Khái quát về tài sản chung của vợ chồng? Quy định sử dụng tài sản chung của vợ chồng để kinh doanh?
Hiện nay, với nhu cầu phát triển của xã hội thì hoạt động sản xuất kinh doanh càng diễn ra phổ biến và ngày càng năng động. Một trong những nguồn vốn có thể tận dụng chính là tài sản chung vợ chồng. Tuy nhiên việc sử dụng tài sản chung của vợ chồng để kinh doanh vẫn còn nhiều tranh cãi và phát sinh nhiều tranh chấp trong thực tế. Vậy pháp luật quy định như thế nào về vấn đề đưa tài sản chung vợ chồng vào kinh doanh? Bài viết dưới đây Luật Dương Gia sẽ giúp người đọc tìm hiểu quy định sử dụng tài sản chung của vợ chồng để kinh doanh trong hệ thống pháp luật Việt Nam.
Luật sư tư vấn luật qua điện thoại trực tuyến miễn phí: 1900.6568
1. Khái quát về tài sản chung của vợ chồng:
Theo quy định tại Điều 105 Bộ luật dân sự 2015 đưa ra quy định về tài sản như sau:
“Tài sản là vật, tiền giấy tờ có giá và quyền tài sản”.
Ta nhận thấy, ngoài vật, tiền hay giấy tờ có giá thì tài sản còn được xác định là quyền tài sản theo quy định tại Điều 115 của
Tài sản chung vợ chồng được quy định trong
“Tài sản chung vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều 40 của Luật này, tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.
Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.
Tài sản chung của vợ, chồng thuộc sở hữu chung hợp nhất, dùng để đảm bảo nhu cầu của gia đình, thực hiện nghĩa vụ chung của vợ chồng. Trong trường hợp không có căn cứ để chứng minh tài sản vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó được coi là tài sản chung”.
Như vậy, theo quy định pháp luật thì về cơ bản, tài sản chung là tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân.
Cách định tài sản chung vợ chồng:
Căn cứ để xác lập tình trạng tài sản chung vợ chồng cần dựa trên các yếu tố cơ bản được quy định sau đây:
Thời kỳ hôn nhân bắt đầu từ khi kết hôn và chấm dứt khi một bên chết hoặc ly hôn. Về mặt nguyên tắc, những tài sản được vợ chồng tạo ra trong thời kỳ hôn nhân mà các cá nhân đều không chứng minh được là tài sản riêng thì đều được coi là tài sản chung của vợ chồng. Trong đó có thể liệt kê một số trường hợp cụ thể như sau:
– Thu nhập hợp pháp trong thời kì hôn nhân:
Thu nhập hợp pháp trong thời kì hôn nhân có thể là tiền lương, tiền thưởng, tiền trợ cấp, tiền trúng số hoặc tài sản mà vợ, chồng có được hoặc được xác lập quyền sở hữu theo quy định của Bộ luật dân sự năm 2015.
– Các tài sản nhận được theo tư cách chung:
Đối với các tài sản mà vợ, chồng được tặng cho, cho chung hoặc thừa kế chung là tài sản chung vợ chồng. Tài sản mà vợ chồng có trước khi kết hôn hoặc những tài sản được thừa kế riêng, tặng cho riêng hoặc có được thông qua gia dịch bằng tài sản riêng, nhưng vợ chồng đã thỏa thuận nhập vào khối tài sản chung theo đúng quy định của pháp luật.
– Các khoảng thu nhập hợp pháp khác:
Theo Khoản 1 Điều 33 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 đã quy định về tài sản chung vợ chồng trong đó đề cập tới thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân. Căn cứ quy định tại Điều 9 Nghị định 126/2014/NĐ-CP của Chính Phủ đã quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật hôn nhân và gia đình năm 2014 thu nhập hợp pháp khác của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân bao gồm:
+ Khoản tiền thưởng, tiền trúng thưởng xổ số, tiền trợ cấp, trừ trường hợp khoản trợ cấp, ưu đãi mà vợ, chồng nhận được theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng; quyền tài sản khác gắn liền với nhân thân của vợ chồng.
