Quản lý tài chính đối với dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư. Nội dung quản lý tài chính.
Quản lý tài chính đối với dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư. Nội dung quản lý tài chính.
I. Cơ sở pháp lý:
II. Luật sư tư vấn:
Dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (gọi tắt là dự án PPP) là dự án đầu tư được thực hiện trên cơ sở hợp đồng giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án để thực hiện, quản lý, vận hành dự án kết cấu hạ tầng, cung cấp dịch vụ công.
Điều 1 Thông tư 55/2016/TT-BTC quy định một số nội dung về quản lý tài chính đối với dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư và chi phí lựa chọn nhà đầu tư quy định việc quản lý tài chính đối với dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư bao gồm các lĩnh vực sau:
1, Quản lý, sử dụng chi phí chuẩn bị đầu tư và chi phí thực hiện dự án của các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
Theo quy định tại Khoản 1, Nghị định số 15/2015/NĐ-CP chi phí chuẩn bị đầu tư và chi phí thực hiện dự án của các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh bao gồm:
"- Chi phí lập, thẩm định, phê duyệt đề xuất dự án, báo cáo nghiên cứu khả thi.
– Chi phí tổ chức lựa chọn nhà đầu tư.
– Chi phí hoạt động của đơn vị quản lý dự án thuộc cơ quan nhà nước có thẩm quyền, bao gồm chi phí giám sát thực hiện hợp đồng dự án, chất lượng công trình.
– Chi phí công bố dự án.
– Chi phí hoạt động của đơn vị đầu mối quản lý hoạt động PPP.
– Chi phí thuê tư vấn hỗ trợ thực hiện một số hoạt động thuộc trách nhiệm của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
– Chi phí tổ chức hội nghị, hội thảo, đàm phán hợp đồng dự án và các hợp đồng có liên quan.
– Chi phí khác."
Trong đó Thông tư 55/2016/TT-BTC quy định việc sử dụng chi phí như sau:
"+ Nguồn ngân sách Nhà nước cân đối trong kế hoạch chi thường xuyên hàng năm của các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh bố trí cho các nội dung: Chi phí công bố dự án; chi phí hoạt động của đơn vị đầu mối quản lý hoạt động PPP; chi phí thuê tư vấn hỗ trợ thực hiện một số hoạt động thuộc trách nhiệm của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; chi phí tổ chức hội nghị, hội thảo, đàm phán hợp đồng dự án và các hợp đồng có liên quan; chi phí khác.
+ Nguồn ngân sách Nhà nước cân đối trong kế hoạch chi đầu tư phát triển hàng năm của các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; nguồn thu từ việc bán hồ sơ mời thầu lựa chọn nhà đầu tư; nguồn vốn do nhà đầu tư được lựa chọn thực hiện dự án hoàn trả và các nguồn vốn hợp pháp khác bố trí cho các nội dung: Chi phí lập, thẩm định, phê duyệt đề xuất dự án, báo cáo nghiên cứu khả thi; chi phí tổ chức lựa chọn nhà đầu tư; chi phí hoạt động của đơn vị quản lý dự án thuộc cơ quan nhà nước có thẩm quyền
+ Riêng các công trình giao thông đầu tư theo hình thức PPP được phép bổ sung nguồn trích từ chi phí quản lý dự án của các Ban Quản lý dự án."
Căn cứ Điều 8 Thông tư 55/2016/TT-BTC, việc quản lý chi phí chuẩn bị đầu tư và chi phí thực hiện dự án nêu trên được thực hiện qua cơ chế:
"+ Hàng năm, định kỳ hoặc đột xuất, các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cơ quan tài chính các cấp tổ chức kiểm tra việc quản lý, sử dụng kinh phí.
+ Đơn vị sử dụng nguồn kinh phí chuẩn bị đầu tư và kinh phí thực hiện dự án có trách nhiệm báo cáo cơ quan tài chính thuộc Bộ, ngành, địa phương cùng cấp về tình hình sử dụng nguồn kinh phí định kỳ 06 tháng và cả năm."
2, Phương án tài chính của dự án PPP.
Điều 13 Thông tư 55/2016/TT-BTC quy định các nội dung cần có trong phương án tài chính gồm:
"- Tổng vốn đầu tư: Vốn đầu tư của Nhà nước (bao gồm vốn ngân sách nhà nước, vốn trái phiếu chính phủ, vốn trái phiếu chính quyền địa phương, vốn ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài).
– Cơ cấu nguồn vốn đầu tư gồm nguồn vốn chủ sở hữu; nguồn đầu tư của Nhà nước hỗ trợ xây dựng công trình; hỗ trợ xây dựng công trình phụ trợ, tổ chức bồi thường, giải phóng mặt bằng và tái định cư; nguồn vốn do nhà đầu tư huy động.
– Phương án huy động vốn: vốn của dự án được huy động từ các nguồn nêu trên
– Các đề xuất ưu đãi đảm bảo phương án tài chính của dự án (nếu có).
– Lợi nhuận vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư.
– Thời gian thực hiện, vận hành, thu hồi vốn và lợi nhuận của dự án
– Phương án thu hồi vốn đầu tư và lợi nhuận của nhà đầu tư.
+ Đối với trường hợp đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư: Lợi nhuận của nhà đầu tư được xác định theo kết quả lựa chọn nhà đầu tư.
+ Đối với trường hợp chỉ định nhà đầu tư: Lợi nhuận của nhà đầu tư được dự tính trên cơ sở Báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án theo nguyên tắc đảm bảo các chỉ tiêu hiệu quả của dự án và kết quả đàm phán giữa Cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư.
– Chỉ tiêu đánh giá tính khả thi của phương án tài chính: được tính toán căn cứ trên các dòng tiền sau thuế được chiết khấu theo tỷ suất chiết khấu bình quân gia quyền."
3, Thanh toán vốn đầu tư của Nhà nước tham gia thực hiện các dự án PPP.
Theo quy định tại điểm 1.3, Khoản 1 Điều 20 Thông tư 55/2016/TT-BTC thì kế hoạch vốn hàng năm bố trí cho phần vốn đầu tư của Nhà nước tham gia vào dự án chỉ thanh toán cho khối lượng hoàn thành được nghiệm thu theo quy định (hiện nay là đến 31/12 năm kế hoạch); thời hạn thanh toán khối lượng hoàn thành thực hiện theo quy định (hiện nay là đến hết 31/1 năm sau). Trường hợp vốn đầu tư của Nhà nước không thanh toán hết trong năm kế hoạch, cơ quan nhà nước có thẩm quyền báo cáo cấp có thẩm quyền cho phép kéo dài thời gian thực hiện và thanh toán vốn theo quy định.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật hành chính qua tổng đài: 1900.6568
4, Quyết toán dự án PPP hoàn thành.
Căn cứ quy định tại Điều 21 của Thông tư chủ đầu tư hoặc nhà đầu tư lập báo cáo quyết toán và gửi cơ quan có thẩm quyền thẩm tra quyết toán. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện trong trường hợp được Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh ủy quyền ký và thực hiện hợp đồng dự án là cơ quan có thẩm quyền phe duyệt quyết toán.
Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan tới việc thực hiện dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư có trách nhiệm thực hiện đúng chế độ quản lý tài chính đối với dự án đầu tư nêu trên để đảm bảo cho dự án được tiến hành hiệu quả, minh bạch.