Theo quy định của pháp luật thì công cụ hỗ trợ được xác định là phương tiện đặc biệt để trang bị cho một số lực lượng chức năng trong quá trình thi hành công vụ. Vậy hiện nay có những hành vi nào bị pháp luật ngăn cấm khi sử dụng công cụ hỗ trợ?
Mục lục bài viết
1. Những hành vi bị nghiêm cấm khi sử dụng công cụ hỗ trợ:
1.1. Khái quát về công cụ hỗ trợ theo quy định của pháp luật:
Căn cứ theo Điều 3 của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2019, thì công cụ hỗ trợ là một khái niệm để chỉ các loại phương tiện và động vật nghiệp vụ được sử dụng trong quá trình thi hành công vụ của các chủ thể có thẩm quyền, với mục đích là để thực hiện nhiệm vụ và bảo vệ cũng như hạn chế và ngăn ngừa người có hành vi vi phạm pháp luật chống trả lại người thi hành công vụ hoặc bỏ trốn, công cụ hỗ trợ được sử dụng với mục đích bảo vệ người thi hành công vụ và người thực hiện nhiệm vụ bảo vệ cũng như báo hiệu khẩn cấp. Như vậy công cụ hỗ trợ đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với các chủ thể có thẩm quyền trong quá trình thi hành công vụ của mình. Hiện nay thì công cụ hỗ trợ bao gồm nhiều loại, cụ thể như sau:
– Súng bắn điện, súng bắn hơi ngạt, súng có chất độc, chất gây mê, súng từ trường, úng bắn đạn nhựa, nổ, cao su, hơi cay, súng phóng dây mồi; pháo hiệu, hiệu lệnh, đánh dấu và đạn sử dụng cho các loại súng này;
– Phương tiện xịt hơi cay, phương tiện xịt hơi ngạt hoặc chất gây ngứa, phương tiện chứa chất độc, phương tiện chứa chất gây mê; các loại lựu đạn;
– Các loại dùi cui, ví dụ như dùi cui điện, dùi cui cao su hoặc kim loại … Các loại găng tay điện hoặc mũ chống đạn, các thiết bị áp chế bằng âm thanh, bao gồm cả các động vật nghiệp vụ tức là các loại động vật động vật để sử dụng cho quá trình thi hành công vụ và cho yêu cầu bảo vệ an ninh quốc gia cũng như an toàn trật tự và xã hội;
– Ngoài ra còn có thể bao gồm một số công cụ hỗ trợ có tính năng và tác dụng tương tự, được chế tạo và sản xuất phù hợp với tiêu chuẩn kĩ thuật và thiết kế với mục đích để phục vụ cho quá trình thi hành công vụ theo quy định tại Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2019.
1.2. Những hành vi bị nghiêm cấm khi sử dụng công cụ hỗ trợ:
Theo Điều 5 của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2019, thì những hành vi bị nghiêm cấm khi sử dụng công cụ hỗ trợ được ghi nhận như sau:
– Các chủ thể sở hữu vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ trái với quy định của pháp luật, trừ trường hợp đó được xếp vào loại vũ khí thô sơ là hiện vật để trưng bày, triển lãm, đồ gia bảo;
– Các chủ thể tiến hành các hoạt động nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sửa chữa, sử dụng trái phép hoặc chiếm đoạt công cụ hỗ trợ hoặc tiến hành các hoạt động chiếm đoạt chi tiết để lắp ráp vũ khí, công cụ hỗ trợ trái với quy định của pháp luật;
– Các chủ thể tiến hành các hoạt động mang trái phép công cụ hỗ trợ vào lãnh thổ của Việt Nam, hoặc mang trái phép từ lãnh thổ Việt Nam ra nước ngoài, hoặc vào nơi cấm, khu vực cấm, khu vực bảo vệ và mục tiêu bảo vệ;
– Các chủ thể tiến hành các hoạt động lợi dụng, lạm dụng việc sử dụng công cụ hỗ trợ với mục đích trái pháp luật và trái thuần phong mĩ tục, thực hiện các hành vi nhằm xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, tính mạng, sức khỏe, tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân;
– Các chủ thể tiến hành các hoạt động hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng công cụ hỗ trợ được giao bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
– Các chủ thể tiến hành các hoạt động giao công cụ hỗ trợ cho cơ quan, tổ chức, cá nhân không đủ điều kiện nằm giữ và sở hữu theo quy định của pháp luật;
– Các chủ thể tiến hành các hoạt động trao đổi, tặng, cho, gửi, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố công cụ hỗ trợ trái quy định, hoặc chi tiết, cụm chi tiết để lắp ráp công cụ hỗ trợ;
– Các chủ thể tiến hành các hoạt động vận chuyển, bảo quản, tiêu hủy công cụ hỗ trợ không bảo đảm an toàn hoặc làm ảnh hưởng đến môi trường;
