Hàng hoá lưu thông trong nước, hàng hoá nhập khẩu, hàng hoá xuất khẩu bắt buộc phải ghi nhãn hàng hoá theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hoá.
Nhãn hàng hoá là dấu hiệu đầu tiên mà người tiêu dùng quan tâm khi tiếp xúc với một hàng hóa, sản phẩm nhất định. Nhãn hàng hóa được định nghĩa theo pháp luật đó là bản viết, bản in, bản vẽ, bản chụp của chữ, hình vẽ, hình ảnh được dán, in, đính, đúc, chạm, khắc trực tiếp trên hàng hoá, bao bì thương phẩm của hàng hoá hoặc trên các chất liệu khác được gắn trên hàng hóa, bao bì thương phẩm của hàng hoá (Khoản 1 Điều 3 Nghị định 89/2006/NĐ-CP).
Hàng hoá lưu thông trong nước, hàng hoá nhập khẩu, hàng hoá xuất khẩu bắt buộc phải ghi nhãn hàng hoá theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hoá.
Pháp luật đã có quy định cụ thể về nhãn hàng hóa tại Nghị định 89/2006/NĐ-CP và Thông tư 09/2007/TT-BKHCN. Theo đó, nhãn hàng hóa cần phải quan tâm đến ngôn ngữ trình bày. Tại Điều 9 Nghị định 89/2006/NĐ-CP có quy định về ngôn ngữ hàng hóa như sau:
Thứ nhất, đối với hàng hóa được sản xuất và lưu thông trong nước, pháp luật có quy định các điều kiện cơ bản cần đảm bảo về ngôn ngữ nhãn hàng hóa như sau:
– Những nội dung bắt buộc thể hiện trên nhãn hàng hoá phải được ghi bằng tiếng Việt;
– Nội dung thể hiện khác trên nhãn có thể được ghi bằng ngôn ngữ khác nhưng cần phải tương ứng nội dung tiếng Việt;
– Kích thước chữ được ghi bằng ngôn ngữ khác không được lớn hơn kích thước chữ của nội dung ghi bằng tiếng Việt.
Ndung bắt buộc trên nhãn hàng hóa đó là những thông tin, dấu hiệu cơ bản để từ đó người tiêu dùng có được nhận biết cơ bản và chính xác về sản phẩm. Những nội dung bắt buộc cơ bản đó là: Tên hàng hoá; tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hoá; Xuất xứ hàng hoá (đối với hàng hoá nhập khẩu). Ngoài ra phải thể hiện trên nhãn hàng các nội dung bắt buộc tuỳ theo tính chất của mỗi loại hàng hoá, cụ thể như: định lượng; ngày sản xuất, hạn sử dụng; thành phần hoặc thành phần định lượng; thông số kỹ thuật; thông tin, cảnh báo vệ sinh, an toàn; hướng dẫn sử dụng, hướng dẫn bảo quản.
Thứ hai, đối với hàng hóa được sản xuất và nhập khẩu vào nước ta, pháp luật có quy định các điều kiện cơ bản cần đảm bảo về ngôn ngữ nhãn hàng hóa như sau:
– Hàng hoá nhập khẩu vào Việt Nam mà trên nhãn chưa thể hiện hoặc thể hiện chưa đủ những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt thì phải có nhãn phụ thể hiện những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt và giữ nguyên nhãn gốc của hàng hoá;
– Nội dung ghi bằng tiếng Việt phải tương ứng với nội dung ghi trên nhãn gốc
– Nếu ghi những nội dung không bắt buộc bằng ngôn ngữ khác thì không phải dịch ra tiếng Việt nhưng không được làm hiểu sai bản chất, công dụng của hàng hoá và không được làm hiểu sai nội dung khác của nhãn.
Cần lưu ý rằng, ngoài các nội dung bắt buộc, tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hoá được phép ghi lên nhãn những nội dung khác. Những nội dung ghi thêm không được trái pháp luật và phải đảm bảo trung thực, chính xác, phản ánh đúng bản chất của hàng hoá, không che khuất, không làm sai lệch những nội dung bắt buộc ghi trên nhãn. Trường hợp không thể thể hiện tất cả nội dung bắt buộc trên nhãn thì:
– Các nội dung như: tên hàng hoá; tên tổ chức cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hoá; định lượng; ngày sản xuất; xuất xứ hàng hoá phải được ghi trên nhãn hàng hoá.
– Các nội dung bắt buộc khác phải được ghi trong tài liệu kèm theo hàng hoá và trên nhãn hàng hoá phải chi ra nơi ghi các nội dung đó.
Tuy nhiên, không nhất thiết tất cả các nội dung bắt buộc đều phải dịch ra tiếng Việt hoặc thể hiện bằng tiếng Việt. Khoản 4 Điều 9 Nghị định 89/2006/NĐ-CP có quy định các trường hợp nội dung có thể được thể hiện bằng ngôn ngữ latinh. Cụ thể đó là các nội dung:
– Tên quốc tế hoặc tên khoa học của thuốc dùng cho người trong trường hợp không có tên tiếng Việt;
– Tên quốc tế hoặc tên khoa học kèm công thức hoá học, công thức cấu tạo của hoá chất;
– Tên quốc tế hoặc tên khoa học của thành phần, thành phần định lượng của hàng hoá trong trường hợp không dịch được ra tiếng Việt hoặc dịch được ra tiếng Việt nhưng không có nghĩa;
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
– Tên và địa chỉ doanh nghiệp nước ngoài sản xuất, nhượng quyền sản xuất hàng hoá.
Cần phải lưu ý rằng, những nội dung của nhãn bằng tiếng Việt nếu dịch ra ngôn ngữ khác thì không được làm hiểu sai nội dung tiếng Việt của nhãn. Nếu ghi những nội dung không bắt buộc bằng ngôn ngữ khác thì không phải dịch ra tiếng Việt nhưng không được làm hiểu sai bản chất, công dụng của hàng hoá và không được làm hiểu sai nội dung khác của nhãn.