Quy chế phối hợp giữa cơ quan THADS và các cơ quan khác trong tổ chức thi hành án dân sự ở Việt Nam là văn bản có chứa quy phạm pháp luật do Bộ Tư pháp hoặc cơ quan THADS cùng với các cơ quan có sự phối hợp trong công tác tổ chức THADS.
Mục lục bài viết
1. Quy chế là gì:
Theo Điều 7, Nghị định số 30/2000/NĐ–CP ngày 05/3/2020 mới nhất về công tác văn thư thì “Quy chế” là một loại văn bản hành chính, là văn bản hình thành trong quá trình chỉ đạo, điều hành, giải quyết công việc của các cơ quan, tổ chức. Tuy nhiên, cho đến nay, vẫn chưa có văn bản nào định nghĩa hay giải thích cụ thể về khái niệm “quy chế”. Trong bài viết gần đây nhất của TS Nguyễn Thị Kim Bình đã đưa ra khái niệm về quy chế như sau:
Quy chế là loại hình văn bản quản lý nội bộ do các cơ quan ban hành trên cơ sở quy định của pháp luật, quy định nguyên tắc, quyền và trách nhiệm pháp lý đối với từng đối tượng có liên quan trong việc thực hiện các hoạt động chung hoặc hoạt động từng lĩnh vực của chính cơ quan nhằm đảm bảo sự thống nhất, khoa học và hiệu quả. Ví dụ: để một cơ quan đi vào hoạt động được đúng tôn chỉ, mục đích khi thành lập thì bao giờ cũng phải có quy chế tổ chức và hoạt động để quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy, nhân sự, ... là văn bản pháp lý quan trọng để từ đó người đứng đầu có căn cứ pháp lý triển khai công việc cũng như ban hành các văn bản để thực hiện nhiệm vụ được giao của cơ quan.
Quy chế đưa ra yêu cầu cần đạt được và mang tính định khung, nguyên tắc, ở bất kỳ cơ quan, tổ chức nào cũng có một quy chế riêng quy định nguyên tắc, chế độ làm việc, quan hệ công tác,... để đảm bảo tính kỷ luật, hài hòa trong cơ cấu bộ máy, hoạt động của tổ chức đó. Do đó, có thể hiểu quy chế là chế độ được quy định bởi một cơ quan, tổ chức có thẩm quyền trong một phạm vi nhất định, được ban hành bằng văn bản, có tính bắt buộc đối với những đối tượng thuộc phạm vi điều chỉnh.
Tuy nhiên, quy chế không chỉ giới hạn quy định trong một cơ quan hay tổ chức nhất định, có rất nhiều quy chế liên ngành giữa các Bộ, ban ngành, đoàn thể để tăng cường sự phối, kết hợp giữa các cơ quan, nhằm đảm bảo thống nhất, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động. Theo đó, quy chế có thể được ban hành độc lập hoặc ban hành kèm theo Nghị định. Ví dụ: Quy chế 4048/QC–BHXH–HLHPNVN phối hợp giữa Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam giai đoạn 2015 – 2020; Quy chế làm việc của Chính phủ ban hành kèm theo Nghị định 08/2012/NĐ CPQuy chế phối hợp công tác giữa Chính phủ với Tòa án nhân dân tối cao, VKSND tối cao số ban hành kèm theo Nghị quyết liên tịch số 15/NQLT/CP–TANDTC VKSNDTC ngày 31/3/2010.
Như vậy, từ các nhận định, đánh giá trên, ta có thể hiểu, “quy chế” là một văn bản hoặc toàn thể các văn bản có chứa quy phạm pháp luật hoặc quy phạm xã hội do cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền ban hành theo thủ tục, trình tự nhất định, có hiệu lực bắt buộc thi hành đối với các thành viên của cơ quan, tổ chức thuộc phạm vi điều chỉnh của quy chế.
Quy chế được ban hành phải đảm bảo 3 yếu tố sau: – Tính hợp pháp: Phù hợp với các quy định của pháp luật, không trái luật.
– Tính thực tiễn: Phù hợp với yêu cầu quản lý điều hành, phù hợp với hoạt động của tổ chức trong từng lĩnh vực cụ thể.
– Tính hiệu quả: Tạo hành lang pháp lý cho cơ quan, tổ chức, góp phần tích cực vào công tác quản lý, điều hành cũng như toàn bộ hoạt động của tổ chức; khi được áp dụng phải được mọi người tôn trọng và quán triệt thực thi.
2. Phối hợp là gì:
Để làm rõ khái niệm về phối hợp trong công tác THADS, trước tiên cần xác định thế nào là phối hợp. Có thể hiểu, phối hợp là cùng hành động hoặc hoạt động hỗ trợ lẫn nhau, là hành vi tổ chức thực hiện, làm cho những cá nhân, tổ chức khác nhau làm việc cùng nhau, liên kết với nhau cho một mục tiêu hoặc có hiệu lực thực hiện các mục tiêu mong muốn trong một tổ chức.
Có thể hiểu, phối hợp là mối quan hệ giữa hai hay nhiều chủ thể khác nhau trong quá trình triển khai, thực hiện và cùng nhằm đạt mục đích chung. Nói cách khác, phối hợp là sự tham gia làm việc cùng với nhau của từ ít nhất hai chủ thể trở lên, hành động theo một kế hoạch chung nhằm đạt được mục tiêu chung. Phối hợp là quá trình liên kết hoạt động của những con người, bộ phận, phân hệ và hệ thống riêng rẽ nhằm thực hiện có hiệu quả các mục tiêu chung của tổ chức.
Từ khái niệm trên ta thấy phối hợp giúp cho mỗi hành động của từng cá nhân hay từng bộ phận được thống nhất, ngoài ra còn làm thống nhất với các tổ chức, cá nhân bên ngoài, bên cạnh đó sự phối hợp còn phụ thuộc vào tính chất, nhiệm vụ và mức độ độc lập của mỗi con người trong từng bộ phận thực hiện nhiệm vụ.
3. Khái niệm quy chế phối hợp, chủ thể của quy chế phối hợp giữa cơ quan thi hành án dân sự và các cơ quan khác trong tổ chức thi hành án dân sự ở Việt Nam:
3.1. Khái niệm quy chế phối hợp:
Từ những khái niệm trên, tựu chung lại ta có thể hiểu: quy chế phối hợp giữa cơ quan thi hành án dân sự và các cơ quan khác trong tổ chức thi hành án dân sự ở Việt Nam là văn bản có chứa quy phạm pháp luật do Bộ Tư pháp hoặc cơ quan THADS cùng với các cơ quan có sự phối hợp trong công tác tổ chức THADS cùng thống nhất ban hành theo thủ tục, trình tự nhất định, có hiệu lực bắt buộc thi hành đối với các cơ quan, thành viên của cơ quan thuộc phạm vi điều chỉnh của quy chế nhằm tăng cường, tạo hiệu quả phối hợp trong tổ chức thi hành án dân sự; Bộ Tư pháp hoặc cơ quan THADS là cơ quan chủ trì, làm đầu mối trong việc tổ chức thực hiện quy chế đã ban hành.
Quy chế phối hợp được coi là một phương thức thực hiện sự phối hợp giữa cơ quan thi hành án dân sự và các cơ quan khác trong tổ chức thi hành án dân sự ở Việt Nam. Phương thức này quy định rõ trách nhiệm, nghĩa vụ, cách thức thực hiện, nội dung thực hiện của các cơ quan, tổ chức có liên quan với cơ quan THADS trong việc xác minh điều kiện THADS. Các quy chế phối hợp được xây dựng dựa trên các quy định pháp luật hiện hành, có sự cụ thể hóa để tạo điều kiện cho quá trình tổ chức thi hành án được diễn ra nhanh chóng, hiệu quả, không ảnh hưởng đến quá trình thực hiện nhiệm vụ của các cơ quan phối hợp.
Phương thức này có ưu điểm là cơ quan thực hiện sự phối hợp đã nghiên cứu các quy định của pháp luật THADS và pháp luật của ngành mình để thống nhất đưa ra những quy định phù hợp. Đồng thời, cơ quan tổ chức trực tiếp thực hiện sự phối hợp sẽ căn cứ vào quy chế ngành mình đã ký với cơ quan THADS để cung cấp thông tin.
3.2. Chủ thể của trong quy chế phối hợp giữa cơ quan thi hành án dân sự và các cơ quan khác trong tổ chức thi hành án dân sự ở Việt Nam:
Căn cứ theo Luật thi hành án dân sự hiện nay thì việc thi hành án dân sự bao gồm việc thi hành: “Bản án, quyết định dân sự, hình phạt tiền, tịch thu tài sản, truy thu tiền, tài sản thu lợi bất chính, xử lý vật chứng, tài sản, án phí và quyết định dân sự trong bản án, quyết định hình sự, phần tài sản trong bản án, quyết định hành chính của Tòa án, quyết định của Tòa án giải quyết phá sản, quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh của Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, Hội đồng xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh, quyết định giải quyết khiếu nại quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh của Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, Hội đồng giải quyết khiếu nại quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh có liên quan đến tài sản của bên phải thi hành và phán quyết, quyết định của Trọng tài thương mại (sau đây gọi chung là bản án, quyết định)? [6]. Thực tế, nhiều vụ việc có tính chất khác nhau, được giải quyết theo trình tự tố tụng khác nhau (như những vụ việc về hành chính, về lao động, về kinh tế...) nhưng đến giai đoạn thi hành đều được áp dụng theo trình tự, thủ tục thi hành án dân sự. Như vậy, có thể nói phạm vi của thi hành án dân sự hiện nay là rất rộng.
Do đó, chủ thể trong mối quan hệ phối hợp trong công tác thi hành án cũng rất đa dạng, cụ thể:
– Về phía cơ quan THADS, CHV, Thẩm tra viên, Thư ký THADS và cán bộ, công chức làm THADS: người được giao nhiệm vụ tổ chức thi hành án cần phải có tinh thần trách nhiệm, chủ động trong việc liên hệ với các cơ quan, tổ chức có liên quan. Cần phải xác định rõ cơ quan đề nghị phối hợp, mục đích, nội dung đề nghị phối hợp; đồng thời lựa chọn hình thức phối hợp phù hợp và dự báo các tình huống khó khăn, vướng mắc có thể xảy ra trong quan hệ phối hợp. Để làm được điều đó,
CHV phải có trình độ chuyên môn nghiệp vụ vững vàng, nắm chắc các quy định của pháp luật THADS và pháp luật có liên quan, kỹ năng giao tiếp khéo léo, linh hoạt.
– Các cơ quan được đề nghị phối hợp:
+ Các cơ quan tiến hành tố tụng (cơ quan Công an, VKSND, Tòa án nhân dân các cấp);
+ Cấp ủy, chính quyền địa phương (Hội đồng nhân dân, UBND các cấp); + Tổ chức đoàn thể (Mặt trận tổ quốc, Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên...);
+ Các cơ quan hữu quan (cơ quan Tài chính, Thuế, bảo hiểm xã hội, cơ quan đăng ký tài sản, đăng ký giao dịch bảo đảm, cơ quan quả lý về tài nguyên và môi trường, cơ quan đăng ký quyền sử dụng đất, phương tiện giao thông, cơ quan xây dựng và quản lý đô thị, cơ quan tư pháp...);
+ Cơ quan, tổ chức và cá nhân khác (Ngân hàng, Kho bạc, các tổ chức tín dụng, thẩm định giá, văn phòng luật sư, công chứng, thừa phát lại, thẩm định giá, bán đấu giá tài sản...).
Thực tế hiện nay chỉ có những cơ quan thường xuyên thực hiện sự phối hợp với cơ quan THADS mới xây dựng quy chế phối hợp của từng ngành, từng cấp như: VKSND, Tòa án, cơ quan công an, tài nguyên và môi trường, ngân hàng, bảo hiểm xã hội...