Cấm huy động vốn là gì? Quy định của Bộ luật hình sự về cấm huy động vốn? Điều kiện cho phép áp dụng hình phạt cấm huy động vốn?
Pháp nhân thương mại là chủ thể phạm tội mới được quy định trong
Cơ sở pháp lý:
– Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017.
Mục lục bài viết
1. Cấm huy động vốn là gì?
Pháp nhân thương mại phạm tộ là pháp nhân thương mại trong quá trình hoạt động kinh doanh đã thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội được luật hình sự quy định là tội phạm
Trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại là một dạng trách nhiệm pháp lý, là hậu quả pháp lý bất lợi mà pháp nhân thương mại phải gánh chịu trước nhà nước do pháp nhân đó thực hiện hành vi phạm tội theo quy định của Bộ luật hình sự 2015.
Cấm huy động vốn là hình phạt bổ sung đối với pháp nhân thương mại phạm tội nhằm buộc pháp nhân thương mại không được huy động vốn bằng các hình thức khác nhau.
Trong đó huy động vốn được hiểu là cách mà tổ chức kinh tế, doanh nghiệp kêu gọi các tổ chức, cá nhân khác cung ứng các nguồn vốn là tiền mặt, tài sản… cho mục tiêu mà tổ chức kinh tế đưa ra. Có nhiều hình thức huy động vốn như:
– Huy động vốn chủ sở hữu: là khoản vốn các sáng lập viên.
– Huy động vốn từ lợi nhuận không chia.
– Huy động vốn từ các tổ chức tín dụng, ngân hàng: vay bổ sung nguồn vốn cố định hoặc lưu động.
– Huy động vốn qua phát hành cổ phiếu hoặc trái phiếu: đây là công cụ chỉ áp dụng với doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp thu được lượng vốn lớn để mở rộng và phát triển doanh nghiệp. Hình thức này giúp doanh nghiệp tăng lượng vốn đối ứng để thực hiện các dự án có quy mô lớn hơn, cũng như nâng cao khả năng vay vốn của doanh nghiệp. Doanh nghiệp không phải trả lại tiền gốc cũng như không bắt buộc phải trả cổ tức nếu như doanh nghiệp làm ăn không có lãi bởi cổ tức của doanh nghiệp được chia từ lợi nhuận sau thuế. Mở rộng quy mô tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh do tiếp thu được các nguồn lực mới cả về tài chính, công nghệ, thị trường, kinh nghiệm và bản lĩnh kinh doanh cũng như các tiềm lực phát triển khác từ cổ đông và các đối tác mới trong và ngoài doanh nghiệp trong và ngoài nước.
– Huy động bằng tín dụng thương mại: Nguồn vốn này được hình thành tự nhiên trong quan hệ mua bán chịu, mua bán trả chậm hay trả góp.
2. Quy định của Bộ luật hình sự về cấm huy động vốn:
Hình phạt cấm huy động vốn được quy định tại Điều 81 Bộ luật hình sự 2015 như sau:
“Điều 81. Cấm huy động vốn
1. Cấm huy động vốn được áp dụng khi xét thấy nếu để pháp nhân thương mại bị kết án huy động vốn thì có nguy cơ tiếp tục phạm tội.
2. Các hình thức cấm huy động vốn bao gồm:
a) Cấm vay vốn ngân hàng, tổ chức tín dụng hoặc các quỹ đầu tư;
b) Cấm phát hành, chào bán chứng khoán;
c) Cấm huy động vốn khách hàng;
d) Cấm liên doanh, liên kết trong và ngoài nước;
đ) Cấm hình thành quỹ tín thác bất động sản.
3.
4. Thời hạn cấm huy động vốn là từ 01 năm đến 03 năm, kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật”.
3. Điều kiện cho phép áp dụng hình phạt cấm huy động vốn:
Trước khi đến với điều kiện riêng thì ta phải xem có đáp ứng điều kiện chung về việc pháp nhân thương mại phải chịu trách nhiệm hình sự. Theo quy định tại ĐIều 75 Bộ luật hình sự 2015 thì pháp nhân thương mại chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự khi có đủ các điều kiện sau:
– Hành vi phạm tội được thực hiện nhân danh pháp nhân thương mại. Mọi hoạt động của pháp nhân thương mại được tiến hành thông qua hành vi của cá nhân (người đại diện của pháp nhân). Hành vi của cá nhân này là nhân danh pháp nhân để thực hiện các hoạt động kinh doanh, hành vi phạm tội nhằm đem lại lợi ích bất hợp pháp cho pháp nhân. Chính vì vậy, chỉ khi nào những hành vi phạm tội được thực hiện nhân danh pháp nhân thương mại thì mới làm phát sinh điều kiện truy cứu trách nhiệm hình sự của pháp nhân đó.
– Hành vi phạm tội được thực hiện vì lợi ích của pháp nhân thương mại. Mặc dù pháp nhân thương mại hoạt động thông qua hành vi của cá nhân nhưng những hành vi đó là nhân danh quyền và nghĩa vụ của pháp nhân, đồng thời được coi là hành vi và sự thể hiện ý chí của pháp nhân thương mại. Hành vi phạm tội phải được thực hiện vì lợi ích của pháp nhân thương mại, tức pháp nhân thương mại đó phải là chủ thể được hưởng lợi từ hành vi phạm tội. Những lợi ích này thông thường là tài sản, tiền bạc, cũng có thể là những dạng lợi ích vật chất khác, những lợi ích này có thể đã được mang lại hoặc sẽ mang lại cho pháp nhân.
