Pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam quy định về xử lý vật chứng từ sau CMT8 năm 1945 đến Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003.
Xử lý vật chứng là hoạt động tố tụng diễn ra xuyên suốt quá trình giải quyết vụ án hình sự, được được điều chỉnh bằng các quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật là nguồn của Luật TTHS. Khoa học pháp lý TTHS Việt Nam đã chỉ ra, nguồn của của Luật TTHS bao gồm:
(1) Hiến pháp và các luật về tổ chức bộ máy cơ quan tư pháp: Hiến pháp là nguồn quan trọng của Luật TTHS, quy định những nguyên tắc mà dựa vào đó, nhà nước xây dựng, ban hành các quy phạm điều chỉnh những vấn đề cụ thể của TTHS. Trên cơ sở Hiến pháp, các luật về tổ chức bộ máy cơ quan tư pháp được ban hành. Các luật này cũng là nguồn của Luật TTHS, quy định những vấn đề liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, tổ chức, hoạt động của các cơ quan, người tiến hành tố tụng.
(2) BLTTHS: là nguồn cơ bản, chủ yếu của Luật TTHS. Trước khi có BLTTHS năm 1988, các quy phạm TTHS ở nước ta được quy định ở những văn bản pháp luật đơn hành như: Sắc lệnh của Chủ tịch Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ cộng hòa ngày 13/9/1945 quy định việc thành lập Tòa án quân sự, Luật 103 SL/1005 ngày 20/5/1957 về đảm bảo các quyền tự do, thân thể và quyền bất khả xâm phạm về nhà ở, đồ vật, thư tín của công dân … Các văn bản này điều chỉnh từng lĩnh vực riêng biệt của hoạt động TTHS làm cơ sở cho việc xây dựng BLTTHS sau này.
(3) Các văn bản quy phạm pháp luật dưới luật. Do yêu cầu phải cụ thể hóa quy định của BLTTHS ở một số lĩnh vực, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã ban hành những văn bản TTHS như: các thông tư, thông tư liên tịch hướng dẫn của Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao hoặc của một số cơ quan, bộ, ngành liên quan.
Những văn bản này là nguồn bổ sung của luật TTHS. Vì là một hoạt động xuyên suốt quá trình giải quyết vụ án hình sự, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền sở hữu tài sản của các chủ thể, do đó các quy định của pháp luật có chứa các nội dung liên quan đến xử lý vật chứng xuất hiện khá sớm. Bộ luật hình sự tố tụng áp dụng tại Bắc Kỳ thời kỳ Pháp thuộc, đã để cập vật chứng và cách thức xử lý vật chứng tại Điều 40 như sau:
Những tang vật do người đương sự trình nộp hoặc do viên chức khám nghiệm khinh tội, trọng tội áp thu, thì quan thẩm phán phải lưu giữ, để về sau phòng khi Tòa án kháng cáo có tùy đụng đến. Phàm những vật không thể để lâu và những súc vật không thể nuôi được đến ngày có định lệnh Tòa án thượng cấp, thì có thể do lệnh quan thẩm phán giao người khán thủ hoặc phát mại; nhưng phải tường kể trong biên bản rồi đính vào bút lục.
Có thể thấy, các quy định về vật chứng trong văn bản này mang tính liệt kê, không có sự khái quát chưa, các hình thức xử lý chưa bao quát hết các trường hợp xảy ra trong thực tiễn. Sau khi, Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công mở ra thời kỳ độc lập cho đất nước cũng là đánh dấu cho những bước phát triển mới trong TTHS nói chung và trong các quy định về xử lý vật chứng nói riêng. Quá trình phát triển của Pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam quy định về xử lý vật chứng từ sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 đến trước
Mục lục bài viết
1. Pháp luật TTHS về xử lý vật chứng từ sau CMT8 năm 1945 đến trước BLTTHS năm 1988:
Hiến pháp năm 1946, tại Điều thứ 12 quy định: “Quyền tự hữu tài sản của công dân Việt Nam được bảo đảm”. Hiến pháp năm 1959, tại Điều 16 quy định “chiếu theo pháp luật, bảo hộ quyền sở hữu về tư liệu sản xuất và của cải khác của nhà tư sản dân tộc”, Điều 18 quy định với nội dung “bảo hộ quyền sở hữu của công dân về của cải, thu nhập hợp pháp, của cải để dành, nhà ở và các thứ vật dụng riêng khác”. Hiến pháp năm 1980, tại Điều 25 quy định: “những cơ sở kinh tế của địa chủ phong kiến và tư sản mại bản đều bị quốc hữu hóa không bồi thường”, tại Điều 27 quy định “Nhà nước bảo hộ quyền sở hữu của công dân về thu nhập hợp pháp, của để dành, nhà ở, tư liệu sinh hoạt, những công cụ sản xuất …”.
Các quy định này đã đặt ra nguyên tắc nền tảng mà dựa vào đó xây dựng, ban hành các văn bản pháp luật liên quan đến xử lý vật chứng. Giai đoạn này, do nhiều yếu tố, nước ta chưa có một BLTTHS, chưa có quy định chặt chẽ, thống nhất về việc thu giữ, bảo quản, xử lý vật chứng và tài sản tạm giữ, là nguyên nhân dẫn đến có nhiều vi phạm pháp luật, gây trở ngại cho hoạt động tố tụng, xâm phạm trái phép tài sản của công dân và phát sinh tiêu cực trong một số cán bộ của cơ quan Công an, Viện kiểm sát và Tòa án. Để có sự thống nhất trong nhận thức và thực hiện việc thu giữ, bảo quản, xử lý vật chứng và tài sản tạm giữ trong các vụ án hình sự, đảm bảo cho việc điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án được đúng pháp luật, chính xác, đấu tranh phòng chống tội phạm có kết quả. Mặt khác cũng là việc cần thiết để bảo vệ tài sản của nhà nước, của tập thể, của công dân và liên quan trực tiếp đến việc giữ gìn phẩm chất của cán bộ. Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ đã ban hành Thông tư liên tịch số 03-TT/LB ngày 23/4/1984 quy định về chế độ thu giữ, bảo quản, xử lý vật chứng và tài sản tạm giữ trong các vụ án hình sự. Thông tư liên tịch này, đã quy định về vật chứng và xử lý vật chứng khá đầy đủ và cụ thể. “Vật chứng là những vật dùng vào việc phạm tội, vật mang dấu vết tội phạm, vật có liên quan đến hành vi phạm tội, cũng như tiền bạc hay tài sản khác có được bằng con đường phạm tội. Những vật đó dùng để phát hiện tội phạm, chứng minh những tình tiết thực tế của tội phạm”.
Trình tự, thủ tục thu giữ vật chứng được quy định rất cụ thể đối với từng loại vật chứng: Vật chứng phải được cơ quan điều tra thu giữ đầy đủ và kịp thời. Khi khám xét thu giữ vật chứng phải theo đúng thẩm quyền và thủ tục pháp luật quy định. Các vật chứng phát hiện được, thứ gì cần chụp ảnh thì phải chụp ảnh. Biên bản khám xét thu giữ vật chứng phải ghi rõ từng thứ vật chứng phát hiện được về vị trí, số lượng, trọng lượng, phẩm chất, kích thước, màu sắc và các đặc điểm khác. Vật chứng là tiền mặt thì phải ghi rõ số lượng các loại tiền, nếu là ngoại tệ thì phải ghi thêm là tiền nước nào và trong trường hợp cần thiết còn phải ghi cả số in trên đồng tiền. Vật chứng là kim khí quý, đá quý, thuốc phiện … thì phải niêm phong trước mặt bị can, bị cáo, hoặc thân nhân của họ. Niêm phong phải làm cẩn thận và dễ dàng phát hiện dấu vết nếu phẩm chất niêm phong đã bị mở. Trên niêm phong phải ghi rõ số lượng, phẩm chất và các đặc điểm khác của các vật có trong niêm phong, có chữ ký của cán bộ thu giữ, của bị can hoặc thân nhân của họ và của đại diện Uỷ ban nhân dân xã, phường, niêm phong thứ gì và niêm phong như thế nào phải ghi vào biên bản thu giữ vật chứng. Khi khám xét, nếu phát hiện những thứ Nhà nước cấm lưu hành, tàng trữ thì cũng thu giữ để xét. Thứ gì đem về cơ quan điều tra, phải ghi rõ trong biên bản. Những thứ không thể đem về cơ quan điều tra được do cồng kềnh hoặc không thể di chuyển thì phải mô tả cụ thể trong biên bản và chụp ảnh rồi giao cho Uỷ ban nhân dân xã, phường hoặc chủ nhà bảo quản vật chứng đó cho đến khi xét xử và bản án đã có hiệu lực pháp luật. Biên bản khám xét thu giữ vật chứng làm thành 3 bản để giao cho người bị khám xét, cơ quan khám xét và đưa vào hồ sơ vụ án.
Trường hợp có giao cho Uỷ ban nhân dân xã, phường bảo quản vật chứng, thì phải lập biên bản giao cho uỷ ban nhân dân xã, phường. Đối với những vật chứng cần phải có sự xem xét của Nhà chuyên môn để phân biệt thật giả như kim khí quý, đá quý, thuốc phiện, thuốc chữa bệnh, ngoại tệ … hoặc để xác định tính năng, tác dụng của vật chứng đó như hoá chất, vũ khí… thì phải trưng cầu giám định ngay. Chi phí cho giám định lấy kinh phí nghiệp vụ, không được trích vào vật chứng hoặc tài sản tạm giữ. Sau khi thu giữ, việc bảo quản, giao nhận và xử lý vật chứng cũng được quy định rõ trong Thông tư liên tịch này.
Tuy nhiên, các quy định đều ở dạng hướng dẫn, liệt kê mà chưa có sự khái quát, các hình thức xử lý của thông tư cũng chưa dự liệu hết các trường hợp xảy ra trong thực tiễn và lẫn lộn giữa các hình thức bảo quản, giao nhận vật chứng với các hình thức xử lý vật chứng nên gây khó khăn, vướng mắc cho các cơ quan tiến hành tố tụng khi giải quyết vụ án hình sự. Để đáp ứng đòi hỏi của việc đấu tranh, xử lý tội phạm và thực tiễn hoạt động TTHS, các lĩnh vực của hoạt động TTHS cần được tập trung quy định trong Bộ luật làm cơ sở cho việc giải quyết vụ án hình sự của các cơ quan, người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng.
2. Pháp luật TTHS về xử lý vật chứng trong BLTTHS năm 1988:
BLTTHS năm 1988 được ban hành đánh dấu sự phát triển của công tác lập pháp, là kết quả của quá trình kế thừa và phát triển các kinh nghiệm và tri thức trong quá trình xây dựng và phát triển pháp luật TTHS. Trong Bộ luật này, xử lý vật chứng được quy định trong Điều 58 thuộc Chương 4 – Chứng cứ, Phần thứ nhất – những quy định chung. Do đó, khi phân tích các quy định về xử lý vật chứng trong Bộ luật này, phải đánh giá trong mối quan hệ với các quy định có liên quan khác. Tại Điều 56 quy định về vật chứng như sau: “Vật chứng là vật được dùng làm công cụ, phương tiện phạm tội; vật mang dấu vết tội phạm, vật là đối tượng của tội phạm cũng như tiền bạc và vật khác có giá trị chứng minh tội phạm và người phạm tội”.
Ngoài việc liệt kê những vật, tiền bạc là vật chứng, khái niệm vật chứng theo quy định của BLTTHS năm 1988 đã chỉ ra đặc điểm cơ bản về giá trị chứng minh của vật chứng. Đó là, vật chứng phải là những thứ có giá trị chứng minh tội phạm và người phạm tội. Thẩm quyền xử lý vật chứng và các hình thức xử lý vật chứng tại Điều 58 BLTTHS năm 1988, theo đó:
– Thẩm quyền xử lý vật chứng:
Thủ trưởng, Phó thủ trưởng Cơ quan điều tra, Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp có thẩm quyền quyết định xử lý vật chứng nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn điều tra.
Chánh án, Phó chánh án Tòa án cùng cấp hoặc HĐXX xét xử quyết định xử lý vật chứng khi vụ án đến giai đoạn xét xử.
– Các hình thức xử lý vật chứng gồm: tịch thu, sung quỹ Nhà nước; trả lại cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp; tịch thu và tiêu hủy. Cụ thể như sau:
Vật chứng là công cụ, phương tiện phạm tội, vật cấm lưu hành thì bị tịch thu, sung quỹ Nhà nước.
Vật chứng là những vật, tiền bạc thuộc sở hữu xã hội chủ nghĩa hoặc thuộc sở hữu của người khác bị người phạm tội chiếm đoạt hoặc dùng làm công cụ phạm tội thì trả lại cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp; trong trường hợp không xác định được chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp thì sung quỹ Nhà nước.
Vật chứng là tiền bạc hoặc tài sản do phạm tội mà có thì bị tịch thu sung quỹ Nhà nước.
Vật chứng không có giá trị hoặc không sử dụng được thì bị tịch thu và tiêu hủy.
Trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử những người có thẩm quyền xử lý vật chứng có quyền quyết định trả lại những vật chứng là những vật, tiền bạc thuộc sở hữu xã hội chủ nghĩa hoặc thuộc sở hữu của người khác bị người phạm tội chiếm đoạt hoặc dùng làm công cụ phạm tội cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp, nếu xét thấy không ảnh hưởng đến việc xử lý vụ án. Trong trường hợp có tranh chấp về quyền sở hữu đối với vật chứng thì giải quyết theo tố tụng dân sự.
Hiến pháp năm 1992 được ban hành, tại Điều 23 một lần nữa khẳng định Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền sở hữu hợp pháp tài sản của các cá nhân, tổ chức, những tài sản hợp pháp của cá nhân, tổ chức không bị quốc hữu hóa; chỉ trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh và lợi ích quốc gia, theo thể thức do luật định Nhà nước trưng mua hoặc trưng dụng có bồi thường tài sản của cá nhân hoặc tổ chức theo giá thị trường. Thể hiện chính pháp luật nhất quán của Nhà nước ta trong các quy định liên quan đến tài sản nói chung và các quy định về xử lý vật chứng nói riêng.
Để đảm bảo thực hiện tốt công tác điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án, đồng thời bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự và những người có liên quan, bảo đảm việc bảo quản, khai thác và sử dụng một cách thích hợp có hiệu quả tài sản là vật chứng, tài sản bị kê biên trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng thất thoát, hư hỏng tài sản, cũng như các ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất, kinh doanh, gây lãng phí, thiệt hại đến tài sản của Nhà nước, của tổ chức, cá nhân; năm 1998, các cơ quan Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an và Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp thống nhất hướng dẫn một số vấn đề về bảo quản, xử lý tài sản là vật chứng, tài sản bị kê biên trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự bằng Thông tư liên tịch số 06/1998/ TTLT/TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTC-BTP ngày 24/10/1998.
Trước tiên, trong quá trình tiến hành tố tụng, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án phải kịp thời xem xét, phân loại tài sản là vật chứng và tài sản không phải là vật chứng để có biện pháp bảo quản và xử lý phù hợp.
Đối với tài sản không phải là vật chứng, thì cơ quan tiến hành tố tụng không được thu giữ, tạm giữ, nếu đã thu giữ, tạm giữ thì cơ quan đang thụ lý, giải quyết vụ án phải trả lại ngay cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp các tài sản đó. Trong trường hợp thật cần thiết để bảo đảm thi hành án đối với các hình phạt tiền, tịch thu tài sản, bồi thường thiệt hại, thì cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền huỷ bỏ quyết định thu giữ, tạm giữ và ra quyết định kê biên đối với tài sản đó.
Đối với tài sản là vật chứng thì tuỳ từng giai đoạn tố tụng, cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án đang thụ lý, giải quyết vụ án có trách nhiệm xem xét, phân loại để quyết định kịp thời những biện pháp bảo quản, xử lý thích hợp đối với từng loại vật chứng theo quy định của Điều 58 BLTTHS nhằm bảo đảm giá trị chứng minh của vật chứng đối với tội phạm và người phạm tội, đồng thời hạn chế đến mức thấp nhất những ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất, kinh doanh, tránh gây những lãng phí, thiệt hại không đáng có.
Thứ hai, đối với vật chứng là tài sản, kể cả các giấy tờ về quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản, việc thu thập, bảo quản cần được thực hiện theo nguyên tắc kịp thời và đầy đủ, đảm bảo vật chứng phải được mô tả đúng thực trạng về tên, mác, mã số, ký hiệu, số lượng, trọng lượng, chất lượng, màu sắc, hình dáng và biên bản thu giữ, tạm giữ và đưa vào hồ sơ vụ án. Trong trường hợp vật chứng không thể đưa vào hồ sơ vụ án, thì phải được chụp ảnh để đưa vào hồ sơ vụ án. Phải có sổ sách ghi chép rõ ràng theo mẫu quy định về các tài sản này. Vật chứng bảo quản trong kho phải được sắp xếp gọn gàng, phải có thẻ kho ghi rõ tên của chủ sở hữu tài sản, tên của vụ án và khi xuất, nhập phải có lệnh của người có thẩm quyền.
Thứ ba, đối với một số vật chứng đặc biệt việc bảo quản, xử lý như sau:
– Đối với vật chứng là kho tàng, nhà xưởng, khách sạn, nhà, đất, cũng như các phương tiện sản xuất, kinh doanh khác, thì tuỳ từng giai đoạn tố tụng, cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án đang thụ lý, giải quyết vụ án có thể giao tài sản đó cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp tiếp tục khai thác, sử dụng, nếu xét thấy những tài sản đó có khả năng sinh lời; nếu họ không có điều kiện khai thác, sử dụng, nhưng họ tìm được đối tác để khai thác, sử dụng, thì cơ quan đang thụ lý, giải quyết vụ án có thể giao cho đối tác đó khai thác sử dụng tài sản sau khi đã có thoả thuận bằng văn bản giữa chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp với đối tác nhận khai thác, sử dụng tài sản; nếu họ không tìm được đối tác hoặc trong trường hợp không xác định được chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp, thì cơ quan đang thụ lý, giải quyết vụ án có thể giao tài sản đó cho tổ chức, cá nhân có điều kiện khai thác, sử dụng trên cơ sở thoả thuận bằng văn bản giữa cơ quan đang thụ lý, giải quyết vụ án và tổ chức, cá nhân nhận khai thác, sử dụng tài sản.
– Đối với vật chứng là kho tàng, nhà xưởng, khách sạn, nhà, đất, cũng như các phương tiện sản xuất, kinh doanh khác mà trước đó bị can, bị cáo đã thế chấp, cầm cố để bảo đảm nghĩa vụ thanh toán, thì cơ quan đang thụ lý, giải quyết vụ án xử lý như sau: Vật chứng là tài sản được cầm cố, thế chấp hợp pháp cho một hoặc nhiều bên mà hợp đồng cầm cố, thế chấp tài sản vẫn còn thời hạn, thì tùy trường hợp cụ thể, cơ quan đang thụ lý, giải quyết vụ án có thể giao cho một hoặc nhiều bên đang giữ tài sản cầm cố, thế chấp tiếp tục khai thác, sử dụng tài sản đó.
Trong trường hợp bên đang giữ tài sản cầm cố, thế chấp là người có tài sản cầm cố, thế chấp hoặc người nhận cầm cố, thế chấp không có điều kiện khai thác, sử dụng, thì họ được tìm đối tác để khai thác, sử dụng. Cơ quan đang thụ lý, giải quyết vụ án có thể giao cho đối tác đó khai thác, sử dụng tài sản sau khi có thoả thuận bằng văn bản giữa người có tài sản cầm cố, thế chấp hoặc người nhận cầm cố, thế chấp và đối tác nhận khai thác, sử dụng tài sản. Nếu người đang giữ tài sản cầm cố, thế chấp là người thứ ba và họ không có điều kiện khai thác, sử dụng, thì tùy từng trường hợp cụ thể theo thoả thuận trong hợp đồng cầm cố, thế chấp tài sản, người đó phải trả lại tài sản cho bên có tài sản cầm cố, thế chấp hoặc bên nhận cầm cố, thế chấp để những người này tìm đối tác khai thác, sử dụng.
