Hoạt động môi giới tiền tệ trên thị trường cần phải đảm bảo các yêu cầu nghiêm ngặt của khắc luật bởi nó có sức ảnh hưởng lớn đến thị trường tiền tệ. Dưới đây là quy định của pháp luật hiện hành về hợp đồng môi giới tiền tệ.
Mục lục bài viết
1. Quy định pháp luật hiện hành về hợp đồng môi giới tiền tệ:
Môi giới tiền tệ được xem là hoạt động đóng vai trò trung gian kết nối giữa người vay, bán các công cụ tài chính với người cho vay, mua các công cụ tài chính để từ đó thu hoa hồng môi giới. Ví dụ như: Ngân hàng thương mại A được cấp phép kinh doanh hoạt động môi giới tiền tệ bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền, ngân hàng thương mại A từ đó sẽ đóng vai trò trung gian để có thể kết nối thực hiện các hoạt động ngân hàng hoặc các hoạt động kinh doanh giữa bên vay, bán các công cụ tài chính với bên cho vay, mua các công cụ tài chính, từ đó ngân hàng thương mại A sẽ thu được một khoản hoa hồng, gọi là phí môi giới.
Trên phương diện pháp lý, có nhiều văn bản pháp luật đưa ra khái niệm về môi giới tiền tệ. Căn cứ theo quy định Điều 3 của Thông tư 17/2016/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về việc quy định về hoạt động môi giới tiền tệ của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, có đưa ra khái niệm về môi giới tiền tệ, theo đó môi giới tiền tệ được xem là hoạt động trung gian có thu phí môi giới để thu xếp thực hiện các hoạt động ngân hàng và các hoạt động kinh doanh khác phù hợp với quy định của pháp luật giữa các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và các tổ chức tài chính khác được thành lập và hoạt động hợp pháp trên lãnh thổ của Việt Nam. Bên cạnh đó, căn cứ theo quy định tại khoản 21 Điều 4 của Văn bản hợp nhất 07/VBHN-VPQH năm 2017 về hợp nhất Luật Các tổ chức tín dụng, cũng khẳng định lại một lần nữa về khái niệm của hoạt động môi giới tiền tệ.
Hoạt động môi giới tiền tệ được xem là một trong những hình thức kinh doanh của ngân hàng thương mại. Căn cứ theo quy định tại Điều 107 của Văn bản hợp nhất 07/VBHN-VPQH năm 2017 về hợp nhất Luật Các tổ chức tín dụng, có quy định về các hoạt động kinh doanh của ngân hàng thương mại. Bao gồm:
– Dịch vụ quản lý tiền mặt, dịch vụ tư vấn ngân hàng, tư vấn tài chính, các dịch vụ quản lý và bảo quản tài sản, dịch vụ cho thuê tủ và cho thuê két an toàn;
– Tư vấn tài chính doanh nghiệp, tư vấn hoạt động mua bán doanh nghiệp, tư vấn hoạt động sáp nhập doanh nghiệp, hợp nhất doanh nghiệp, tư vấn đầu tư;
– Mua trái phiếu Chính phủ, bán trái phiếu Chính phủ, mua và bán trái phiếu doanh nghiệp;
– Dịch vụ môi giới tiền tệ;
Lưu ký chứng khoán, kinh doanh vàng và một số hoạt động kinh doanh khác liên quan đến hoạt động ngân hàng sau khi đã được cơ quan có thẩm quyền đó là Ngân hàng nhà nước chấp nhận bằng văn bản.
Như vậy có thể thấy, môi giới tiền tệ là một trong những hình thức kinh doanh của ngân hàng thương mại. Hợp đồng môi giới tiền tệ về bản chất được coi là sự thoả thuận giữa các bên trên cơ sở đôi bên cùng có lợi, tự nguyện và bình đẳng.
Căn cứ theo quy định tại Điều 7 của Thông tư 17/2016/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về việc quy định về hoạt động môi giới tiền tệ của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, có quy định về hợp đồng môi giới tiền tệ. Theo đó, bên môi giới và khách hàng sẽ cùng nhau ký kết hợp đồng môi giới tiền tệ dựa trên cơ sở tự thỏa thuận của các bên, quá trình thỏa thuận phải phù hợp với quy định của các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan. Hợp đồng môi giới tiền tệ sẽ bao gồm các nội dung chủ yếu sau đây:
– Thông tin về bên môi giới, thông tin khách hàng trong quá trình tham gia ký kết hợp đồng môi giới tiền tệ;
– Phương thức thực hiện môi giới tiền tệ;
– Phí môi giới tiền tệ, các chi phí khác có liên quan trong quá trình thực hiện hợp đồng mà các bên dự định có thể phát sinh;
– Phương thức thanh toán, thời hạn thanh toán, hình thức thanh toán;
– Quyền lợi và nghĩa vụ của bên môi giới, quyền lợi và nghĩa vụ của khách hàng;
– Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng;
– Quy định về xử lý tranh chấp, thẩm quyền giải quyết tranh chấp, phương thức giải quyết tranh chấp;
– Hiệu lực của hợp đồng môi giới tiền tệ;
– Các thỏa thuận khác của các bên phù hợp với quy định của pháp luật, không trái đạo đức xã hội.
Bên cạnh đó, căn cứ theo quy định tại Điều 8 của Thông tư 17/2016/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về việc quy định về hoạt động môi giới tiền tệ của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, có quy định về phí môi giới, phí môi giới cũng được xem là một trong những nội dung cần phải có trong hợp đồng môi giới tiền tệ. Theo đó, phí môi giới tiền tệ và các chi phí khác có liên quan đến hoạt động môi giới tiền tệ sẽ do bên môi giới và khách hàng tự thỏa thuận với nhau.
