Quy chế đấu giá quyền sử dụng đất của Uỷ ban nhân dân được quy định cụ thể theo Luật đất đai. Bài viết dưới đây sẽ làm rõ vấn đề trên:
Mục lục bài viết
1. Thế nào là đấu giá quyền sử dụng đất?
Đấu giá quyền sử dụng đất được hiểu là một trong những phương thức để Nhà nước phân phối đất đai.
So với những hình thức đấu giá thông thường khác, đối tượng tham gia đấu giá quyền sử dụng đất tham gia đấu giá công khai với những người khác và người nào trả giá cao nhất là người được nhận quyền sử dụng đất.
2. Những trường hợp nào phải đấu giá và không phải đấu giá quyền sử dụng đất?
2.1. Những trường hợp phải đấu giá quyền sử dụng đất:
Căn cứ khoản 1 Điều 118 Luật Đất đai 2013, Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng, cho thuê đất theo hình thức đấu giá quyền sử dụng đất trong những trường hợp sau:
– Đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng để chuyển nhượng hoặc cho thuê.
– Tiến hành giao đất ở tại đô thị, tại nông thôn cho hộ gia đình, cá nhân.
– Thực hiện đầu tư xây dựng nhà ở để bán hoặc cho thuê hoặc cho thuê mua.
– Sử dụng đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp; đất thương mại – dịch vụ.
– Sử dụng quỹ đất để tạo vốn với mục đích đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng.
– Tiến hành cho thuế đất thuộc quỹ đất nông nghiệp được sử dụng vào mục đích công ích để tiến hành sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối.
– Thực hiện giao đất, cho thuê đất đối với đất được Nhà nước thu hồi do sắp xếp lại, xử lý trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh mà tài sản gắn liền với đất thuộc sở hữu của Nhà nước.
– Đối với những trường hợp được giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất thực hiện giao đất, cho thuê đất.
2.2. Những trường hợp không thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất:
Theo khoản 2 Điều 118 Luật Đất đai 2013 quy định khi Nhà nước giao đất, cho thuê đất trong những trường hợp sau đây thì không đấu giá quyền sử dụng đất, cụ thể gồm:
– Nhà nước thực hiện giao đất nhưng không thu tiền sử dụng đất.
– Sử dụng đất trong các trường hợp:
+ Hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu tiếp tục sử dụng đất nông nghiệp vượt hạn mức được giao theo quy định.
+ Tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao sử dụng đất để xây dựng trụ sở làm việc.
+ Đối với đơn vị vũ trang nhân dân sử dụng đất để sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối hoặc sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối kết hợp với nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, Nhà nước thực hiện cho thuê đất có thu tiền thuê đất hàng năm.
– Sử dụng đất vào mục đích hoạt động khoáng sản.
– Trên cơ sở quyết định điều động của cơ quan có thẩm quyền thực hiện giao đất cho đối tượng là cán bộ, công chức, viên chức chuyển nơi công tác.
– Sử dụng đất với mục đích thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở tái định cư, nhà ở xã hội và nhà ở công vụ.
– Sử dụng đất được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất theo quy định.
– Đối với những hộ gia đình, cá nhân có hộ khẩu thường trú tại thị trấn thuộc vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn mà không có đất ở và chưa được Nhà nước giao đất ở thực hiện giao đất ở.
– Với những đối tượng không có đất ở và chưa được Nhà nước giao đất ở thực hiện giao đất cho hộ gia đình, cá nhân có hộ khẩu thường trú tại xã đó.
3. Quy chế đấu giá quyền sử dụng đất của Uỷ ban nhân dân:
3.1. Điều kiện để thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất:
Theo quy định của Luật đất đai, để tổ chức thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất phải đáp ứng các điều kiện sau đây:
– Phải có kế hoạch, phương án đấu giá quyền sử dụng đất được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
– Phải có kế hoạch sử dụng đất hằng năm của cấp huyện được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
– Đất đấu giá phải được giải phóng mặt bằng, đất có tài sản gắn liền với đất mà tài sản thuộc sở hữu nhà nước.
Bên cạnh đó, đối tượng là cá nhân, tổ chức tham gia đấu giá quyền sử dụng đất cũng phải đáp ứng điều kiện sau:
– Nằm trong danh sách các đối tượng được Nhà nước giao đất, cho thuê đất.
– Đối với trường hợp giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư. các cá nhân, tổ chức phải có đủ các điều kiện để tiến hành thực hiện dự án đầu tư.
3.2. Quy trình tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất:
Bước 1: Lập phương án đấu giá quyền sử dụng đất:
Sở Tài nguyên và Môi trường hoặc Phòng Tài nguyên và Môi trường báo cáo Ủy ban nhân dân cùng cấp chỉ đạo các đơn vị đang được giao quản lý quỹ đất để thực hiện lên phương án đấu giá quyền sử dụng đất dựa trên kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện đã được phê duyệt.
Nội dung của phương án đấu giá quyền sử dụng đất bao gồm:
– Thông tin các loại đất, vị trí, diện tích và hạ tầng kỹ thuật, tài sản gắn liền với các thửa đất đấu giá (nếu có).
– Thời gian dự kiến tổ chức thực hiện đấu giá các thửa đất.
– Mục đích, hình thức, thời hạn sử dụng của các thửa đất khi đấu giá quyền sử dụng đất.
– Đối tượng tham gia đấu giá quyền sử dụng đất.
– Chi phí tham gia đấu giá và khoản tiền đặt trước phải nộp khi tham gia đấu giá.
– Hình thức đấu giá quyền sử dụng đất.
– Nguồn kinh phí tổ chức thực hiện việc đấu giá quyền sử dụng đất.
– Dự kiến giá trị thu được và đề xuất việc sử dụng nguồn thu từ kết quả đấu giá.
Bước 2: Chuẩn bị hồ sơ đấu giá quyền sử dụng đất:
Hồ sơ bao gồm:
– Tờ trình và dự thảo quyết định đấu giá quyền sử dụng đất.
– Thông tin về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và quy hoạch xây dựng chi tiết liên quan đến thửa đất đấu giá đất.
– Các tài liệu thể hiện hiện trạng quản lý, sử dụng thửa đất.
– Nếu chưa có bản đồ địa chính thì cần trích lục bản đồ địa chính hoặc trích đo địa chính thửa đất đấu giá.
– Thông tin của đơn vị tổ chức thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất.
Bước 3: Ra quyết định đấu giá quyền sử dụng đất:
Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền quyết định đấu giá quyền sử dụng đất dựa trên hồ sơ thửa đất đấu giá.
Nội dung của quyết định đấu giá quyền sử dụng đất phải có những nội dung sau:
+ Căn cứ pháp lý.
+ Thông tin về thửa đất gồm vị trí, diện tích thửa đất, hạ tầng kỹ thuật, tài sản gắn liền với thửa đất, mục đích, hình thức và thời hạn sử dụng đất được quyết định đấu giá.
+ Thông tin về quy hoạch hoặc kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch chi tiết xây dựng được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Bước 4: Xác định và phê duyệt giá khởi điểm của thửa đất tham gia đấu giá:
Trách nhiệm xác định về phê duyệt giá khởi điểm của thửa đất đấu giá thuộc về Sở Tài nguyên và Môi trường.
Khi trình phê duyệt giá khởi điểm của thửa đất đấu giá sẽ phải chuẩn bị đủ hồ sơ gồm:
– Tờ trình về phương án giá khởi điểm của thửa đất được đấu giá, giá hạ tầng kỹ thuật, tài sản trên đất.
– Báo cáo thuyết minh xây dựng phương án giá khởi điểm.
– Văn bản thẩm định phương án giá khởi điểm.
– Dự thảo phương án giá khởi điểm.
Bước 5: Lựa chọn và ký hợp đồng thuê đơn vị thực hiện bán đấu giá quyền sử dụng đất:
– Sau khi tiến hành các bước trên, đơn vị tổ chức sẽ thực hiện lựa chọn đơn vị và ký hợp đồng thuê đơn vị thực hiện cuộc bán đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định.
– Đơn vị tổ chức thực hiện việc đấu giá trình Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền quyết định thành lập Tổ
– Sau đó phải tiến hành thông báo nội dung cũng như hồ sơ mời thầu trên các phương tiện thông tin đại chúng.
– Sau khi có hồ sơ dự thầu sẽ đánh giá hồ sơ dự thầu một cách khách quan, chính xác và trung thực nhất.
Bước 6: Tiến hành cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và giao đất trên thực địa cho đối tượng trúng đấu giá quyền sử dụng đất:
Đối tượng trúng đấu giá quyền sử dụng đất phải lưu ý nộp đủ tiền trúng đấu giá mới được cấp Giấy chứng nhận.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
Thông tư liên tịch số 14/2015/TTLT-BTNMT-BTP quy định việc tổ chức thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất để giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất.