Quản lý đầu tư xây dựng hiện nay đã và đang là vấn đề rất quan trọng, bởi lẽ thị trường kinh tế Việt Nam ngày càng hội nhập với thị trường thế giới và thu hút được nhiều nhà đầu, trong đó có các nhà đầu tư nước ngoài.
Mục lục bài viết
1. Quy định quản lý các dự án đầu tư xây dựng tại nước ngoài:
1.1. Nội dung quản lý các dự án đầu tư xây dựng tại nước ngoài:
Hiện nay có thể thấy, các dự án đầu tư xây dựng tại nước ngoài thuộc dự án đầu tư công. Căn cứ theo quy định tại Điều 4 của Luật đầu tư công năm 2022 thì có thể nói, các dự án đầu tư công được xem là dự án sử dụng toàn bộ hoặc một phần vốn đầu tư công theo quy định của pháp luật, và đầu tư công chính là hoạt động đầu tư của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền vào các chương trình và các dự án, cũng như đầu tư vào các đối tượng đầu tư công khác theo quy định của Luật đầu tư công. Bên cạnh đó căn cứ theo quy định tại Điều 3 của Nghị định số 40/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đầu tư công, thì dự án đầu tư công tại nước ngoài là khái niệm để chỉ các dự án đầu tư mua sắm các loại trang thiết bị và xây dựng mới, các dự án cải tạo hoặc sửa chữa trụ sở làm việc và nhà ở cho các chủ thể là cán bộ và công nhân viên chức của các cơ quan đại diện Việt Nam đặt trên lãnh thổ của nước ngoài, và các cơ quan khác của Việt Nam ở nước ngoài sử dụng toàn bộ hoặc một phần vốn đầu tư công, dự án đầu tư công tại nước ngoài bên cạnh đó còn nhắc đến các dự án đầu tư cho hoạt động mua nhà và mua đất hoặc thuê đất dài hạn trên phạm vi lãnh thổ của nước ngoài để xây dựng trụ sở làm việc và xây dựng nhà ở cho cán bộ và công nhân viên chức, quá trình mua bán sẽ sử dụng toàn bộ hoặc một phần nguồn vốn từ đầu tư công.
Bên cạnh đó, nội dung quản lý các dự án đầu tư xây dựng trên lãnh thổ của nước ngoài được quy định cụ thể tại Điều 66 của Luật xây dựng năm 2020, Theo đó bao gồm một số nội dung quản lý sau đây:
– Quản lý về phạm vi và kế hoạch công việc của các dự án đầu tư tại nước ngoài;
– Quản lý đối với khối lượng công việc và chất lượng xây dựng của các công trình xây dựng tại nước ngoài;
– Quản lý về tiến độ thực hiện và chi phí đầu tư xây dựng công trình tại nước ngoài;
– Quản lý về mức độ đảm bảo an toàn trong quá trình thi công công trình xây dựng cũng như đảm bảo vấn đề bảo vệ môi trường khi xây dựng sao cho phù hợp với quy định của pháp luật nước ngoài;
– Quản lý về vấn đề lựa chọn nhà thầu và ký kết hợp đồng xây dựng;
– Quản lý về rủi ro và quản lý hệ thống thông tin đối với các công trình xây dựng … hoặc một số nội dung cần thiết khác phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật nước tiến hành đầu tư.
1.2. Quy định về nguyên tắc quản lý các dự án đầu tư xây dựng tại nước ngoài:
Căn cứ theo Điều 59 của Nghị định số 15/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng (sau được sửa đổi bởi Nghị định số 35/2023/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng), có ghi nhận về một số nguyên tắc trong quá trình quản lý các dự án đầu tư xây dựng tại nước ngoài, cụ thể bao gồm một số nguyên tắc cơ bản sau:
– Việc lập và thẩm định, đưa ra quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án sử dụng vốn đầu tư công trên lãnh thổ của nước ngoài cần phải được thực hiện theo quy định của pháp luật Việt Nam về đầu tư công và các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia, việc chấp thuận các chủ trương đầu tư hoặc chấp thuận quyết định đầu tư ra nước ngoài của các dự án này con phải được thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư trong và ngoài nước;
– Việc quyết định đầu tư các dự án xây dựng trên lãnh thổ của nước ngoài cần phải được thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư công đối với các dự án sử dụng vốn đầu tư công, phải được thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng vốn đầu tư nhà nước trong quá trình sản xuất và kinh doanh tại các doanh nghiệp đối với các dự án có sử dụng vốn đầu tư của nhà nước;
– Việc đầu tư xây dựng các cơ quan đại diện ngoại giao đặt trụ sở trên lãnh thổ của nước ngoài cần phải thực hiện theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, phải được thực hiện theo quy định của Chính phủ về vấn đề quản lý các dự án đầu tư của cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài và quy định của pháp luật khác có liên quan;
– Quá trình triển khai dự án đầu tư xây dựng sau khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định hoặc triển khai các loại dự án sau khi được chấp thuận chủ trương đầu tư của chủ thể có thẩm quyền, thì cần phải tuân thủ theo điều ước quốc tế mà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, tuân thủ theo các thỏa thuận quốc tế giữa Việt Nam với bên nước ngoài, tuân thủ theo quy định của pháp luật quốc gia nơi đầu tư xây dựng công trình đó;
– Việc lập và thẩm định các loại Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng đối với các dự án sử dụng vốn đầu tư công và vốn đầu tư ngoài nhà nước cần phải thực hiện theo quy định của pháp luật;
– Việc lập và thẩm định hoặc phê duyệt các bước thiết kế trong quá trình xây dựng phải do người quyết định đầu tư thực hiện sao cho phù hợp với pháp luật của quốc gia nơi đầu tư xây dựng công trình, và phù hợp với điều kiện triển khai của dự án;
– Các nội dung về quy chuẩn và tiêu chuẩn kĩ thuật, nội dung về quy hoạch xây dựng và yêu cầu về điều kiện tự nhiên, điều kiện xã hội và đặc điểm văn hóa, điều kiện về môi trường, giấy phép xây dựng và trách nhiệm mua bảo hiểm xã hội, hợp đồng xây dựng và hoạt động giám sát công trình, nghiệm thu công trình và bàn giao công trình, cùng với một số nội dung khác … cần phải được ưu tiên áp dụng quy định pháp luật của quốc gia nơi đầu tư xây dựng công trình đó, trừ trường hợp điều ước quốc tế hoặc thỏa thuận quốc tế có quy định khác;
– Cần phải ưu tiên áp dụng quy định về quản lý chi phí đầu tư xây dựng của quốc gia nơi xây dựng công trình khi xác định tổng mức đầu tư công trình và xác định dự toán xây dựng công trình trên thực tế;
– Việc quyết toán vốn đầu tư các loại dự án đầu tư xây dựng cần phải được thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan về thanh toán và quyết toán các loại dự án đầu tư xây dựng tại nước ngoài sử dụng vốn đầu tư công, hoặc các quy định của pháp luật có liên quan khác.
2. Hoạt động kiểm tra phân bổ vốn hàng năm đối với dự án đầu tư công tại nước ngoài:
Theo quy định tại Điều 18 của Nghị định số 99/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định về quản lý, thanh toán, quyết toán sử dụng vốn đầu tư công, việc kiểm tra phân bổ vốn hàng năm đối với dự án đầu tư công tại nước ngoài được quy định như sau:
– Nội dung phân bổ và việc kiểm tra phân bổ vốn cho các dự án đầu tư công tại nước ngoài sử dụng vốn ngân sách nhà nước theo quy định tại Điều 8 của Nghị định số 99/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định về quản lý, thanh toán, quyết toán sử dụng vốn đầu tư công;
– Cơ quan kiểm soát, thanh toán vốn cho các dự án đầu tư công tại nước ngoài hiện nay theo quy định của pháp luật được xác định là Kho bạc Nhà nước;
– Cơ quan chủ quản, cơ quan tài chính các cấp, cơ quan kiểm soát, thanh toán có trách nhiệm nhập và phê duyệt vốn kế hoạch đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước hàng năm trên Tabmis theo quy định hiện hành;
3. Tạm ứng và thu hồi vốn tạm ứng đối với dự án đầu tư tại nước ngoài:
Căn cứ theo Điều 20 của Nghị định số 99/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định về quản lý, thanh toán, quyết toán sử dụng vốn đầu tư công, dự án đầu tư công tại nước ngoài được tạm ứng và thu hồi vốn tạm ứng theo quy định sau:
Thứ nhất, việc tạm ứng và thu hồi vốn tạm ứng cho các dự án đầu tư công tại nước ngoài sử dụng vốn ngân sách nhà nước được thực hiện theo quy định tại Điều 10 của Nghị định số 99/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định về quản lý, thanh toán, quyết toán sử dụng vốn đầu tư công;
– Trường hợp hợp đồng xây dựng được thực hiện theo quy định của pháp luật nước sở tại và có các quy định khác với quy định của pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về tạm ứng, thu hồi vốn tạm ứng, bảo lãnh tạm ứng hợp đồng thì thực hiện theo hợp đồng đã ký.
– Đối với từng trường hợp cụ thể có tính chất đặc thù cần tạm ứng ở mức cao hơn mức quy định, cơ quan kiểm soát, thanh toán thực hiện tạm ứng theo đề nghị của cơ quan chủ quản nhưng không vượt vốn kế hoạch được giao trong năm của dự án.
– Đối với từng trường hợp cụ thể có tính chất đặc thù cần tạm ứng khi chưa có đủ chứng từ tạm ứng theo quy định tại Nghị định này (theo quy định của nước sở tại), cơ quan chủ quản có văn bản gửi cho cơ quan có thẩm quyền đó là Bộ Tài chính để xem xét, xử lý cụ thể.
Thứ hai, hồ sơ tạm ứng bao gồm một số loại giấy tờ cơ bản sau đây:
– Văn bản đề nghị tạm ứng vốn cho từng nội dung công việc của cơ quan chủ quản (trong đó phải ghi rõ số tiền, tài khoản, đơn vị thụ hưởng);
– Giấy đề nghị thanh toán vốn theo mẫu do pháp luật quy định.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Luật Xây dựng năm 2020;
– Nghị định số 15/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng;
– Nghị định số 35/2023/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng;
– Nghị định số 40/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đầu tư công;
– Nghị định số 99/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định về quản lý, thanh toán, quyết toán sử dụng vốn đầu tư công.