Một số quy định về hợp đồng thuê khoán? Quyền và nghĩa vụ của các chủ thể trong hợp đồng thuê khoán?
Ngày nay, các hợp đồng dân sự có những vai trò và ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển của đất nước. Pháp luật nước ta quy định nhiều loại hợp đồng dân sự khác nhau.
Luật sư tư vấn luật qua điện thoại trực tuyến miễn phí: 1900.6568
1. Một số quy định về hợp đồng thuê khoán:
1.1. Hợp đồng thuê khoán tài sản là gì?
Điều 483
Hiểu một cách đơn giản thì hợp đồng thuê khoán tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó một bên chuyển cho bên kia tư liệu sản xuất của mình để bên thuê khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức trong một thời hạn nhất định.
1.2. Đối tượng của hợp đồng thuê khoán:
Đối tượng của hợp đồng thuê khoán có thể là đất đai, rừng, mặt nước chưa khai thác, gia súc, cơ sở sản xuất, kinh doanh, tư liệu sản xuất khác cùng trang thiết bị cần thiết để khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức, trừ trường hợp pháp luật có các quy định khác.
1.3. Hình thức của hợp đồng thuê khoán:
Thuê khoán tài sản được hiểu là việc các chủ thể thuê tư liệu sản xuất để kinh doanh. Do đó, phụ thuộc vào công việc kinh doanh của bên thuê tài sản mà các chủ thể này sẽ lựa chọn tư liệu sản xuất phù hợp để thuê.
Chính bởi đặc điểm đó mà hiện nay các đối tượng của hợp đồng thuê khoán đa dạng và hình thức phong phú theo hình thức của giao dịch.
Tuy nhiên, hợp đồng thuê khoán sẽ cần phải có công chứng hoặc chứng thực hoặc phải đăng kí tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền nếu pháp luật có quy định. Cơ quan Nhà nước có trách nhiệm giám sát, kiểm tra việc sử dụng tài sản thuê khoán là bất động sản để ngăn chặn các hành vi khai thác tài sản thuê khoán sai mục đích sử dụng mà pháp luật đã quy định.
1.4. Thời hạn thuê khoán:
Thời hạn thuê khoán tài sản sẽ do các bên tự thỏa thuận và nêu rõ trong hợp đồng. Đối với trường hợp các bên không có thỏa thuận hoặc có thỏa thuận nhưng không rõ ràng thì thời hạn thuê khoán được xác định theo chu kỳ sản xuất, kinh doanh phù hợp với tính chất của đối tượng thuê khoán.
Dựa vào giá trị sử dụng của vật thuê khoán mà các bên sẽ tự thỏa thuận về thời hạn thuê tài sản tuy nhiên thời hạn thuê khoán không thể thấp hơn một chu kì khai thác thông thường vật thuê khoán và sẽ còn phụ thuộc vào những vật chất khác mà các chủ thể là người thuê khoán dùng để khai thác công dụng của vật thuê.
1.5. Giá cả và thời hạn trong hợp đồng thuê khoán:
Hiểu một cách đơn giản thì giá thuê khoán là khoản tiền mà bên thuê khoán sẽ có trách nhiệm phải trả cho bên cho thuê khoán. Giá thuê khoán sẽ do các bên thỏa thuận với nhau.
Trong trường hợp thuê khoán thông qua đấu thầu thì giá thuê khoán là giá xác định khi đấu thầu. Phương thức trả tiền thuê cũng sẽ do các bên thỏa thuận.
Thời hạn thuê khoán do các bên thỏa thuận theo chu là sản xuất, kinh doanh phù hợp với tính chất của đối tượng thuê khoán theo quy định cụ thể tại Điều 485
1.6. Đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng thuê khoán:
Trong trường hợp một bên đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng thuê khoán thì bên đó sẽ có trách nhiệm phải báo cho bên kia biết trước một thời gian hợp lý.
Trong trường hợp nếu thuê khoán theo thời vụ hoặc theo chu kỳ khai thác thì thời hạn báo trước phải phù hợp với thời vụ hoặc chu kỳ khai thác.
