Hiện nay chúng ta thấy vấn đề áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý thuế là xu thế tất yếu khách quan và phù hợp với yêu cầu cải cách, hiện đại hóa ngành Thuế. Vậy để hiểu rõ hơn về nội dung Quản lý rủi ro trong quản lý thuế là gì? Quản lý rủi ro trong quản lý thuế như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Quản lý rủi ro trong quản lý thuế là gì?
Căn cứ Khoản 15 Điều 3 Luật Quản lý thuế 2019 có hiệu lực ngày 01/7/2020 quy định:
Quản lý rủi ro trong quản lý thuế là việc áp dụng có hệ thống quy định của pháp luật, các quy trình nghiệp vụ để xác định, đánh giá và phân loại các rủi ro có thể tác động tiêu cực đến hiệu quả, hiệu lực quản lý thuế làm cơ sở để cơ quan quản lý thuế phân bổ nguồn lực hợp lý và áp dụng các biện pháp quản lý hiệu quả.
Có nhiều nghiên cứu trên thế giới và ở Việt Nam đưa ra cách hiểu khác nhau về quản lý rủi ro trong quản lý thuế.
Theo Ủy ban các cộng đồng châu Âu (gọi tắt là Ủy ban châu Âu, viết tắt là EC) quản lý rủi ro được định nghĩa là một quy trình quản lý mang tính hệ thống trong đó các cơ quan thuế lựa chọn một cách kỹ càng những công cụ xử lý hiệu quả nhằm tăng tính tuân thủ và hạn chế sự vi phạm pháp luật về thuế dựa trên năng lực có sẵn và những hiểu biết về hành vi của người nộp thuế.
Trong một nghiên cứu được đăng tải trên Tạp chí Tài chính, quản lý rủi ro được hiểu là: “Quản lý rủi ro là quá trình tiếp cận rủi ro một cách khoa học, toàn diện và có hệ thống nhằm nhận dạng, kiểm soát, phòng ngừa và giảm thiểu những tổn thất, mất mát, những ảnh hưởng bất lợi của rủi ro đối với các nội dung quản lý để đạt được mục tiêu đặt ra.”
Trong quy định của pháp luật Việt Nam thì quản lý rủi ro trong quản lý thuế được quy định tại Điều 9 Luật Quản lý thuế năm 2019. Từ những quan điểm nêu trên có thể rút ra quản lý rủi ro trong quản lý thuế là việc xác định, đánh giá, xếp hạng và xử lý những hành vi có nguy cơ không tuân thủ pháp luật đối với nghĩa vụ nộp thuế dẫn đến thất thu ngân sách Nhà nước để từ đó áp dụng các biện pháp quản lý hiệu quả.
Quản lý rủi ro trong quản lý thuế tiếng anh là ” Risk management in tax administration”.
2. Quản lý rủi ro trong quản lý thuế:
2.1. Các trường hợp áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý thuế:
Cơ quan thuế áp dụng quản lý rủi ro trong đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế, nợ thuế, cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế, hoàn thuế, kiểm tra thuế, thanh tra thuế, quản lý và sử dụng hóa đơn, chứng từ và các nghiệp vụ khác trong quản lý thuế. Cơ quan hải quan áp dụng quản lý rủi ro trong khai thuế, hoàn thuế, không thu thuế, kiểm tra thuế, thanh tra thuế và các nghiệp vụ khác trong quản lý thuế.
2.2. Hệ thống cơ chế quản lý rủi ro trong quản lý thuế:
Trước hết, áp dụng rủi ro trong quản lý thuế theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Thông tư số 31/2021/TT-BTC ngày 17/5/2021 được hiểu như sau:
“1. Áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý thuế là việc ứng dụng các quy trình nghiệp vụ, các nguyên tắc, biện pháp, kỹ thuật về quản lý rủi ro và kết quả đánh giá tuân thủ pháp luật thuế, mức độ rủi ro người nộp thuế để quyết định thực hiện các biện pháp nghiệp vụ trong quản lý thuế.”
Việc áp dụng cơ chế quản lý rủi ro trong quản lý thuế được quy định tại khoản 3, khoản 4 Điều 9 Luật Quản lý thuế năm 2019. Áp dụng cơ chế quản lý rủi ro trong quản lý thuế bao gồm:
– Nghiệp vụ thu thập, xử lý thông tin, dữ liệu liên quan đến người nộp thuế.
– Xây dựng tiêu chí quản lý thuế.
– Đánh giá việc tuân thủ pháp luật của người nộp thuế.
Việc đánh giá được thực hiện dựa trên hệ thống các tiêu chí, thông tin về lịch sử quá trình hoạt động của người nộp thuế, quá trình tuân thủ pháp luật và mối quan hệ hợp tác với cơ quan quản lý thuế trong việc thực hiện pháp luật về thuế và mức độ vi phạm pháp luật về thuế.
