Quỹ Bảo hiểm xã hội bắt buộc có thể hiểu là quỹ được tạo lập và chi trả cho các chế độ BHXH do Nhà nước tổ chức thực hiện và bắt buộc áp dụng đối với một số NLĐ và NSDLĐ theo quy định của pháp luật.
Mục lục bài viết
1. Quỹ Bảo hiểm xã hội bắt buộc là gì:
Để đảm bảo thực hiện các mục tiêu của BHXH, quỹ BHXH được hình thành và phát triển gắn liền với các chế độ BHXH nhằm đáp ứng các nhu cầu thực tế của cả NLĐ và NSDLĐ. NLĐ nhận thức rõ về các rủi ro dẫn đến việc suy giảm hoặc mất đi thu nhập, do đó, có nhu cầu thiết lập một nguồn quỹ nhằm bù đắp khoản thu nhập | bị mất đi. Về phía NSDLĐ, bản thân họ cũng chịu ảnh hưởng từ các rủi ro trên và chịu một phần trách nhiệm đối với NLĐ. Do đó, cả hai bên trong quan hệ lao động đều có nhu cầu thành lập một quỹ chung nhằm hỗ trợ cho NLĐ khi gặp các rủi ro trong quá trình làm việc. Các nguồn quỹ ban đầu chỉ mang tính chất tự phát với phạm vi nhỏ hẹp đã phát triển thành cơ chế hỗ trợ hữu ích và rộng khắp. Mối quan hệ tương trợ này nhận được sự hỗ trợ từ Nhà nước để ngày càng phát triển về quy mộ trong phạm vi quốc gia, hình thành nên một quỹ tiền tệ tập trung và được quản lý thống nhất.
Có nhiều cách định nghĩa khác nhau về quỹ BHXH. “Theo nghĩa rộng, quỹ bảo hiểm xã hội là tập hợp những phương tiện nhằm thoả mãn những nhu cầu phát sinh về bảo hiểm xã hội trên cơ sở đóng góp của những người tham gia bảo hiểm xã hội. Theo nghĩa hẹp, quỹ bảo hiểm xã hội là tập hợp những đóng góp bằng tiền của người tham gia bảo hiểm xã hội, hình thành một quỹ tiền tệ tập trung để chi trả cho người được bảo hiểm xã hội và gia đình họ khi bị giảm hoặc mất thu nhập do bị giảm, mất khả năng lao động hoặc mất việc làm”. “Quỹ BHXH cũng được nhận định là tập hợp những đóng góp bằng tiền của những người tham gia BHXH hình thành một quỹ tài chính độc lập, tập trung nằm ngoài ngân sách nhà nước để chi trả các chế độ bảo hiểm xã hội và chi phí liên quan khác. Quỹ BHXH vừa đồng thời là một quỹ dự phòng, vừa mang tính tính kinh tế, vừa mang tính xã hội cao và là điều kiện hay cơ sở vật chất quan trọng đảm bảo cho toàn bộ hệ thống BHXH tồn tại và phát triển”[20, tr.116]. Như vậy, các cách định nghĩa đề cập đến nhiều đặc tính khác nhau của quỹ BHXH nhưng thống nhất rằng nguồn hình thành quỹ BHXH là từ các bên tham gia BHXH và quỹ được sử dụng để chi trả cho người được BHXH và gia đình họ khi họ bị suy giảm hoặc mất sức lao động, mất việc làm hoặc chết.
Như vậy, có thể thấy quỹ BHXH là một quỹ an sinh xã hội, không vì mục đích lợi nhuận. Quỹ BHXH hình thành trên cơ sở đóng góp của NLĐ, NSDLĐ và phát triển hoàn thiện dưới sự bảo trợ của Nhà nước nhằm đáp ứng nhu cầu thiết thực của các bên trong quan hệ lao động cũng như mục tiêu ổn định an sinh xã hội của mỗi quốc gia. Cụ thể hơn, quỹ BHXH ra đời nhằm mục đích đảm bảo đời sống và quyền lợi của NLĐ khi họ gặp phải những biến cố, rủi ro, hoặc khi hết tuổi lao động mà họ không thể lao động được. Tương ứng với các hình thức BHXH đã phân tích ở trên, quỹ BHXH cũng có hai loại là quỹ BHXHBB và quỹ BHXH tự nguyện. Quỹ BHXHBB có thể hiểu là quỹ được tạo lập và chi trả cho các chế độ BHXH do Nhà nước tổ chức thực hiện và bắt buộc áp dụng đối với một số NLĐ và NSDLĐ theo quy định của pháp luật.
2. Đặc điểm quỹ Bảo hiểm xã hội bắt buộc:
Là một bộ phận của quỹ BHXH, quỹ BHXHBB có những đặc điểm của quỹ BHXH nói chung và đặc điểm của quỹ BHXHBB nói riêng. Các đặc điểm đó là:
Một là, quỹ BHXHBB là một quỹ an sinh xã hội, không vì mục đích lợi nhuận. Mục đích hoạt động của BHXH nói chung và BHXHBB nói riêng là thực hiện chính sách an sinh xã hội của Đảng, Nhà nước nhằm góp phần ổn định và đảm bảo an toàn xã hội. Các chính sách, chế độ BHXHBB tác động trực tiếp đến không chỉ bản thân NLĐ mà còn tác động cả đến những thành viên trong gia đình của họ. Tính phi lợi nhuận của quỹ BHXHBB thể hiện ở chỗ, so sánh với các loại bảo hiểm thương mại, quỹ BHXHBB không áp dụng các khoản chiết khấu thù lao cho đại lý bảo hiểm mà dành trọn vẹn khoản thu cho các hoạt động của quỹ. Mục tiêu của quỹ là đảm bảo bù đắp phần thu nhập cho NLĐ nhằm giúp họ và gia đình ổn định cuộc sống khi gặp các trường hợp rủi ro. Mặc dù mức hưởng và mức đóng vào quỹ BHXHBB của NLĐ có sự tương quan với nhau, nhưng với nguyên tắc số đông bù số ít, dựa trên sự san sẻ rủi ro giữa những người tham gia BHXHBB, NLĐ có thể được hưởng mức chi trả lớn hơn nhiều so với mức đóng góp vào quỹ. Điều này cũng thể hiện sự tương thân, tương ái hỗ trợ lẫn nhau giữa các thành viên trong xã hội và thể hiện tính cộng đồng cao của quỹ BHXHBB.
Hai là, quỹ BHXHBB là quỹ tài chính độc lập ngoài ngân sách nhà nước nhưng là một quỹ an toàn về tài chính và được Nhà nước đảm bảo. Quỹ BHXHBB được hình thành từ nguồn đóng góp của NLĐ và NSDLĐ và tách biệt khỏi ngân sách nhà nước, nhằm thực hiện các hoạt động chi trả BHXHBB và các hoạt động hợp pháp khác của quỹ. Nguồn hình thành này giúp cho quỹ có sự độc lập đối với ngân sách, giảm bớt gánh nặng cho ngân sách và cũng thể hiện trách nhiệm của các bên của quan hệ lao động trong việc xây dựng quỹ. Tuy nhiên, quỹ nhận được sự đảm bảo và hỗ trợ của Nhà nước nhằm đảm bảo sự an toàn về tài chính. Mục đích của cơ chế đảm bảo và hỗ trợ này là góp phần ổn định hoạt động của quỹ trong thời gian dài, đảm bảo tính bền vững của quỹ. Với sự đảm bảo này, quỹ BHXHBB sẽ duy trì vai trò của mình trong việc hỗ trợ NLĐ tham gia BHXHBB không chỉ trong một khoảng thời gian nhất định mà có thể kéo dài suốt cuộc đời. Nhờ đó, NLĐ tham gia BHXHBB vừa có thể trang trải những khó khăn ngắn hạn, vừa có thể được hỗ trợ trong một thời gian dài để ổn định cuộc sống.
Tính an toàn của quỹ còn được thể hiện ở mức độ bảo toàn về giá trị và hạn chế tối đa các rủi ro về tài chính, trong đó phải kể đến là việc giữ được giá trị (sức mua) của các khoản trợ cấp. Mức hưởng các chế độ BHXHBB được xác định trên cơ sở mức đóng và thời gian đóng nhưng cũng được điều chỉnh khi có sự thay đổi chính sách tiền lương, tiền công và sự biến động tăng của chỉ số giá sinh hoạt và tăng trưởng kinh tế của từng thời kỳ nhằm đảm bảo thu nhập, ổn định cuộc sống của NLĐ thụ hưởng chế độ BHXH. Do đó, các chế độ BHXHBB là một trong các chính sách an sinh xã hội quan trọng tại mỗi quốc gia. Quỹ BHXHBB thường có quy mô lớn và có ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của hầu hết NLĐ. Do những đặc thù về đối tượng thụ hưởng các chế độ bảo hiểm, bản chất và ý nghĩa của hoạt động BHXH mà Nhà nước phải có trách nhiệm đảm bảo an toàn về tài chính cho quỹ.
Ba là, quá trình tạo lập và sử dụng quỹ BHXHBB vừa mang tính chất bồi hoàn vừa mang tính chất không bồi hoàn. Tính bồi hoàn thể hiện ở chỗ, mục đích của việc thiết lập quỹ BHXH là để chi trả trợ cấp cho NLĐ khi họ không may gặp các rủi ro dẫn đến mất hay giảm thu nhập. Do đó, NLĐ là đối tượng đóng góp đồng thời cũng là đối tượng nhận trợ cấp. Tuy nhiên, thời gian, chế độ và mức trợ cấp của mỗi người sẽ khác nhau, điều đó phụ thuộc vào những rủi ro mà họ gặp phải cũng như mức độ đóng góp và thời gian tham gia BHXH. Tính không bồi hoàn thể hiện ở chỗ, mục đích của việc thiết lập quỹ BHXH là để chi trả trợ cấp cho NLĐ khi họ không may gặp các rủi ro dẫn đến mất hay giảm thu nhập đóng góp như nhau sẽ chắc chắn được hưởng một khoản trợ cấp. Nhưng trong thực tế, cùng tham gia BHXH nhưng có người được hưởng nhiều lần, có người được hưởng ít lần (với chế độ ốm đau), thậm trí không được hưởng (chế độ thai sản).
Bốn là, quỹ BHXHBB có tính tích lũy. Quỹ BHXH là “của để dành” của NLĐ phòng khi ốm đau, tuổi già... và đó là công sức đóng góp của cả quá trình lao động của NLĐ. Trong quỹ BHXH luôn tồn tại một lượng tiền tạm thời nhàn rỗi ở một | thời điểm hiện tại để chi trả trong tương lai, khi NLĐ có đủ các điều kiện cần thiết để được hưởng trợ cấp (chẳng hạn như về thời gian và mức độ đóng góp BHXH ). Số lượng tiền trong quỹ có thể được tăng lên bởi sự đóng góp đều đặn của các bên tham gia và bởi thực hiện các biện pháp tăng trưởng quỹ.
Năm là, quỹ BHXHBB được hình thành từ nghĩa vụ bắt buộc đóng góp của cả NLĐ và NSDLĐ. Đây là đặc trưng riêng có của quỹ BHXHBB so với các quỹ BHXH khác. NLĐ và NSDLĐ một khi xác lập quan hệ lao động thì bắt buộc phải tham gia đóng góp vào quỹ BHXHBB theo một tỷ lệ nhất định đối với từng chế độ BHXH theo luật định. Mức đóng của cả NLĐ và NSDLĐ được pháp luật quy định và các bên không có quyền thương lượng về nội dung này.
Như vậy, có thể thấy quỹ BHXHBB là hạt nhân, là nội dung vật chất của tài chính BHXH. Nó là khâu tài chính trung gian cùng với Ngân sách nhà nước và tài chính doanh nghiệp hình thành nên hệ thống tài chính quốc gia. Tuy nhiên mỗi khâu tài chính được tạo lập, sử dụng cho một mục đích riêng và gắn bó với một chủ thể nhất định, vì vậy chúng luôn độc lập với nhau trong quản lý và sử dụng. Thế nhưng tài chính BHXH, Ngân sách Nhà nước và tài chính doanh nghiệp lại có quan hệ chặt chẽ với nhau và đều chịu sự chi phối của pháp luật Nhà nước.
3. Vai trò của quỹ Bảo hiểm xã hội bắt buộc:
Thứ nhất, đối với NLĐ thì mục đích chủ yếu của quỹ BHXHBB là đảm bảo thu nhập cho bản thân và gia đình họ khi họ gặp những khó khăn trong cuộc sống bị làm giảm hoặc mất thu nhập. Vì thế, tham gia BHXHBB tạo điều kiện cho NLĐ nhận được sự hỗ trợ khi ốm đau, tai nạn. Đồng thời, BHXHBB cũng là cơ hội để mỗi người thực hiện trách nhiệm tương trợ cho những khó khăn của các thành viên khác tham gia quỹ. Ngoài ra, tham gia BHXHBB còn giúp NLĐ nâng cao hiệu quả trong chi dùng cá nhân, giúp họ tiết kiệm những khoản nhỏ, đều đặn để có nguồn dự phòng cần thiết khi giá cả, mất sức lao động...góp phần ổn định cuộc sống cho bản thân và gia đình.
Hơn nữa, đối với nhiều NLĐ, thu nhập từ hoạt động lao động là nguồn thu chính; cho nên việc mất đi nguồn thu này sẽ ảnh hưởng khá lớn đến bản thân họ và gia đình. Do đó, nếu NLĐ tham gia BHXHBB thì sẽ được hỗ trợ tài chính nhằm khắc phục điều rủi ro này. Vì vậy, BHXHBB tạo được tâm lý an tâm, tin tưởng cho NLĐ khi họ tham gia, góp phần nâng cao đời sống tinh thần, đem lại cuộc sống bình yên, hạnh phúc cho các cá nhân trong cộng đồng.
Thứ hai, quỹ BHXHBB giúp cho NSDLĐ, các doanh nghiệp ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh thông qua việc phân phối các chi phí cho NLĐ một cách hợp lý, góp phần làm cho lực lượng lao động trong mỗi đơn vị ổn định, sản xuất kinh doanh được hoạt động liên tục, hiệu quả, các bên của quan hệ lao động cũng gắn bó với nhau hơn. Quỹ BHXHBB tạo điều kiện để NSDLĐ thể hiện trách nhiệm với NLĐ, không chỉ khi trực tiếp sử dụng lao động mà trong suốt cuộc đời NLĐ cho đến khi hết tuổi lao động. Quỹ BHXHBB làm cho quan hệ lao động có tính nhân văn sâu sắc, nâng cao trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, quỹ còn giúp các đơn vị sử dụng lao động ổn định nguồn chi ngay cả khi có rủi ro gây tổn thất đến sức lao động thì doanh nghiệp cũng không phải chi trả khoản tiền lớn bù đắp cho NLĐ.
Thứ ba, đối với Nhà nước và xã hội thì quỹ BHXHBB giúp tăng cường mối quan hệ giữa Nhà nước, NSDLĐ và NLĐ; mối quan hệ ràng buộc, chặt chẽ, chia sẻ trách nhiệm, chia sẻ rủi ro chỉ có được trong quan hệ của BHXH. Mối quan hệ này thể hiện tính nhân sinh, nhân văn sâu sắc của BHXH. Bên cạnh đó, quỹ BHXHBB góp phần thực hiện bình đẳng xã hội. Trong phạm vi toàn xã hội, quỹ BHXHBB là một công cụ để nâng cao điều kiện sống cho NLĐ. Từ góc độ kinh tế, BHXH là một công cụ phân phối lại thu nhập giữa các thành viên trong cộng đồng. Nhờ sự điều tiết này NLĐ được hỗ trợ một cách bình đẳng và không có sự phân biệt các tầng lớp trong xã hội. Ngoài ra, quỹ BHXHBB do các bên đóng góp được tích tụ tập trung rất lớn, phần quỹ nhàn rỗi được đem đầu tư cho các hoạt động kinh tế, góp phần thúc đẩy tăng trưởng, đồng thời gia tăng nguồn quỹ đảm bảo hỗ trợ cho NLĐ, giúp giảm chi từ Ngân sách Nhà nước.
Hơn nữa, khi NLĐ bị mất thu nhập từ sức lao động sẽ tạo ra những gánh nặng xã hội và kinh tế, gây ảnh hưởng trực tiếp đến sự ổn định kinh tế xã hội của đất nước. Lúc này, nhờ có BHXH mà NLĐ được đảm bảo thu nhập, có điều kiện lo cho bản thân và gia đình, làm giảm phần nào ảnh hưởng đến sự phát triển, ổn định kinh tế của Nhà nước.