2. Có thể thực hiện môi giới tiền tệ thông qua những phương thức nào?
Phương thức thực hiện môi giới tiền tệ hiện nay đang được quy định tại Điều 6 của Thông tư 17/2016/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về việc quy định về hoạt động môi giới tiền tệ của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Theo đó, bên môi giới có thể thực hiện hoạt động môi giới tiền tệ thông qua các giao dịch trực tiếp hoặc thông qua các giao dịch gián tiếp trên mạng vi tính, điện thoại với khách hàng, hoặc các phương thức khác do bên môi giới và khách hàng thỏa thuận với nhau sao cho phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh của các bên, và vẫn tuân thủ đầy đủ theo quy định của pháp luật. Như vậy có thể nói, bên môi giới và khách hàng có thể thực hiện hoạt động môi giới tiền tệ thông qua các phương thức sau đây:
– Giao dịch trực tiếp;
– Giao dịch gián tiếp thông qua mạng máy vi tính hoặc thông qua điện thoại;
– Các phương thức khác do bên môi giới và khách hàng thỏa thuận sao cho phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh của bên môi giới và khách hàng, vẫn tuân thủ theo quy định của pháp luật.
Về vấn đề lưu trữ hồ sơ, căn cứ theo quy định tại Điều 9 của Thông tư 17/2016/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về việc quy định về hoạt động môi giới tiền tệ của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, đã có quy định cụ thể. Bên môi giới trong hoạt động môi giới tiền tệ được coi là các ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đã được cơ quan có thẩm quyền là Ngân hàng nhà nước Việt Nam chấp nhận hoạt động môi giới tiền tệ quy định tại giấy phép thành lập và hoạt động của ngân hàng thương mại hoặc giấy phép thành lập chi nhánh ngân hàng nước ngoài do Ngân hàng nhà nước cung cấp theo trình tự và thủ tục luật định. Bên môi giới sẽ phải có trách nhiệm lập và lưu trữ hồ sơ trong hoạt động môi giới tiền tệ. Bao gồm:
– Hợp đồng môi giới tiền tệ;
– Các tài liệu và văn bản khác có liên quan đến quá trình thực hiện giao dịch môi giới tiền tệ.
3. Những nguyên tắc cần phải tuân thủ trong môi giới tiền tệ:
Căn cứ theo quy định tại Điều 4 của Thông tư 17/2016/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về việc quy định về hoạt động môi giới tiền tệ của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, có quy định về nguyên tắc môi giới tiền tệ. Theo đó, quá trình thực hiện hoạt động môi giới tiền tệ cần phải tuân thủ theo các nguyên tắc sau:
– Ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cần phải ban hành các quy định nội bộ về vấn đề hoạt động môi giới tiền tệ sao cho phù hợp với quy định của các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, trong quy định nội bộ đó cần phải bao gồm tối thiểu các nội dung sau: quy trình và thủ tục thực hiện hoạt động môi giới tiền tệ, phạm vi trách nhiệm và quyền hạn của những người có liên quan trong hoạt động môi giới, vấn đề quản lý rủi ro đối với hoạt động môi giới;
– Trong thời hạn 10 ngày được tính kể từ ngày ban hành, sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế quy định nội bộ trong lĩnh vực môi giới tiền tệ, các ngân hàng thương mại và chi nhánh ngân hàng nước ngoài cần phải gửi trực tiếp hoặc gửi thông qua đường bưu điện đến cơ quan có thẩm quyền đó là Cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng thuộc Ngân hàng thương mại để xem xét về quy định nội bộ đó;
– Thực hiện việc môi giới tiền tệ cần phải tuân thủ theo quy định của Thông tư 17/2016/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về việc quy định về hoạt động môi giới tiền tệ của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan;
– Phải có ít nhất một bên khách hàng được môi giới tiền tệ là tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được thành lập và hoạt động hợp pháp theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng;
– Cần phải đảm bảo nguyên tắc trung thực, khách quan, đề cao lợi ích hợp pháp của khách hàng. Theo đó, thông tin liên quan đến giao dịch sẽ được bên môi giới tiền tệ bảo mật, các thông tin khác liên quan đến hoạt động môi giới tiền tệ sẽ được khách hàng phản ánh một cách trung thực và chính xác. Không được cung cấp các thông tin sai lệch, không được can thiệp dưới bất kỳ hình thức nào nhằm mục đích làm sai lệch thông tin dẫn đến khách hàng đánh giá không chính xác về các giao dịch được môi giới tiền tệ hoặc ảnh hưởng tới quyền lợi hợp pháp của khách hàng;
– Không được cung cấp các thông tin liên quan đến khách hàng, không được cung cấp các thông tin liên quan đến giao dịch được môi giới tiền tệ cho bên thứ ba nhằm mục đích trục lợi cá nhân hoặc nhóm bất kỳ mục đích nào khác, trừ trường hợp có sự yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc có sự đồng ý bằng văn bản của khách hàng trong hoạt động môi giới;
– Ngân hàng thương mại và chi nhánh ngân hàng nước ngoài sẽ không được đồng thời vừa là bên môi giới, vừa là bên thực hiện giao dịch được môi giới tiền tệ với khách hàng, vấn đề này để đảm bảo tính vô tư và khách quan trong quá trình thực hiện chức năng và nhiệm vụ của mình trong hoạt động môi giới tiền tệ.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Bộ luật Dân sự năm 2015;
– Văn bản hợp nhất 07/VBHN-VPQH năm 2017 về hợp nhất Luật Các tổ chức tín dụng do Văn phòng Quốc hội ban hành;
– Thông tư 17/2016/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về việc quy định về hoạt động môi giới tiền tệ của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.