– Phân loại mức độ rủi ro trong quản lý thuế và tổ chức thực hiện các biện pháp quản lý thuế phù hợp.
Việc phân loại được thực hiện dựa trên mức độ tuân thủ pháp luật của người nộp thuế. Trong quá trình phân loại mức độ rủi ro, cơ quan quản lý thuế xem xét các nội dung có liên quan, gồm thông tin về dấu hiệu rủi ro; dấu hiệu, hành vi vi phạm trong quản lý thuế; thông tin về kết quả hoạt động nghiệp vụ của cơ quan quản lý thuế, cơ quan khác có liên quan.
Bên cạnh đó, không thể phủ nhận rằng công tác quản lý rủi ro trong hoạt động quản lý thuế vẫn tồn tại một số hạn chế nhất định. Có thể kể đến sự thiếu gắn kết giữa cơ chế quản lý rủi ro với các nghiệp vụ xử lý của cơ quan quản lý thuế. Hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin về người nộp thuế đã được cập nhật nhưng vẫn chưa thực sự đầy đủ và kịp thời, chưa có bộ phận chuyên trách về thu thập thông tin phục vụ cho hoạt động quản lý thuế nói chung. Mức độ tuân thủ pháp luật thuế đưa ra các tiêu chí nhưng chưa xác định mức cụ thể. Để khắc phục những điều này, mới đây ngày 17 tháng 5 năm 2021, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 31/2021/TT-BTC quy định về áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý thuế, theo đó ta có một số điểm đổi mới phù hợp như sau.
3. Kết quả tích cực từ việc áp dụng QLRR trong quản lý thuế:
Việc áp dụng QLRR trong quản lý thuế, phân tích thông tin NNT trong thời gian qua đã đem lại những kết quả tích cực, cụ thể:
Thứ nhất, việc áp dụng QLRR trong quản lý thuế góp phần nâng cao hiệu quả trong quá trình lập kế hoạch kiểm tra, thanh tra tại trụ sở NNT. Qua đó, giúp tiết kiệm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp.
Thứ hai, việc áp dụng các tiêu chí để QLRR vào kiểm tra, thanh tra tại trụ sở NNT đã tiết kiệm đáng kể chi phí, nguồn lực con người; xác định đúng đối tượng cần kiểm tra, thanh tra thuế, ngăn ngừa các biểu hiện tiêu cực trong việc lựa chọn đối tượng, đảm bảo tính khách quan, sử dụng hiệu quả các nguồn lực phục vụ công tác kiểm tra, thanh tra tại trụ sở NNT.
Thứ ba, đã lựa chọn tương đối chính xác đối tượng cần thực hiện thanh tra, kiểm tra. Qua tổng hợp báo cáo cho thấy, số doanh nghiệp có rủi ro về thuế cao sẽ được đưa vào kế hoạch thanh tra, kiểm tra thuế đều phát hiện có vi phạm pháp luật về thuế và số thuế truy thu bình quân cho một cuộc thanh tra, kiểm tra thuế có xu hướng tăng lên.
Thứ tư, cơ quan thuế áp dụng QLRR trong lựa chọn trường hợp lựa chọn thanh tra, kiểm tra để đánh giá đúng mức độ rủi ro cũng như mức độ tuân thủ của NNT, tạo sự tin tưởng, công bằng cho mọi đối tượng nộp thuế hướng đến sự tự giác cao trong việc tuân thủ pháp luật về thuế; khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để NNT tuân thủ tốt các quy định pháp luật; hạn chế các hành vi vi phạm pháp luật thuế.
Thứ năm, việc áp dụng quản lý hóa đơn từng bước đã giúp cơ quan thuế kịp thời rà soát, phát hiện các trường hợp vi phạm trong quản lý hoá đơn, chứng từ của người nộp thuế.
Thứ sáu, việc áp dụng QLRR trong quản lý thuế chỉ có thể được thực hiện trên cơ sở ứng dụng CNTT và hệ thống cơ sở dữ liệu, thông tin tập trung về NNT. Do đó, để đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh áp dụng QLRR trong quản lý thuế thì hệ thống ứng dụng CNTT phải đảm bảo việc lưu trữ, cập nhật thông tin về NNT dưới dạng điện tử, tự động. Đồng thời, phải đáp ứng yêu cầu đánh giá, phân loại NNT trên cơ sở dữ liệu được cập nhật, bổ sung thường xuyên và đưa ra kết quả đánh giá tuân thủ, phân loại rủi ro NNT tự động, hỗ trợ cho các chức năng quản lý thuế một cách hiệu quả. Nhìn chung, việc thực hiện các quy định về QLRR trong quản lý thuế thời gian qua đã góp phần thúc đẩy việc ứng dụng CNTT phục vụ phân tích, đánh giá, phân loại NNT trên cơ sở thông tin, dữ liệu về NNT được thu thập từ trong và ngoài ngành thuế, góp phần hiện đại hóa công tác quản lý thuế, nâng cao tính tuân thủ của NNT.