+ Tài sản mà vợ chồng xác lập quyền sở hữu theo quy định của Bộ luật dân sự năm 2015 đối với vật vô chủ, vật bị chôn giấu, vật bị chìm đắm, vật bị đánh rơi, bị bỏ quên, gia súc, gia cầm bị thất lạc vật nuôi dưới nước.
+ Thu nhập hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.
Ta nhận thấy, từ các phân tích được nêu cụ thể bên trên thì thu nhập mà vợ, chồng có được từ những nguồn như trên đều được coi là tài sản chung vợ chồng, quyền của vợ chồng đối với tài sản chung là như nhau. Vợ và chồng cùng nhau tạo lập, phát triển khối tài sản chung bằng công sức của mỗi người, quyền và nghĩa vụ của các bên là ngang nhau trong việc chiếm hữu và sở hữu tài sản chung. Vợ chồng có có quyền cùng nhau bàn bạc, thỏa thuận hoặc ủy quyền cho nhau chiếm hữu và sử dụng tài sản chung theo đúng quy định của pháp luật.
2. Quy định sử dụng tài sản chung của vợ chồng để kinh doanh:
2.1. Điều kiện để đưa tài sản chung vợ chồng vào kinh doanh:
Theo Điều 36 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định thì việc một bên vợ hoặc chồng muốn đưa tài sản chung vào kinh doanh thì sẽ cần phải có sự thỏa thuận và đồng ý của một bên còn lại thì mới có thể tự mình thực hiện giao dịch (xác lập, thực hiện, chấm dứt) liên quan đến tài sản chung đó theo quy định của pháp luật hiện hành. Nếu không có sự đồng ý của bên còn lại thì giao dịch được xác lập sẽ bị vô hiệu.
Thỏa thuận giữa các bên sẽ phải được lập thành văn bản thể hiện nội dung thỏa thuận đưa một phần hoặc toàn bộ khối tài sản chung vào việc kinh doanh của vợ chồng. Nội dung thỏa thuận sẽ cần thể hiện chi tiết đối tượng của hợp đồng gồm loại tài sản, số lượng tài sản, quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng.
Cần lưu ý rằng trong trường hợp một bên vợ hoặc chồng muốn góp thêm tài sản chung vào kinh doanh thì phải có sự đồng ý của bên còn lại thì mới có thể thực hiện việc góp vốn này. Đối với trường hợp khi một bên tự ý sử dụng tài sản chung để đưa vào hoạt động kinh doanh thì giao dịch đó được coi là vô hiệu, Tòa án có thể tuyên bố vô hiệu và bảo đảm được quyền lợi của bên còn lại, tránh những rủi ro, thiệt hại về tài sản chung.
2.2. Thu nhập từ tài sản chung vợ chồng đưa vào kinh doanh:
Thu nhập được hiểu là khoản của cải thường được tính thành tiền mà một cá nhân, doanh nghiệp hoặc một nền kinh tế nhận được trong một khoảng thời gian nhất định từ công việc, dịch vụ hoặc hoạt động nào đó. Thu nhập có thể bao gồm các khoản như tiền lương, tiền công, tiền cho thuê tài sản, lợi nhuận kinh doanh.
Khi một trong hai bên sử dụng tài sản chung vợ chồng để kinh doanh sản xuất thì theo quy định pháp luật những nguồn lợi nhuận, hoa lợi, lợi tức thu được từ việc kinh doanh sẽ được tính là tài sản chung vợ chồng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Chính bởi vì thế, khi một bên là vợ hoặc chồng sử dụng tài sản góp vốn của mình là tài sản chung của hai vợ chồng vào việc kinh doanh sản xuất thì bên còn lại cũng có quyền định đoạt đối với nguồn lợi nhuận thu được từ việc kinh doanh theo đúng quy định của pháp luật.