Trong trường hợp họ không tìm được đối tác thì cơ quan đang thụ lý, giải quyết vụ án có thể giao tài sản cho tổ chức hoặc cá nhân có điều kiện khai thác, sử dụng trên cơ sở thỏa thuận bằng văn bản giữa cơ quan đang thụ lý, giải quyết vụ án và tổ chức, cá nhân nhận khai thác, sử dụng tài sản.
Trong trường hợp hợp đồng thế chấp, cầm cố hợp pháp đã hết thời hạn mà bên thế chấp, cầm cố tài sản không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ của mình, thì tùy từng trường hợp cụ thể, tài sản thế chấp, cầm cố được giao cho bên nhận thế chấp, nhận cầm cố khai thác, sử dụng hoặc xử lý để thu hồi vốn và lãi sau khi đã lập đầy đủ hồ sơ bảo đảm giá trị chứng minh của tài sản là vật chứng. Phương thức xử lý do các bên trong hợp đồng thế chấp, cầm cố thoả thuận; nếu không thoả thuận được, thì bên nhận thế chấp, cầm cố có quyền yêu cầu bán đấu giá tài sản thế chấp, cầm cố để thanh toán nợ theo quy định.
Hoa lợi, lợi tức thu được từ việc khai thác, sử dụng tài sản thế chấp, cầm cố và số tiền thu được từ việc xử lý tài sản thế chấp, cầm cố được dùng để thanh toán nợ cho bên nhận thế chấp, nhận cầm cố, sau khi đã trừ các chi phí thực tế hợp lý cho việc bảo quản, khai thác, sử dụng tài sản thế chấp, cầm cố và thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước. Người khai thác, sử dụng phải lập sổ hạch toán, theo dõi riêng để phục vụ cho việc thi hành bản án, quyết định của Toà án sau này. Nếu Toà án quyết định bên nhận thế chấp, nhận cầm cố không được quyền thanh toán như trên, thì hoa lợi, lợi tức hoặc số tiền thu được từ việc xử lý tài sản phải trả lại cho người có quyền nhận hoa lợi, lợi tức hoặc số tiền đó, sau khi trừ các chi phí hợp lý cho việc bảo quản, khai thác, sử dụng và chi phí việc xử lý tài sản và thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước.
Trong trường hợp hợp đồng thế chấp, cầm cố không hợp pháp, thì trong thời gian chưa có tuyên bố hợp đồng đó bị vô hiệu của Toà án, cơ quan đang thụ lý, giải quyết vụ án tạm giao tài sản thế chấp, cầm cố cho bên đang giữ tài sản thế chấp tiếp tục khai thác, sử dụng. Trong trường hợp người đang giữ tài sản là bên có tài sản cầm cố, thế chấp hoặc bên nhận cầm cố, nhận thế chấp không có điều kiện khai thác, sử dụng, nhưng họ tìm được đối tác để khai thác, sử dụng, thì cơ quan đang thụ lý, giải quyết vụ án có thể giao cho đối tác đó khai thác, sử dụng tài sản sau khi có thoả thuận bằng văn bản giữa người có tài sản cầm cố, thế chấp hoặc người nhận cầm cố, nhận thế chấp và đối tác nhận khai thác, sử dụng tài sản.
Nếu người đang giữ tài sản cầm cố, thế chấp là người thứ ba và họ không có điều kiện khai thác, sử dụng, thì tùy từng trường hợp cụ thể theo thoả thuận trong hợp đồng cầm cố, thế chấp tài sản, người đó phải trả lại tài sản cho bên có tài sản cầm cố, thế chấp hoặc bên nhận cầm cố, thế chấp để những người này tìm đối tác khai thác, sử dụng. Trong trường hợp họ không tìm được đối tác khai thác, sử dụng, thì cơ quan đang thụ lý, giải quyết vụ án có thể giao tài sản cho tổ chức, cá nhân có điều kiện khai thác, sử dụng trên cơ sở thỏa thuận bằng văn bản giữa cơ quan đang thụ lý, giải quyết vụ án và tổ chức, cá nhân nhận khai thác, sử dụng tài sản.
Người khai thác, sử dụng tài sản có trách nhiệm bảo quản, khai thác, sử dụng và không được làm mất mát, hư hỏng, không được phát mại, chuyển quyền sở hữu cho đến khi có bản án, quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật. Hoa lợi, lợi tức thu được tạm thời giao cho người đang giữ tài sản hoặc người khai thác, sử dụng quản lý cho đến khi có bản án, quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật, sau khi đã trừ các chi phí thực tế hợp lý cho việc bảo quản, khai thác, sử dụng tài sản thế chấp, cầm cố và thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước.
Trong trường hợp tài sản là vật chứng được dùng để cầm cố, thế chấp cho nhiều bên, trong đó có bên hợp pháp và có bên không hợp pháp, thì tùy từng trường hợp cụ thể, cơ quan đang thụ lý, giải quyết vụ án chỉ cho phép bên có tài sản cầm cố, thế chấp, bên nhận cầm cố, thế chấp hợp pháp hoặc người thứ ba đang giữ tài sản của họ nhận khai thác, sử dụng theo quy định. Trong trường hợp này, tài sản được giao để bảo quản, sử dụng, khai thác không được xử lý để thu hồi vốn trước khi kết thúc vụ án.
Hoa lợi, lợi tức thu được được tạm thời dùng để thanh toán nợ cho bên nhận thế chấp, nhận cầm cố hợp pháp cho đến khi có quyết định, bản án có hiệu lực pháp luật của Tòa án, sau khi đã trừ các chi phí thực tế hợp lý cho việc bảo quản, khai thác, sử dụng tài sản thế chấp, cầm cố và thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước. Việc giao tài sản là vật chứng cho tổ chức, cá nhân bảo quản, khai thác, sử dụng được thực hiện theo quy định.
– Đối với vật chứng là tài sản thuộc loại mau hỏng (như rau, quả, thực phẩm tươi sống, hóa chất …), thì cơ quan thu giữ tiến hành lập biên bản ghi rõ tình trạng vật chứng đó, tổ chức bán đấu giá theo quy định của pháp luật và gửi tiền vào tài khoản tạm giữ mở tại Kho bạc Nhà nước, đồng thời thông báo cho Viện kiểm sát, Tòa án, cơ quan tài chính cùng cấp và chủ sở hữu tài sản (nếu biết).
– Đối với vật chứng là tài sản thuộc loại có quy định thời hạn sử dụng ngắn, tài sản đã gần hết hạn sử dụng hoặc việc bảo quản gặp khó khăn, thì tùy từng trường hợp cụ thể và căn cứ vào hiện trạng vật chứng, sau khi trao đổi thống nhất ý kiến với Tòa án, Viện kiểm sát, Cơ quan tài chính cấp, cơ quan đang bảo quản tài sản lập Hội đồng tổ chức bán đấu giá vật chứng đó và gửi số tiền thu được vào tài khoản tạm giữ mở tại Kho bạc Nhà nước, đồng thời thông báo cho chủ sở hữu tài sản (nếu biết).
– Đối với vật chứng là tiền, vàng, bạc, kim khí quý, đá quý, đồ cổ, vũ khí, chất nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ, văn hoá phẩm … thì cơ quan tiến hành tố tụng phải chuyển giao cho cơ quan chức năng để bảo quản. Trong đó, vàng, bạc, kim khí quý, đá quý và các tài sản có giá trị khác được giao cho Kho bạc Nhà nước.
Trong Thông tư còn dẫn chiếu đến các quy định có liên quan của
3. Pháp luật TTHS về xử lý vật chứng trong BLTTHS năm 2003:
Kế thừa quy định của BLTTHS năm 1988, BLTTHS năm 2003 giữ nguyên quy định về vật chứng. “Vật chứng là vật được dùng làm công cụ, phương tiện phạm tội; vật mang dấu vết tội phạm, vật là đối tượng của tội phạm cũng như tiền bạc và vật khác có giá trị chứng minh tội phạm và người phạm tội”. Thẩm quyền xử lý vật chứng và các hình thức xử lý vật chứng được quy định rõ ràng hơn so với quy định của BLTTHS năm 1988, cụ thể như sau:
– Về thẩm quyền xử lý vật chứng:
Cơ quan điều tra quyết định việc xử lý vật chứng nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn điều tra.
Viện kiểm sát quyết định việc xử lý vật chứng nếu vụ án được đình chỉ giai đoạn truy tố.
Tòa án hoặc Hội đồng xét xử quyết định xử lý vật chứng ở giai đoạn xét xử.
– Các hình thức xử lý vật chứng gồm: tịch thu, sung quỹ nhà nước; tịch thu, tiêu hủy; trả lại cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp; bán theo quy định của pháp luật. Cụ thể như sau:
Vật chứng là công cụ, phương tiện phạm tội, vật cấm lưu hành thì bị tịch thu, sung quỹ Nhà nước hoặc tiêu hủy.
Vật chứng là những vật, tiền bạc thuộc sở hữu của Nhà nước, tổ chức, cá nhân bị người phạm tội chiếm đoạt hoặc dùng làm công cụ, phương tiện phạm tội thì trả lại cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp; trong trường hợp không xác định được chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp thì sung quỹ Nhà nước.
Vật chứng là tiền bạc hoặc tài sản do phạm tội mà có thì bị tịch thu sung quỹ Nhà nước.
Vật chứng là hàng hóa mau hỏng hoặc khó bảo quản thì có thể được bán theo quy định của pháp luật.
Vật chứng không có giá trị hoặc không sử dụng được thì bị tịch thu và tiêu hủy.
Trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, cơ quan có thẩm quyền xử lý vật chứng có quyền quyết định trả lại những vật chứng là những vật, tiền bạc thuộc sở hữu của Nhà nước, tổ chức, cá nhân bị người phạm tội chiếm đoạt hoặc dùng làm công cụ, phương tiện phạm tội cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp, nếu xét thấy không ảnh hưởng đến việc xử lý vụ án.
So sánh với quy định về xử lý vật chứng trong BLTTHS năm 1988, có thể thấy BLTTHS năm 2003, chủ yếu kế thừa các quy định của giai đoạn trước, chỉ có một số thay đổi như sau: Thẩm quyền xử lý vật chứng được phân tách ra theo 03 giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử, BLTTHS năm 1988 chỉ quy định 02 giai đoạn điều tra và xét xử mà không có giai đoạn truy tố, quy định thẩm quyền xử lý vật chứng là của “Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án” thay cho “Thủ trưởng, Phó thủ trưởng cơ quan điều tra, Viện trưởng, Phó viện trưởng Viện kiểm sát, Chánh án, Phó chánh án” trong BLTTHS năm 1988 đã đảm bảo tính chặt chẽ hơn. Bổ sung hình thức xử lý vật chứng mới là bán theo quy định của pháp luật đối với vật chứng là hàng hóa mau hỏng hoặc khó bảo quản. Thay cụm từ “thuộc sở hữu xã hội chủ nghĩa hoặc thuộc sở hữu của người khác” thành “thuộc sở hữu của Nhà nước, tổ chức, cá nhân” cho phù hợp với các quy định của pháp luật dân sự.
Trong giai đoạn này, mặc dù BLTTHS năm 1988 đã hết hiệu lực nhưng chưa ban hành Thông tư liên tịch nào mới thay thế cho Thông tư liên tịch số 06/1998/TTLT/TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTC-BTP ngày 24/10/1998, đồng thời những hướng dẫn của Thông tư vẫn có điểm còn phù hợp với tinh thần của BLTTHS năm 2003 nên các quy định trong Thông tư liên tịch số 06 vẫn được các cơ quan áp dụng để thực hiện xử lý vật chứng trong giai đoạn này.
Đối với những văn bản được dẫn chiếu trong Thông tư, có những văn bản đã được thay thế bằng những văn bản khác, cụ thể như sau: Bộ luật dân sự năm 1995 được thay thế bằng
Thông tư số 63/TCKBNN ngày 09/11/1991 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc giao nhận và bảo quản vàng bạc, kim khí quý, đá quý và các tài sản quý tịch thu, tạm giữ trong hệ thống kho bạc Nhà nước được thay thế bằng Thông tư số 122/2012/TT-BTC ngày 27/7/2012 của Bộ Tài chính quy định việc quản lý đối với các loại tài sản quý hiếm và giấy tờ có giá do Kho bạc Nhà nước nhận gửi và bảo quản.