Hiệp định EVFTA là Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu. Dưới đây là bài phân tích về quy định quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định EVFTA.
Mục lục bài viết
1. Nội dung của hiệp định EVFTA:
Nội dung của hiệp định EVFTA xoay quanh các lĩnh vực cụ thể sau: Thương mại hàng hóa; thương mại dịch vụ và đầu tư; mua sắm của chính phủ; sở hữu trí tuệ.
– Thứ nhất, về lĩnh vực thương mại hàng hóa, hiệp định EVFTA quy định như sau:
+ EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với khoảng 85,6% số dòng thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU. Sau 07 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Đối với khoảng 0,3% kim ngạch xuất khẩu còn lại, EU cam kết dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%.
+ Đối với các nhóm hàng quan trọng, cam kết:
EU sẽ xóa bỏ hoàn toàn thuế nhập khẩu cho các sản phẩm của Việt Nam trong vòng 7 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực đối với dệt may, giày dép và thủy sản (trừ cá ngừ đóng hộp và cá viên).
EU dành cho Việt Nam một lượng hạn ngạch đáng kể đối với gạo xay xát, gạo chưa xay xát và gạo thơm.
EU sẽ xóa bỏ thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực và không áp dụng hạn ngạch thuế quan đối với mật ong.
Toàn bộ các sản phẩm rau củ quả, rau củ quả chế biến, nước hoa quả khác, túi xách, vali, sản phẩm nhựa, sản phẩm gốm sứ thủy tinh về cơ bản sẽ được xóa bỏ thuế quan Đối với xuất khẩu của EU, cam kết của Việt Nam đối với các mặt hàng chính là:
Đồng thời, về thuế xuất khẩu, Việt Nam cam kết xóa bỏ phần lớn thuế xuất khẩu sau lộ trình nhất định; chỉ bảo lưu thuế xuất khẩu đối với một số sản phẩm quan trọng, trong đó có dầu thô và than đá.
– Thứ hai, về lĩnh vực thương mại dịch vụ và đầu tư: Trong hiệp định EVFTA, hai bên cam kết tạo ra một môi trường đầu tư cởi mở, thuận lợi cho hoạt động của các doanh nghiệp hai bên. Hai bên cũng đưa ra cam kết về đối xử quốc gia trong lĩnh vực đầu tư, đồng thời thảo luận về nội dung giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư và nhà nước.
– Thứ ba, về lĩnh vực mua sắm của Chính phủ: Việt Nam và EU thống nhất các nội dung tương đương với Hiệp định mua sắm của Chính phủ (GPA) của WTO. Với một số nghĩa vụ như đấu thầu qua mạng, thiết lập cổng thông tin điện tử để đăng tải thông tin đấu thầu, EU cũng cam kết dành hỗ trợ kỹ thuật cho Việt Nam để thực thi các nghĩa vụ này.
– Thứ tư, về lĩnh vực sở hữu trí tuệ:
Việt Nam sẽ bảo hộ trên 160 chỉ dẫn địa lý của EU (bao gồm 28 thành viên) và EU sẽ bảo hộ 39 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam. Các chỉ dẫn địa lý của Việt Nam đều liên quan tới nông sản, thực phẩm, tạo điều kiện cho một số chủng loại nông sản của Việt Nam xây dựng và khẳng định thương hiệu của mình tại thị trường EU.
– Về các nội dung khác: Hiệp định EVFTA cũng bao gồm các Chương liên quan tới cạnh tranh, doanh nghiệp nhà nước, phát triển bền vững, hợp tác và xây dựng năng lực, pháp lý-thể chế. Các nội dung này tạo khuôn khổ pháp lý để hai bên tăng cường hợp tác, thúc đẩy sự phát triển của thương mại và đầu tư giữa hai Bên.
2. Quy định Quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định EVFTA:
Thông tư 11/2020/TT-BCT của bộ công thương đã đưa ra những quy định cụ thể và rõ ràng về quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định EVFTA. Cụ thể như sau:
– Điều 20 đến Điều 23 Thông tư 11/2020 quy định về việc cấp C/O như sau:
+ Về vấn đề khai báo C/O: C/O không được tẩy xoá hoặc viết chữ đè lên chữ khác. Việc sửa đổi được thực hiện bằng cách xoá thông tin sai và bổ sung thông tin đúng. Việc sửa đổi đi kèm chữ ký tắt của người hoàn thiện C/O và được chấp thuận bởi cơ quan có thẩm quyền. Đồng thời, C/O không để khoảng trống giữa các mục và phải đánh số thứ tự mỗi mục. Ngay dưới mục cuối cùng phải gạch ngang. Khoảng trống không sử dụng phải được gạch chéo để tránh việc bổ sung thông tin sau này.
+ Để được cấp C/O sau ngày xuất khẩu hàng hóa, nhà xuất khẩu ghi ngày, nơi xuất khẩu hàng hóa và nêu rõ lý do trên đơn đề nghị cấp C/O. Cơ quan, tổ chức cấp C/O thực hiện việc cấp sau C/O sau khi xác minh thông tin trong đơn đề nghị cấp C/O của nhà xuất khẩu phù hợp với chứng từ tương ứng.
+ Thông tư này cũng đưa ra những quy định về các trường hợp được phép cấp C/O sau ngày xuất khẩu hàng hóa
– Theo quy định tại Điều 24 Thông tư này, Nhà xuất khẩu được phép tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa khi hàng hóa có xuất xứ từ Liên minh châu Âu và đáp ứng quy định khác của EVFTA. Nhà xuất khẩu tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa trên hóa đơn, phiếu giao hàng hoặc chứng từ thương mại khác có đủ thông tin về hàng hóa, bằng cách đánh máy, đóng dấu hoặc in nội dung lời văn khai báo xuất xứ hàng hóa trên chứng từ. Nhà xuất khẩu sử dụng Mẫu lời văn khai báo xuất xứ bằng một trong các phiên bản ngôn ngữ được quy định tại Phụ lục VII ban hành kèm theo Thông tư này và phù hợp với quy định pháp luật của Liên minh châu Âu. Trường hợp nhà xuất khẩu khai báo bằng cách viết tay, lời văn khai báo được viết bằng mực và chữ cái in hoa. Chứng từ tự chứng nhận xuất xứ do nhà xuất khẩu cấp đã đăng ký trong cơ sở dữ liệu điện tử theo quy định của Liên minh Châu Âu và đã được thông báo cho Việt Nam. Thông báo có thể bao gồm điều khoản Liên minh châu Âu ngừng áp dụng điểm a và b khoản 1 Điều 19 Thông tư 11/2020.
– Theo quy định tại Điều 29 Thông tư này, miễn chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa được quy định cụ thể như sau:
+ Hàng hóa được gửi theo kiện nhỏ từ cá nhân đến cá nhân hoặc hành lý cá nhân của người đi du lịch được coi là hàng hóa có xuất xứ mà không yêu 18 cầu phải có chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa, với điều kiện hàng hóa đó không được nhập khẩu theo hình thức thương mại, được khai báo đáp ứng quy định tại Thông tư này và không có nghi ngờ về tính xác thực của khai báo đó. Trong trường hợp hàng hóa được gửi qua bưu điện, khai báo có thể được thực hiện trên tờ khai hải quan nhập khẩu hoặc trên một văn bản đính kèm tờ khai hải quan.
+ Lô hàng nhập khẩu không thường xuyên chỉ bao gồm các sản phẩm phục vụ tiêu dùng cá nhân của người nhận hàng hoặc người đi du lịch hoặc gia đình của người đó không được coi là nhập khẩu theo hình thức thương mại nếu bản chất và số lượng sản phẩm đó có thể là bằng chứng cho thấy sản phẩm không dùng cho mục đích thương mại.
– Điều 30 Thông tư này quy định, chứng từ dùng để chứng minh xuất xứ hàng hóa để đề nghị cấp C/O hoặc phát hành chứng từ tự chứng nhận xuất xứ bao gồm:
+ Chứng từ chứng minh quá trình sản xuất hoặc công đoạn gia công được thực hiện bởi nhà xuất khẩu hoặc nhà sản xuất, ví dụ báo cáo hoặc sổ sách kế toán nội bộ.
+ Chứng từ dùng để chứng minh xuất xứ nguyên liệu được phát hành hoặc khai báo tại một Nước thành viên theo quy định hiện hành.
+ Chứng từ chứng minh công đoạn gia công hoặc chế biến nguyên liệu, được phát hành hoặc khai báo tại một Nước thành viên theo quy định hiện hành.
+ Chứng từ chứng nhận xuất xứ nguyên liệu được phát hành hoặc khai báo tại một Nước thành viên theo quy định tại Thông tư này.
Trên đây là những nội dung chính của quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định EVFTA.
3. Ý nghĩa của quy tắc xuất xứ hàng hóa trong hiệp định EVFTA:
Các quy tắc xuất xứ hàng hóa trong hiệp định EVFTA có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong quan hệ đối trọng, thương mại giữa Việt Nam và EU.
– Trong bối cảnh thế giới đang bước vào xu thế toàn cầu hóa như hiện nay, nhu cầu hợp tác, kinh doanh cùng phát triển giữa các nước là đặc biệt lớn. Để đảm bảo quan hệ hợp tác được diễn ra bình ổn, khách quan, đảm bảo quyền và lợi ích khách quan cho các bên, luôn cần một hiệp định tương trợ, mang tính quy chuẩn để bảo đảm các bên tham gia tuân thủ và thực hiện.
– Hiệp định EVFTA giúp Việt Nam và EU vạch ra được những lĩnh vực mà các bên sẽ hợp tác, thỏa thuận với nhau. Đồng thời, đây cũng được xem là cơ sở hợp tác kinh doanh giữa thành viên, doanh nghiệp của các nước. Thông qua hiệp định này, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ xác định được những lĩnh vực thuộc phạm vi điều chỉnh của hiệp định, từ đó đưa ra những lựa chọn phát triển thương mại sao cho phù hợp.
– Các quy tắc xuất xứ hàng hóa trong hiệp định EVFTA giúp hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam và EU diễn ra toàn diện, khách quan và đạt hiệu quả nhất. Đồng thời, nó góp phần sâu sắc vào sự phát triển bền vững của nền kinh tế đất nước.