Còn đối với trường hợp bên thuê khoán vi phạm nghĩa vụ mà việc khai thác đối tượng thuê khoán là nguồn sống duy nhất của bên thuê khoán và việc tiếp tục thuê khoán không làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích của bên cho thuê khoán thì bên cho thuê khoán không được đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng thuê khoán tài sản. Trong trường hợp này thì bên thuê khoán phải cam kết với bên cho thuê khoán không được tiếp tục vi phạm hợp đồng.
2. Quyền và nghĩa vụ của các chủ thể trong hợp đồng thuê khoán:
2.1. Các chủ thể của hợp đồng thuê khoán tài sản:
Chủ thể của hợp đồng thuê khoán tài sản là bên cho thuê khoán và bên thuê khoán.
Cụ thể:
– Bên cho thuê khoán có thể là chủ sở hữu của tài sản được thuê khoán hoặc là người có thẩm quyền cho thuê đất, rừng, mặt nước chưa khai thác. Nếu đối tượng của hợp đồng là bất động sản hoặc tài sản phải đăng kí quyền sở hữu thì các bên phải lập thành văn bản, có chứng nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, đồng thời có nghĩa vụ phải đăng kí hợp đồng theo quy định của pháp luật.
– Bên thuê khoán tài sản có thể là cá nhân, pháp nhân, hộ gia đình, tổ hợp tác có đầy đủ năng lực hành vi do pháp luật quy định.
2.2. Quyền và nghĩa vụ của bên cho thuê khoán tài sản:
Nghĩa vụ của bên cho thuê khoán tài sản:
Theo Đều 487 Bộ Luật dân sự năm 2015 quy định nội dung sau đây:
Khi thực hiện việc giao tài sản thuê khoán, các bên sẽ phải lập biên bản đánh giá tình trạng của tài sản và xác định trị giá của tài sản thuê khoán để bảo đảm quyền lợi của các bên và xác định tình trạng tài sản phù hợp với mức độ khấu hao đã thỏa thuận khi trả lại tài sản. Nếu bên thuê làm mất tài sản hoặc làm giảm sút giá trị mức khấu hao tài sản thì bên cho thuê có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Không những thế, bên cho thuê có nghĩa vụ giao tài sản thuê đúng thời hạn, đúng tình trạng đã thỏa thuận.
Trong trường hợp cho thuê súc vật cày kéo mà chết do trở ngại khách quan thì phải chịu một nửa số thiệt hại đó.
Bên cho thuê khoán tài sản sẽ phải nhận tài sản khi hết hạn hợp đồng.
Quyền của bên cho thuê khoán tài sản:
– Quyền yêu cầu bên thuê trả tiền thuê:
Bên cho thuê khoán tài sản được pháp luật quy định có quyền yêu cầu bên thuê phải trả tiền thuê như thỏa thuận và đúng phương thức. Tiền thuê có thể bằng hiện vật, bằng tiền hoặc bằng việc thực hiện một công việc.
– Quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng:
Bên cho thuê khoán tài sản sẽ có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng trong những trường hợp sau:
+ Bên cho thuê khoán tài sản sẽ có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng nếu bên thuê khoán vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ của mình, dựa trên căn cứ đã thỏa thuận hoặc do pháp luật quy định. Bên cho thuê đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng nhưng phải báo trước cho bên thuê với một khoảng thời gian hợp lí phù hợp với thời vụ hoặc chu kì khai thác.
+ Bên cho thuê khoán tài sản sẽ có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng nếu bên thuê khoán vi phạm nghĩa vụ mà việc khai thác đối tượng thuê khoán không phải là nguồn sống duy nhất của bên thuê khoán,
2.3. Quyền và nghĩa vụ của bên thuê khoán tài sản:
Nghĩa vụ của bên thuê khoán tài sản:
– Bên thuê khoán tài sản có nghĩa vụ khai thác tài sản thuê khoán:
Bên thuê khoán tài sản sẽ có nghĩa vụ phải khai thác tài sản thuê khoán đúng mục đích đã thỏa thuận và báo cho bên thuê khoán theo định kỳ về tình trạng tài sản và tình hình khai thác tài sản. Trong trường hợp nếu bên cho thuê khoán có yêu cầu hoặc cần báo đột xuất thì bên thuê khoán phải báo kịp thời. Khi bên thuê khoán khai thác công dụng tài sản thuê khoán không đúng mục đích thì bên cho thuê khoán có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Bên thuê khoán phải khai thác tài sản thuê khoán đúng công dụng, mục đích đã thỏa thuận trước đó.
– Bên thuê khoán tài sản có nghĩa vụ bảo quản, bảo dưỡng, định đoạt tài sản thuê khoán:
Trong thời hạn bên thuê khoán tài sản khai thác tài sản thuê khoán, bên thuê khoán phải bảo quản, bảo dưỡng tài sản thuê khoán và trang thiết bị kèm theo bằng chi phí của mình, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Trong trường hợp nếu bên thuê khoán làm mất, hư hỏng hoặc làm mất giá trị, giảm sút giá trị tài sản thuê khoán thì phải bồi thường thiệt hại. Bên thuê khoán không chịu trách nhiệm về những hao mòn tự nhiên do sử dụng tài sản thuê khoán.
Bên thuê khoán tài sản sẽ có thể tự mình sửa chữa, cải tạo tài sản thuê khoán, nếu có thỏa thuận và phải bảo toàn giá trị tài sản thuê khoán.
Bên cho thuê khoán tài sản sẽ phải thanh toán cho bên thuê khoán chi phí hợp lý để sửa chữa, cải tạo tài sản thuê khoán theo thỏa thuận.
Bên thuê khoán tài sản sẽ không được cho thuê khoán lại trừ trường hợp được bên cho thuê khoán đồng ý.
– Nghĩa vụ trả tiền thuê khoán:
Bên thuê khoán có nghĩa vụ trả tiền thuê khoán kể cả trong những trường hợp không khai thác được công dụng của tài sản thuê khoán.
– Nghĩa vụ về việc cho thuê khoán lại:
Trong thời hạn thuê khoán, chủ thể là người thuê khoán không được cho thuê khoán lại nếu không được sự đồng ý của bên cho thuê.
Nếu có sự đồng ý của bên cho thuê, bên thuê cho người thứ ba thuê lại thì quan hệ hợp đồng giữa người cho thuê và người thuê vẫn tồn tại và phát sinh quan hệ thuê thứ hai giữa người thuê và người thuê lại.
– Bên thuê khoán tài sản có nghĩa vụ trả lại tài sản thuê khoán:
Khi các bên đã chấm dứt hợp đồng thuê khoán, bên thuê khoán phải trả lại tài sản thuê khoán ở tình trạng phù hợp với mức độ khấu hao đã thỏa thuận; nếu làm mất giá trị hoặc giảm sút giá trị của tài sản thuê khoán thì phải bồi thường thiệt hại.
Quyền của bên thuê khoán tài sản:
Bên thuê khoán tài sản sẽ có quyền yêu cầu các chủ thể là bên cho thuê khoán tài sản đó giao cho mình đúng tài sản thuê khoán đã thỏa thuận trước đó.
Bên thuê khoán tài sản sẽ có quyền khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản thuê khoán trong thời hạn thuê.
Trong trường hợp đối tượng của thuê khoán là súc vật thì bên thuê khoán có quyền hưởng một nửa số súc vật sinh ra và phải chịu một nửa thiệt hại về súc vật thuê khoán do rủi ro.
Như vậy, nếu các bên trong hợp đồng thuê khoán không có thỏa thuận trước, súc vật được sinh ra trong thời hạn thuê khoán thì bên thuê khoán được hưởng một nửa. Đối với trường hợp súc vật sinh ra mà chết, bên thuê khoán không phải chịu trách nhiệm bồi thường.
Khi hợp đồng bị đơn phương chấm dứt, bên thuê khoán sẽ phải trả lại tài sản cho bên cho thuê. Nếu bên thuê đã đầu tư trang thiết bị, kĩ thuật vào tài sản thuê khoán thì sẽ có quyền yêu cầu bên cho thuê thanh toán những khoản chi phí đó. Còn nếu bên thuê khoán vi phạm hợp đồng mà gây thiệt hại cho bên cho thuê thì phải bồi thường thiệt hại đó theo đúng quy định pháp luật.