– Các chủ thể tiến hành các hoạt động chiếm đoạt, mua bán, trao đổi, tặng, cho, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố, làm giả, sửa chữa, tẩy xóa các loại giấy phép, giấy xác nhận, giấy chứng nhận, chứng chỉ về công cụ hỗ trợ;
– Các chủ thể tiến hành các hoạt động chiếm đoạt, mua bán, trao đổi, tặng, cho, gửi, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố phế liệu, phế phẩm công cụ hỗ trợ;
– Các chủ thể tiến hành các hoạt động hướng dẫn, chỉ dạy, đào tạo, cũng như tổ chức và huấn luyện trái phép cách thức chế tạo, sản xuất, sửa chữa hoặc sử dụng công cụ hỗ trợ dưới mọi hình thức;
– Các chủ thể tiến hành các hoạt động che giấu, không tố giác, giúp người khác chế tạo, sản xuất, mang, mua bán, sửa chữa, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép hoặc hủy hoại công cụ hỗ trợ;
– Các chủ thể tiến hành các hoạt động đào bới và thu gom trái phép công cụ hỗ trợ; phế liệu, phế phẩm công cụ hỗ trợ;
– Các chủ thể tiến hành các hoạt động cố ý cung cấp thông tin sai lệch, sai sự thật về quản lý vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ; không báo cáo, báo cáo không kịp thời, che giấu hoặc làm sai lệch thông tin báo cáo về việc mất, thất thoát, tai nạn, sự cố về công cụ hỗ trợ.
2. Người sử dụng trái phép công cụ hỗ trợ bị xử phạt hành chính như thế nào?
Căn cứ vào Điều 11 của Nghị định số 144/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình, người sử dụng trái phép công cụ hỗ trợ có thể bị xử phạt với mức như sau:
Thứ nhất, phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng đối với một trong những hành vi sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ mà không có giấy phép.
Thứ hai, hình thức xử phạt bổ sung có thể áp dụng trong trường hợp này là:
– Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định của pháp luật;
– Tước quyền sử dụng giấy phép sử dụng, tước quyền sử dụng giấy xác nhận đăng ký vũ khí, công cụ hỗ trợ với thời gian từ 03 tháng đến 06 tháng đối với hành vi vi phạm quy định của pháp luật;
– Tước quyền sử dụng giấy phép, tước quyền sử dụng giấy xác nhận, tước giấy chứng nhận, chứng chỉ về vũ khí, công cụ hỗ trợ, pháo hoa với thời gian từ 09 tháng đến 12 tháng đối với hành vi vi phạm quy định của pháp luật.
3. Người sử dụng trái phép công cụ hỗ trợ có bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay không?
Người sử dụng trái phép công cụ hỗ trợ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu có đầy đủ các yếu tố cấu thành tội phạm theo quy định tại Điều 306 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), cụ thể là về: Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao hoặc công cụ hỗ trợ. Đối tượng tác động của tội phạm này là súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao hoặc công cụ hỗ trợ. Trong đó thì theo như phân tích ở trên, công cụ hỗ trợ là phương tiện hoạt động vật nghiệp vụ được sử dụng để thi hành công vụ như súng bắn điện, phương tiện gì hơi cay, dùi cui cao su … Chủ thể của tội phạm này được quy định là người đã bị xử phạt như phạt hành chính hoặc đã bị kết án về hành vi được quy định tại điều luật trên nhưng chưa được xóa án tích. Và hình phạt quy định cho tội phạm này được xác định là 04 khung hình phạt chính và 01 khung hình phạt bổ sung. Khung hình phạt cơ bản được quy định là hình phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm. Hai khung hình phạt tăng nặng được quy định là hình phạt tù từ 1 năm đến 5 năm, 3 năm đến 7 năm. trong các dấu hiệu định khung hình phạt tăng nặng thì cần phải chú ý đến dấu hiệu “có số lượng lớn/rất lớn/đặc biệt lớn”. Khung hình phạt bổ sung có thể được áp dụng là hình phạt tiền từ 10 triệu đến 50 triệu, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 1 đến 5 năm.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2019;
– Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017);
– Nghị định số 144/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình.