Biên giới quốc gia được xem là mốc ranh giới xác định lãnh thổ giữa quốc gia này với quốc gia khác, biên giới quốc gia được xem là nơi bất khả xâm phạm, bao gồm biên giới trên bộ, biên giới trên biển, biên giới vùng trời và biên giới trong lòng đất. Dưới đây là quy định của pháp luật về hoạt động mua bán hàng hóa qua biên giới của các thương nhân.
Mục lục bài viết
1. Quy định mua bán hàng hóa qua biên giới của thương nhân:
Pháp luật hiện nay đã quy định cụ thể về vấn đề mua bán hàng hóa qua biên giới của các thương nhân. Căn cứ theo quy định tại Điều 5 của Nghị định 14/2018/NĐ-CP quy định chi tiết hoạt động thương mại biên giới, có quy định cụ thể về vấn đề thương nhân mua bán, trao đổi hàng hóa thông qua biên giới quốc gia. Cụ thể như sau:
– Thương nhân theo quy định của pháp luật có quyền thực hiện hoạt động mua bán hàng hóa, trao đổi hàng hóa thông qua biên giới quốc gia được xác định là thương nhân Việt Nam, trong đó bao gồm:
+ Doanh nghiệp;
+ Hợp tác xã;
+ Hộ kinh doanh;
+ Cá nhân có thực hiện thủ tục đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật.
– Thương nhân có vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài, các công ty, chi nhánh công ty nước ngoài đặt trên lãnh thổ của Việt Nam sẽ được quyền thực hiện hoạt động mua bán hàng hóa, trao đổi hàng hóa thông qua biên giới quốc gia theo cam kết của các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
Theo đó thì có thể nói, thương nhân được thực hiện hoạt động mua bán hàng hóa, trao đổi hàng hóa thông qua biên giới quốc gia được xác định là thương nhân Việt Nam, trong đó bao gồm các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, các cá nhân có thực hiện thủ tục đăng ký kinh doanh tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
Đồng thời, căn cứ theo quy định tại Điều 7 của Nghị định 14/2018/NĐ-CP quy định chi tiết hoạt động thương mại biên giới, có quy định cụ thể về hàng hóa mua bán, trao đổi qua biên giới của các thương nhân. Cụ thể như sau:
– Hàng hóa trao đổi, hàng hóa mua bán thông qua biên giới quốc gia của các thương nhân cần phải tuân thủ theo quy định của pháp luật về quản lý ngoại thương và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan về hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế;
– Bộ công thương là cơ quan nhà nước có thẩm quyền chủ trì, phối hợp với các bộ ban ngành có liên quan, Ủy ban nhân dân các tỉnh biên giới để ban hành Danh mục hàng hóa được phép mua bán, danh mục hàng hóa được phép trao đổi thông qua cửa khẩu phụ, lối mở biên giới của thương nhân trong từng thời kỳ nhất định.
2. Xuất nhập cảnh người và phương tiện của Việt Nam trong hoạt động thương mại biên giới:
Pháp luật hiện nay cũng quy định cụ thể về vấn đề xuất nhập cảnh người và phương tiện của Việt Nam trong hoạt động thương mại biên giới. Căn cứ theo quy định tại Điều 21 của Nghị định 14/2018/NĐ-CP quy định chi tiết hoạt động thương mại biên giới, có quy định cụ thể về hoạt động xuất nhập cảnh người và phương tiện của Việt Nam. Cụ thể như sau:
– Chủ hàng hoặc người được chủ hàng ủy quyền hợp pháp, các đối tượng được xác định là chủ phương tiện, người điều khiển phương tiện vận tải hàng hóa, các nhân viên phục vụ trên phương tiện, nhân viên phục vụ trên tàu, nhân viên phục vụ trên thuyền cần phải có một trong các loại giấy tờ có giá trị sử dụng như sau: Hộ chiếu còn thời hạn sử dụng, giấy chứng minh thư nhân dân, thẻ căn cước công dân đối với các đối tượng là dân cư biên giới trên các tuyến biên giới đất liền giữa Việt Nam và lào hoặc Việt Nam và Campuchia, giấy thông hành xuất nhập cảnh vùng biên giới (có thể là hộ chiếu thuyền viên trên tàu, trên thuyền) hoặc các loại giấy tờ qua lại biên giới khác theo quy định của pháp luật Việt Nam. Tuy nhiên cần phải lưu ý, riêng đối với người điều khiển phương tiện, ngoài các giấy tờ nêu trên còn phải cung cấp giấy phép điều khiển phương tiện phù hợp với loại phương tiện mà mình điều khiển;
– Chủ phương tiện, người điều khiển phương tiện vận tải hàng hóa khi ra vào các địa điểm tại khu vực biên giới cần phải xuất trình các loại giấy tờ theo quy định của pháp luật hiện hành;
– Phương tiện vận chuyển hàng hóa, người điều khiển phương tiện vận chuyển hàng hóa, chủ thể kinh doanh của Việt Nam sẽ được quyền đi qua các cửa khẩu, đi qua các lối mở biên giới căn cứ theo quy định tại Nghị định 14/2018/NĐ-CP, để ra/vào chợ biên giới của nước có chung đường biên giới với Việt Nam, cần phải đặt dưới sự kiểm tra giám sát của các lực lượng chức năng tại cửa khẩu hoặc tại lối mở biên giới. Trong trường hợp vào sâu trong nội địa nước có chung đường biên giới thì cần phải tiến hành thủ tục xuất nhập cảnh cho người và phương tiện theo quy định của pháp luật Việt Nam và của pháp luật nước có chung đường biên giới;
– Việc quản lý phương tiện của Việt Nam xuất nhập cảnh thông qua biên giới để giao nhận hàng hóa ngay tại khu vực cửa khẩu hoặc tại lối mở biên giới sau đó quay lại trong ngày, và phương tiện vận tải của các cá nhân/tổ chức ở khu vực biên giới thường xuyên qua lại biên giới cần phải được thực hiện theo quy định của pháp luật;
– Người vận chuyển hàng hóa và phương tiện vận chuyển hàng hóa có nhu cầu đi vào các địa điểm chuyển tải hàng hóa được quy định tại Hiệp định vận tải hàng hóa ký kết giữa nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và các nước có chung đường biên giới để giao nhận hàng hóa, thì cần phải thực hiện theo các quy định trong hiệp định, nghị định thư và các
Theo đó thì có thể nói, chủ hàng hoặc người được chủ hàng ủy quyền hợp pháp, chủ phương tiện, người điều khiển phương tiện vận tải hàng hóa, các nhân viên phục vụ trên xe, nhân viên phục vụ trên tàu/trên thuyền phải có một trong các loại giấy tờ có giá trị pháp lý như sau: Hộ chiếu còn thời hạn pháp luật, chứng minh thư nhân dân, thẻ căn cước công dân, giấy thông hành xuất nhập cảnh tại vùng biên giới hoặc các loại giấy tờ qua lại biên giới khác theo quy định của pháp luật Việt Nam.
3. Trách nhiệm của Bộ công thương trong hoạt động mua bán hàng hóa qua biên giới của thương nhân:
Căn cứ theo quy định tại Điều 23 của Nghị định 14/2018/NĐ-CP quy định chi tiết hoạt động thương mại biên giới, có quy định cụ thể về trách nhiệm và nghĩa vụ của Bộ công thương. Cụ thể bao gồm:
– Chủ trì và phối hợp với các bộ ban ngành có liên quan, phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh biên giới để hướng dẫn thực hiện Nghị định 14/2018/NĐ-CP;
– Chủ trì và phối hợp với các bộ ban ngành có liên quan để tiến hành hoạt động tham mưu cho chính phủ, tham mưu cho thủ tướng chính phủ trong quá trình quản lý và điều hành hoạt động thương mại biên giới;
– Phối hợp với các bộ ban ngành có liên quan, phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tại các khu vực biên giới để thực hiện hoạt động chỉ đạo, điều hành, hướng dẫn hoạt động thương mại biên giới phù hợp với chức năng và nhiệm vụ được giao;
– Chủ trì và phối hợp với các bộ ban ngành có liên quan, phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tại các khu vực biên giới để quy định cụ thể về việc thực hiện hoạt động thương mại biên giới đối với các cửa khẩu phụ và lối mở biên giới;
– Chủ trì và phối hợp với các bộ ban ngành có liên quan, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tại khu vực biên giới để điều tiết hoạt động mua bán hàng hóa và trao đổi hàng hóa thông qua biên giới của các thương nhân trong trường hợp ách tắc hoặc có khả năng ách tức hàng hóa tại các cửa khẩu/tại các lối mở biên giới của các tỉnh biên giới, có khả năng gây ra nguy cơ ô nhiễm môi trường, thiên tai hỏa hoạn, dịch bệnh hoặc các trường hợp cần thiết khác;
– Phối hợp, thỏa thuận và trao đổi với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền của nước có chung đường biên giới với Việt Nam về cơ chế phối hợp trong hoạt động quản lý thương mại biên giới;
– Tổng hợp và báo cáo cơ quan nhà nước có thẩm quyền định kỳ hoặc báo cáo đột xuất về hoạt động thương mại biên giới.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Nghị định 14/2018/NĐ-CP quy định chi tiết hoạt động thương mại biên giới;
– Thông tư 80/2019/TT-BTC của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn thủ tục hải quan, quản lý thuế, phí và lệ phí đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo Nghị định 14/2018/NĐ-CP ngày 23/01/2018 của Chính phủ quy định chi tiết về hoạt động thương mại biên giới.
THAM KHẢO THÊM: