Khi nhắc đến vấn đề chia thừa kế, người ta thường nghĩ đến quyền lợi về các chủ thể có quan hệ gắn bó với người để lại di sản. Một trong số đó là quan hệ chăm sóc nuôi dưỡng. Vậy quan hệ chăm sóc nuôi dưỡng có được chia thừa kế không?
Mục lục bài viết
1. Quy định của pháp luật về vấn đề thừa kế:
Thừa kế là hoạt động pháp lý, nhằm xác lập quyền thừa hưởng của người sống đối với di sản thừa kế mà người chết để lại. Người thừa kế được hiểu là người được hưởng di sản thừa kế ma người chết để lại theo quy định của pháp luật.
Theo quy định của Bộ luật dân sự 2015, có hai hình thức thừa kế tài sản: Thừa kế theo di chúc và thừa kế theo pháp luật.
+ Thừa kế theo di chúc được hiểu là các cá nhân khi còn sống đã lập di chúc đối với phần tài sản của mình. Nội dung của di chúc sẽ thể hiện sự định đoạt của người lập đối với phần di sản thừa kế của họ: Ai được hưởng, hưởng bao nhiêu. Khi bản di chúc tuân thủ đúng theo quy định của pháp luật về tính hợp lệ, bản di chúc đó sẽ có hiệu lực về mặt pháp luật. Khi người để lại di chúc chết, các chủ thể còn sống sẽ có quyền mở khai nhận di sản thừa kế, và được hưởng phần tài sản tương đương với giá trị được quy định trong nội dung di chúc.
+ Thừa kế theo pháp luật được hiểu là hình thức thừa kế được áp dụng trong trường hợp người để lại di sản thừa kế chết mà không để lại di chúc (hoặc di chúc vô hiệu). Đối với thừa kế theo pháp luật, di sản thừa kế sẽ được chia theo hàng thừa kế. Tức những ai thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người chết thì sẽ được hưởng di sản thừa kế do người này để lại. Nếu người thuộc hàng thứ kế thứ nhất mất thì tài sản sẽ được chia cho các chủ thể thuộc hàng thừa kế thứ hai. Trong trường hợp hàng thừa kế thứ hai không còn ai thì tài sản sẽ được chia cho các đối tượng thuộc hàng thừa kế thứ ba. Về nguyên tắc, khi phân chia di sản thừa kế, các đối tượng trong cùng một hàng thừa kế sẽ được hưởng phần tài sản ngang nhau.
Như vậy, có thể thấy, về vấn đề thừa kế, Bộ luật dân sự 2015 đã quy định rõ, có hai hình thức phân chia di sản thừa kế: Thừa kế theo di chúc và thừa kế theo pháp luật. Ở từng hình thức phân chia di sản thừa kế, người dân sẽ phải tuân thủ theo nguyên tắc nhất định của pháp luật. Đây là cơ sở để xác định đối tượng nào thuộc diện được hưởng di sản thừa kế. Đồng thời, đây chính là căn cứ pháp lý, nhằm xác lập và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.
2. Thế nào là quan hệ chăm sóc nuôi dưỡng?
Quan hệ chăm sóc nuôi dưỡng được hiểu là quan hệ giữa người chăm sóc và người được chăm sóc. Theo đó, người chăm sóc nuôi dưỡng là người có quan hệ huyết thống, quan hệ pháp luật đối với người được chăm sóc nuôi dưỡng. Theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình 2014, cha, mẹ có nghĩa vụ và quyền ngang nhau, cùng nhau chăm sóc, nuôi dưỡng con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.
Luật hôn nhân và gia đình 2014 cũng quy định rõ, con có nghĩa vụ và quyền chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ, đặc biệt khi cha mẹ mất năng lực hành vi dân sự, ốm đau, già yếu, khuyết tật; trường hợp gia đình có nhiều con thì các con phải cùng nhau chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ.
Các thành viên khác trong gia đình sẽ có nghĩa vụ với nhau như sau: Ông bà có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, giáo dục cháu. Ngược lại, cháu có nghĩa vụ kính trọng, chăm sóc, phụng dưỡng ông bà nội, ông bà ngoại; trường hợp ông bà nội, ông bà ngoại không có con để nuôi dưỡng mình thì cháu đã thành niên có nghĩa vụ nuôi dưỡng.
Quan hệ chăm sóc nuôi dưỡng xuất phát từ cơ sở nền tảng là trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của các thành viên trong gia đình với nhau. Song, xét về toàn diện chung, quan hệ chăm sóc nuôi dưỡng được nhìn nhận một khách quan là giá trị tư tưởng, đạo đức của mỗi thành viên trong gia đình với nhau (là phạm trù định hướng hành động). Luật hôn nhân và gia đình 2014, Bộ luật dân sự 2015 không quy định việc chăm sóc, nuôi dưỡng giữa các thành viên trong gia đình với nhau, hoặc giữa cá nhân này với cá nhân khác sẽ giúp các chủ thể này đạt được quyền lợi gì. Do đó, có thể khẳng định, quan hệ chăm sóc nuôi dưỡng là quan hệ được xác lập giữa người chăm sóc và người được chăm sóc dựa trên nền tảng đạo đức, tinh thần, không có bất kỳ sự ràng buộc nào nên quan đến quyền lợi về tài chính hay sự trao đổi lợi ích theo quy định của pháp luật.
3. Quan hệ chăm sóc nuôi dưỡng có được chia thừa kế không?
Khi nhắc đến vấn đề chia thừa kế, người ta thường nghĩ đến quyền lợi về các chủ thể có quan hệ gắn bó với người để lại di sản. Một trong số đó là quan hệ chăm sóc nuôi dưỡng. Vậy quan hệ chăm sóc nuôi dưỡng có được chia thừa kế không?
Như đã phân tích ở trên, theo quy định của pháp luật hiện hành, có hai hình thức phân chia di sản thừa kế, đó là thừa kế theo di chúc và thừa kế theo pháp luật. Ta sẽ bám sát vào hai trường hợp này để xét xem quan hệ chăm sóc có được chia thừa kế không?
– Đối với trường hợp thừa kế theo pháp luật:
+ Trong trường hợp người để lại di sản thừa kế chết mà không để lại di chúc, hoặc di chúc không có hiệu lực thì sẽ tiến hành khai nhận di sản thừa kế theo pháp luật. Hiểu một cách đơn giản, thừa kế theo pháp luật là việc tiến hành khai nhận và phân chia di sản thừa kế theo quy định của pháp luật.
+ Theo quy định của Bộ luật dân sự 2015, đối tượng được phân chia di sản thừa kế theo pháp luật sẽ được xét theo hàng thừa kế: Hàng thừa kế thứ nhất, thứ hai và thứ ba. Thừa kế theo pháp luật tuân thủ theo nguyên tắc sau đây: Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau. Đồng thời, những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.
Như vậy, đối với trường hợp thừa kế theo pháp luật, đối tượng được hưởng di sản thừa kế sẽ xét theo hàng thừa kế. Nếu người thực hiện chăm sóc người để lại di sản thừa kế, hoặc được người để lại di sản thừa kế nuôi dưỡng nằm trong đối tượng được hưởng di sản thừa kế theo hàng thừa kế thì sẽ được chia thừa kế. Ngược lại, nếu người có quan hệ chăm sóc nuôi dưỡng với người để lại di sản thừa kế không nằm trong đối tượng được hưởng thừa kế theo quy định của pháp luật thì sẽ không được chia thừa kế.
Ví dụ: Chị Nguyễn Thị K (38 tuổi), là cháu họ của bà Trần Thị M (90 tuổi). Bà M có ba người con, song cả ba người đều sinh sống và làm việc xa nhà, không trực tiếp chăm sóc bà được. Chị K không có chồng con, nên sống cùng bà M. Trong suốt khoảng thời gian dài khi bà M bị đau ốm, bệnh tật, chị K là người trực tiếp lo lắng, chăm sóc cho bà. Đầu năm 2022, bà M mất. Do mất đột ngột nên bà không để lại di chúc. Vậy nên, tài sản mà bà M để lại sẽ chia cho các đối tượng thuộc hàng thừa kế thứ nhất (các con của bà M) theo quy định của pháp luật. Chị M với tư cách là người trực tiếp nuôi dưỡng bà M, song, lại không thuộc đối tượng trong hàng thừa kế thứ nhất, nên chị không được hưởng di sản thừa kế của bà M.
– Đối với trường hợp thừa kế theo di chúc:
Bản chất của thừa kế theo di chúc là việc phân chia di sản thừa kế theo mong muốn, ý chí của người để lại di sản thừa kế. Do đó, trong trường hợp này, cá nhân có thể để tài sản của mình cho bất kỳ ai mà mình muốn. Họ có thể để người chăm sóc nuôi dưỡng mình vào danh sách được hưởng tài sản trong di chúc.
Hay nói cách khác, trong trường hợp thừa kế theo di chúc, dựa vào mong muốn, ý chí của người để lại di sản thừa kế khi lập di chúc, người có quan hệ chăm sóc nuôi dưỡng được chia thừa kế theo nội dung của bản di chúc.
Từ những nội dung phân tích ở trên, có thể thấy, người có quan hệ chăm sóc nuôi dưỡng với người để lại di sản thừa kế sẽ được chia thừa kế khi người để lại di sản làm di chúc để lại tài sản cho chủ thể lại. Trong trường hợp không để lại di chúc, người chăm sóc chỉ được chia thừa kế khi thuộc đối tượng được hưởng di sản thừa kế (theo hàng thừa kế) theo quy định của pháp luật.
Văn bản pháp luật sử dụng trong bài viết:
Bộ luật dân sự 2015;
Luật hôn nhân và gia đình 2014.