Quy định của pháp luật về biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới?
Bình đẳng giới là một trong những vấn đề được quan tâm ở hầu hết các quốc gia trên thế giới, tự nó là một mục tiêu phát triển và là yếu tố nâng cao khả năng tăng trưởng của quốc gia, xoá đói giảm nghèo và góp phần quản lý nhà nước hiệu quả. Xây dựng xã hội bình đẳng giới là một phần quan trọng trong chiến lược phát triển nhằm bảo đảm để tất cả mọi người – cả nam và nữ, nâng cao chất lượng sống, đảm bảo công bằng xã hội và pháp luật nước ta cũng đã ghi nhận về bình đẳng giới và các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới cũng được quy định rất rõ. Vậy quy định của pháp luật về biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới được thể hiện như thế nào? Bài viết dưới đây của Luật Dương Gia sẽ cung cấp cho bạn đọc nội dung liên quan đến: ” Quy định của pháp luật về biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới”
Luật sư
– Cơ sở pháp lý:
+ Nghị định 48/2009/NĐ-CP về các biện pháp bảo đảm bình đẳng giới.
1. Quy định của pháp luật về biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới.
Tại Điều 19 Luật Bình đẳng giới 2006 quy định về biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới, theo đó bao gồm những biện pháp nhằm thúc đẩy bình đẳng giới như sau:
+ Thứ nhất, quy định tỷ lệ nam , nữ hoặc bảo đảm tỷ lệ nữ thích đáng tham gia, thụ hưởng.
+ Thứ hai, đào tạo bồi dưỡng để nâng cao trình độ năng lực cho nữ hoặc nam.
+ Thứ ba, quy định tiêu chuẩn, điều kiện đặc thù cho nữ hoặc nam.
+ Thứ tư, quy định nữ được quyền lựa chọn trong trường hợp nữ có đủ điều kiện, tiêu chuẩn như nam.
+ Thứ năm, quy định nữ được quyền ưu tiên trong trường hợp nữ có đủ điều kiện, tiêu chuẩn như nam.
– Xét về nguyên tắc, là con người, phụ nữ và nam giới hoàn toàn bình đẳng. Các quy định của pháp luật và các cơ quan, tổ chức thực thi pháp luật phải tạo cơ hội như nhau cho cả hai giới. Tuy nhiên, do những nguyên nhân như sự khác biệt về giới tính, liên quan đến chức năng sinh sản và khoảng cách giới thực tế… phụ nữ và nam giới sử dụng cơ hội không giống nhau. Do vậy, Luật bình đẳng giới đã xác định rất rõ biện pháp bảo đảm bình đẳng giới với 3 khía cạnh: Thúc đẩy bình đẳng giới, quy định chính sách bảo vệ, hỗ trợ người mẹ , người cha. Trong đó, đáng quan tâm là các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới.
– Để nâng cao nhận thức về vấn đề này, tại Khoản 6 Điều 5 Luật bình đẳng giới đã định nghĩa về biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới, theo đó, biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới được hiểu là biện pháp nhằm bảo đảm bình đẳng giới thực chất. Biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới được thực hiện trong một thời gian nhất định và chấm dứt khi mục đích bình đẳng giới đã đạt được. Biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành trong trường hợp có sự chênh lệch lớn giữa nam và nữ về vị trí, vai trò, điều kiện, cơ hội phát huy năng lực và thụ hưởng thành quả của sự phát triển mà việc áp dụng các quy định như nhau giữa nam và nữ không làm giảm được sự chênh lệch này.
– Luật bình đẳng giới 2006 cũng quy định rõ các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới gồm: (1) Quy định tỉ lệ nam, nữ hoặc bảo đảm tỉ lệ nữ thích đáng tham gia, thụ hưởng; (2) Đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao trình độ năng lực cho nữ hoặc nam; (3) Hỗ trợ để tạo điều kiện, cơ hội cho nữ hoặc nam; (4) Quy định tiêu chuẩn, điều kiện đặc thù cho nữ hoặc nam; (5) Quy định nữ được quyền lựa chọn trong trường hợp nữ có đủ điều kiện, tiêu chuẩn như nam; (6) Quy định việc ưu tiên nữ trong trường hợp nữ có đủ điều kiện, tiêu chuẩn như nam.
– Các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới mang tính nguyên tắc trên đã được cụ hoá trong luật khác:
+ Trong lĩnh vực chính trị, các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới là: Bảo đảm tỉ lệ thích đáng nữ đại biểu Quốc hội, đại biểu hội đồng nhân dân phù hợp với mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới; bảo đảm tỉ lệ nữ thích đáng trong việc bổ nhiệm các chức danh trong cơ quan nhà nước phù hợp với mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới. Trong chính trị, để nâng cao vị thế của phụ nữ, tăng tỉ lệ nữ đại biểu Quốc hội, đại biểu hội đồng nhân dân trong quá trình chuẩn bị bầu cử, tuyên truyền, vận động bầu cử, Đảng và Nhà nước đều có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn về việc đảm bảo tỉ lệ nữ tham chính.
+ Trong lĩnh vực kinh tế, các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới là: Doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ được ưu đãi về thuế và tài chính theo quy định của pháp luật; lao động nữ khu vực nông thôn được hỗ trợ tín dụng, khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư theo quy định của pháp luật.
+ Trong lĩnh vực lao động, các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới là: Quy định tỉ lệ nam, nữ được tuyển dụng trong lĩnh vực lao động; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho lao động nữ; người sử dụng lao động tạo điều kiện vệ sinh an toàn lao động cho lao động nữ làm việc trong một số ngành nghề nặng nhọc, nguy hiểm hoặc tiếp xúc với các chất độc hại.
+ Trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo, các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới là: Quy định tỉ lệ nam, nữ tham gia học tập, đào tạo; lao động nữ khu vực nông thôn được hỗ trợ dạy nghề theo quy định của pháp luật.
+ Những quy định trên trở thành cơ sở quan trọng để cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành các quy định cụ thể khi trong lĩnh vực nào đó có sự chênh lệch lớn giữa nam và nữ về vị trí, vai trò, điều kiện, cơ hội phát huy năng lực và thụ hưởng thành quả của sự phát triển.
+ Trong đào tạo, được thể hiện bằng các quy định khuyến khích, tạo điều kiện cho phụ nữ học tập nâng cao trình độ, năng lực như trợ cấp đào tạo cho nữ cao hơn nam, mở lớp tập huấn, bồi dưỡng, đào tạo riêng cho phụ nữ…
– Như vậy, từ Hiến pháp đến luật, văn bản dưới luật, dù quy định mang tính nguyên tắc hay cụ thể đều thể hiện tinh thần bảo đảm bình đẳng giới thực chất ở mức độ nhất định. Thực tế, đã có nhiều quy định được ban hành để giải quyết khoảng cách và mong muốn đạt mục tiêu bình đẳng giới, bảo vệ tốt nhất các quyền cơ bản của con người, cả nam và nữ, tạo điều kiện, cơ hội phát huy năng lực, thụ hưởng thành quả như nhau cho cả nam và nữ.
– Tuy nhiên, trên thực tế, còn khá nhiều người, trong đó, có cả các nhà hoạch định chính sách, pháp luật chưa nhận thức đầy đủ về bình đẳng giới và các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới. Nhiều người còn nhầm lẫn các quy định về biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới với các quy định mang tính chính sách dành riêng cho phụ nữ trên cơ sở sự khác biệt về giới tính liên quan đến chức năng sinh sản như “lao động nữ có quyền hưởng
– Đồng thời, Luật cũng đã khẳng định rõ “biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới không bị coi là phân biệt đối xử về giới” với tư cách là nguyên tắc cơ bản. Chừng nào mục tiêu bình đẳng giới chưa đạt được thì còn phải cần đến các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới nên đương nhiên, các biện pháp đó không bị coi là phân biệt đối xử giữa nam và nữ. Do những bất lợi thực tế về giới hiện tại chủ yếu nghiêng về phía nữ nên những biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới trên thực tế cũng chủ yếu dành cho nữ. Theo đó, một cơ chế “quota’ hoặc “cơ cấu” trong chính trị, một chính sách ưu tiên trong tuyển dụng, đề bạt phụ nữ ở những nơi có tỉ lệ thấp… là những biện pháp cần và nhất định phải được áp dụng để giảm khoảng cách giới. Đây không phải là những quy định ưu tiên cho phụ nữ hoặc làm hoán đổi vị trí, vai trò từ nam giới sang phụ nữ hoặc ngược lại mà chính là những quy định cần thiết để giảm khoảng cách giới, trả lại vị trí xuất phát điểm ngang nhau cho phụ nữ và nam giới.
– Như vậy, Luật bình đẳng giới đã tạo ra một cách “tiếp cận thực chất” hay còn gọi là “tiếp cận mang tính điều chỉnh”. Cách tiếp cận này thừa nhận sự khác biệt giữa phụ nữ và nam giới nhưng thay vì chấp nhận sự khác biệt là tìm ra những nguyên nhân, hậu quả của sự khác biệt đó và quy định các giải pháp loại bỏ sự khác biệt dẫn đến hậu quả bất lợi. Bên cạnh đó, các biện pháp thúc đẩy còn được quy định cụ thể trong lĩnh vực kinh tế, chính trị, lao động, giáo dục- đào tạo.
– Khi có sự chênh lệch lớn giữa nam và nữ về vị trí, vai trò, điều kiện, cơ hội thì các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới có ý nghĩa quan trọng đối với việc đảm bảo bình đẳng giới. Việt Nam là một đất nước chịu ảnh hưởng sâu sắc của tư tưởng Nho giáo nên có nhiều phong tục, tập quán thể hiện việc nhìn nhận đánh giá về người phụ nữ mang định kiến giới. Nếu không thực hiện biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới thì bình đẳng giới sẽ khó được đảm bảo trên thực tế. Như vậy, để đảm bảo nam giới và nữ giới được bình đẳng thật sự với nhau trên thực tế rất cần có những biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới không chỉ được quy định trong pháp luật mà còn được đảm bảo thực hiện một cách hiệu quả nhất.