Điều 590 BLDS quy định thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm bao gồm:
[1] Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại;
[2] Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại;
[3] Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần phải có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại;
[4] Thiệt hại khác do luật quy định.
[5] Bên cạnh đó, người chịu trách nhiệm BTTH phải bồi thường một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu.
Điều 591 BLDS quy định thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm bao gồm:
[1] Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm theo quy định tại Điều 590 của Bộ luật này;
[2] Chi phí hợp lý cho việc mai táng;
[3] Tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng;
[4] Thiệt hại khác do luật quy định.
[5] Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp tính mạng của người khác bị xâm phạm phải BTTH một khoản tiền để bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại, nếu không có những người này thì người mà người bị thiệt hại đã trực tiếp nuôi dưỡng, người đã trực tiếp nuôi dưỡng người bị thiệt hại được hưởng khoản tiền này.
Như vậy, về cơ bản, thiệt hại được pháp luật dân sự xác định khi sức khỏe, tính mạng bị xâm phạm là các chi phí cho việc phục hồi sức khỏe của người bị xâm phạm về sức khỏe; chi phí cho việc cứu chữa và mai táng người bị xâm phạm tính mạng; tiền mất thu nhập của những người đã có công chăm sóc người bị xâm hại tính mạng, sức khỏe; tiền tổn thất về tinh thần; và các thiệt hại khác do luật quy định. Vấn đề xác định thiệt hại do xâm phạm sức khỏe, tính mạng, tác giả sẽ phân tích sâu hơn tại Chương 2 của đề tài trên cơ sở những vấn đề lý luận và thực tiễn áp dụng pháp luật về BTTH ngoài hợp đồng nhằm phản ánh rõ nét hơn những vấn đề còn tồn tại.
7. Về vấn đề thời hạn hưởng bồi thường thiệt hại do tính mạng, sức khỏe bị xâm phạm:
Được quy định cụ thể tại Điều 593 BLDS 2015. Điều luật quy định cụ thể thời hạn được hưởng bồi thường thiệt hại trong những trường hợp cụ thể khi tính mạng, sức khỏe của con người bị xâm phạm như: Trường hợp người bị thiệt hại mất hoàn toàn khả năng lao động thì người bị thiệt hại được hưởng bồi thường từ thời điểm mất hoàn toàn khả năng lao động cho đến khi chết; hay những nội dung liên quan đến nghĩa cụ cấp dưỡng khi người bị thiệt hại còn sống…V.V
8. Vấn đề về loại trừ trách nhiệm BTTH:
Căn cứ loại trừ trách nhiệm BTTH do xâm phạm tính mạng, sức khỏe được quy định một cách chung nhất tại khoản 2 Điều 584 BLDS 2015: “Người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm BTTH trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.” Như vậy, khi phát sinh tình huống bất khả kháng hoặc thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi của người bị thiệt hại thì trách nhiệm BTTH được loại trừ. Bên cạnh đó, căn cứ loại trách nhiệm BTTH còn được quy định tại Điều 594, Điều 595 BLDS 2015; theo đó nếu thiệt hại xảy ra do trong tình thế cấp thiết và trong giới hạn phòng vệ chính đáng thì chủ thể có hành vi xâm hại được loại trừ trách nhiệm BTTH.