– Hành vi phạm tội được thực hiện có sự chỉ đạo, điều hành hoặc chấp thuận của pháp nhân thương mại. Pháp nhân thương mại có chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, được quy định trong điều lệ hoặc các văn bản khác. Tập thể lãnh đạo pháp nhân là cá nhân nhân danh pháp nhân để đưa ra phương hướng, mục tiêu hoạt động, phân công vai trò, vị trí, nhiệm vụ cho các cá nhân khác trong pháp nhân để tổ chức thực hiện các nhiệm vụ cụ thể của pháp nhân thương mại. Do đó, trường hợp các cá nhân thực hiện hành vi phạm tội có sự chỉ đạo, điều hành hoặc chấp thuận của pháp nhân thương mại thì pháp nhân thương mại đó phải chịu trách nhiệm hình sự.
– Chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 27 của Bộ luật này. Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 2, 3 Điều 27 được quy định như sau:
“2. Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự được quy định như sau:
a) 05 năm đối với tội phạm ít nghiêm trọng;
b) 10 năm đối với tội phạm nghiêm trọng;
c) 15 năm đối với tội phạm rất nghiêm trọng;
d) 20 năm đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
3. Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự được tính từ ngày tội phạm được thực hiện. Nếu trong thời hạn quy định tại khoản 2 Điều này, người phạm tội lại thực hiện hành vi phạm tội mới mà Bộ luật này quy định mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy trên 01 năm tù, thì thời hiệu đối với tội cũ được tính lại kể từ ngày thực hiện hành vi phạm tội mới.”
Bên cạnh những điều kiện chung thì cấm huy động vốn được áp dụng khi xét thấy nếu để pháp nhân thương mại bị kết án huy động vốn thì có nguy cơ tiếp tục phạm tội. Có thể nói, vốn là điều kiện cần thiết cho việc duy trì cũng như mở rộng kinh doanh đối với doanh nghiệp. Pháp nhân thương mại với một mục đích chính và duy nhất là hoạt động thương mại nhằm tìm kiếm lợi nhuận, trong quá trình hoạt động cũng như trên thực tế hiện nay của môi trường doanh nghiệp – một loại hình của pháp nhân thương mại thì đa số các pháp nhân này đều sử dụng nguồn tài chính từ bên ngoài để hoạt động kinh doanh thông qua các kênh huy động vốn khác nhau. Do vậy, việc cấm huy động vốn có thể hạn chế hoạt động kinh doanh mà trong đó có nguy cơ tội phạm tiếp tục phát sinh.
4. Các hình thức cấm huy động vốn:
– Cấm vay vốn ngân hàng, tổ chức tín dụng hoặc các quỹ đầu tư;
– Cấm phát hành, chào bán chứng khoán: Chào bán chứng khoán là hoạt động phát hành chứng khoán để thu hút vốn nhằm thỏa mãn nhu cầu về vốn của chủ thể chào bán. Một pháp nhân khi phát hành và chào bán chứng khoán ra thị trường cho dù dưới hình thức nào đi nữa thì mục đích cuối cùng cũng là nhằm tăng nguồn tài chính cho pháp nhân phát hành.
– Cấm huy động vốn khách hàng: việc áp dụng chế tài cấm huy động vốn theo phương thức này chỉ thực sự phát huy hiệu quả đối với các lĩnh vực hoạt động, ngành nghề mà theo quy định của pháp luật pháp nhân muốn huy động vốn trước của khách hàng phải đáp ứng các điều kiện luật định. Tuy nhiên đối với các hoạt động khác thì việc huy động vốn trước lại phụ thuộc vào thỏa thuận, ý chí giữa pháp nhân và khách hàng của mình mà không có các ràng buộc về điều kiện luật định nên rất khó để thực thi trên thực tế khi áp dụng chế tài này đối với pháp nhân thương mại bị kết án.
– Cấm liên doanh, liên kết trong và ngoài nước: Liên doanh, liên kết là việc pháp nhân thương mại cùng với các pháp nhân, đơn vị, cá nhân, tổ chức khác góp vốn để thực hiện một hoạt động kinh doanh nào đó với mục đích là cùng hưởng lợi nhuận trên cơ sở tỷ lệ nguồn vốn của mỗi bên khi tham gia vào mối quan hệ liên doanh, liên kết này.
– Cấm hình thành quỹ tín thác bất động sản: Quỹ tín thác bất động sản hay còn goi là Reit (Real estate investment trust) là hình thức góp vốn cho một hay nhiều dự án bất động sản từ những cá nhân, tổ chức khác, thông qua việc phát hành các chứng từ có giá như cổ phiếu, chứng chỉ quỹ.
Trên đây là các hình thức khác nhau giúp pháp nhân thương mại tăng nguồn vốn của mình.
5. Thời hạn cấm huy động vốn:
Cấm huy động vốn của pháp nhân là việc buộc pháp nhân đó phải gánh chịu những thiệt hại nhất định, cũng nhằm mục đích ngăn chặn pháp nhân thương mại phạm tội. Theo đó, thời hạn cấm huy động là từ 01 năm đến 03 năm, kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật.