Phúc cung là một khái niệm chúng ta ít khi nghe tới trong thực tiễn đời sông, tuy nhiên trong hoạt động tố tụng hình sự hoạt động phúc cung là điều cần thiết khi người tiến hành tố tụng nghi ngờ và cần kiểm tra lại tính chính xác trong lời khai của bị can, bị cao trong các vụ án hình sự.
Mục lục bài viết
- 1 1. Phúc cung là gì?
- 2 2. Thẩm quyền phúc cung:
- 3 3. Quy định về thủ tục phúc cung của Viện kiểm sát:
- 4 4. Vai trò, trách nhiệm của Viện kiểm sát trong hoạt động phúc cung:
- 5 5. Lý do cần thực hiện hoạt động phúc cung bị can trong giai đoạn truy tố:
- 6 6. Một số vấn đề cần chú ý để nâng cao chất lượng hoạt động phúc cung bị can:
1. Phúc cung là gì?
Phúc cung là Việc làm của người tiến hành tố tụng để kiểm tra lại tính đúng đắn của những lời khai của bị can, bị cáo trong các vụ án hình sự trước Cơ quan điều tra khi có sự nghi ngờ tính khách quan, chính xác của những lời khai đó.
2. Thẩm quyền phúc cung:
Việc phúc cung có thể do:
– Điều tra viên làm trước khi hoàn thành hồ sơ chuyển qua Viện kiểm sát đề nghị truy tố,
– Kiểm sát viên thực hiện trước khi ra quyết định truy tố bị can
– Hội đồng xét xử, Kiểm sát viên,
3. Quy định về thủ tục phúc cung của Viện kiểm sát:
THẨM QUYỀN | Cơ quan Viện kiểm sát nhân dân các cấp | |
TRÌNH TỰ THỰC HIỆN | ||
Bước 1: | Nhận hồ sơ từ cơ quan điều tra chuyển sang, nghiên cứu, xem xét có hay không có việc phạm tội | |
Bước 2: | Quyết định phúc cung lại lời khai của bị can, bị cáo trước khi ban hành cáo trạng, truy tố bị can ra trước tòa án theo luật định | |
Bước 3: | Trực tiếp tiến hành lấy lời khai của bị can bị cáo trong trại tạm giam, tạm giữ nếu thấy xuất hiện những tình tiết không khách quan trong kết luận điều tra | |
Bước 4: | Tổ chức thực nghiệm lại hiện trường nếu thấy cần thiết | |
Bước 5: | Tiến hành làm Cáo trạng nếu thấy nội dung lời cung, bằng chứng pháp lý, phù hợp với quan điểm của cơ quan điều tra | |
CÁCH THỰC HIỆN | Tiến hành trực tiếp tại cơ quan giam giữ, hoặc mời đến cơ quan viện Kiểm sát để láy lời cung, thu thập thêm chứng cứ, Nếu thấy có tình tiết chứng cứ mới, thì trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ xung, nếu thấy phù hợp thì ra cáo trạng, truy tố | |
YÊU CẦU THỰC HIỆN | Kiểm sát viên trình Viện trưởng ký cáo trạng, sau đó tống đạt toàn bộ nội dung Cáo trạng cho Tòa án hoặc cá nhân, cơ quan liên quan | |
HỒ SƠ | ||
Số lượng: | 01 bộ hồ sơ | |
Thành phần: | 1. Bản phúc cung vụ án | |
2. Tài liệu hồ sơ, chứng cứ, vật chứng vụ án | ||
3. Bản cáo trạng vụ án Các giấy tờ khác về | ||
ĐỐI TƯỢNG THỰC HIỆN | Viện kiểm sát nhân dân | |
KẾT QUẢ THỰC HIỆN | Hoàn thành Cáo trạng truy tố | |
CĂN CỨ PHÁP LÝ | – Luật Tố tụng hình sự năm 2015 | |
– Luật hình sự năm 2015 và các văn bản hướng dẫn |
4. Vai trò, trách nhiệm của Viện kiểm sát trong hoạt động phúc cung:
Trong giai đoạn truy tố, phúc cung bị can là một trong những nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát do Kiểm sát viên được phân công thực hiện ngay sau khi Cơ quan điều tra ra Bản kết luận điều tra đề nghị truy tố và chuyển hồ sơ vụ án sang Viện kiểm sát.
Phúc cung là một hoạt động nghiệp vụ chưa được quy định cụ thể trong điều luật.
Hoạt động này được xác định và được thực hiện bởi Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát trong lĩnh vực hình sự để điều tra, giải quyết vụ án và được hình thành kể từ khi cán bộ điều tra trong giai đoạn điều tra, Kiểm sát viên trong giai đoạn truy tố khi thấy có căn cứ để nghi ngờ tính khách quan, chính xác của các tài liệu, chứng cứ của vụ án.
Hoạt động phúc cung mang ý nghĩa là “hỏi cung lại bị can nhằm kiểm tra, xác định lại những điều chưa chắc chắn, những điều còn nghi vấn, chưa được sáng tỏ trong các lần hỏi cung trước” và hoạt động phúc cung do “cán bộ điều tra làm trước khi hoàn thành hồ sơ chuyển sang Viện kiểm sát hoặc do Kiểm sát viên làm trước khi ra quyết định truy tố bị can trước Tòa án để xét xử”
Phúc cung bị can trong giai đoạn truy tố
Căn cứ pháp lý để Kiểm sát viên thực hiện hoạt động phúc cung bị can trong giai đoạn truy tố được quy định tại Điều 16, 17
Phúc cung bị can trước khi xây dựng bản cáo trạng là nhiệm vụ của Kiểm sát viên, có ý nghĩa quan trọng đảm bảo tính khách quan khi buộc tội. Viện kiểm sát trực tiếp tiến hành một số hoạt động điều tra, thực hiện hoạt động phúc cung bị can trong giai đoạn truy tố là rất cần thiết, góp phần đảm bảo việc truy tố đúng người, đúng tội, không làm oan người vô tội, không bỏ lọt tội phạm.
Phúc cung bị can trong giai đoạn truy tố nhằm giải quyết những nghi ngờ, mâu thuẫn và vướng mắc hoặc cần củng cố, bổ sung thêm tài liệu, chứng cứ trong quá trình điều tra, giải quyết vụ án nói chung và lời khai của bị can nói riêng.
Khi có căn cứ, cơ sở để nghi ngờ hoặc cần củng cố, bổ sung tài liệu, chứng cứ nhưng không thực hiện hoạt động phúc cung bị can trước khi truy tố là thiếu trách nhiệm khi thực hành quyền công tố trong giai đoạn truy tố của Kiểm sát viên.
5. Lý do cần thực hiện hoạt động phúc cung bị can trong giai đoạn truy tố:
– Điều kiện tiên quyết để có hoạt động phúc cung bị can trong giai đoạn truy tố là trong hồ sơ vụ án, Kiểm sát viên phải phát hiện có sự mâu thuẫn, xung đột giữa các tài liệu, chứng cứ hoặc cần củng cố, bổ sung các tài liệu, chứng cứ mà Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra thu thập nói chung và lời khai trước đó của bị can nói riêng, dẫn đến nghi ngờ tính chính xác, khách quan của các tài liệu, chứng cứ đó.
– Trong các vụ án hình sự, nhất là vụ án có luật sư tham gia bào chữa, vụ án được dư luận xã hội quan tâm, vụ án mà người phạm tội là đối tượng côn đồ, ranh mãnh, nguy hiểm, người có chức vụ, quyền hạn, địa vị xã hội,… thường xảy ra sự bất nhất trong lời khai, lời cung để quanh co, chối tội hoặc đùn đẩy trách nhiệm. Khi nghiên cứu hồ sơ, Kiểm sát viên cần phân tích, đánh giá đầy đủ các thuộc tính của chứng cứ kết hợp so sánh, đối chiếu với các tài liệu, chứng cứ khác để buộc tội; hoạt động phúc cung bị can trong giai đoạn truy tố cần được thực hiện có kế hoạch, phương pháp cụ thể với từng loại vụ án, từng loại bị can; phúc cung bị can tốt trong giai đoạn truy tố làm tiền đề xây dựng cáo trạng có chất lượng, hạn chế hoặc có thể dự đoán trước được việc bị can có thể phản cung tại phiên tòa khi tham gia xét xử vụ án.
– Kiểm sát viên phải nhìn nhận hoạt động phúc cung bị can trong giai đoạn truy tố là hoạt động cần thiết để phổ quát lại nội dung, tình tiết vụ án, xác minh, kiểm chứng lại chứng cứ đã thu thập được. Trong một số trường hợp, hoạt động phúc cung bị can tốt trong giai đoạn truy tố giúp phát hiện được nhiều tình tiết mới, lời khai mới, có thể là bị can mới, tội mới,… mà trước đó chưa hoặc không thể khai với Cơ quan điều tra vì một lý do khách quan hay chủ quan nào đó của bị can.
