Quy định của pháp luật về quyết định thanh tra thuế? Thời hạn thanh tra thuế được pháp luật quy định như thế nào?
Xuất phát từ thực tế, thanh tra thuế là công cụ chống gian lận thuế hiệu quả cao và có tác động trực tiếp đến tính tuân thủ của người nộp thuế nên cũng như hầu hết các cơ quan thuế trên thế giới, cơ quan thuế Việt Nam đã, đang và sẽ tiếp tục tăng cường các nguồn lực phục vụ hoạt động thanh tra thuế nhằm thực hiện tốt hơn việc thi hành pháp luật thuế. Để hoạt động thanh tra thuế được diễn ra hợp pháp thì quyết định thanh tra thuế là yếu tố bắt buộc.
Luật sư tư vấn luật trực tuyến miễn phí qua tổng đài: 1900.6568
Cơ sở pháp lý:
Luật Quản lý thuế năm 2019.
Quyết định 1404/QĐ-TCT năm 2015 về Quy trình thanh tra thuế do Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế ban hành.
Mục lục bài viết
1. Quy định của pháp luật về quyết định thanh tra thuế:
Thanh tra thuế là hoạt động giám sát của cơ quan thuế đối với các hoạt động, giao dịch liên quan đến phát sinh nghĩa vụ thuế và tình hình thực hiện thủ tục hành chính thuế, chấp hành nghĩa vụ nộp thuế của người nộp thuế, nhằm bảo đảm pháp luật thuế được thực thi nghiêm chỉnh trong đời sống kinh tế – xã hội. Là một trong các chức năng cơ bản của cơ quan thuế, thanh tra thuế góp phần quan trọng trong việc bảo đảm tính công bằng trong thực thi pháp luật thuế, đồng thời làm cho người nộp thuế luôn ý thức rằng có một hệ thống giám sát hiệu quả tồn tại, từ đó thúc đẩy họ tự giác tuân thủ pháp luật thuế… Thông qua việc tập trung vào thanh tra các lĩnh vực có rủi ro và những đối tượng có khả năng trốn, tránh thuế cao nhất, cơ quan thuế sẽ phát hiện các trường hợp trường hợp xác định thiếu nghĩa vụ thuế, tăng thu ngân sách nhà nước và xử lý phạt theo quy định.
Quyết định thanh tra thuế là văn bản do người đứng đầu cơ quan thuế có thẩm quyền ban hành nhằm phát sinh hoạt động thanh tra thuế trên thực tế và chứng minh hoạt động thanh tra thuế là hợp pháp.
Quy định về quyết định thanh tra thuế được ghi nhận tại Điều 114 Luật Quản lý thuế, trong đó phản ánh các khía cạnh sau:
– Thứ nhất, chủ thể ra quyết định: Thủ trưởng cơ quan quản lý thuế các cấp có thẩm quyền. (Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế; Cục trưởng Cục Thuế; Chi cục trưởng Chi cục Thuế).
– Thứ hai, nội dung quyết định thanh tra thuế: Căn cứ pháp lý để thanh tra thuế; Đối tượng, nội dung, phạm vi, nhiệm vụ thanh tra thuế; Thời hạn tiến hành thanh tra thuế; Trưởng đoàn thanh tra thuế và các thành viên của đoàn thanh tra thuế. Đây là nội dung cơ bản mà một quyết định thanh tra thuế phải có, Bộ Tài Chính sẽ ban hành mẫu chung để áp dụng thống nhất.
– Thứ ba, các thủ tục liên quan:
+ Chậm nhất là 03 ngày làm việc kể từ ngày ký, quyết định thanh tra thuế phải được gửi cho đối tượng thanh tra. Việc gửi ở đây có thể thực hiện thông qua các hình thức như: Điện thoại; Mail; Trường hợp cần thiết bằng văn bản. Việc gửi quyết định thanh tra là điều quan trọng để đối tượng thanh tra có sự chuẩn bị kỹ lưỡng các tài liệu, giấy tờ phục vụ cho công tác thanh tra.
+ Quyết định thanh tra thuế phải được công bố chậm nhất là 15 ngày kể từ ngày ra quyết định thanh tra thuế. Khi công bố Quyết định thanh tra, Trưởng Đoàn thanh tra phải đọc toàn văn Quyết định thanh tra; giải thích rõ về nội dung thanh tra để đối tượng thanh tra hiểu rõ và chuẩn bị tài liệu phục vụ Đoàn thanh tra; Thông báo yêu cầu, chương trình làm việc của Đoàn thanh tra. Kết thúc việc công bố Quyết định thanh tra, Trưởng Đoàn thanh tra và người nộp thuế phải lập và ký Biên bản công bố Quyết định thanh tra.
Có thể thấy rằng, quy định về quyết định thanh tra thuế được ghi nhận tại Luật Quản lý thuế chỉ mang tính cơ bản, thực tế hay trong văn bản hướng dẫn, các thủ tục liên quan đến quyết định thanh tra thuế sẽ có sự chi tiết và phức tạp hơn. Tuy nhiên, bằng sự rõ ràng đó thì việc cho ra quyết định sẽ dễ dàng hơn và việc áp dụng quyết định cũng sẽ có phần thuận tiện hơn. Điều quan trọng là phải xác định đúng thẩm quyền ban hành và có đủ các nội dung nêu trên thì quyết định dường như sẽ có hiệu lực pháp lý.
2. Thời hạn thanh tra thuế được pháp luật quy định như thế nào?
Thời hạn thanh tra thuế là khoảng thời gian bắt đầu cho đến khi kết thúc hoạt động thanh tra thuế trên thực tế.
Thời hạn thanh tra thuế được quy định tại điều 115 Luật Quản lý thuế, cụ thể:
“1. Thời hạn thanh tra thuế thực hiện theo quy định của Luật Thanh tra. Thời hạn của cuộc thanh tra được tính là thời gian thực hiện thanh tra tại trụ sở của người nộp thuế kể từ ngày công bố quyết định thanh tra đến ngày kết thúc việc thanh tra tại trụ sở của người nộp thuế.
2. Trường hợp cần thiết, người ra quyết định thanh tra thuế gia hạn thời hạn thanh tra thuế theo quy định của Luật Thanh tra. Việc gia hạn thời hạn thanh tra thuế do người ra quyết định thanh tra quyết định.“
Như vậy, Luật quản lý thuế không trực tiếp quy định về thời hạn thanh tra thuế mà dẫn chiếu đến Luật Thanh tra, tuy nhiên, Luật Thanh tra 2010 cũng không phản ánh rõ về thời hạn thanh tra mà quy định rằng: “Thời hạn thanh tra, thời hạn gửi quyết định thanh tra, thời hạn kể từ ngày ký quyết định thanh tra đến ngày công bố quyết định thanh tra, báo cáo kết quả thanh tra, kết luận thanh tra chuyên ngành do Chính phủ quy định.” Theo sự chỉ dần này, tác giả tìm đến với Nghị định 07/2012/NĐ-CP, tại đây, Nghị định này nêu rõ (Điều 16):
– Cuộc thanh tra chuyên ngành do Thanh tra bộ, Tổng cục, Cục thuộc Bộ tiến hành không quá 45 ngày; trường hợp phức tạp có thể kéo dài hơn, nhưng không quá 70 ngày;
– Cuộc thanh tra chuyên ngành do Thanh tra sở, Chi cục thuộc Sở tiến hành không quá 30 ngày; trường hợp phức tạp có thể kéo dài hơn, nhưng không quá 45 ngày.
Để thuận tiện cho việc áp dụng, Quyết định 1404/QĐ-TCT cũng đã quy định về thời hạn thanh tra thuế như sau:
“Việc xác định thời hạn thanh tra tùy thuộc vào tính chất của mỗi cuộc thanh tra nhưng không quá 45 ngày làm việc đối với một cuộc thanh tra do Tổng cục Thuế tiến hành, không quá 30 ngày, làm việc đối với một cuộc thanh tra do Cục Thuế.
….
Trường hợp cần thiết phải bổ sung thêm thời gian thanh tra thì chậm nhất 05(năm) ngày làm việc trước khi kết thúc thời hạn thanh tra theo quyết định, Trưởng đoàn thanh tra phải báo cáo Lãnh đạo Bộ phận Thanh tra để trình Lãnh đạo cơ quan thuế ra quyết định gia hạn thanh tra. Quyết định thanh tra chỉ được gia hạn một lần, dưới hình thức Quyết định theo mẫu (số 18/KTTT ban hành theo
– Tổng thời gian thanh tra (gồm cả thời gian gia hạn) đối với cuộc thanh tra do Tổng cục Thuế tiến hành không quá 70 ngày làm việc.
– Tổng thời gian thanh tra (gồm cả thời gian gia hạn) đối với cuộc thanh tra do Cục Thuế tiến hành không quá 45 ngày làm việc.”
Như vậy, việc xác định thời hạn thanh tra dựa vào cơ quan thuế thực hiện thanh tra, mà không áp dụng chung cho các cuộc thanh tra, điều này cũng hoàn toàn hợp lý để phân luồng các cuộc thanh tra mà cơ quan thuế cấp trên và cấp dưới do tính chất, mức độ thanh tra cũng có sự khác nhau.
Tiếp theo, cần tính thời hạn thanh tra như thế nào? Tại Điều 115 Luật Quản lý thuế cũng nêu rằng, thời hạn của cuộc thanh tra được tính là thời gian thực hiện thanh tra tại trụ sở của người nộp thuế kể từ ngày công bố quyết định thanh tra đến ngày kết thúc việc thanh tra tại trụ sở của người nộp thuế, quy định này tương thích với pháp luật thanh tra, theo đó, Nghị định 07/2012/NĐ-CP cũng xác định: Thời hạn của cuộc thanh tra được tính từ ngày công bố quyết định thanh tra đến ngày kết thúc việc thanh tra tại nơi được thanh tra.
Khi nhắc đến thời hạn thì không thể không nhắc đến vấn đề gia hạn thanh tra, đây là hoạt động kéo dài thời gian thực hiện thanh tra trên thực tế do thuộc trường hợp phức tạp, việc cho phép gia hạn nhằm tạo sự linh hoạt cho người thực hiện thanh tra có thêm đủ thời gian để thực hiện đầy đủ, đúng đắn và chính xác về kết quả thanh tra. Chủ thể có quyền gia hạn thanh tra là người đã ra quyết định thanh tra, tức là người đứng đầu cơ quan thuế có thẩm quyền thanh tra.
Việc xác định thời hạn thanh tra về cơ bản là có sự đồng nhất giữa các văn bản pháp luật, sự dẫn chiếu giữa văn bản chuyên ngành và văn bản chung là hợp lý. Bản thân các quy định về thời hạn đều có mục đích là đảm bảo cho quá trình hoạt động được diễn ra nhanh chóng, đôn đốc đoàn thanh tra hoạt động hiệu quả, nhanh chóng cho ra kết quả thanh tra, tránh ỳ ạch, kéo dài ảnh hưởng tới hoạt động của cơ quan nhà nước cũng như người nộp thuế. Đằng sau đó, thời hạn còn là cái để ràng buộc trách nhiệm của đoàn thanh tra, nếu hết thời hạn mà không có kết quả thì họ phải chịu trách nhiệm.