Khi tranh chấp xảy ra trong quá trình thực hiện hợp đồng thì điều khoản giải quyết tranh chấp có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Dưới đây là phân tích về quy định điều khoản giải quyết tranh chấp trong hợp đồng.
Mục lục bài viết
1. Quy định điều khoản giải quyết tranh chấp trong hợp đồng:
Trong một hợp đồng thì điều khoản là quy định cụ thể được các bên thỏa thuận. Ví dụ như: trong một hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế, các bên thỏa thuận về các điều khoản như hàng hóa – số lượng – giá cả – giao hàng – tổng giá – gửi hàng – thanh toán – sự kiện bất khả kháng … các điều khoản của hợp đồng có thể được phân thành các nhóm điều khoản như nhóm điều khoản cơ bản, nhóm điều khoản thông thường và nhóm điều khoản tùy nghi. Điều khoản cơ bản là điều khoản không thể thiếu đối với mỗi loại hợp đồng, ví dụ như điều khoản về đối tượng hợp đồng, điều khoản về số lượng và chất lượng, điều khoản về giá cả và phương thức thanh toán, điều khoản về thời gian và địa điểm … Hợp đồng nếu thiếu đối tượng hợp đồng hoặc đối tượng hợp đồng không phù hợp với quy định của pháp luật thì hợp đồng đó sẽ bị coi là hợp đồng vô hiệu. Bên cạnh đó, vấn đề điều khoản thông thường trong hợp đồng là những điều khoản được pháp luật quy định trước, ví dụ như điều khoản về bồi thường thiệt hại, các điều khoản về tình huống và hoàn cảnh khó khăn trên thực tế … nếu các bên không thỏa thuận loại điều khoản này trong hợp đồng thì chúng vẫn sẽ được áp dụng theo như những gì mà pháp luật đã quy định. Ngoài ra, về điều khoản tùy nghi thì chính là các điều khoản khi giao kết hợp đồng các bên có thể thỏa thuận để xác định thêm một số điều khoản khác nhằm làm cho nội dung của hợp đồng được cụ thể hoặc tạo ra điều kiện thuận lợi nhất cho các bên trong quá trình thực hiện hợp đồng, thậm chí ngay cả khi có rủi ro xảy ra. Điều khoản tùy nghi trong hợp đồng là điều khoản được các bên xây dựng dựa trên cơ sở tự nguyện thỏa thuận với nhau khi chưa có quy định của pháp luật hoặc có quy định nhưng vẫn được các bên thỏa thuận lại với mục đích vận dụng linh hoạt quy định vào từng hoàn cảnh thực tế mà không trái quy định của pháp luật.
Vì vậy có thể nói, xét về mặt thực tiễn thì điều khoản giải quyết tranh chấp thuộc nhóm các điều khoản tùy nghi. Vì vậy đối với loại điều khoản giải quyết tranh chấp tuy không phải là bắt buộc nhưng nếu được các bên đưa vào hợp đồng thì càng làm cho nội dung của hợp đồng dễ thực hiện hơn trên thực tế khi có tranh chấp xảy ra. Trong các loại hợp đồng nói chung thì điều khoản giải quyết tranh chấp được coi là một loại điều khoản đặc biệt vì nó được kích hoạt trong quá trình hợp đồng có tranh chấp hoặc mâu thuẫn. Thực tiễn đàm phán hợp đồng cho thấy khi các bên đàm phán hợp đồng đã ý thức được sự phức tạp của một loại hợp đồng nhất định nên cho rằng cần thiết phải xây dựng điều khoản giải quyết tranh chấp trong hợp đồng, vì vậy các bên đã thỏa thuận và xây dựng nội dung cụ thể cho điều khoản giải quyết tranh chấp. Khi điều khoản giải quyết tranh chấp đã được các bên xây dựng trong hợp đồng thì sẽ được coi là cơ sở pháp lý để trong quá trình thực hiện nếu phát sinh rủi ro dẫn đến tranh chấp giữa các bên thì điều khoản giải quyết tranh chấp sẽ được kích hoạt ngay lập tức nhằm hạn chế tới mức tối đa thiệt hại xảy ra cho các bên.
Mục đích của điều khoản giải quyết tranh chấp là để xử lý những xung đột về lợi ích của các bên. Để đảm bảo quyền lợi của các bên khi giải quyết tranh chấp cần lưu ý hai nội dung cơ bản. Thứ nhất là việc áp dụng phương thức nào để giải quyết tranh chấp và thứ hai là quy định pháp luật nào được áp dụng để xác định tính đúng đắn của các bên trong quá trình thực hiện hợp đồng. Trên cơ sở xây dựng điều khoản và mục đích của việc sử dụng điều khoản giải quyết tranh chấp có thể rút ra định nghĩa về điều khoản giải quyết tranh chấp trong hợp đồng như sau: Điều khoản giải quyết tranh chấp trong hợp đồng là điều khoản được các bên chủ thể của hợp đồng thỏa thuận với nội dung xác định phương thức hoặc xác định pháp luật áp dụng để giải quyết những xung đột về lợi ích giữa các bên chủ thể trong quá trình thực hiện hợp đồng đó.
Thực tế thì có thể nói, các điều khoản giải quyết tranh chấp mang tính độc lập nhất định so với hợp đồng gốc nên khi được các bên thỏa thuận và xây dựng trong hợp đồng thì các điều khoản này sẽ được xem là một loại hợp đồng thứ hai trong hợp đồng thứ nhất. Bởi vậy các bên có thể đưa vào điều khoản giải quyết tranh chấp tất cả những nội dung và vấn đề liên quan tới quá trình giải quyết tranh chấp. Tuy nhiên trên thực tế các bên thường đưa vào điều khoản giải quyết tranh chấp những nội dung như phương thức giải quyết tranh chấp và pháp luật áp dụng giải quyết tranh chấp trong hợp đồng. Cụ thể như sau:
Thứ nhất, về việc xác định phương thức giải quyết tranh chấp trong hợp đồng. Các bên có thể lựa chọn một hoặc nhiều phương thức giải quyết tranh chấp trong số các phương thức giải quyết tranh chấp như phương thức thương lượng trực tiếp, phương thức thông qua bên thứ ba và phương thức thông qua cơ quan tài phán. Theo đó thì, phương thức thương lượng trực tiếp là việc các bên tranh chấp cùng nhau gặp mặt để thỏa thuận phương án khắc phục thiệt hại cùng với nhau. Phương thức giải quyết tranh chấp thông qua bên thứ ba, và bên thứ ba với vai trò là trung gian hòa giải, trên cơ sở xem xét tình tiết của vụ việc bên thứ ba sẽ đưa ra ý kiến tư vấn cũng như đưa ra phương án để giải quyết tranh chấp cho các bên. Tuy nhiên ý kiến của bên thứ ba cũng chỉ mang tính tham khảo và các bên tranh chấp tự đưa ra quyết định cuối cùng cho việc giải quyết tranh chấp đó. Cuối cùng là phương thức giải quyết tranh chấp trong hợp đồng thông qua cơ quan tài phán. Theo đó thì cơ quan tài phán sẽ trực tiếp xem xét và giải quyết tranh chấp giữa các bên là cơ quan tòa án và trọng tài.
Thứ hai, xác định pháp luật áp dụng để giải quyết tranh chấp trong hợp đồng. Pháp luật áp dụng sẽ là cơ sở pháp lý để giải quyết tranh chấp và làm căn cứ để các chủ thể có thẩm quyền giải quyết tranh chấp vận dụng trong quá trình giải quyết tranh chấp của các bên trong hợp đồng. Cơ sở pháp lý này bao gồm các nguồn lực khác nhau như pháp luật quốc gia, pháp luật quốc tế và pháp luật nước ngoài. như vậy thì có thể nói, việc xem xét nội dung và hình thức của các điều khoản giải quyết tranh chấp một lần nữa xác định vị thế của điều khoản giải quyết tranh chấp trong một hợp đồng nói chung. Theo đó khi thiếu vắng lại điều khoản giải quyết tranh chấp trong hợp đồng sẽ mang lại nhiều bất lợi không đáng có cho các bên trong quan hệ hợp đồng.
2. Đặc điểm của điều khoản giải quyết tranh chấp trong hợp đồng:
Thứ nhất, mang tính độc lập đối với hợp đồng. Điều khoản giải quyết tranh chấp trong hợp đồng là một loại điều khoản của hợp đồng. Do đó giống như các loại điều khoản khác trong hợp đồng thì điều khoản giải quyết tranh chấp luôn ràng buộc trách nhiệm của các bên trong việc thực hiện hợp đồng. Tuy nhiên loại điều khoản giải quyết tranh chấp này được xem là độc lập với hợp đồng. Tính độc lập của điều khoản giải quyết tranh chấp được nhìn nhận như một loại hợp đồng thứ hai. Theo đó thì hợp đồng thứ nhất là hợp đồng xác định quyền và nghĩa vụ của các bên còn hợp đồng thứ hai là hợp đồng về giải quyết tranh chấp giữa các bên. Với đặc điểm này thì có thể nói nếu một hợp đồng có điều khoản giải quyết tranh chấp thì các chủ thể sẽ bị rằng buộc bởi hai hợp đồng. Hợp đồng thứ nhất quy định về quyền và nghĩa vụ còn hợp đồng thứ hai quy định về cách thức giải quyết tranh chấp phát sinh từ hợp đồng thứ nhất.
Thứ hai, được thực hiện khi có sự vi phạm về nghĩa vụ của hợp đồng. Tính độc lập của điều khoản giải quyết tranh chấp đối với hợp đồng đã tạo ra đặc điểm này. Theo đó trong trường hợp hợp đồng thứ nhất bị vô hiệu sẽ không thể làm vô hiệu hợp đồng thứ hai. Đặc điểm này của điều khoản giải quyết tranh chấp bảo đảm rằng nếu một bên đã vi phạm hợp đồng thì bên vi phạm có quyền áp dụng điều khoản giải quyết tranh chấp để bảo vệ quyền lợi của mình.
Thứ ba, được hình thành trong quá trình đàm phán và thực hiện hợp đồng. Xây dựng điều khoản giải quyết tranh chấp khi đang trong quá trình thực hiện hợp đồng và vấn đề này sẽ diễn ra khi hợp đồng đã được ký kết và đang được thực hiện. Tuy nhiên vì một lý do bất kỳ nào đó mà xảy ra tranh chấp giữa các bên và hợp đồng được các bên ký kết trước đó đã thiếu vấn điều khoản phục vụ cho quá trình giải quyết tranh chấp. Bởi vậy để tiến hành giải quyết tranh chấp đã phát sinh thì các bên thường trực tiếp đàm phán và thảo luận các vấn đề có liên quan đến việc giải quyết tranh chấp và ký một biên bản thỏa thuận về giải quyết tranh chấp với nội dung như phương thức giải quyết tranh chấp, thẩm quyền giải quyết tranh chấp thậm chí là pháp luật áp dụng cho việc giải quyết tranh chấp đó.
3. Vai trò của điều khoản giải quyết tranh chấp trong hợp đồng:
Có thể kể đến một số vai trò của điều khoản giải quyết tranh chấp trong hợp đồng như sau:
Thứ nhất, điều khoản giải quyết tranh chấp tạo nên sự thuận tiện trong quá trình giải quyết tranh chấp trong hợp đồng. Khi các bên thỏa thuận đưa điều khoản giải quyết tranh chấp vào hợp đồng thì về mặt tâm lý các bên chủ thể sẽ tiên liệu tranh chấp có thể xảy ra. Với tâm lý này khi có tranh chấp thực sự xảy ra thì các bên sẽ đón nhận một cách dễ dàng mà không tạo ra sự căng thẳng trong mối quan hệ. Đây được xem là điều cần thiết để duy trì trong quan hệ hợp tác kinh doanh. Với sự chuẩn bị tâm lý như vậy thì các bên sẽ dễ dàng thực hiện các vấn đề được ghi nhận trong điều khoản giải quyết tranh chấp. Mặt khác khi một hợp đồng có điều khoản giải quyết tranh chấp thì khi xảy ra tranh chấp nó sẽ giúp cho các bên nhanh chóng xác định được phương hướng khắc phục những rủi ro và những bất đồng giữa các bên.
Thứ hai, điều khoản giải quyết tranh chấp giúp bên bị vi phạm thuận lợi trong việc bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình. Khi bên vi phạm hợp đồng gây ra thiệt hại cho bên bị thiệt hại thì để bảo vệ quyền lợi của mình, bên bị thiệt hại có quyền yêu cầu bên gây thiệt hại bồi thường những thiệt hại mà mình phải gánh chịu. Cơ sở pháp lý để bên bị thiệt hại bảo vệ quyền lợi của mình chính là căn cứ vào nội dung trong điều khoản giải quyết tranh chấp. Như vậy điều khoản giải quyết tranh chấp trong hợp đồng sẽ giúp xác định rõ ràng và cụ thể về phương thức giải quyết tranh chấp cũng như những vấn đề pháp lý liên quan đến việc giải quyết tranh chấp đó. Đây được xem là những nội dung cần thiết để bên bị thiệt hại thuận lợi hơn trong vấn đề tự bảo vệ và được bảo vệ quyền lợi của mình khi bị thiệt hại trước bên gây thiệt hại.
Thứ ba, tiết kiệm thời gian và chi phí trong giải quyết tranh chấp. Khi có tranh chấp xảy ra bên bị thiệt hại có quyền yêu cầu bên gây thiệt hại phải khắc phục những thiệt hại xảy ra hoặc đưa ra cách thức giải quyết theo đúng những thỏa thuận đã được giao kết trong hợp đồng. Như vậy điều quan giải quyết tranh chấp sẽ giúp tiết kiệm thời gian cũng như tiết kiệm các chi phí cho các bên và đặc biệt do các bên đã dự liệu từ trước nên khi tranh chấp xảy ra, các bên sẽ tránh được nhiều hệ lụy làm ảnh hưởng đến quan hệ kinh doanh của mình. Đồng thời thì điều khoản giải quyết tranh chấp còn tạo nên sự hài lòng của các bên về kết quả giải quyết tranh chấp. Trong quá trình đàm phán về điều khoản giải quyết tranh chấp các bên đã ít nhiều hình dung được phương thức giải quyết sẽ được áp dụng nếu có tranh chấp xảy ra. Vì vậy khi tranh chấp xảy ra các bên đã có sự chuẩn bị về tâm lý nên sẽ dễ dàng hơn trong việc giải quyết tranh chấp theo phương án mà mình đã lựa chọn. Theo đó các bên có thể không chỉ dừng lại ở việc lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp mà còn có thể lựa chọn quy trình giải quyết tranh chấp, thậm chí là các bên có thể chủ động xây dựng và lựa chọn thẩm quyền giải quyết tranh chấp. Với cách thức lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp của mình thì sẽ luôn luôn tạo cho các bên sự hài lòng và thỏa mãn khi đón nhận kết quả của việc giải quyết tranh chấp đó. Từ đó bên vi phạm cũng sẽ có tâm lý thoải mái và tự nguyện thực thi kết quả giải quyết tranh chấp.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Bộ luật Dân sự năm 2015.