Pháp luật Việt Nam về bảo đảm quyền được trợ giúp pháp lý của người khuyết tật. Phân tích pháp luật về trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật.
Mục lục bài viết
1. Thể chế về bảo đảm quyền được trợ giúp pháp lý của người khuyết tật theo pháp luật Việt Nam:
Trong suốt chiều dài lịch sử kể từ sau Tuyên ngôn độc lập 1945, trải qua các bản hiến pháp 1946, 1959, 1980, 1992 và đặc biệt là Hiến pháp 2013 luôn luôn đặt mục tiêu “Nhà nước tạo bình đẳng về cơ hội để công dân thụ hưởng phúc lợi xã hội, phát triển hệ thống an sinh xã hội, có chính sách trợ giúp người cao tuổi, người khuyết tật, người nghèo và người có hoàn cảnh khó khăn khác” và Nhà nước ưu tiên phát triển giáo dục ở miền núi, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn; ưu tiên sử dụng, phát triển nhân tài, tạo điều kiện để người khuyết tật và người nghèo được học văn hoá và học nghề”. Điều đó cho thấy, Đảng và Nhà nước ta luôn dành sự quan tâm đặc biệt tới NKT, đặc biệt trong việc hỗ trợ pháp lý, an sinh xã hội cho đối tượng này.
Thể chế hóa các quan điểm của Đảng về NKT, Quốc hội khóa XII, kỳ họp thứ 7 đã thông qua Luật Người khuyết tật 2010. Luật Người khuyết tật bao gồm 10 chương 53 điều bao gồm những nội dung cơ bản như: định nghĩa NKT; xác nhận khuyết tật; ghi nhận, bảo đảm thực hiện các quyền sau đây: tham gia bình đẳng vào các hoạt động xã hội; sống độc lập, hòa nhập cộng đồng; được miễn hoặc giảm một số khoản đóng góp cho các hoạt động xã hội; được chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng, học văn hóa, học nghề, việc làm, trợ giúp pháp lý, tiếp cận công trình công cộng, phương tiện giao thông, công nghệ thông tin, dịch vụ văn hóa, thể thao, du lịch và dịch vụ khác phù hợp với dạng tật và mức độ khuyết tật; các quyền khác theo quy định của pháp luật; trách nhiệm của cơ quan nhà nước về công tác người khuyết tật; điều khoản thi hành. Tại Điều 4 quy định quyền được TGPL của tất cả người khuyết tật không phân biệt có hay không có nơi nương tựa. Hướng dẫn thi hành cho văn bản này là các văn bản dưới luật như:
– Nghị định 20/2011/NĐ-CP quy định về chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội;
– Nghị định 136/2013/NĐ-CP quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội;
–
– Thông tư 17/2020/TT-BGDĐT Quy định về chuẩn quốc gia về ngôn ngữ ký hiệu cho người khuyết tật do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành
– Nghị định 28/2012/NĐ-CP hướng dẫn Luật người khuyết tật;
–
– Quyết định 678/QĐ-TTg năm 2011 về phê duyệt Chiến lược phát triển TGPL ở Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
Song hành với quy định rõ ràng, cụ thể trong việc xác định vị thế, vai trò của NKT đối với xã hội và các chính sách hỗ trợ, giúp đỡ cho đối tượng này là Luật trợ giúp pháp lý 2017 và các văn bản hướng dẫn thi hành khác, bao gồm:
– Nghị định 144/2017/NĐ-CP về hướng dẫn Luật TGPL;
– Thông tư 08/2017/TT-BTP về hướng dẫn Luật TGPL và hướng dẫn giấy tờ trong hoạt động TGPL do Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành;
– Chỉ thị số 39-CT/TW ngày 01/11/2013 của Ban bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác NKT;
– Quyết định số 1019/QĐ-TTg phê duyệt Đề án trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2012 – 2020 với mục tiêu 90% người khuyết tật được TGPL khi có nhu cầu trong giai đoạn 2012 – 2015 và 100% người khuyết tật được TGPL khi có nhu cầu trong giai đoạn 2016 – 2020;
– Thông tư 12/2018/TT-BTP Hướng dẫn một số hoạt động nghiệp vụ trợ giúp pháp lý và quản lý chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý;
– Thông tư liên tịch 10/2018/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-TANDTC VKSNDTC quy định về phối hợp thực hiện trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng do Bộ trưởng Bộ tư pháp – Bộ công an – Bộ quốc phòng – Bộ tài chính – Chánh án Tòa án nhân dân tối cao – Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành;
Theo đó, pháp luật về TGPL của Việt Nam đã cụ thể hóa CRPD, bảo đảm cam kết NKT được tiếp cận hệ thống tư pháp một cách hữu hiệu và bình đẳng với những người khác. Đặc biệt, ngày 05/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ thông qua Chương trình trợ giúp NKT giai đoạn 2021- 2030 theo Quyết định 1190/QĐ-TTg năm 2020 về phê duyệt Chương trình trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2021-2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
Trên cơ sở về việc xây dựng một hành lang pháp lý đầy đủ, toàn diện của tổ chức bộ máy cấp trung ương ở Việt Nam đã tạo niềm tin vững chắc, độc lực phấn đấu cho các tổ chức, cá nhân thực hiện việc bảo đảm quyền được TGPL của NKT một cách kịp thời thông qua việc cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của NKT thuộc diện được TGPL.
Chính điều đó đã kéo theo hay thúc đẩy tính trách nhiệm về hoạt động bảo đảm quyền được TGPL của NKT từ chính quyền địa phương ở các cấp khu vực một cách có hiệu quả và phù hợp hơn, song đồng thời tăng cường truyền thông để người dân và cơ quan, tổ chức hiểu được quyền của người khuyết tật trong lĩnh vực TGPL.
Như vậy, chính sách bảo đảm quyền được TGPL của NKT là một chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước dành cho người yếu thế trong xã hội, nhằm giúp đối tượng này xóa bỏ tự ti, mặc cảm và có các quyền, nghĩa vụ bình đẳng.
2. Thiết chế về bảo đảm quyền được trợ giúp pháp lý của người khuyết tật theo theo pháp luật Việt Nam:
Theo Nghị định 144/2017/NĐ-CP về cách thức tổ chức, cơ chế vận hành hoạt động của người thực hiện TGPL, Việt Nam đang tổ chức hoạt động theo mô hình hỗn hợp. Theo đó, trên địa bàn cả nước, tại mỗi địa phương tổ chức thành lập trung tâm TGPL nhà nước hoạt động kết hợp với các tổ chức xã hội, tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp khác cùng tham gia việc bảo đảm quyền được TGPL của NKT.
Đối với trung tâm TGPL Nhà nước, có thể có các bộ phận chuyên môn thích hợp để thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Luật TGPL và pháp luật về đơn vị sự nghiệp công lập. Trợ giúp viên pháp lý có đủ các tiêu chuẩn sau đây thì được đề nghị bổ nhiệm làm giám đốc trung tâm: có ít nhất 3 năm là trợ giúp viên pháp lý hoặc thẩm phán hoặc kiểm sát viên, điều tra viên trung cấp trở lên hoặc có 5 năm làm công tác quản lý nhà nước về TGPL trong ngành Tư pháp; có đủ điều kiện, tiêu chuẩn đối với người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Sở Tư pháp theo quy định của pháp luật. Giám đốc trung tâm bị cách chức khi có hành vi vi phạm nghiêm trọng quy tắc nghề nghiệp TGPL; bị xử lý kỷ luật bằng hình thức cách chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức…
Việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức, viên chức, người lao động của trung tâm thực hiện theo quy định của pháp luật về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức, viên chức, người lao động trong các đơn vị sự nghiệp công lập. Trung tâm được sử dụng kinh phí nghiệp vụ để phục vụ việc thực hiện vụ việc TGPL và các hoạt động nghiệp vụ TGPL theo quy định của Luật TGPL.
Trực thuộc trung tâm TGPL Nhà nước là các Chi nhánh của trung tâm TGPL. Chi nhánh có con dấu để giao dịch, sử dụng cho hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ TGPL. Tên chi nhánh của trung tâm được đặt theo số thứ tự thành lập nhưng phải thể hiện rõ tên trung tâm chủ quản của chi nhánh. Chi nhánh có trưởng chi nhánh là trợ giúp viên pháp lý, do giám đốc trung tâm bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức và chịu trách nhiệm trước giám đốc trung tâm về hoạt động của chi nhánh.
Việc thành lập chi nhánh phải căn cứ các điều kiện theo quy định của Luật TGPL và dựa vào tình hình thực tiễn về bảo đảm quyền được TGPL của nơi dự kiến thành lập; có trợ giúp viên pháp lý làm việc thường xuyên, có cơ sở vật chất, bảo đảm sử dụng hiệu quả ngân sách nhà nước. Căn cứ vào khối lượng công việc, tính chất, đặc điểm hoạt động chuyên môn nghiệp vụ, yêu cầu của công tác TGPL tại địa phương và theo đề xuất của giám đốc Sở Tư pháp, chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định số lượng người làm việc của trung tâm và bảo đảm kinh phí, cơ sở vật chất, trang thiết bị, điều kiện làm việc thích hợp cho trung tâm.
Chi nhánh là chủ thể chính hoạt động các công việc để bảo đảm quyền được TGPL của NKT; cử người thực hiện công việc tại địa bàn được phân công; đề nghị cơ quan, tổ chức hữu quan phối hợp, cung cấp thông tin, tài liệu về vụ việc TGPL; thực hiện chế độ thống kê, báo cáo về TGPL; thực hiện các nhiệm vụ khác liên quan đến TGPL theo phân công của giám đốc trung tâm.
Đối với tổ chức tham gia TGPL, có thể bao gồm:
– Tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức tư vấn pháp luật ký kết hợp đồng thực hiện TGPL với Sở Tư pháp;
– Tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức tư vấn pháp luật đăng ký tham gia TGPL.
Ngoài ra, cần liệt kê thêm điều kiện hành nghề để được tham gia đội ngũ người thực hiện TGPL gồm:
– Trợ giúp viên pháp lý;
– Luật sư (luật sư gồm: luật sư thực hiện TGPL theo hợp đồng với Trung tâm TGPL nhà nước; luật sư thực hiện TGPL của tổ chức tham gia TGPL);
– Tư vấn viên pháp luật có 02 năm kinh nghiệm tư vấn pháp luật trở lên làm việc tại tổ chức tham gia TGPL;
– Cộng tác viên TGPL: Đội ngũ này được củng cố theo hướng chuyên nghiệp, tập trung vào vụ việc TGPL, đặc biệt là vụ việc TGPL theo hình thức tham gia tố tụng (chỉ có Trợ giúp viên pháp lý, luật sư thực hiện TGPL theo hợp đồng với Trung tâm TGPL nhà nước, luật sư thực hiện TGPL của tổ chức tham gia TGPL được thực hiện TGPL bằng hình thức tham gia tố tụng).
Chi phí cho thực hiện hoạt động TGPL
Căn cứ theo Thông tư 02/2021/TT-BTP ngày 25/5/2021 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp hướng dẫn cách tính thời gian theo buổi làm việc thực tế và khoán chi vụ việc trợ giúp pháp lý, đang có hiệu lực áp dụng thì đã bổ sung thêm 02 nguyên tắc khi trả thù lao cho người thực hiện hoạt động TGPL, đó là:
– Bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật về thù lao, bồi dưỡng và thủ tục thanh toán thù lao, bồi dưỡng thực hiện vụ việc cho người thực hiện trợ giúp pháp lý, tổ chức ký hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý
– Bảo đảm tính hợp pháp, hợp lý trong việc kê khai thời gian, công việc để làm căn cứ chi trả thù lao, bồi dưỡng thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý
Như vậy, nội dung chi để đảm bảo cho hoạt động TGPL bao gồm:
– Các khoản chi thanh toán cho cá nhân: Tiền lương, tiền công, phụ cấp, các khoản đóng góp theo lương (bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, kinh phí công đoàn, bảo hiểm thất nghiệp, nếu có) theo quy định hiện hành; các khoản chi theo chế độ của cán bộ công chức, viên chức quy định tại Nghị định số 144/2017/NĐ-CP và các khoản thanh toán khác cho cá nhân theo quy định của pháp luật.
– Chi thanh toán dịch vụ công cộng; vật tư văn phòng, thông tin, liên lạc; sửa chữa, bảo dưỡng thường xuyên tài sản, trang thiết bị của đơn vị; mua sắm, thay thế trang thiết bị, phương tiện làm việc của cán bộ, công chức, viên chức theo quy định; chi mua sách, báo, tài liệu phục vụ công tác trợ giúp pháp lý; chi thuê mướn (nếu có).
– Chi hội nghị sơ kết, tổng kết, tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn; chi khen thưởng; chi đi công tác trong nước, chi các đoàn đi công tác nước ngoài và các khoản chi thường xuyên khác phục vụ hoạt động của cơ quan trợ giúp pháp lý nhà nước.
Các khoản chi liên quan đến nghiệp vụ trợ giúp pháp lý: Chi thù lao thực hiện trợ giúp pháp lý đối với luật sư, cộng tác viên trợ giúp pháp lý, tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý. Đối với hoạt động này, tùy thuộc vào hình thức TGPL mà đối tượng tham gia TGPL sẽ được hưởng các quyền lợi khác nhau và song hành với đó là “tính trách nhiệm” từ người thực hiện, cụ thể như: bổ sung các công việc thực hiện theo tiến trình các giai đoạn tố tụng để bảo đảm thuận lợi, rõ ràng trong quá trình kê khai các công việc thực hiện trợ giúp pháp lý để làm căn cứ chi trả thù lao vụ việc trợ giúp pháp lý; áp dụng tính thời gian theo buổi thực tế nhưng thù lao, bồi dưỡng cho người thực hiện trợ giúp pháp lý bị hạn chế thời gian theo hình thức khoán và thù lao, bồi dưỡng cho người thực hiện trợ giúp pháp lý khi thực hiện các công việc này tối đa không quá số buổi thực hiện các công việc này theo mức khoán chi vụ việc; cuối cùng là tách các quy định về
Thông qua các quy định về tổ chức bộ máy, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực này, cho thấy rằng Đảng và Nhà nước luôn luôn dành sự quan tâm đặc biệt, sát sao nhất đến quyền và lợi ích của đối tượng NKT bởi những “khiếm khuyết của cơ thể đã làm ảnh hưởng nhiều đến sự “thụ hưởng quyền. Không chỉ dừng lại trong việc ngày càng thừa nhận, khẳng định và phát triển thêm các quyền lợi cho NKT, mà những công việc cũng góp phần không thể thiếu cho việc bảo đảm quyền này được thực thi hiệu quả, thiết thực, đó là nâng cao khả năng, hiệu quả làm việc của các chủ thể có trách nhiệm thực hiện hoạt động như đội ngũ Trợ giúp viên pháp lý, đội ngũ luật sư – cộng tác viên, tổ chức xã hội… về chế độ tiền lương, cách thức tổ chức/vận hành cơ quan hữu quan đã được pháp luật điều chỉnh một cách rõ ràng, chi tiết và phù hợp với mục tiêu mà Nhà nước đã đặt ra. Qua đó, cho thấy được tầm quan trọng của vấn đề trong việc đảm bảo, thực thi quyền con người.