Công nhận văn bằng nước ngoài là gì? Đối tượng và ý nghĩa công nhận văn bằng nước ngoài? Điều kiện và thủ tục công nhận văn bằng nước ngoài?
Ngày nay, rất nhiều cá nhân là người Việt Nam lựa chọn học tập tại nước ngoài. Khi các chủ thể này về Việt Nam cùng với các văn bằng được cấp tại nước ngoài để sử dụng tại Việt Nam. Tuy nhiên, pháp luật Việt Nam quy định không thừa nhận ngay việc sử dụng các văn bằng đó, mà phải trải qua quá trình công nhận văn bằng. Hoạt động công nhận văn bằng là hoạt động bắt buộc phải thực hiện. Bài viết dưới đây Luật Dương Gia sẽ cung cấp các thông tin về việc công nhận văn bằng nước ngoài tại Việt Nam.
Dịch vụ Luật sư
* Cơ sở pháp lý:
– Thông tư 13/2021/TT-BGDĐT ngày 15 tháng 04 năm 2021 do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy định về điều kiện, trình tự, thủ tục, thẩm quyền công nhận văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp để sử dụng tại Việt Nam.
1. Công nhận văn bằng nước ngoài là gì?
Văn bằng nước ngoài được hiểu là văn bằng được cấp ở ngoài lãnh thổ một quốc gia bởi cơ quan có thẩm quyền ở một quốc gia và được xem xét tại một quốc gia không ban hành văn bằng đó. Hiểu đơn giản trong trường hợp này, thì văn bằng nước ngoài là văn bằng được cấp bởi cơ quan có thẩm quyền ở một quốc gia khác trên thế giới và văn bằng này được xem xét tại Việt Nam.
Theo từ điển tiếng Việt thì “công nhận” là việc thừa nhận trước mọi người là hợp với sự thật, với lẽ phải hoặc hợp với thể lệ pháp luật. Còn dưới góc độ luật học thì công nhận được hiểu là việc thừa nhận một vấn đề nào đó theo những nguyên tắc và trình tự pháp lý nhất định. Công nhận là hành vi của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thừa nhận một văn bản có hiệu lực pháp luật; là sự cho phép coi văn bản đó như một sự khẳng định các quyền và nghĩa vụ của các cá nhân phát sinh theo văn bản đó.
Như vậy, công nhận văn bằng nước ngoài là hoạt động của cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam nhằm thừa nhận văn bằng được cấp ở nước ngoài có hiệu lực ở Việt Nam theo một trình tự, thủ tục nhất định.
2. Đối tượng và ý nghĩa công nhận văn bằng nước ngoài
Hoạt động công nhận văn bằng nước ngoài tại Việt Nam được quy định tại Điều 109 Luật Giáo dục năm 2019
“1. Văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp được công nhận để sử dụng tại Việt Nam trong trường hợp sau đây:
a) Văn bằng do cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục đại học ở nước ngoài cấp cho người học sau khi hoàn thành chương trình giáo dục bảo đảm chất lượng theo quy định của nước cấp bằng và được cơ quan có thẩm quyền về giáo dục của nước đó công nhận;
b) Văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài đang hoạt động hợp pháp tại nước khác nơi cơ sở giáo dục đặt trụ sở chính cấp cho người học, được cơ quan có thẩm quyền về giáo dục của 02 nước cho phép mở phân hiệu hoặc thực hiện hợp tác, liên kết đào tạo và đáp ứng quy định tại điểm a khoản này;
c) Văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài hoạt động hợp pháp tại Việt Nam cấp, thực hiện hoạt động giáo dục theo quy định về hợp tác, đầu tư về giáo dục do Chính phủ ban hành, theo phê duyệt của cơ quan có thẩm quyền và đáp ứng quy định tại điểm a khoản này.
Theo quy định tại Khoản 1 này thì các văn bằng được công nhận tại Việt Nam bao gồm:
– Văn bằng do cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục đại học ở nước ngoài cấp;
– Văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài đang hoạt động hợp pháp tại nước khác nơi cơ sở giáo dục đặt trụ sở chính cấp
– Văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài hoạt động hợp pháp tại Việt Nam cấp
Yêu cầu chung đối với các văn bằng này đó chính là được cơ quan nhà nước nơi các cơ sở giáo dục đào tạo nước ngoài đó đặt trụ sở công nhận. Việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận này đóng vai trò quyết định đối với việc công nhận văn bằng. Đó chính là hoạt động xác nhận rằng chương trình đào tạo mà người họ đã theo học, hoàn thành là phù hợp với chương trình học với quốc gia đó, đáp ứng các điều kiện chung về trình độ đào tạo theo độ tuổi của người học.
Các bằng tốt nghiệp nhận được ở nước ngoài để hoàn thành chương trình trung học hoặc một chứng chỉ giáo dục tương tự có thể được đánh giá và so sánh với chứng chỉ của trường giáo dục Việt Nam theo thẩm quyền của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Nếu chứng chỉ hoặc bằng tốt nghiệp nước ngoài đáp ứng các yêu cầu, người học sẽ nhận được chứng chỉ công nhận cần thiết cho các mục đích nghề nghiệp (ví dụ: để bắt đầu đào tạo nghề), hoặc để tiếp tục học ở trường.
Ngoài ra, chủ thể có thẩm quyền đánh giá các bằng cấp đạt được ở nước ngoài cho các ngành nghề như nhà giáo dục, y tá lão khoa và các bằng cấp chuyên môn khác có thể nhận được thông qua một nền giáo dục hoàn toàn dựa trên trường học.
Công nhận văn bằng giáo dục đại học nước ngoài ở Việt Nam với mục đích nghiên cứu sâu hơn. Bằng cấp nước ngoài cho phép tiếp cận các nghiên cứu sâu hơn hoặc quyền bắt đầu các thủ tục tiến sĩ ở quốc gia nơi nó được cấp bằng, cho phép người sở hữu bằng cấp tiếp cận với các nghiên cứu chu kỳ thứ hai, nghiên cứu sau đại học, chu kỳ thứ ba / nghiên cứu tiến sĩ hoặc quyền bắt đầu tiến trình tiến sĩ ở Việt Nam. Việc công nhận văn bằng còn có thể để sử dụng cho việc làm việc ở nước ngoài sau quá trình học tập ở Việt Nam.
3. Điều kiện và thủ tục công nhận văn bằng nước ngoài
Hiện nay, điều kiện công nhận văn bằng nước ngoài được quy định chi tiết tại Điều 4 Thông tư số 13/2021/TT- BGDĐT, theo đó các điều kiện bao gồm:
– Đối với văn bằng do cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục đại học ở nước ngoài cấp thì khi chương trình đào tạo cấp văn bằng đó có sự phù hợp với chương trình đào tạo tại Việt Nam sẽ được công nhận tại Việt Nam khi chương trình đào tạo ở nước ngoài đó đã được kiểm định bởi cơ quan kiểm định tại nước sở tại đó hoặc cơ sở cấp văn bằng được cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài đó cho phép đào tạo, hay cơ sở cấp văn bằng cũng đã trải qua hoạt động kiểm định.
– Văn bằng được cấp bởi cơ sở giáo dục nước ngoài đang hoạt động tại nước khác nơi cơ sở giáo dục đặt trụ sở chính (bao gồm cả Việt Nam) được công nhận khi cơ sở cấp văn bằng đã hoạt động hợp pháp tại cả hai nước (nước có trụ sở chính và nước có phân hiệu liên kết) đồng thời chương trình đào tạo để cấp văn bằng hoặc cơ sở cấp văn bằng đã được kiểm định bởi cơ quan có thẩm quyền.
Thủ tục công nhận văn bằng nước ngoài tại Việt Nam được quy định tại Điều 109 Luật Giáo dục năm 2019 quy định như sau:
“2. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, ký thỏa thuận quốc tế về tương đương văn bằng hoặc công nhận lẫn nhau về văn bằng; quy định chi tiết điều kiện, trình tự, thủ tục, thẩm quyền công nhận văn bằng; cung cấp thông tin về cơ sở giáo dục đại học bảo đảm chất lượng được nước sở tại công nhận.
Việc công nhận văn bằng giáo dục nghề nghiệp do nước ngoài cấp thực hiện theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp.”
Thủ tục này được quy định chi tiết tại Điều 6, Điều 7 Thông tư số 13/2021/TT- BGDĐT. Cơ quan có thẩm quyền công nhận đó chính là Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo và Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo. Thẩm quyền này được quy định tại Điều 6 Thông tư.
Để được công nhận văn bằng, thì người đề nghị sẽ chuẩn bị hồ sơ đề nghị công nhận bao gồm bản sao văn bằng và bản sao phụ lục văn bằng (hoặc giấy tờ tương đương), Minh chứng thời gian học ở nước ngoài; văn bản ủy quyền xác minh thông tin về văn bằng. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng đối với việc đề nghị công nhận văn bằng vừa phải thực hiện hoạt động cung cấp thông tin tại Phiếu đề nghị công nhận văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp tại Cổng dịch vụ công trực tuyến của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục đào tạo và phải đồng thời gửi hồ sơ đến các cơ quan có thẩm quyền này.
Sau khi nhận được hồ sơ, thì cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm xác nhận thông tin, kiểm tra và công nhận văn bằng cho người đề nghị. Thời hạn để thực hiện hoạt động công nhận là 20 ngày làm việc tính từ này tiếp nhận hồ sơ, thời hạn này có thể gia hạn nhưng không quá 45 ngày. Sau khi công nhận, kết quả công nhận sẽ được gửi tới người đề nghị, kết quả này được thể hiện trên giấy công nhận. Nếu không công nhận văn bằng cho người đề nghị thì cơ quan có thẩm quyền phải giải thích rõ lý do không công nhận cho người đề nghị.