Khung pháp lý quốc tế cơ bản về bảo vệ môi trường biển? Công ước của Liên hợp quốc về luật biển năm 1982? Công ước Marpol 73/78 về ngăn ngừa ô nhiễm biển do dầu gây ra? Công ước Basel? Một số cam kết, thoả thuận về hợp tác bảo vệ môi trường biển của các quốc gia trong khu vực Asean?
Thế kỷ 21 được gọi là “Thế kỷ của biển và đại dương”. Với vị trí, tiềm năng của biển càng ngày càng được coi trọng, mọi quốc gia đều xác định đây là định hướng chiến lược phát triển chủ yếu, gắn bó mật thiết với sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh cũng như đời sống người dân của từng quốc gia. Cùng với sự phát triển của Luật biển quốc tế và xu hướng tiến ra biển của các nước trên thế giới nên ngày càng có nhiều đường biên giới xuất hiện trên biển. Do vậy, ta có thể khẳng định rằng: Biển cả là môi trường đồng nhất, là tài sản chung của nhân loại, đòi hỏi phải có một sự hợp tác chặt chẽ giữa các quốc gia nhằm giữ gìn biển và môi trường biển trong lành nên việc ký kết, gia nhập các điều ước quốc tế trong lĩnh vực bảo vệ môi trường biển là tất yếu.
Mục lục bài viết
- 1 1. Khung pháp lý quốc tế cơ bản về bảo vệ môi trường biển:
- 2 2. Công ước của Liên hợp quốc về luật biển năm 1982:
- 3 3. Công ước Marpol 73/78 về ngăn ngừa ô nhiễm biển do dầu gây ra:
- 4 4. Công ước Basel về kiểm soát việc vận chuyển qua biên giới chất thải nguy hại và việc tiêu hủy chúng năm 1989:
- 5 5. Một số cam kết, thoả thuận về hợp tác bảo vệ môi trường biển của các quốc gia trong khu vực Asean:
1. Khung pháp lý quốc tế cơ bản về bảo vệ môi trường biển:
* Các văn kiện khung:
– Công ước của Liên Hợp quốc về Luật biển năm 1982.
– Hiệp định 1994 về áp dụng phần XI của Công ước.
– Tuyên bố Rio de Janeiro về Môi trường và phát triển bền vững năm 1992.
– Chương trình hành động 21 (Chương 17) năm 1992.
– Tuyên bố Hội nghị cấp cao về môi trường Johannesburg 2002. 6. Tuyên bố Hội nghị cấp cao về môi trường Johannesburg 2012.
* Các Công ước quốc tế của IMO về ô nhiễm môi trường biển:
– Công ước về ngăn ngừa ô nhiễm do tàu thuyền MARPOL 73/78
– Công ước về ngăn ngừa ô nhiễm biển do nhận chìm chất thải và các chất khác năm 1972 (Công ước Luân Đôn 1972), và Nghị định thư năm 1996.
– Công ước về sẵn sàng ứng phó và hợp tác chống ô nhiễm dầu năm 1990 (OPRC).
– Công ước trách nhiệm dân sự về bồi thường thiệt hại do dầu năm 1969 và Công ước bổ sung năm 1992 (CLC).
– Công ước về thành lập quỹ đền bù thiệt hại do dầu năm 1971 và Công ước bổ sung năm 1992 (FUND).
– Công ước về trách nhiệm và bồi thường thiệt hại gắn liền với việc vận chuyển bằng đường biển các chất nguy hiểm và độc hại (HNS).
– Công ước về can thiệp ngoài Biển cả trong các trường hợp sự cố ô nhiễm dầu năm 1969 và Nghị định thư liên quan đến việc can thiệp ngoài Biển cả trong các trường hợp ô nhiễm do các chất khác không phải đầu năm 1973 (Công ước can thiệp).
– Công ước về cứu hộ năm 1989.
Các văn kiện quốc tế về ô nhiễm môi trường biển của Chương trình phát triển Liên Hợp quốc (UNDP)
– Tuyên bố Oa-sinh-tơn về chương trình hành động toàn cầu bảo vệ môi trường biển từ các hoạt động có nguồn gốc đất liền năm 1995 (GPA).
– Công ước Basel về kiểm soát vận chuyển xuyên biên giới các chất nguy hại và việc tiêu huỷ chúng năm 1989 (Công ước Basel). Ngoài ra còn có các công ước của IMO về an toàn hàng hải như Công ước về an toàn tính mạng trên biển (SOLAS) 1974, Công ước về tránh đâm va năm 1978…
Như đã liệt kê ở trên, hiện nay có rất nhiều công ước quốc tế về bảo vệ môi trường biển. Trong phạm vi nghiên cứu của đề tài, học viên chỉ đi sâu nghiên cứu các quy định pháp luật quốc tế về hợp tác bảo vệ môi trường biển trong một số công ước quốc tế quan trọng và cơ chế hoạt động của các tổ chức bảo vệ môi trường biển liên quan khu vực biển Đông mà việc thực thi các công ước này và sự tham gia của các nước trong các tổ chức liên chính phủ đã, đang góp phần tích cực vào việc bảo vệ môi trường biển nói riêng và bảo vệ môi trường nói chung.
2. Công ước của Liên hợp quốc về luật biển năm 1982:
Công ước luật Biển năm 1982 được coi là Hiến pháp của thế giới về các vấn đề biển và đại dương. Công ước UNCLOS được thông qua vào ngày 10 tháng 12 năm 1982 tại Vịnh Montego, Jamaica và có hiệu lực vào ngày 16 tháng 11 năm 1994.
Công ước gồm 17 phần, 320 điều, 9 phụ lục và 4 nghị quyết. Đây là Công ước quốc tế chính liên quan đến vấn đề bảo vệ môi trường biển, quyền duy trì của các quốc gia ven biển quyền tài phán trong các lĩnh vực như hải quan, đánh bắt cá và tiếp cận khoáng sản và các tài nguyên khác trong lãnh hải và vùng nước tiếp giáp và các vùng đặc quyền kinh tế của họ và cũng như sự cần thiết phải bảo vệ môi trường biển khỏi bị ô nhiễm và sử dụng sai mục đích.
UNCLOS đã xác định 6 nguồn chính gây ra ô nhiễm môi trường biển:
– Ô nhiễm bắt nguồn từ đất. Ô nhiễm bất nguồn từ đất chiếm khoảng 80% tất cả các nguồn ô nhiễm môi trường biển. Ô nhiễm bắt nguồn từ đất bao gồm cả ô nhiễm bắt nguồn từ sông, ngòi, cửa sông, ống dẫn các thiết bị thải đổ các chất độc hại, các chất không phân huỷ được…
– Ô nhiễm do các hoạt động liên quan đến đáy biển thuộc quyền tài phán của quốc gia gây ra như khoan khai thác dầu khí hay xuất phát từ các đảo nhân tạo, thiết bị và các công trình thuộc quyền tài phán của mình;
– Ô nhiễm do các hoạt động tiến hành tại đáy biển cả và lòng đất dưới đáy biển cả gây ra;
– Các hoạt động nhận chìm và trút bỏ rác thải;
– Ô nhiễm do tàu thuyền gây ra như ô nhiễm do dầu, do các chất độc hại chuyên trở theo đường biển, chất thải, chất thải sinh hoạt ..
– Ô nhiễm có nguồn gốc từ bầu khí quyển hay qua bầu khí quyển [38, tr.665 666].
Bảo vệ và giữ gìn môi trường biển tạo thành một thành phần nổi bật của UNCLOS. Phần XII của UNCLOS với 46 điều là nền tảng của luật quốc tế về môi trường biển và thể hiện sự cân bằng của xã hội cạnh tranh, lợi ích kinh tế và môi trường trong môi trường biển. Gồm những nội dung chính như sau:
Xác định nguồn ô nhiễm môi trường biển: Công ước đã đưa ra cách phân loại các nguồn ô nhiễm môi trường biển một cách khoa học và thống nhất. UNCLOS yêu cầu các quốc gia tiến hành tất cả các biện pháp cần thiết để ngăn ngừa, giảm bớt và kiểm soát ô nhiễm môi trường biển từ bất kỳ nguồn nào.
Nghĩa vụ của các quốc gia trong việc bảo vệ và giữ gìn môi trường biển. Nghĩa vụ này không đi ngược lại với lợi ích chính đáng của các quốc gia. Theo điều 193 “Các quốc gia có quyền thuộc chủ quyền khai thác các tài nguyên thiên nhiên của mình theo chính sách về môi trường của mình và theo đúng nghĩa vụ bảo vệ và giữ gìn môi trường biển của mình”. Theo quy định này, quốc gia có quyền tối cao để khai thác tài nguyên thiên nhiên của mình nhưng họ vẫn phải thi hành các chính sách về môi trường để bảo vệ môi trường biển và được nêu rõ trong Điều 235: “Các quốc gia có trách nhiệm quan tâm đến việc hoàn thành các nghĩa vụ quốc tế của mình về vấn đề bảo vệ và gìn giữ môi trường biển. Các quốc gia có trách nhiệm theo đúng luật quốc tế”.
Mặc dù UNCLOS quy định các quốc gia đều có nhiệm vụ như nhau nhưng giữa các quốc gia không có sự phát triển đồng đều về nền kinh tế cùng với cơ sở hạ tầng không giống nhau giữa các nước phát triển, đang phát triển và kém phát triển nên các quốc gia được quyền lựa chọn các thức tiếp cận phù hợp nhằm đưa ra các biện pháp nhằm ngăn ngừa, hạn chế và chế ngự ô nhiễm môi trường biển. Điều 194.1: “Các quốc gia, tùy theo tình hình, thi hành riêng rẽ hay phối hợp với nhau, tất cả các biện pháp phù hợp với Công ước, cần thiết để ngăn ngừa, hạn chế và chế ngự ô nhiễm môi trường biển, sử dụng các phương tiện thích hợp nhất mà mình có, và cố gắng điều hòa các chính sách của mình về mặt này“. Các luật, quy định và các biện pháp của các quốc gia thông qua không được kém hiệu quả hơn các nguyên tắc và quy phạm quốc tế hay các tập quán và thủ tục đã được kiến nghị có tính chất quốc tế.
Điều 196 UNCLOS còn quy định các quốc gia phải có trách nhiệm đưa ra các biện pháp chống lại ô nhiễm biển nảy sinh từ việc sử dụng các kỹ thuật trong khuôn khổ tài phán hay dưới sự kiểm soát của mình, hoặc do du nhập cố ý hoặc vô tình các loại ngoại lại hoặc mới vào một bộ phận môi trường biển gây ra ở đó có những thay đổi đáng kể và có hại và nó cũng bao gồm các ảnh hưởng hoặc các biện pháp trong việc bảo vệ hệ sinh thái hiếm hoi và đe doạ điều kiện cư trú của các loài sinh vật biển khác.
Điều 199 UNCLOS yêu cầu các quốc gia phải xây dựng các kế hoạch khẩn cấp chống ô nhiễm để đối phó với những tai nạn gây ra ô nhiễm biển trong các vùng biển thuộc quyền tài phán của họ. Các điều khoản về giám sát và đánh giá môi trường đặt các quốc gia có nghĩa vụ cần cố gắng hết sức mình trong việc giám sát và đánh giá các ảnh hưởng môi trường của các hoạt động biển được tiến hành dưới quyền tài phán của quốc gia đó. Họ cũng có nghĩa vụ phải hành động phù hợp nhằm giảm bớt hay ngăn ngừa ô nhiễm có thể xảy ra từ các hoạt động như vậy dưới sự giám sát của họ.
Điều 235 UNCLOS quy định trách nhiệm các quốc gia quan tâm đến việc hoàn thành các nghĩa vụ quốc tế của mình về vấn đề bảo vệ và gìn giữ môi trường biển. Các quốc gia có trách nhiệm theo đúng luật quốc tế. Quốc gia quan tâm làm sao cho luật trong nước của mình có được những hình thức tố tụng cho phép thu được sự đền bù nhanh chóng và thích đáng, hay sự bồi thường khác đối với những thiệt hại nảy sinh từ ô nhiễm môi trường do tự nhiên nhân, hay pháp nhân thuộc quyền tài phán của mình gây ra.
UNCLOS nêu rõ quy định của quốc tế và luật trong nước nhằm ngăn ngừa, hạn chế và chế ngự ô nhiễm môi trường biển. Trong đó các quyền hạn của các quốc gia mà tàu mang cờ được quy định tại Điều 217: các quốc gia cũng được yêu cầu đảm bảo cho các con tàu mang cờ nước họ, hoạt động trong nước cũng như ngoài ngước, đáp ứng đầy đủ các luật lệ và tiêu chuẩn quốc tế thích hợp. Quốc gia mà tàu mang cờ được yêu cầu tiến hành điều tra mọi vi phạm luật lệ về ô nhiễm biển mà con tàu đó thực hiện… Điều 211 nhằm mục đích ngăn ngừa, hạn chế và chế ngự ô nhiễm môi trường biển do tàu thuyền gây ra, các quốc gia khi đặt các điều kiện đặc biệt cho tàu thuyền nước ngoài đi vào các cảng hay nội thuỷ của mình hoặc công trình cảng cuối cùng ở ngoài khơi, cần phải công bố đúng thủ tục về các điều kiện này và phải
Nhiều vấn đề trên cũng là đối tượng điều chỉnh của các điều ước quốc tế riêng biệt như Công ước MARPOL 73/78, Công ước Basel năm 1989, và Công ước Luân Đôn về nhận chìm năm 1972 và một số công ước khác. UNCLOS đã bổ sung hơn là chồng lấn lên các thoả thuận này qua việc đặt các quốc gia dưới nghĩa vụ phải ban hành các biện pháp phù hợp. Một trong những con đường có thể tiến hành là phê chuẩn và thực hiện các công ước chuyên ngành này.
Tại Điều 195 UNCLOS khẳng định các quốc gia không được đùn đẩy giải quyết những thiệt hại của các nguy cơ gây ô nhiễm và không được thay thế một kiểu ô nhiễm này bằng một kiểu ô nhiễm khác. Đây là một quy định có tình thiết thực vì trong một số vùng biển như trong vùng đặc quyền kinh thế có chế định pháp ly riêng biệt không phải lãnh hải mà cũng không phải biển cả, ví dụ nếu như có một tàu chở dầu bị tai nạn, dầu sẽ loang ra giữa ranh giới của khu vực đặc quyền kinh tế của hai nước thì hai nước sẽ phải cùng nhau giải quyết tình trạng này không nên đùn đẩy cho nhau hay thay thế một kiểu ô nhiễm này bằng một kiểu ô nhiễm khác như dùng lửa đốt dầu loang trên biển.
Về chế độ hợp tác trên phạm vi thế giới và khu vực, UNCLOS yêu cầu các quốc gia phải có nghĩa vụ
Nhằm giảm thiểu sự chênh lệch giữa các nền kinh tế giữa các nước trong bảo vệ môi trường biển UNCLOS quy định các nước phát triển còn có nghĩa vụ giúp đỡ các nước đang phát triển trong các lĩnh vực khoa học, giáo dục, kinh tế và trong các lĩnh vực khác, nhằm ngăn ngừa, hạn chế và chế ngự ô nhiễm môi trường biển (Điều 202). Các tổ chức quốc tế cũng có nghĩa vụ phải dành ưu tiên viện trợ cho các nước đang phát triển về tài chính và phương tiện kỹ thuật thích hợp, cung cấp những dịch vụ chuyên môn cần thiết cho việc phòng ngừa và chống những hậu quả nguy hiểm do ô nhiễm biển gây ra (Điều 203).
Vấn đề ô nhiễm môi trường biển có thể vượt ra ngoài tầm kiểm soát của các quốc gia, đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ giữa các quốc gia trong việc giải quyết các vấn đề liên quan đến môi trường biển cũng như trong việc xây dựng một khung pháp lý quốc tế chung điều chỉnh về lĩnh vực bảo vệ môi trường biển. Chống ô nhiễm biển hiện đang là một vấn đề cấp thiết, không chỉ là lợi ích riêng của một quốc gia nào mà còn là lợi ích của toàn thể cộng đồng khu vực, thế giới. Có thể nói, Công ước 1982 của Liên hợp quốc về Luật biển là đạo luật cơ bản chứa đựng các quy tắc chung nhất về chống ô nhiễm biển ở cấp độ toàn cầu, khu vực cũng như quốc gia.
3. Công ước Marpol 73/78 về ngăn ngừa ô nhiễm biển do dầu gây ra:
Công ước này được thông qua vào ngày 02/11/1973 tại London, được bổ sung bằng Nghị định thư 1978 về cấm và hạn chế thải chất gây ô nhiễm từ việc thăm dò và khai thác tài nguyên thiên nhiên. Vì vậy, Công ước thường được gọi tắt là Công ước Marpol 73/78. Công ước có hiệu lực năm 1983 và hàng năm đều được sửa đổi bổ sung. Tính đến thời điểm này có 174 nước tham gia Công ước. Công ước được phát triển trước khi Hội nghị Rio công nhận các nguyên tắc khác nhau của luật môi trường quốc tế năm 1992. Tuy nhiên, tên gọi của Công ước cho thấy Công ước chủ yếu dựa trên nguyên tắc ngăn ngừa. Công ước cũng khuyến khích hợp tác giữa các Quốc gia thành viên.
Công ước gồm có 6 phụ lục và 2 Nghị định thư kèm theo. Mục tiêu của Công ước là kiểm soát, chế ngự và hạn chế tới mức thấp nhất việc thải các chất có hại xuống biển. Vì vậy, Công ước quy định nghiêm ngặt về ngăn ngừa ô nhiễm biển do dầu, các quy định về ngăn ngừa ô nhiễm biển do chất lỏng độc hại chở xô gây ra, các quy định về ngăn ngừa ô nhiễm biển do chất độc hại đóng trong bao gói, ô nhiễm do nước thải, rác thải từ tàu và các quy định về ngăn ngừa ô nhiễm không khí từ tàu. Ngoài ra, Công ước còn có các quy định về các tiêu chuẩn cho tàu vận chuyển các chất độc hại đóng gói; quy định các tiêu chuẩn về đóng tàu để giảm thiểu mức độ tràn dầu và hóa chất xuống biển; quy định về thanh tra, giám sát, chế độ báo cáo sự cố liên quan đến dầu và các chất độc hại khác…
Đồng thời, Công ước cũng xác định các quyền hạn đối với các quốc gia mà tàu mang cờ, các quốc gia ven biển, các quốc gia có cảng biển và cũng xác định các nghĩa vụ đối với các quốc gia tham gia Công ước. Theo đó, các quốc gia mà tàu mang cờ có các quyền hạn như kiểm tra trang, thiết bị, kết cấu tàu có phù hợp với các tiêu chuẩn của Công ước và các giấy chứng nhận được cấp không và có quyền xử phạt nếu có vi phạm xảy ra. Các quốc gia có cảng và quốc gia ven biển có quyền kiểm tra các tàu nước ngoài khi đến cảng nước mình có đáp ứng các điều kiện, đòi hỏi của công ước, nếu không đáp ứng được các điều kiện hoặc không có các giấy chứng nhận hợp pháp các quốc gia có quyền áp dụng các biện pháp mà Công ước cho phép để đảm bảo tàu biển không đe dọa gây ô nhiễm môi trường biển…Bên cạnh các quyền hạn thì các quốc gia tham gia Công ước có nghĩa vụ hợp tác về kỹ thuật và phối hợp trong việc phát hiện các ô nhiễm, vi phạm, có nghĩa vụ thông tin khi xảy ra vi phạm và lắp đặt các thiết bị tiếp nhận theo quy định của Công ước.
Công ước MARPOL 73/78 không có quy định nào về thể chế, mà dựa vào các thiết chế đã được Công ước về Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO) năm 1958 thiết lập.
Đại hội đồng và Hội đồng là hai cơ quan chính, họp hàng năm. Ban thư ký là cơ quan thường trực có nhiệm vụ chuẩn bị cho các phiên họp của Đại hội đồng và Hội đồng. Các Ủy banh trong đó có Ủy ban Bảo vệ môi trường biển (MEPC) – xem xét các vấn để trong phạm vi trách nhiệm của mình và đệ trình các kiến nghị về quy định, khuyến nghị và báo cáo công tác lên Hội đồng. Để theo dõi quá trình thực thi của các quốc gia thành viên, Công ước MARPOL 73/78 yêu cầu các quốc gia cung cấp một số thông tin lên IMO. Một cơ chế giải quyết tranh chấp cũng được thành lập để giải quyết các tranh chấp liên quan đến giải thích Công ước.
Trong những năm gần đây, do sự phát triển của kinh tế và hội nhập kinh tế quốc tế nên số lượng tàu thuyền qua lại trên biển ngày càng nhiều, dẫn đến gia tăng ô nhiễm biển. Vì vậy, thực thi nghiêm ngặt các quy định của Công ước đối với các quốc gia thành viên cũng như các quốc gia không phải là thành viên có một ý nghĩa quan trọng trong việc phòng ngừa và giảm thiểu nguồn ô nhiễm này, bảo vệ và giữ gìn môi trường biển.
4. Công ước Basel về kiểm soát việc vận chuyển qua biên giới chất thải nguy hại và việc tiêu hủy chúng năm 1989:
Đây là Công ước điều chỉnh mọi hoạt động vận chuyển chất thải nguy hại giữa các quốc gia, trong đó có vận chuyển qua đường biển. Công ước này có hiệu lực vào năm 1992, Việt Nam là thành viên của Công ước Basel vào năm 1995.
Mục tiêu của Công ước là giảm thiểu việc sản sinh các chất thải nguy hại thông qua việc kiểm soát nghiêm ngặt việc vận chuyển qua biên giới các chất này và mọi việc nhập khẩu, xuất khẩu, quá cảnh, tiêu hủy các chất thải nguy hiểm phải được tiến hành theo một phương thức hợp lý, đúng quy định.
Theo đó, Công ước quy định các quốc gia phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ quốc tế liên quan đến bảo vệ môi trường, trong đó có môi trường biển và phải chịu trách nhiệm về vấn đề này trước luật pháp quốc tế; các quốc gia phải áp dụng các biện pháp kỹ thuật và luật pháp để quản lý các chất thải nguy hại trong phạm vi lãnh thổ quốc gia mình, đề phòng ô nhiễm môi trường và khắc phục nhanh chóng hậu quả nếu xảy ra ô nhiễm để không ảnh hưởng tới sức khỏe con người và môi trường; các quốc gia phải đảm bảo việc đóng gói, dán nhãn và vận chuyển các chất thải nguy hại và các chất khác phù hợp với các quy tắc và tiêu chuẩn chung. Đồng thời, các quốc gia phải có nghĩa vụ hợp tác quốc tế trong việc quản lý, xuất nhập khẩu và vận chuyển, tiêu hủy các chất thải nguy hại.
Ngoài ra, còn có Công ước Stockholm về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy năm 2001 (POP). Nội dung chính của Công ước là việc yêu cầu các nước phát triển phải cung cấp mới cũng như bổ sung các nguồn tài chính và biện pháp nhằm xóa bỏ hoạt động sản xuất và sử dụng các POP, xóa bỏ việc vô ý tạo ra các POP nếu được, quản lý và tiêu hủy chất thải POP theo cách an toàn cho môi trường. Công ước cũng dự liệu việc bổ sung các chất mới vào danh sách thông qua việc ghi chú trong phần mở đầu; Công ước về sẵn sàng ứng phó và hợp tác chống ô nhiễm dầu năm 1990 (OPRC). Mục tiêu của Công ước là giảm thiểu hậu quả của các sự cố ô nhiễm dầu lớn và thúc đẩy hợp tác quốc tế và sự trợ giúp lẫn nhau trong việc ứng phó với các sự cố ô nhiễm dầu lớn. Vì vậy, Công ước yêu cầu các quốc gia phải thiết lập hệ thống quốc gia ứng phó ngay lập tức và có hiệu quả các sự cố ô nhiễm dầu, trong đó có sự phân công trách nhiệm cho cơ quan, đơn vị cụ thể để ngăn ngừa, ứng phó với các sự cố.
Trên đây là những công ước quốc tế quan trọng về bảo vệ môi trường biển, được nhiều quốc gia ủng hộ và tham gia. Ngoài ra, còn nhiều các công ước liên quan khác cũng không kém phần quan trọng. Các công ước này liên tục được sửa đổi, bổ sung để phù hợp với đòi hỏi, yêu cầu của thực tiễn quốc tế. Điều này chứng tỏ luật quốc tế trong lĩnh vực bảo vệ môi trường biển đang phát triển rất vững chắc và phát huy hiệu quả, góp phần phòng ngừa, giữ gìn và bảo vệ môi trường biển. Các quốc gia ngày càng nhận thức rõ ràng hơn về tính toàn cầu, tính quốc tế của vấn đề bảo vệ môi trường, trong đó có môi trường biển. Các công ước quốc tế về bảo vệ môi trường biển ngày càng được các quốc gia quan tâm. Việc tham gia các công ước này là quyền tự do của các quốc gia, nhưng khi tham gia thì các quốc gia cần thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của mình. Việc tham gia các công ước này chính là cơ sở pháp lý để các quốc gia bảo vệ môi trường biển một cách tốt nhất. Tuy nhiên, việc tham gia công ước phụ thuộc vào năng lực, trình độ phát triển của mỗi quốc gia; việc lựa chọn tham gia từng công ước tùy thuộc vào điều kiện, chính sách của từng quốc gia.
5. Một số cam kết, thoả thuận về hợp tác bảo vệ môi trường biển của các quốc gia trong khu vực Asean:
Để bảo vệ môi trường biển trên trái đất, bất kỳ quốc gia nào trên thế giới cũng phải hợp tác cùng nhau. Liên hợp quốc đang đóng vai trò hàng đầu để thực hiện các nỗ lực quốc tế. Ví dụ như Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển và Công ước Quốc tế về Ngăn ngừa ô nhiễm từ Tàu. Mặt khác, một số vấn đề môi trường đặc trưng cho phạm vi nhỏ hơn của biển – một vùng biển khu vực và các quốc gia xung quanh biển khu vực rất có thể có chung nền tảng văn hóa và xã hội. Do đó, sẽ có hiệu quả nếu các nước láng giềng có những hành động riêng để bảo vệ môi trường biển chung của họ trong khu vực.
Là khu vực có hệ sinh thái phong phú và nguồn tài nguyên đa dạng, Asean luôn coi trọng bảo vệ môi trường, sử dụng và quản lý bền vững các nguồn tài nguyên phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế lâu dài và ổn định. bảo vệ môi trường biển là một thành tố không tách rời trong chiến lược bảo vệ môi trường của Asean. Tổ chức không có một cơ quan riêng về quản lý và bảo vệ môi trường biển riêng. Hợp tác môi trường được Asean quan tâm và thúc đẩy từ sớm. Trên phạm vi toàn cầu, các quốc gia trong khu vực biển Đông và Asean đều là thành viên của UNCLOS. Tuy nhiên, trên phạm vi khu vực biển Đông chưa có điều ước quốc tế đa phương về bảo vệ môi trường biển giữa các quốc gia trong khu vực. Do vậy, việc các quốc gia thông qua các tổ chức liên chính phủ như tổ chức Đối tác về quản lý môi trường biển Đông Á (PEMSEA) và cơ quan điều phối biển Đông Á (COBSEA) là để bảo vệ môi trường biển, sử dụng và quản lý bền vững các nguồn tài nguyên biển phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế ổn định và lâu dài.
PEMSEA
Partnerships in Environmental Management for the Seas of East Asia – PEMSEA là Quan hệ đối tác trong Quản lý Môi trường Biển Đông Á là một chương trình đối tác khu vực do Chương trình Phát triển Liên hợp quốc thực hiện và Văn phòng Dịch vụ Dự án của Liên hợp quốc thực hiện. PEMSEA được thành lập với sứ mệnh rõ ràng là thúc đẩy và duy trì các bờ biển và đại dương, cộng đồng và nền kinh tế lành mạnh và có khả năng phục hồi trên các vùng biển Đông Á thông qua các giải pháp quản lý tổng hợp và quan hệ đối tác.
Tháng 12 năm 1993 với sự hỗ trợ của Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF), Dự án nước quốc tế đầu tiên đã được khởi động có tên là Phòng chống và quản lý ô nhiễm biển tại vùng biển Đông Á do UNDP và IMO thực hiện. Văn phòng Dự án đặt tại Manila, Philippin. Một nội dung quan trọng của dự án tập trung vào phòng ngừa và quản lý ô nhiễm biển thông qua thiết lập quản lý tổng hợp vùng bờ tại nơi thí điểm ở Hạ Môn (Trung Quốc) và Vịnh Batangga (Phi-lip-pin); huy động nguồn lực tiểu khu vực (Indonesia, Malaysia và Singapore) để giải quyết vấn đề ô nhiễm biển ở eo biển Malacca và Singapore; tăng cường phát triển năng lực, đặc biệt là ở các nước đang phát triển như Campuchia, Trung Quốc, Triều Tiên, Indonesia, Philippin, Thái Lan và Việt Nam.
Thành công của Dự án đã củng cố lòng tin và làm rõ sự cần thiết phải phát triển quan hệ đối tác giữa các bên trong việc giải quyết những thách thức môi trường ngày càng tăng ở các vùng biển khu vực Đông Á. Dự án giai đoạn II (1999 – 2007) do GEF hỗ trợ tập trung xây dựng những quan hệ đối tác liên chính phủ, liên ngành trong quản lý môi trường, bắt đầu từ tháng 10 năm 1999. Mục tiêu chính của dự án mới là xây dựng quan hệ đối tác, do vậy dự án có tên là Tổ chức Đối tác về quản lý môi trường các biển Đông Á để thể hiện những sáng kiến mới này.
Tháng 12 năm 2003, tại Malaysia, Việt Nam cùng với 11 quốc gia khác (Cam pu-chia, Trung Quốc, Hàn Quốc, Indonesia, Nhật Bản, Lào, Philippin, Triều Tiên, Singapore, Timor Leste, và Thái Lan) đã ký Tuyên bố Putrajaya cam kết thực hiện SDS-SEA. Ngày 15/12/2006, 11 quốc gia đã ký Thỏa thuận Đối tác Hải Khẩu về việc chính thức thành lập PEMSEA là Cơ chế hợp tác vùng cho việc thực hiện SDS-SEA. Ngày 16/12/2006, 12 tổ chức phi chính phủ cũng đã ký kết thỏa thuận đối tác và chính thức được công nhận là thành viên của PEMSEA để thực hiện SDS-SEA.
Các lĩnh vực công việc của PEMSEA bao gồm quản trị vùng ven biển và đại dương, quản lý và phòng ngừa rủi ro tự nhiên và nhân tạo, bảo vệ và phục hồi môi trường sống, quản lý sử dụng và cung cấp nước, quản lý giảm thiểu ô nhiễm và chất thải, cũng như quản lý sinh kế và an ninh lương thực. PEMSEA tận dụng các nguồn lực liên chính phủ, tài chính và trí tuệ rộng lớn để đưa ra các giải pháp tốt nhất cho vấn đề quản lý ven biển bền vững.
PEMSEA có bốn cơ chế hoạt động chính: Đại hội Biển Đông Á EAS, Hội đồng Đối tác EAS, Quỹ Nguồn lực PEMSEA và Quỹ Đối tác Khu vực. Đại hội EAS được tổ chức ba năm một lần (lần đầu năm 2003 với tuyên bố Putrajaya) và bao gồm Diễn đàn Bộ trưởng, Hội nghị quốc tế và các sự kiện khác, Diễn đàn Bộ trưởng có trách nhiệm chứng minh định hướng chính sách và các cam kết nhằm cải thiện và tăng cường việc thực hiện SDS-SEA. Hội nghị Quốc tế, được thiết kế để phục vụ như một diễn đàn lớn, có nhiệm vụ:
– Theo dõi và đánh giá việc thực hiện SDS-SEA;
– Tạo điều kiện thuận lợi cho việc trao đổi kiến thức, vận động chính sách và sự tham gia của nhiều bên liên quan, thông qua các phiên họp, hội thảo, sự kiện bên lề và triển lãm…;
– Thúc đẩy chương trình nghị sự về đại dương như một chương trình ưu tiên tại các diễn đàn quốc tế và khu vực;
– Thúc đẩy xây dựng cơ chế tài chính và cơ hội đầu tư cho phát triển bền vững vùng biển và ven biển;
– Khuyến khích trách nhiệm của doanh nghiệp và trách nhiệm giải trình trong cộng đồng doanh nghiệp;
– Thảo luận về các vấn đề và mối quan tâm cụ thể của ngành và liên ngành, cũng như các thỏa thuận đối tác đối với các vùng biển tiểu vùng hoặc các khu vực nhạy cảm về môi trường, để thực hiện SDS-SEA.
Các kết luận và khuyến nghị của Đại hội EAS sau đó được trình lên Hội đồng Đối tác EAS để thực hiện.
Như được dự thảo ban đầu, SDS-SEA đã kết hợp các công ước quốc tế có liên quan, các chương trình hành động, thỏa thuận và công cụ hiện có của khu vực và quốc tế, cũng như các nguyên tắc áp dụng và phương pháp thực hiện để đạt được sự phát triển bền vững của Biển Đông Á. Nó không tạo ra một nhóm nghĩa vụ mới mà là bổ sung cho những nghĩa vụ hiện có.
SDS-SEA 2015 cung cấp một khuôn khổ cho việc xây dựng và thực hiện chính sách và chương trình ở cấp khu vực, quốc gia và địa phương để đạt được các mục tiêu và chỉ tiêu do các công cụ toàn cầu khác nhau đặt ra. SDS-SEA cũng cung cấp nền tảng hợp tác giữa các Đối tác PEMSEA và các cộng tác viên, cũng như các bên liên quan khác.
SDS-SEA 2018 bao gồm 3 Chương trình Quản lý Ưu tiên và 3 Chương trình Quản trị. Các Chương trình Quản lý Ưu tiên bao gồm: Bảo tồn và Quản lý Đa dạng Sinh học; Quản lý và giảm thiểu rủi ro thiên tai và biến đổi khí hậu; và Giảm thiểu ô nhiễm và Quản lý chất thải. Các Chương trình Quản trị xuyên suốt bao gồm: Quản trị Đại dương và Quan hệ Đối tác Chiến lược; Quản lý tri thức và phát triển năng lực; và Đầu tư Kinh tế Xanh và Tài trợ Bền vững.
Đại hội EAS 2018 nhằm mục đích lôi kéo tất cả các bên liên quan tham gia:
– Lập bản đồ và điều chỉnh việc thực hiện Chiến lược phát triển bền vững cho vùng biển Đông Á (SDS-SEA) và các chiến lược và kế hoạch hành động tiểu vùng và khu vực khác với các mục tiêu của SDG 14.
– Chia sẻ kinh nghiệm và đánh giá các thách thức và cơ hội liên quan đến việc triển khai SDS-SEA ở cấp khu vực, quốc gia và địa phương bao gồm các chính sách và công nghệ đổi mới, thực tiễn quản lý tốt và cơ hội đầu tư.
– Xây dựng dựa trên các quan hệ đối tác và thành tựu hiện có và thúc đẩy các sáng kiến, đầu tư và quan hệ đối tác mới để đẩy nhanh việc đạt được các mục tiêu quốc gia, khu vực và toàn cầu để phát triển bền vững các đại dương và bờ biển.
– Theo dõi sự phát triển và tăng trưởng của nền kinh tế xanh trên toàn khu vực bằng việc ra mắt các báo cáo quốc gia, tiểu vùng và khu vực của Đại dương.
– Góp phần vào việc lập kế hoạch và phát triển một cơ sở đầu tư đại dương để thúc đẩy đầu tư của khu vực công và tư nhân tăng lên trong phát triển và tăng trưởng kinh tế xanh trên đại dương.
PEMSEA đã thúc đẩy các nước thông qua một số tuyên bố quốc gia về quản lý tổng hợp vùng biển ICM. Thành tựu gần đây nhất của PEMSEA là áp dụng hệ thống báo cáo “State of the Coasts” (SOC – Báo cáo tình trạng bờ biển), tập trung vào việc đánh giá quá trình, sự thay đổi và tác động của quản lý ven bờ tổng hợp (ICM) quy mô địa phương. Hiện tại dự án đã vượt mục tiêu ICM 20% với khoảng 40,4% hoặc tương đương 86,284 km bờ biển của Đông Á triển khai ICM cuối năm 2020 [55].
COBSEA
The Coordinating Body on the Seas of East Asia – COBSEA là Cơ quan Điều phối về Biển Đông Á, một diễn đàn tổ chức liên chính phủ khu vực và cơ quan ra quyết định điều phối chính sách cho Kế hoạch Hành động Biển Đông Á được thành lập năm 1981 và sửa đổi năm 1994. Hiện có 9 quốc gia là thành viên tổ chức này bao gồm Campuchia, Trung Quốc, Indonesia, Malaysia, Philippin, Singapore, Hàn Quốc, Thái Lan và Việt Nam (Úc rời khỏi COBSEA năm 2011). COBSEA tuân thủ các hiệp ước môi trường hiện hành dựa trên sự thiện chí của các quốc gia thành viên. COBSEA là một trong 18 chương trình Vùng biển do Chương trình môi trường Liên Hợp quốc UNEP quản lý với Ban thư ký do Thái Lan chủ trì nhằm quản lý và sử dụng bền vững môi trường biển và ven biển. Các chương trình Vùng biển riêng lẻ phản ánh một cách tiếp cận tương tự, được điều chỉnh để giải quyết các thách thức về môi trường và bối cảnh khu vực đồng thời hỗ trợ việc thực hiện các mục tiêu phát triển và môi trường toàn cầu.
Mục tiêu của Kế hoạch hành động biển Đông Á COBSEA là: – Đánh giá hiện trạng môi trường;
– Quản lý các hoạt động phát triển biển và ven biển có thể có tác động đến chất lượng môi trường hoặc bảo vệ và sử dụng biển tái tạo tài ngyên trên cơ sở bền vững;
– Xây dựng các biện pháp phối hợp phù hợp để thực hiện thành công kế hoạch hành động.
Cơ chế hoạt động của COBSEA bao gồm:
Hội nghị liên chính phủ (IGM) COBSEA toàn quyền xác định nội dung của Kế hoạch hành động biển Đông Á, xem xét tiến độ và phê duyệt kế hoạch làm việc và ngân sách của nó, được thông qua các cuộc họp của chính phủ các nước thành viên. Hội nghị IGM diễn ra hai năm một lần.
Ban Thư ký COBSEA do Thái Lan chủ trì tại Bangkok và do UNEP điều hành. Nó đóng vai trò là Đơn vị Điều phối Khu vực của COBSEA và cung cấp sự điều phối tổng thể về kỹ thuật và giám sát việc thực hiện Kế hoạch Hành động, bao gồm: Điều phối hoạt động của các đối tác chính phủ và các bên liên quan khác trong khu vực vì một môi trường biển trong lành; đóng vai trò là cơ quan giám sát việc thực hiện các dự án và hoạt động của COBSEA; và tạo điều kiện chia sẻ kiến thức giữa các quốc gia tham gia và giữa các khu vực, bao gồm cả với các chương trình Vùng biển khác.
Quỹ Tín thác Biển Đông Á được thành lập năm 1982 để hỗ trợ tài chính cho Kế hoạch Hành động. Thông qua đóng góp của các nước tham gia, Quỹ tín thác hỗ trợ các chức năng cốt lõi của COBSEA bao gồm Ban thư ký và các cuộc họp liên chính phủ.
Các Trung tâm Hoạt động Khu vực (RAC) cung cấp phương tiện hỗ trợ và bổ sung các nỗ lực của chính phủ và các đối tác khác nhằm thực hiện Kế hoạch Hành động. RAC là các tổ chức tự trị, quốc tế hoặc khu vực, hoặc các tổ chức quốc gia, điều phối hoặc thực hiện các chức năng và hoạt động kỹ thuật cụ thể nhằm hỗ trợ Kế hoạch hành động và các quyết định của IGM. RAC được thành lập và hoạt động dưới quyền tổng thể của IGM và hướng dẫn của Ban thư ký COBSEA. IGM lần thứ 24 khuyến khích Indonesia phát triển hơn nữa Trung tâm Năng lực Khu vực về Biển Sạch (RC3S) hướng tới trở thành COBSEA RAC để hỗ trợ nâng cao năng lực khu vực về các biển
Nhóm công tác về rác thải biển: IGM lần thứ 24 của COBSEA vào tháng 6 năm 2019 tại Bali, Indonesia, đã thông qua Kế hoạch hành động khu vực sửa đổi về rác thải biển (RAP MALI) và thành lập Nhóm công tác về rác thải biển (WGML). WGML cung cấp hỗ trợ chiến lược và kỹ thuật cho IGM và Ban thư ký COBSEA, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho việc trao đổi thông tin và hợp tác khu vực hướng tới việc thực hiện RAP MALI [76].
COBSEA hướng tới mục tiêu phát triển bền vững và bảo vệ môi trường biển và các vùng ven biển của Biển Đông Á. Các Định hướng chiến lược 2018-2022 và Kế hoạch Hành động Khu vực của COBSEA về Chất thải Biển (RAP MALI) cung cấp các khuôn khổ hợp tác khu vực và xác định các ưu tiên khu vực để định hướng hành động.
COBSEA RAP MALI củng cố, điều phối và tạo điều kiện hợp tác, đồng thời hướng dẫn thực hiện các chính sách, chiến lược và biện pháp môi trường cần thiết để quản lý tổng hợp, bền vững các biển ở khu vực Biển Đông Á.
RAP MALI bao gồm bốn hành động chính:
Hành động 1: Ngăn ngừa và giảm thiểu rác thải trên biển từ các nguồn trên đất liền
Hành động 2: Ngăn ngừa và giảm thiểu rác thải biến từ các nguồn gốc biển
Hành động 3: Giám sát và đánh giá rác biển Hành động 4: Các hoạt động hỗ trợ việc thực hiện COBSEA RAP MALI
Ban Thư ký COBSEA phối hợp chặt chẽ với các chương trình Vùng biển khác, Đối tác Toàn cầu về chất thải Biển (GPML) và Chương trình Hành động Toàn cầu về Bảo vệ Môi trường Biển khỏi các Hoạt động trên Đất liền (GPA) để hỗ trợ các hành động hiệu quả ở Biển Đông Á khu vực đạt được mục tiêu 14.1 của SDT: ngăn ngừa và giảm thiểu đáng kể ô nhiễm môi trường biển các loại và đặc biệt là từ các hoạt động trên đất liền.
Phối hợp với Văn phòng Khu vực Châu Á – Thái Bình Dương của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), COBSEA đang triển khai dự án Sea Circular giảm thiểu xả rác biển ở khu vực với sự hỗ trợ của Chính phủ Thụy Điển. Dự án thúc đẩy các cơ chế COBSEA như Nhóm làm việc về chất thải dưới biển và góp phần đạt được RAP MALI.
Theo Định hướng chiến lược 2018-2022, COBSEA giải quyết ô nhiễm biển trên đất liền với trọng tâm là chất dinh dưỡng, trầm tích và nước thải cũng như rác biển và vi nhựa; tăng cường quản trị khu vực bằng cách chia sẻ kinh nghiệm và chính sách quản lý môi trường biển; tăng cường quy hoạch và quản lý biển và ven biển, tập trung vào các cách tiếp cận quản lý dựa trên hệ sinh thái bao gồm các khu bảo tồn | biển và quy hoạch không gian biển hướng tới việc đạt được các mục tiêu AICHI và SDG.
Ô nhiễm biển là một vấn đề xuyên biên giới, đòi hỏi các phương pháp tiếp cận khu vực trong việc chẩn đoán cũng như thiết kế và ưu tiên các phản ứng quản lý và chính sách nhất quán, hiệu quả. Phần lớn dân số ở các nước thành viên COBSEA sống ở các khu vực ven biển nên góp phần vào quá trình đô thị hóa nhanh chóng và hoạt động tập trung của tàu thuyền và tàu cá cao nhất thế giới. Giảm thiểu rác thải biển trong khu vực từ các nguồn trên đất liền và từ biển đòi hỏi phải giải quyết thành công việc xả chất thải ra sông, dọc theo bờ biển và ra đại dương ở khu vực Biển Đông Á. Điều này đòi hỏi sự tham gia của nhiều bên liên quan trong tất cả các thành phần kinh tế và các nhóm xã hội để vượt qua các hệ thống tuyến tính về sản xuất, tiêu thụ và thải bỏ, đồng thời giải quyết các biển tại nguồn và trên biển.
Trong việc giải quyết quy hoạch và quản lý biển và ven biển, COBSEA tăng cường sử dụng các phương pháp quản lý dựa trên hệ sinh thái dựa trên bằng chứng khoa học tốt nhất hiện có, bao gồm Quy hoạch không gian biển và vùng ven biển và các khu bảo tồn biển, hướng tới việc đạt được các Mục tiêu Phát triển bền vững (SDGs) và Mục tiêu Đa dạng sinh học.
Về quản trị, huy động nguồn lực và quan hệ đối tác, vai trò của COBSEA như một chất xúc tác cho các hành động hỗ trợ việc cung cấp các SDG trong khu vực và cụ thể là Mục tiêu 14 (cuộc sống dưới nước) được củng cố thông qua chủ đề quản trị. Điều này bao gồm việc điều chỉnh các mục tiêu và hành động sinh thái biển và ven biển của khu vực với Chương trình nghị sự 2030, đồng thời sử dụng cơ chế khu vực để hỗ trợ lập kế hoạch, theo dõi và báo cáo về các SDG có liên quan, phù hợp với các nghị quyết của Hội đồng Môi trường Liên hợp quốc. Với vai trò là một diễn đàn trao đổi kinh nghiệm, chính sách và thực tiễn liên quan đến hai chủ đề nội dung, COBSEA tạo điều kiện thuận lợi cho việc hoạch định chính sách khu vực và xúc tiến các hoạt động dự án nhằm giải quyết các ưu tiên khu vực về quản trị biển và ven biển. Các hoạt động theo chủ đề quản trị bao gồm việc chuẩn bị Triển vọng thực hiện SDG khu vực để hỗ trợ việc đạt được và theo dõi và báo cáo các mục tiêu liên quan đến đại dương.