Kinh doanh đối với dịch vụ quản lý chi phí đầu tư xây dựng là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Do vậy, cần đáp ứng được các yêu cầu theo quy định của pháp luật. Vậy kinh doanh dịch vụ quản lý chi phí đầu tư xây dựng được pháp luật quy định như thế nào
Mục lục bài viết
1. Chi phí đầu tư xây dựng là gì?
Có thể hiểu chi phí đầu tư trong lĩnh vực xây dựng là chi phí đầu tư cho công trình xây dựng, bao gồm toàn bộ các khoản chi phí cần thiết cho việc xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa hoặc mở rộng công trình xây dựng. Đây là một thuật ngữ tổng quát để chỉ những chi phí liên quan đến quá trình xây dựng của dự án.
Các khoản chi phí trong hoạt động về đầu tư xây dựng bao gồm chi phí xây dựng, chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng, chi phí thiết bị, chi phí quản lý dự án, chi phí tư vấn đầu tư xây dựng, chi phí dự phòng và các khoản chi phí khác.
Trong chi phí đầu tư về xây dựng có thể được thể hiện qua chỉ tiêu tổng mức đầu tư của một dự án ở các giai đoạn khác nhau, bao gồm giai đoạn lập dự án, giai đoạn thực hiện dự án và giai đoạn kết thúc dự án khi công trình được nghiệm thu và đưa vào sử dụng.
Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến chi phí đầu tư trong xây dựng do nó được hình thành từ nhiều thành phần chi phí khác nhau.
Mặc khác, có thể xác định 4 yếu tố chính ảnh hưởng đến chi phí đầu tư trong xây dựng, trong đó bao gồm thiết kế của dự án, vật liệu xây dựng, tiến độ thi công và nhà thầu thi công.
Khi nhận biết được những yếu tố chính ảnh hưởng đến chi phí đầu tư trong xây dựng, chúng ta có thể xem xét các biện pháp cụ thể nhằm giảm chi phí đầu tư bằng cách điều chỉnh các đối tượng ảnh hưởng tới các yếu tố này.
2. Quy định kinh doanh dịch vụ quản lý chi phí đầu tư xây dựng:
2.1. Điều kiện của tổ chức kinh doanh quản lý chi phí đầu tư xây dựng:
Theo quy định của Luật Xây dựng 2014 sửa đổi bổ sung bởi luật Xây dựng 2020 quy định về điều kiện của tổ chức quản lý chi phí đầu tư. Theo đó, để đáp ứng được điều kiện để được quản lý chi phí đầu tư xây dựng thì tổ chức phải:
– Đáp ứng đủ điều kiện năng lực hoạt động quản lý chi phí đầu tư xây dựng;
– Cá nhân lên kế hoạch cho việc chủ trì việc lập, thẩm tra và quản lý chi phí đầu tư xây dựng phải có chứng chỉ hành nghề định giá xây dựng.
2.2. Chứng chỉ hành nghề định giá xây dựng:
Cá nhân được cấp chứng chỉ hành nghề định giá xây dựng được chủ trì thực hiện các công việc về quản lý chi phí đầu tư xây dựng gồm:
– Lập, thẩm tra tổng mức đầu tư về xây dựng; đánh giá, phân tích rủi ro và hiệu quả đầu tư của dự án;
– Xác định được chỉ tiêu suất vốn đầu tư, giá xây dựng công trình, định mức xây dựng, chỉ số giá xây dựng;
– Thực hiện đo bóc khối lượng;
– Xác định, thẩm tra dự toán về xây dựng;
– Xác định giá của gói thầu, giá hợp đồng trong hoạt động xây dựng;
– Kiểm soát chi phí đối với xây dựng công trình;
– Lập, thẩm tra hồ sơ về thanh toán, quyết toán đối với vốn đầu tư xây dựng, quy đổi vốn đầu tư công trình xây dựng sau khi hoàn thành được nghiệm thu bàn giao đưa vào sử dụng.
Cá nhân được xét cấp chứng chỉ hành nghề định giá xây dựng khi đáp ứng điều kiện quy định tại Điều 66, Điều 67 Nghị định 15/2021/NĐ-CP hướng dẫn một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng và điều kiện tương ứng với các hạng như sau:
– Đối với hạng I: Đã chủ trì để thực hiện một trong các công việc quản lý chi phí đầu tư xây dựng của ít nhất một (01) dự án từ nhóm A hoặc hai (02) dự án từ nhóm B trở lên hoặc 01 công trình từ cấp 1 hoặc 02 công trình từ cấp II trở lên;
– Đối với hạng II: Đã chủ trì để thực hiện một trong các công việc quản lý chi phí đầu tư xây dựng của ít nhất một (01) dự án từ nhóm B hoặc hai (02) dự án từ nhóm C trở lên hoặc 01 công trình từ cấp II hoặc 02 công trình từ cấp III trở lên;
– Đối với hạng III: Đã tham gia để thực hiện một trong các công việc quản lý chi phí đầu tư xây dựng của ít nhất một (01) dự án từ nhóm C hoặc hai (02) dự án có yêu cầu lập Báo cáo kinh tế – kỹ thuật đầu tư xây dựng trở lên hoặc 01 công trình từ cấp III trở lên hoặc 02 công trình từ cấp IV trở lên.
2.3. Điều kiện năng lực của tổ chức tư vấn quản lý chi phí đầu tư xây dựng:
Đối với tổ chức tham gia hoạt động quản lý chi phí đầu tư xây dựng phải đáp ứng đủ các điều kiện tương ứng với các hạng năng lực như sau:
Đối với điều kiện của hạng I:
– Cá nhân chủ trì để thực hiện việc quản lý chi phí đầu tư xây dựng phải có chứng chỉ hành nghề định giá xây dựng hạng I;
– Cá nhân khi tham gia thực hiện quản lý chi phí đầu tư xây dựng phải có chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp đối với công tác quản lý chi phí đầu tư xây dựng;
– Cá nhân đã thực hiện việc quản lý chi phí của ít nhất 01 dự án nhóm A hoặc 02 dự án từ nhóm B trở lên.
Đối với điều kiện hạng II:
– Cá nhân chủ trì thực hiện đối với việc quản lý chi phí đầu tư xây dựng phải có chứng chỉ hành nghề định giá xây dựng từ hạng II trở lên;
– Cá nhân khi tham gia thực hiện quản lý chi phí đầu tư xây dựng phải có chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp với công tác quản lý chi phí đầu tư xây dựng theo quy định;
– Cá nhân đã thực hiện việc quản lý chi phí đầu tư xây dựng của ít nhất 01 dự án từ nhóm B trở lên hoặc 02 dự án từ nhóm C hoặc 03 dự án có yêu cầu lập báo cáo kinh tế – kỹ thuật trở lên.
Đối với yêu cầu hạng III:
– Cá nhân chủ trì về việc thực hiện quản lý chi phí đầu tư xây dựng phải có chứng chỉ hành nghề định giá xây dựng từ hạng III trở lên;
– Cá nhân khi tham gia thực hiện quản lý chi phí đầu tư xây dựng phải có trình độ, chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp với công tác quản lý chi phí đầu tư xây dựng.
2.4. Quy định về phạm vi hoạt động:
Về việc quy định phạm vi hoạt động đối với hạng I: Được thực hiện những công việc liên quan đến quản lý chi phí đầu tư xây dựng đối với tất cả các dự án;
Đối với hạng II: Được thực hiện những công việc liên quan đến quản lý chi phí đầu tư xây dựng đối với dự án từ nhóm B trở xuống;
Đối với hạng III: Được thực hiện những công việc liên quan đến quản lý chi phí đầu tư xây dựng đối với dự án nhóm C và dự án chỉ yêu cầu lập báo cáo kinh tế – kỹ thuật đầu tư xây dựng.
3. Vì sao cần phải quản lý chi phí đầu tư xây dựng?
Việc quản lý chi phí đầu tư trong lĩnh vực xây dựng là một yếu tố quan trọng để đảm bảo hiệu quả của dự án nhằm:
– Quản lý chi phí đầu tư giúp kiểm soát nguồn lực tài chính của dự án. Bằng cách lập ra kế hoạch và giám sát chi phí, đảm bảo rằng ngân sách được phân bổ đúng mức và hiệu quả. Giúp tránh tình trạng lãng phí tài nguyên và đảm bảo rằng dự án được thực hiện theo kế hoạch để kiểm soát tốt nguồn lực tài chính.
– Quản lý chi phí đầu tư giúp đánh giá được tính khả thi của dự án. Việc xác định và ước lượng chi phí một cách chính xác để ra quyết định đúng đắn. Giúp tránh rủi ro về việc vượt quá ngân sách hoặc không đủ nguồn lực để hoàn thành dự án đảm bảo tính khả thi của dự án.
– Việc quản lý chi phí đầu tư giúp đảm bảo sự cân đối giữa chất lượng đối với công trình và chi phí. Bằng cách theo dõi và kiểm soát chi phí, có thể tối ưu hóa sử dụng tài nguyên và đảm bảo rằng chất lượng công trình đáp ứng các tiêu chuẩn và yêu cầu.
– Ngoài ra, quản lý chi phí đầu tư còn giúp đối phó với sự biến động của thị trường. Thị trường xây dựng có thể thay đổi với những biến động về giá vật liệu, lao động và các yếu tố khác. Bằng cách thực hiện quản lý chi phí một cách chu đáo, thận trọng ta có thể đưa ra các biện pháp phù hợp nhằm giảm thiểu tác động của biến động thị trường và đảm bảo sự ổn định và tiết kiệm trong quá trình xây dựng.
– Việc quản lý chi phí đầu tư sẽ giúp tăng cường khả năng dự báo và quản lý được những rủi ro trong dự án. Bằng cách nắm bắt và đánh giá chi phí đối với từng hạng mục, có thể xác định các rủi ro tiềm ẩn và đưa ra các biện pháp phòng ngừa và giảm thiểu rủi ro. Giúp đảm bảo rằng dự án được thực hiện một cách ổn định và tránh được các vấn đề không mong muốn.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Luật Xây dựng 2014;
– Nghị định 15/2021/NĐ-CP hướng dẫn một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng.