Hợp đồng gia công là một trong những loại hợp đồng rất phổ biến hiện nay. Trong quá trình thực hiện, hợp đồng sẽ có thể xảy ra nhiều rủi ro cho cả hai phía. Dưới đây là những quy định về trách nhiệm chịu rủi ro trong hợp đồng gia công mọi người cần nắm được:
Mục lục bài viết
- 1 1. Quy định trách nhiệm chịu rủi ro trong hợp đồng gia công đối với bên nhận gia công:
- 2 2. Quy định trách nhiệm chịu rủi ro trong hợp đồng gia công đối với bên đặt gia công:
- 3 3. Quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng gia công:
- 4 4. Những nội dung cơ bản trong điều khoản về trách nhiệm của các bên trong hợp đồng gia công:
1. Quy định trách nhiệm chịu rủi ro trong hợp đồng gia công đối với bên nhận gia công:
Hợp đồng gia công được hiểu là sự thỏa thuận của các bên, cụ thể bên nhận gia công thực hiện các công việc với mục đích tạo ra những sản phẩm trên cơ sở yêu cầu của bên đặt gia công, bên đặt gia công nhận sản phẩm và sau đó trả tiền công. Đây là một loại hợp đồng rất phổ biến trong hoạt động sản xuất và kinh doanh. Và đối với các hợp đồng nói chung, hợp đồng gia công nói riêng sẽ có những rủi ro nhất định. Trách nhiệm chịu rủi ro trong hợp đồng gia công hiện nay được quy định như sau:
– Trên thực tế, bên nhận gia công có thể là cá nhân hoặc tổ chức thực hiện các công việc gia công sản phẩm theo yêu cầu của khách hàng (bên đặt gia công). Ngoài việc chịu trách nhiệm đối với sản phẩm gia công, bên nhận gia công còn phải có trách nhiệm đối với chính những nguyên vật liệu sử dụng. Cụ thể, cho đến khi sản phẩm được giao cho bên đặt gia công, nếu như bên nào là chủ sở hữu của nguyên vật liệu sẽ phải chịu trách nhiệm rủi ro đối với nguyên vật liệu hoặc sản phẩm được tạo ra từ nguyên vật liệu đó, ngoại trừ những trường hợp các bên có sự thỏa thuận khác.
Như vậy, bên đặt gia công có thể sẽ giao toàn bộ quá trình từ việc lựa chọn, lấy nguyên vật liệu để tạo ra sản phẩm cho bên đặt gia công. Do đó, bên gia công phải chịu mọi rủi ro về nguyên vật liệu và sản phẩm cho đến khi chuyển giao sản phẩm đó cho bên gia công. Thời điểm chuyển giao quyền sở hữu chính là thời điểm chuyển giao sản phẩm.
– Bên cạnh đó, bên nhận gia công cũng phải chịu trách nhiệm nếu như giao chậm sản phẩm cho bên đặt gia công. Trong hợp đồng gia công sẽ có quy định về nội dung thời gian thực hiện hợp đồng, nếu bên gia công chậm giao cũng chính là vi phạm hợp đồng. Và hành vi vi phạm này gây ra thiệt hại, theo quy định bên nhận gia công sẽ phải bồi thường thiệt hại xảy ra cho bên đặt gia công.
2. Quy định trách nhiệm chịu rủi ro trong hợp đồng gia công đối với bên đặt gia công:
Đối với bên đặt gia công, tương tự như bên nhận gia công, bên đặt gia công cũng là cá nhân hoặc tổ chức có nhu cầu và thuê đơn vị để thực hiện (bên nhận gia công). Trong hợp đồng, bên đặt gia công cũng phải chịu trách nhiệm đối với những rủi ro với sản phẩm.
– Theo quy định của Bộ luật dân sự 2015 thì chủ sở hữu phải chịu rủi ro về tài sản thuộc sở hữu của mình. Nếu như nguyên vật liệu do bên đặt gia công giao cho bên nhận gia công làm thì bên đặt gia công chính là chủ sở hữu của nguyên vật liệu và phải chịu trách nhiệm đối với nguyên vật liệu đó.
– Bên đặt gia công chậm nhận sản phẩm sẽ phải có trách nhiệm chịu rủi ro trong thời gian chậm nhận, bao gồm cả những trường hợp sản phẩm được tạo ra từ nguyên vật liệu của bên nhận gia công. bên gia công thực hiện gia công tài sản trong thời hạn đó, khi kết thúc thời hạn thì phải chuyển giao sản phẩm đã hoàn thành cho bên đặt gia công. Khi tài sản được chuyển giao cho bên đặt gia công thì trách nhiệm chịu rủi ro cũng được chuyển giao lại cho chủ sở hữu của nó là bên đặt gia công. Điều này được hiểu quyền sở hữu tài sản của bên đặt gia công sẽ được xác định theo thời hạn kết thúc hợp đồng.
3. Quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng gia công:
Thứ nhất, về quyền và nghĩa vụ của bên đặt gia công:
– Được quyền nhận sản phẩm gia công theo đúng số lượng, chất lượng, phương thức, thời hạn và địa điểm đã thỏa thuận.
– Nếu bên nhận gia công vi phạm nghiêm trọng hợp đồng thì được quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng và được quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại.
– Bên đặt gia công có quyền hủy bỏ hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại nếu như sản phẩm không bảo đảm chất lượng mà bên đặt gia công đồng ý nhận sản phẩm và yêu cầu sửa chữa nhưng bên nhận gia công không thể sửa chữa được trong thời hạn thỏa thuận.
– Có nghĩa vụ cung cấp nguyên vật liệu theo đúng số lượng, chất lượng, thời hạn và địa điểm đã thỏa thuận cho bên nhận gia công; cung cấp giấy tờ cần thiết liên quan đến việc gia công.
– Có nghĩa vụ trả tiền công theo thỏa thuận trong hợp đồng.
– Có nghĩa vụ chỉ dẫn cho bên nhận gia công thực hiện hợp đồng.
Thứ hai, quyền và nghĩa vụ của bên nhận gia công:
– Có quyền yêu cầu bên đặt gia công giao nguyên vật liệu đúng chất lượng, số lượng, thời hạn và địa điểm đã thỏa thuận.
– Trong quá trình thực hiện hợp đồng nếu thấy chỉ dẫn của bên đặt gia công có thể làm giảm chất lượng sản phẩm thì có quyền từ chối nhưng phải báo ngay cho bên đặt gia công.
– Được quyền yêu cầu bên gia công phải trả đầy đủ tiền công đúng thời hạn cũng như đúng phương thức đã thỏa thuận.
– Có nghĩa vụ bảo quản nguyên vật liệu do các bên đặt gia công cung cấp.
– Nếu nguyên vật liệu không bảo đảm chất lượng; từ chối thực hiện gia công, nếu biết hoặc phải biết việc sử dụng nguyên vật liệu có thể tạo ra sản phẩm nguy hại cho xã hội thì có nghĩa vụ báo cho bên đặt gia công biết để đổi nguyên vật liệu khác.
– Có nghĩa vụ giao sản phẩm cho bên đặt gia công đúng số lượng, chất lượng, phương thức, thời hạn và địa điểm đã thỏa thuận.
– Phải có trách nhiệm giữ bí mật thông tin về quy trình gia công và sản phẩm tạo ra.
– Đảm bảo chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm, trừ trường hợp sản phẩm không bảo đảm chất lượng do nguyên vật liệu mà bên đặt gia công cung cấp hoặc do sự chỉ dẫn không hợp lý của bên đặt gia công.
– Sau khi hoàn thành hợp đồng có nghĩa vụ hoàn trả nguyên vật liệu còn lại cho bên đặt gia công.
4. Những nội dung cơ bản trong điều khoản về trách nhiệm của các bên trong hợp đồng gia công:
Trong hợp đồng gia công, trách nhiệm chịu rủi ro về sản phẩm của các bên là rất quan trọng cần được quy định trong hợp đồng. Ví dụ, trong hợp đồng các bên phải quy định được những nội dung sau:
– Trường hợp bên nhận gia công chậm giao sản phẩm thì bên đặt gia công có thể gia hạn; nếu hết thời hạn đó mà bên nhận gia công vẫn chưa hoàn thành công việc thì bên đặt gia công có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại.
– Trường hợp bên đặt gia công chậm nhận sản phẩm thì bên nhận gia công có thể gửi sản phẩm đó tại nơi nhận gửi giữ và phải báo ngay cho bên đặt gia công. Nghĩa vụ giao sản phẩm hoàn thành khi đáp ứng được các điều kiện đã thỏa thuận tại hợp đồng này và bên nhận gia công đã được thông báo. Bên đặt gia công phải chịu mọi chi phí phát sinh từ việc gửi giữ.
Đưa ra khoản phạt khi một trong các bên vi phạm hợp đồng:
– Trường hợp bên đặt gia công không thực hiện đúng nghĩa vụ trả tiền thì phải trả lãi trên số tiền chậm trả đó theo lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường tại thời điểm thanh toán tương ứng với thời gian chậm trả.
– Bồi thường thiệt hại: Bên vi phạm có nghĩa vụ phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật cho bên bị vi phạm (nếu có).
– Phạt vi phạm hợp đồng: Bên vi phạm nghĩa vụ phải nộp một khoản tiền bằng … % giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm cho bên bị vi phạm.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
Bộ luật dân sự năm 2015.