Cơ cấu tổ chức của trường mầm non tư thục? Hoạt động trường mầm non tư thục?
Hiện nay, do nhu cầu nên các trường mầm non tư thục xuất hiện ngày càng nhiều, nhà trường, nhà trẻ, nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục là cơ sở giáo dục mầm non thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và cơ cấu tổ chức, hoạt động phải tuân thủ theo những quy định của pháp luật. Nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và bảo đảm kinh phí hoạt động là nguồn ngoài ngân sách nhà nước. Vậy quy chế tổ chức, hoạt động của trường mầm non được quy định như thế nào?
Luật sư
Cơ sở pháp lý: Thông tư 13/2015/TT- BGDĐT của Chính phủ ngày 30 tháng 6 năm 2015 ban hành quy chế tổ chức và hoạt động trường mầm non tư thục
1. Cơ cấu tổ chức của trường mầm non tư thục
Căn cứ Điều 6 Thông tư 13/2015/TT- BGDĐT của Chính phủ ngày 30 tháng 6 năm 2015 ban hành quy chế tổ chức và hoạt động trường mầm non tư thục quy định về cơ cấu tổ chức của nhà trường, nhà trẻ tư thục như sau:
Nhà trường, nhà trẻ tư thục có cơ cấu tổ chức đảm bảo các yêu cầu về cơ cấu tổ chức quy định tại Điều lệ trường mầm non và phù hợp với điều kiện, quy mô của trường, bao gồm:
– Hội đồng quản trị (nếu có);
– Ban kiểm soát;
– Hiệu trưởng và các phó hiệu trưởng;
– Tổ chuyên môn;
– Tổ văn phòng;
– Tổ chức đoàn thể;
– Các nhóm, lớp.
Thứ nhất, hội đồng quản trị ( Điều 8 Thông tư 13/2015/TT- BGDĐT)
Theo đó, hội đồng quản trị được thành lập khi nhà trường, nhà trẻ tư thục có từ hai thành viên góp vốn trở lên- là cơ quan quản lý và là tổ chức đại diện duy nhất cho quyền sở hữu của nhà trường, nhà trẻ, chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện các quyết nghị của Đại hội đồng thành viên góp vốn và có quyền quyết định những vấn đề về tổ chức, nhân sự, tài chính, tài sản, quy hoạch, kế hoạch và phương hướng đầu tư phát triển của nhà trường, nhà trẻ phù hợp với quy định của pháp luật.
– Số lượng thành viên: hội đồng quản trị có từ 02 đến 11 thành viên do Đại hội đồng thành viên góp vốn bầu và được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền ra quyết định công nhận. Nhiệm kỳ của Hội đồng quản trị là 5 năm.
– Chủ thể tham gia: là những người có vốn góp xây dựng nhà trường, nhà trẻ hoặc người đại diện cho tổ chức hoặc cá nhân có số vốn góp theo quy định tại Quy chế tổ chức và hoạt động của nhà trường, nhà trẻ.
– Họp hội đồng quản trị:
+ Trong nhiệm kỳ đầu tiên họp hội đồng quản trị do tổ chức hoặc cá nhân đề nghị thành lập nhà trường, nhà trẻ đề cử. Từ nhiệm kỳ thứ hai, việc thành lập Hội đồng quản trị được thực hiện theo hình thức bỏ phiếu kín tại cuộc họp Đại hội đồng thành viên góp vốn.
+ Hội đồng quản trị họp thường kỳ ba tháng một lần và các cuộc họp bất thường do Chủ tịch Hội đồng quản trị triệu tập khi có ít nhất 1/3 số thành viên Hội đồng quản trị đề nghị.
+ Cuộc họp Hội đồng quản trị được tiến hành khi có từ 3/4 tổng số thành viên trở lên dự họp, trong trường hợp không đủ số thành viên theo quy định thì được triệu tập lần thứ hai trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày dự định họp lần thứ nhất. Đối với trường hợp này cuộc họp được tiến hành nếu có hơn một nửa số thành viên Hội đồng quản trị dự họp và các thành viên của Hội đồng quản trị bình đẳng về quyền biểu quyết.