2.3. Phân chia tài sản chung vợ chồng đưa vào kinh doanh khi ly hôn:
Theo Điều 64 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về chia tài sản chung của vợ chồng đưa vào kinh doanh như sau:
“Vợ, chồng đang thực hiện hoạt động kinh doanh liên quan đến tài sản chung có quyền được nhận tài sản đó và phải thanh toán cho bên kia phần giá trị tài sản mà họ được hưởng, trừ trường hợp pháp luật về kinh doanh có quy định khác”.
Như vậy, pháp luật quy định vợ, chồng khi đang thực hiện hoạt động kinh doanh liên quan đến tài sản chung có quyền được nhận tài sản đó và phải thanh toán cho bên kia phần giá trị tài sản mà họ được hưởng, trừ trường hợp pháp luật về kinh doanh có quy định khác.
Phân chia tài sản chung vợ chồng đưa vào kinh doanh khi ly hôn trong trường hợp phân chia theo thỏa thuận các bên:
Ta nhận thấy, theo quy định trên, trường hợp vợ hoặc chồng đưa tài sản chung của vợ chồng vào kinh doanh mà các bên chấm dứt quan hệ hôn nhân thì bên còn lại có quyền yêu cầu thanh toán phần giá trị tài sản mà họ được hưởng theo nội dung thỏa thuận các bên đã ký kết như phân tích trên.
Vợ chồng sau khi ly hôn sẽ có quyền tự thỏa thuận với nhau về toàn bộ các vấn đề, trong đó có cả việc phân chia tài sản. Đối với trường hợp vợ chồng không thỏa thuận được mà có yêu cầu thì Tòa án phải xem xét, quyết định việc áp dụng chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật.
Phân chia tài sản chung vợ chồng đưa vào kinh doanh khi ly hôn trong trường hợp không có văn bản thỏa thuận:
Đối với trường hợp các bên không có văn bản thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng hoặc văn bản thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng bị Tòa án tuyên bố vô hiệu toàn bộ thì áp dụng chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định để chia tài sản của vợ chồng khi ly hôn.
Khi thực hiện chia tài sản chung vợ chồng khi ly hôn, Tòa án sẽ phải xác định vợ, chồng có quyền, nghĩa vụ về tài sản với người thứ ba hay không để đưa người thứ ba vào tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Còn đối với trường hợp vợ, chồng có quyền, nghĩa vụ về tài sản với người thứ ba mà họ có yêu cầu giải quyết thì Tòa án phải giải quyết khi chia tài sản chung vợ chồng. Trong trường hợp vợ chồng có nghĩa vụ với người thứ ba mà người thứ ba không yêu cầu giải quyết thì Tòa án hướng dẫn họ để giải quyết bằng vụ án khác.
Nguyên tắc phân chia tài sản chung vợ chồng theo quy định pháp luật:
Theo quy định pháp luật, tài sản chung của vợ chồng đưa vào kinh doanh cũng được chia đôi nhưng có xét đến một số yếu tố như: Công sức đóng góp của hai vợ chồng, hoàn cảnh, lỗi dẫn đến chấm dứt hôn nhân.
Ngoài ra, việc phân chia tài sản khi ly hôn theo hiện vật sẽ cần bảo đảm được lợi ích hợp pháp của vợ, con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình và đảm bảo được sự ổn định trong công việc kinh doanh.
Như vậy, ta nhận thấy, khi phân chia tài sản chung vợ chồng đưa vào kinh doanh Tòa án sẽ ưu tiên xét đến sự thỏa thuận của hai bên vợ chồng. Sau đó, nếu các bên không thỏa thuận được thì mới tiến hành phân chia theo quy định pháp luật và dựa trên một số nguyên tắc được nêu cụ thể bên trên.