Tiêu biểu cho hệ thống Civil Law là pháp luật Pháp mà theo đó thuật ngữ “tài sản” (Les biens) cũng có những cách hiểu khác nhau.
Tiêu biểu cho hệ thống Civil Law là pháp luật Pháp mà theo đó thuật ngữ “tài sản” (Les biens) cũng có những cách hiểu khác nhau.
Hiểu theo nghĩa đơn thuần, “tài sản” là của cải hay nguồn của cải phục vụ nhu cầu của con người, có thể định giá bằng tiền. Nói cách khác, tài sản chính là “vật”. Tuy nhiên, pháp luật Pháp không chỉ xem xét tài sản dưới khía cạnh là một “vật” mà quan trọng hơn, tài sản còn là những “quyền” mà ở đây “vật” chính là đối tượng của các quyền đó. Quyển II BLDS Pháp quy định về “Tài sản và các thay đổi khác nhau về sở hữu” đã tiếp cận tới các khía cạnh quan trọng của luật tài sản, trong đó đặc biệt nhấn mạnh tới sự phân biệt giữa động sản và bất động sản cũng như các vấn đề về quyền sở hữu. Ngay tại điều 516 của BLDS Pháp đã quy định hết sức minh thị: “Tất cả tài sản là động sản hoặc bất động sản”. Như vậy, Pháp không đưa ra một định nghĩa cụ thể cho khái niệm tài sản mà tiếp cận thuật ngữ này thông qua khái niệm “động sản” và “bất động sản” sẽ được làm rõ ở các quy định ngay sau đó. Với cách quy định này, có thể hiểu, nội hàm của khái niệm “tài sản” trong pháp luật Pháp chỉ xoay quanh hai loại là “động sản” và “bất động sản”. Tuy nhiên không chỉ có các vật mà các quyền tài sản cũng chịu sự chi phối chung của cách phân loại này. Ví dụ như tại điều 526 đã quy định “các quyền dụng ích hay quyền địa dịch” và “quyền khởi kiện nhằm đòi lại một bất động sản cũng được coi là bất động sản, do gắn liền với đối tượng là bất động sản.” Điều 529 tiếp tục quy định về các động sản theo luật định bao gồm: các nghĩa vụ cũng như các tố quyền đối với một khoản tiền, hoặc cổ phần, phần vốn góp vào công ty… Như vậy, tuy không trực tiếp đề cập đến nhưng qua các quy định trong BLDS có thể thấy rõ ràng, khái niệm “tài sản” trong pháp luật Pháp đã bao hàm cả các “quyền tài sản”.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
Cũng thuộc hệ thống Civil Law, tuy nhiên BLDS Đức (BGB) đã tiếp cận luật tài sản thông qua thuật ngữ “vật” (Sachen) chứ không phải “tải sản”. Theo cấu trúc BGB thì quyển III của bộ luật này quy định về vật quyền với tiêu đề là “Luật về vật” (Sachenrecht). Và “vật” ở đây cũng được hiểu chỉ bao gồm “những gì hữu hình” (Điều 90 BGB), nói cách khác, các quy định này hàm ý rằng “vật” chỉ bao gồm các đối tượng vật lý hay những vật vô tri. Như vậy. so với khái niệm “tài sản” trong BLDS Pháp thì cách tiếp cận của người Đức đối với vấn đề này dường như đã có phần bó hẹp hơn. Bản thân khái niệm “vật” trong pháp luật Đức cũng còn nhiều tranh cãi. Một số học giả cho rằng chỉ có những đối tượng vật chất hữu hình và chiếm một khoảng không gian nhất định mới được xem là “vật”. Bên cạnh đó, cũng có những ý kiến khác cho rằng bất kỳ những thứ có thể nhận biết được và là đối tượng của các quyền thì đều có thể xem là “vật”, với cách hiểu này khái niệm “vật” sẽ mở rộng tới cả các đối tượng là năng lượng như: nhiệt điện, thủy điện , nhiệt, điện… Mặt khác, ngay trong chính quyển III “Luật về vật” của BGB, ta vẫn có thể tìm thấy các quy phạm liên quan đến quyền cầm cố, quyền dụng ích hay các quy phạm điều chỉnh về các khoản nợ. Như vậy, dường như đã có sự thiếu nhất quán trong khái niệm “vật” được quy định tại BGB khi khái niệm này đã được mở rộng hơn so với điều 90.