– Nội dung cuộc họp: phải được ghi biên bản và thông qua tại cuộc họp, phải có chữ ký của Chủ tịch Hội đồng quản trị và thư ký cuộc họp. Nghị quyết của Hội đồng quản trị được thông qua bằng hình thức biểu quyết hoặc bằng phiếu kín tại cuộc họp và chỉ có hiệu lực khi được quá nửa số thành viên của Hội đồng quản trị nhất trí. Trường hợp số phiếu tán thành và không tán thành ngang nhau thì quyết định cuối cùng thuộc về phía có ý kiến của Chủ tịch Hội đồng quản trị.
Thứ hai, ban kiểm soát (Điều 12 Thông tư 13/2015/TT- BGDĐT)
– Thành phần: ban kiểm soát của nhà trường, nhà trẻ tư thục do Hội đồng quản trị thành lập, có số lượng từ 3 đến 5 thành viên, trong đó có đại diện thành viên góp vốn, giáo viên, đại diện cha mẹ học sinh. Trong Ban kiểm soát phải có thành viên có chuyên môn về kế toán. Trưởng Ban kiểm soát do Hội đồng quản trị bầu trực tiếp.
– Thành viên: thành viên của Ban Kiểm soát không phải là thành viên Hội đồng quản trị, Hiệu trưởng, Kế toán trưởng và không có quan hệ cha, mẹ, vợ hoặc chồng, con đẻ, anh chị em ruột với thành viên Hội đồng quản trị, Hiệu trưởng, Kế toán trưởng nhà trường, nhà trẻ.
– Nhiệm kỳ của Ban kiểm soát theo nhiệm kỳ của Hội đồng quản trị.
– Nhiệm vụ của ban kiểm soát:
+ Ban kiểm soát có nhiệm vụ chính là: kiểm tra, giám sát các hoạt động của nhà trường, nhà trẻ, của Hội đồng quản trị, Ban Giám hiệu và các đơn vị, tổ chức trong nhà trường, nhà trẻ;
+ Bên cạnh đó, ban kiểm soát còn có nhiệm vụ kiểm tra, giám sát mọi hoạt động tài chính của nhà trường, nhà trẻ và thực hiện chế độ tài chính công khai;
+ Ban kiểm soát phải định kỳ
+ Ban kiểm soát báo cáo với Đại hội đồng thành viên góp vốn về kết quả kiểm tra, giám sát các hoạt động của nhà trường tại các kỳ họp của Đại hội đồng thành viên góp vốn;
+ Ngoài ra, ban kiểm soát còn thực hiện các quyền và nhiệm vụ khác theo Quy chế tổ chức và hoạt động của nhà trường, nhà trẻ.
Thứ ba, hiệu trưởng (Điều 13 Thông tư 13/2015/TT- BGDĐT)
– Hiệu trưởng nhà trường, nhà trẻ tư thục phải là người có đủ các tiêu chuẩn theo quy định tại Điều lệ trường mầm non, khi được đề cử thì hiệu trưởng không quá 65 tuổi và không là công chức, viên chức trong biên chế nhà nước.
– Hiệu trưởng có vai trò quan trọng, là người trực tiếp quản lý và điều hành hoạt động của nhà trường, nhà trẻ; hiệu trưởng là người chịu trách nhiệm trước pháp luật, cơ quan quản lý giáo dục và Hội đồng quản trị (nếu có) về việc tổ chức, điều hành các hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ, bảo đảm chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục và hoạt động của nhà trường, nhà trẻ trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn được giao. Theo quy định của pháp luật thì nhiệm kỳ của Hiệu trưởng là 5 năm.
Hiệu trưởng do Hội đồng quản trị đề cử và bầu theo nguyên tắc bỏ phiếu kín với trên 50% số phiếu tán thành và được Đại hội đồng thành viên góp vốn thông qua và cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền ra quyết định công nhận( (đối với nhà trường, nhà trẻ tư thục có Hội đồng quản trị)
– Nhiệm vụ quyền hạn của hiệu trưởng:
+ Hiệu trưởng có nhiệm vụ tổ chức thực hiện các nghị quyết của Hội đồng quản trị;
+ Bên cạnh đó, hiệu trưởng còn có nhiệm vụ tổ chức triển khai việc huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực, hoạt động chăm sóc, giáo dục và các hoạt động khác của nhà trường, nhà trẻ theo quy định, bảo đảm chất lượng, đúng quy định của pháp luật và kế hoạch đã được Hội đồng quản trị phê duyệt nhằm thực hiện mục tiêu phát triển nhà trường, nhà trẻ;
+ Hiệu trưởng có nhiệm vụ trong việc đưa ra dự kiến phương án tổ chức bộ máy, biên chế và nhân sự của nhà trường, nhà trẻ trình Hội đồng quản trị phê duyệt; là chủ tịch hoặc phó chủ tịch hội đồng tuyển dụng giáo viên và phân công, quản lý, đánh giá, xếp loại, khen thưởng, kỷ luật đối với giáo viên, nhân viên theo quy định của pháp luật sau khi được Hội đồng quản trị thông qua.
+ Nhiệm vụ lập dự toán và quyết toán ngân sách hàng năm và trình với Hội đồng quản trị phê duyệt và tổ chức thực hiện kế hoạch tài chính theo quy định của nhà trường, nhà trẻ, hiệu trưởng có nhiệm vụ báo cáo định kỳ với Hội đồng quản trị và các cấp quản lý liên quan về công tác tài chính và các hoạt động của nhà trường, nhà trẻ;
+ Ngoài ra, hiệu trưởng còn là người quản lý về bảo đảm trật tự, an ninh và bảo vệ môi trường, an toàn trong nhà trường, nhà trẻ
+ Tuy hiệu trưởng được tham dự các cuộc họp của Hội đồng quản trị (nếu không phải là thành viên) nhưng không có quyền biểu quyết; có trách nhiệm báo cáo trước Đại hội đồng thành viên góp vốn về các hoạt động chăm sóc, giáo dục của trường và hiệu trưởng có quyền bảo lưu ý kiến không nhất trí với quyết định của Hội đồng quản trị và báo cáo cơ quan quản lý giáo dục trực tiếp xem xét, xử lý. Một người chỉ được làm Hiệu trưởng của một nhà trường, nhà trẻ tư thục trong cùng một thời gian
2. Hoạt động trường mầm non tư thục
Hoạt động của trường mầm non tư thục:
– Nhà trường, nhà trẻ, nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục có trách nhiệm thực hiện chương trình giáo dục mầm non do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành theo quy định của pháp luật. Trường mầm non tư thục có hệ thống hồ sơ, sổ sách, tổ chức hoạt động và đánh giá kết quả nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em trong nhà trường, nhà trẻ, nhóm trẻ, lớp mẫu giáo tư thục được thực hiện theo quy định tại Điều lệ trường mầm non.
Hoạt động của trường mầm non tư thục phải được hoạt động theo điều lệ của trường mầm non cũng như phải tuân theo những quy định của pháp luật về hoạt động giáo dục, đào tạo theo quy định chung của Bộ giáo dục và đào tạo ban hành. Bên cạnh đó, nhà trường, nhà trẻ, nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục có những quyền hạn và nhiệm vụ được quy định theo điều lệ của nhà trường và quy định của pháp luật và phải tự chịu trách nhiệm về quy hoạch, kế hoạch phát triển, tổ chức các hoạt động giáo dục, xây dựng và phát triển đội ngũ giáo viên, huy động, sử dụng và quản lý các nguồn lực để thực hiện mục tiêu giáo dục mầm non, góp phần cùng Nhà nước chăm lo sự nghiệp giáo dục, đáp ứng yêu cầu xã hội. Hoạt động của trường mầm non tư thục phải được thực hiện đúng đắn, nghiêm túc, bởi những hoạt động này có ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển, tiếp thu của trẻ nhỏ. Việc thực hiện những hoạt động giáo dục về chương trình học, các hoạt động vui chơi, giải trí của trường mầm non tư thục cũng là cơ sở để đánh giá về chất lượng giáo dục đào tạo của trường mầm non tư thục đó.