Hiện nay, để tránh các trường hợp lạm quyền, nhũng nhiễu, nếu người làm công tác trong công an nhân dân khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cơ quan, cá nhân thì công dân, cán bộ, chiến sĩ công an nhân dân có quyền tố cáo và cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm tiếp nhận và giải quyết tố cáo. Vậy quy định về tố cáo và giải quyết tố cáo trong Công an nhân dân như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Quyền tố cáo trong Công an nhân dân:
Đối với hành vi vi phạm pháp luật của cơ quan, đơn vị, cán bộ, chiến sĩ Công an trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ thì cá nhân có quyền tố cáo với cơ quan, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền trong Công an nhân dân về hành vi vi phạm gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của xcơ quan, tổ chức, cá nhân.
Căn cứ Điều 9 Thông tư 85/2020/TT-BCA quy định các hình thức tố cáo như sau:
Thứ nhất, việc tố cáo được thực hiện bằng đơn hoặc trình bày trực tiếp tại cơ quan, đơn vị Công an có thẩm quyền theo quy định.
Thứ hai, đối với hành vi tham nhũng, vi phạm của cán bộ, chiến sĩ Công an thì có thể tố cáo qua phương tiện thông tin đại chúng, đường dây điện thoại nóng hoặc qua cổng thông tin điện tử.
2. Thẩm quyền giải quyết tố cáo trong Công an nhân dân:
Căn cứ Điều 5 Nghị định 22/2019/NĐ-CP, được hướng dẫn tại Điều 8 Thông tư 85/2020/TT-BCA quy định về việc tiếp nhận, xử lý, giải quyết tố cáo và quản lý công tác giải quyết tố cáo trong Công an nhân dân do Bộ Công an ban hành thì cơ quan có thẩm quyền giải quyết tố cáo được xác định như sau:
2.1. Thẩm quyền giải quyết tố cáo trong Công an nhân dân đối với cán bộ, chiến sĩ đang công tác tại cơ quan, đơn vị:
– Đối với đơn tố cáo hành vi của cán bộ, chiến sĩ Công an thuộc quyền quản lý trực tiếp: Trưởng Công an phường, Trưởng đồn, Trưởng trạm Công an, Trưởng Công an thị trấn, Trưởng Công an xã thuộc biên chế của lực lượng Công an nhân dân (gọi chung là Trưởng Công an cấp xã) giải quyết tố cáo, trừ Phó Trưởng Công an cấp xã thì do Trưởng công an cấp quận/huyện đó giải quyết.
– Đối với đơn tố cáo hành vi của Trưởng Công an cấp xã, Phó Trưởng Công an cấp xã và cán bộ, chiến sĩ từ Đội trưởng trở xuống, trừ trường hợp thuộc thẩm quyền giải quyết của Trưởng Công an cấp xã; giải quyết tố cáo đơn vị Công an cấp xã, đội thuộc quyền quản lý trực tiếp: Thẩm quyền giải quyết tố cáo là Trưởng Công an quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương (gọi chung là Trưởng Công an cấp huyện).
– Đối với việc tố cáo cán bộ, chiến sĩ từ Đội trưởng và tương đương trở xuống; giải quyết tố cáo đơn vị cấp đội hoặc tương đương cấp đội thuộc quyền quản lý trực tiếp: Thẩm quyền giải quyết tố cáo là Trưởng phòng, Thủ trưởng đơn vị tương đương cấp phòng thuộc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (gọi chung là Công an cấp tỉnh).
Hiệu trưởng trường giáo dưỡng, Giám đốc cơ sở giáo dục bắt buộc, Giám thị trại giam; Trưởng phòng, Thủ trưởng các đơn vị tương đương cấp phòng có con dấu riêng thuộc đơn vị cấp cục và tương đương thuộc cơ quan bộ thì có thẩm quyền giải quyết tố cáo đối với cán bộ, chiến sĩ từ Đội trưởng và tương đương trở xuống; đơn vị cấp đội hoặc tương đương cấp đội thuộc quyền quản lý trực tiếp.
– Đối với hành vi bị tố cáo của Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng, Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng đơn vị tương đương cấp phòng thuộc Công an cấp tỉnh, Trưởng Công an cấp huyện, Phó Trưởng Công an cấp huyện; việc giải quyết tố cáo đơn vị Công an cấp huyện, cấp phòng và đơn vị tương đương do Công an cấp tỉnh quản lý trực tiếp: thì thẩm quyền giải quyết tố cáo do Giám đốc Công an cấp tỉnh.
– Đối với hành vi bị tố cáo của cán bộ giữ chức vụ Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng, Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng đơn vị tương đương cấp phòng và cán bộ, chiến sĩ thuộc thẩm quyền giải quyết của Trưởng phòng, Thủ trưởng đơn vị tương đương cấp phòng nhưng không có con dấu riêng; giải quyết tố cáo đơn vị cấp phòng và tương đương cấp phòng thuộc quyền quản lý trực tiếp, đơn vị cấp đội hoặc tương đương cấp đội thuộc thẩm quyền giải quyết của Trưởng phòng, Thủ trưởng đơn vị tương đương cấp phòng nhưng không có con dấu riêng thì thẩm quyền giải quyết do Cục trưởng, Thủ trưởng đơn vị tương đương cấp cục thuộc cơ quan bộ.
– Đối với việc tố cáo hành vi của Cục trưởng, Phó Cục trưởng hoặc tương đương thuộc cơ quan bộ, Giám đốc, Phó Giám đốc Công an cấp tỉnh, cán bộ khác do Bộ trưởng trực tiếp quản lý (nếu có); giải quyết tố cáo đơn vị Công an cấp tỉnh, cấp cục và tương đương cấp cục thì Bộ trưởng có thẩm quyền giải quyết tố cáo.
– Đối với hành vi bị tố cáo trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, chiến sĩ Công an thuộc thẩm quyền quản lý của nhiều cơ quan, đơn vị Công an thì thẩm quyền giải quyết tố cáo do Thủ trưởng cơ quan, đơn vị Công an trực tiếp quản lý cán bộ, chiến sĩ Công an bị tố cáo chủ trì giải quyết; Thủ trưởng cơ quan, đơn vị có liên quan phối hợp giải quyết.
– Đối với hành vi bị tố cáo của cán bộ, chiến sĩ hoặc cơ quan, đơn vị cấp dưới của cơ quan, đơn vị đã hợp nhất, sáp nhập, chia, tách: thì thẩm quyền giải quyết là Thủ trưởng cơ quan, đơn vị sau hợp nhất, sáp nhập, chia, tách đang quản lý cán bộ, chiến sĩ, cơ quan, đơn vị đó chủ trì giải quyết; Thủ trưởng cơ quan, đơn vị có liên quan phối hợp giải quyết. Thủ trưởng cơ quan, đơn vị quản lý cơ quan, đơn vị Công an trước khi bị giải thể có thẩm quyền giải quyết tố cáo cán bộ, chiến sĩ, cơ quan, đơn vị thuộc cơ quan, đơn vị trong Công an nhân dân.
2.2. Thẩm quyền giải quyết tố cáo đối với cán bộ, chiến sĩ Công an đã chuyển cơ quan, đơn vị hoặc không còn là cán bộ, chiến sĩ Công an:
+ Thủ trưởng cơ quan, đơn vị Công an cấp trên trực tiếp của cơ quan, đơn vị cán bộ, chiến sĩ Công an đó công tác tại thời điểm có hành vi vi phạm pháp luật chủ trì giải quyết; Thủ trưởng cơ quan, đơn vị Công an cấp trên trực tiếp của cơ quan, đơn vị cán bộ, chiến sĩ Công an đang công tác phối hợp giải quyết đối với cán bộ, chiến sĩ Công an bị tố cáo là Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan, đơn vị Công an đã chuyển công tác sang cơ quan, đơn vị Công an khác mà vẫn giữ chức vụ tương đương;
+ Thủ trưởng cơ quan, đơn vị Công an đang quản lý cán bộ, chiến sĩ Công an đó chủ trì giải quyết; Thủ trưởng cơ quan, đơn vị Công an quản lý cán bộ, chiến sĩ bị tố cáo tại thời điểm có hành vi vi phạm pháp luật phối hợp giải quyết cán bộ, chiến sĩ Công an bị tố cáo đã chuyển công tác sang cơ quan, đơn vị Công an khác và giữ chức vụ cao hơn.
+ Thủ trưởng cơ quan, đơn vị Công an quản lý cán bộ, chiến sĩ bị tố cáo tại thời điểm có hành vi vi phạm pháp luật chủ trì giải quyết; Thủ trưởng cơ quan, đơn vị Công an đang quản lý cán bộ, chiến sĩ bị tố cáo phối hợp giải quyết đối với cán bộ, chiến sĩ Công an bị tố cáo đã chuyển công tác sang cơ quan, đơn vị Công an khác không thuộc các trường hợp trên.
+ Thủ trưởng cơ quan, đơn vị Công an có thẩm quyền giải quyết tố cáo đối với cán bộ, chiến sĩ Công an tại thời điểm có hành vi vi phạm pháp luật chủ trì giải quyết; người đứng đầu cơ quan, tổ chức có liên quan phối hợp giải quyết đối với người bị tố cáo không còn là cán bộ, chiến sĩ Công an.
Bộ trưởng Bộ Công an thụ lý, giải quyết tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp dưới nếu xét thấy trường hợp tố cáo cần thiết với nội dung tố cáo phức tạp, gây dư luận xấu trong xã hội, ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của ngành Công an.
3. Trình tự, thủ tục giải quyết tố cáo trong Công an nhân dân:
Quy trình giải quyết tố cáo trong Công an nhân dân do Bộ Công an ban hành thông tư 129/2020/TT-BCA hướng dẫn cụ thể như sau:
3.1. Kiểm tra điều kiện thụ lý và chuẩn bị xác minh nội dung đơn tố cáo:
– Tiếp nhận tố cáo, kiểm tra các điều kiện thụ lý tố cáo
Trong thời hạn 07 ngày làm việc khi nhận nội dung tố cáo thuộc thẩm quyền, người giải quyết tố cáo phải tự mình hoặc giao cho cơ quan, đơn vị, cá nhân có chức năng tiến hành kiểm tra, xác minh về họ tên, địa chỉ người tố cáo; làm việc trực tiếp với người tố cáo và các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác (nếu cần thiết) để xác định các điều kiện thụ lý tố cáo
Trường hợp tố cáo không đủ điều kiện thụ lý thì người giải quyết tố cáo không thụ lý và
– Ban hành quyết định thụ lý tố cáo, quyết định thành lập Đoàn xác minh hoặc Tổ xác minh nội dung tố cáo
Trường hợp đủ điều kiện để thụ lý đơn tố cáo thì người có thẩm quyền giải quyết tố cáo phải ban hành quyết định thụ lý tố cáo theo biểu mẫu quy định.
– Lập hồ sơ giải quyết tố cáo và nhật ký Tổ xác minh
Tổ trưởng Tổ xác minh có trách nhiệm lập hồ sơ giải quyết tố cáo, trình người giải quyết tố cáo hoặc Thủ trưởng cơ quan thanh tra, cơ quan, đơn vị, cá nhân khác được giao xác minh nội dung tố cáo ký quyết định lập hồ sơ giải quyết tố cáo theo quy định của Bộ Công an về công tác hồ sơ thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong Công an nhân dân, ngay sau khi có quyết định giải quyết tố cáo.
– Lập kế hoạch xác minh nội dung tố cáo
Tổ trưởng Tổ xác minh lập và trình người ra quyết định thành lập Tổ xác minh hoặc Thủ trưởng cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ xác minh phê duyệt với nội dung sau: Căn cứ quyết định thành lập Tổ xác minh của người có thẩm quyền để tiến hành xác minh; Mục đích, yêu cầu của việc xác minh; Nội dung xác minh; Cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân cần phải làm việc để thu thập, xác minh các thông tin, tài liệu, chứng cứ; dự kiến thời gian thực hiện từng công việc; Lực lượng phối hợp xác minh (nếu có); Các điều kiện, phương tiện cần thiết phục vụ cho việc xác minh; Thời gian xác minh; việc báo cáo tiến độ thực hiện; các nội dung khác có liên quan đến việc giải quyết tố cáo.
– Thông báo việc thụ lý tố cáo
Người giải quyết tố cáo phải thông báo cho người tố cáo, người bị tố cáo về việc thụ lý tố cáo và các nội dung tố cáo được thụ lý trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày ra quyết định thụ lý tố cáo.
– Công bố quyết định thụ lý tố cáo, quyết định thành lập Tổ xác minh nội dung tố cáo
Công bố Quyết định thụ lý tố cáo, Quyết định thành lập Tổ xác minh nội dung tố cáo trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày ra quyết định thụ lý tố cáo, quyết định thành lập Tổ xác minh nội dung tố cáo, người giải quyết tố cáo hoặc Tổ trưởng Tổ xác minh.
3.2. Xác minh nội dung tố cáo:
– Tổ chức làm việc với người tố cáo để thu thập thông tin, tài liệu, chứng cứ liên quan đến nội dung tố cáo
– Làm việc với người bị tố cáo để thu thập thông tin, tài liệu, chứng cứ liên quan đến nội dung tố cáo. Nội dung làm việc với người bị tố cáo phải được lập thành biên bản theo mẫu quy định, được lập thành 02 bản, có chữ ký của người bị tố cáo (hoặc đại diện lãnh đạo của cơ quan, đơn vị bị tố cáo), giao một bản cho người bị tố cáo (nếu người bị tố cáo yêu cầu) và lưu một bản trong hồ sơ giải quyết tố cáo.
– Căn cứ vào kế hoạch xác minh đã được phê duyệt và yêu cầu của việc giải quyết tố cáo để thu thập thông tin, tài liệu, chứng cứ liên quan đến nội dung tố cáo. Tổ xác minh phải lập biên bản giao nhận khi tiếp nhận thông tin, tài liệu, chứng cứ do người tố cáo, người bị tố cáo, cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan cung cấp trực tiếp.
– Tổ xác minh tiến hành xác minh thực tế ở những địa điểm cần thiết để thu thập, kiểm tra, xác định tính chính xác, hợp pháp của các thông tin, tài liệu, chứng cứ liên quan đến nội dung tố cáo, biên bản xác minh phải có ý kiến của những người tham gia xác minh và những người khác có liên quan, có chữ ký của người xác minh, những người có liên quan và phải lưu trong hồ sơ giải quyết tố cáo.
– Khi xét thấy cần có sự đánh giá về nội dung liên quan đến chuyên môn, kỹ thuật thì người giải quyết tố cáo ra quyết định trưng cầu giám định hoặc ủy quyền Chánh Thanh tra cùng cấp được giao xác minh hoặc người ra quyết định thành lập Tổ xác minh ra quyết định trưng cầu giám định.
3.3. Kết luận nội dung tố cáo, xử lý nội dung tố cáo:
Tổ trưởng Tổ xác minh dự thảo kết luận nội dung tố cáo trình người giải quyết tố cáo ký. Kết luận nội dung tố cáo cần có những nội dung sau: Nội dung tố cáo; kết quả xác minh nội dung tố cáo; Tài liệu, chứng cứ để chứng minh tính đúng, sai của nội dung tố cáo; Kết luận từng nội dung tố cáo; Các biện pháp xử lý, buộc khắc phục hậu quả do hành vi vi phạm pháp luật gây ra theo thẩm quyền của người giải quyết tố cáo; Nội dung buộc khắc phục hậu quả do hành vi vi phạm pháp luật gây ra; Nội dung kiến nghị để xử lý vi phạm, buộc khắc phục hậu quả do hành vi vi phạm gây ra; sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật, áp dụng các biện pháp cần thiết để bảo vệ lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
3.4. Công khai kết kết luận nội dung tố cáo, quyết định xử lý hành vi vi phạm bị tố cáo và kết thúc giải quyết tố cáo:
Người giải quyết tố cáo phải công khai kết luận nội dung tố cáo, người có thẩm quyền xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính phải công khai quyết định xử lý hành vi vi phạm trừ những nội dung thuộc bí mật nhà nước và thông tin về người tố cáo trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày ra kết luận nội dung tố cáo, quyết định xử lý hành vi vi phạm bị tố cáo.
Các văn bản pháp luật sử dụng trong bài viết:
– Nghị định 22/2019/NĐ-CP quy định về tố cáo và giải quyết tố cáo trong Công an nhân dân;
– Thông tư 85/2020/TT-BCA quy định về việc tiếp nhận, xử lý, giải quyết tố cáo và quản lý công tác giải quyết tố cáo trong Công an nhân dân do Bộ Công an ban hành;
– Thông tư 129/2020/TT-BCA quy định về quy trình giải quyết tố cáo trong Công an nhân dân do Bộ Công an ban hành.