– Hoạt động phúc cung bị can trong giai đoạn truy tố hỗ trợ Kiểm sát viên phát hiện Cơ quan điều tra có bức cung, nhục hình, mớm cung, dụ cung,… đối với bị can hay không; giúp phát hiện các vi phạm trong quá trình thu thập tài liệu, chứng cứ hoặc những tài liệu, chứng cứ cần được củng cố, bổ sung kịp thời; đồng thời, có biện pháp tác động, phối hợp với Cơ quan điều tra rút kinh nghiệm, khắc phục vi phạm để thực hiện tốt nhiệm vụ, quyền hạn trong các vụ án hình sự tiếp theo.
– Hoạt động phúc cung bị can trong giai đoạn truy tố tốt sẽ hỗ trợ và tạo tâm thế tự tin cho Kiểm sát viên khi tham gia phiên tòa xét xử vụ án, nắm chắc nội dung, tình tiết vụ án để tranh luận, đối đáp với người bào chữa có chất lượng và thuyết phục; tạo được hình ảnh, bản lĩnh, tự tin, uy nghiêm của cơ quan thực hành quyền công tố trước Hội đồng xét xử, người bào chữa và những người tham gia, tham dự khác tại phiên tòa, nhất là các phiên tòa xét xử lưu động.
– Khi Kiểm sát viên coi trọng hoạt động phúc cung bị can trong giai đoạn truy tố, nó sẽ trở thành một hoạt động nghiệp vụ thường xuyên, quan trọng để điều tra, kiểm tra, bổ sung tài liệu, chứng cứ khi giải quyết vụ án; góp phần thực hiện chủ trương “Tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra” của Viện kiểm sát, cũng như góp phần hạn chế việc trả hồ sơ để điều tra bổ sung khi Kiểm sát viên tham gia xét xử tại phiên tòa.
– Hoạt động phúc cung bị can trong giai đoạn truy tố giúp Kiểm sát viên nhận thức được vai trò, trách nhiệm của mình đối với từng vụ án khi được phân công thụ lý giải quyết, nhất là vụ án phức tạp, dư luận quan tâm,… bởi đây là giai đoạn cuối cùng mà Kiểm sát viên có thể thực hiện các hoạt động kiểm sát điều tra, củng cố, bổ sung hoặc sửa chữa các tài liệu, chứng cứ cần thiết để buộc tội, giải quyết các vấn đề về vật chứng,… trước khi chuyển hồ sơ sang Tòa án để xét xử.
– Kiểm sát viên phải nhận thức được hoạt động phúc cung bị can trong giai đoạn truy tố chính là hoạt động xác minh, củng cố, bổ sung chứng cứ khi buộc tội mang tính chất quyết định trong một số trường hợp; bởi lẽ, khi có mâu thuẫn trong các lần khai cung trước so với phúc cung thì Kiểm sát viên có nhiệm vụ làm rõ việc khai cung trước hay lời khai khi phúc cung là đúng sự thật và phải căn cứ vào đó để quyết định việc truy tố nếu có tội hoặc quyết định đình chỉ điều tra nếu không đủ chứng cứ buộc tội.
6. Một số vấn đề cần chú ý để nâng cao chất lượng hoạt động phúc cung bị can:
– Phải thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ ngay từ giai đoạn có nguồn tin báo về tội phạm để phân loại, xử lý chặt chẽ; đến giai đoạn khởi tố, điều tra vụ án, Kiểm sát viên cần theo sát tiến trình điều tra của Cơ quan điều tra cả trên hồ sơ lẫn hoạt động điều tra thực tế; kịp thời đề ra bản yêu cầu điều tra và kiểm tra việc thực hiện, thường xuyên sơ kết điều tra, đánh giá tiến trình điều tra và phối hợp với Cơ quan điều tra để xử lý nhanh, kịp thời các vướng mắc về các tài liệu, chứng cứ trong quá trình điều tra. Khi Kiểm sát viên nắm chắc nội dung, tình tiết, chứng cứ của vụ án,… sẽ giúp xây dựng kế hoạch, phương pháp phù hợp, thực hiện hoạt động phúc cung bị can trong giai đoạn truy tố để củng cố, bổ sung thêm chứng cứ buộc tội.
– Phải tăng cường công tác phối kết hợp với Cơ quan điều tra và các cơ quan hữu quan khác, từ đó tạo hành lang pháp lý “nội bộ” phối hợp chặt chẽ, kịp thời trong quá trình điều tra, giải quyết vụ án; làm cơ sở cho hoạt động phúc cung bị can trong giai đoạn truy tố của Kiểm sát viên đạt hiệu quả cao hơn.
– Phải gắn trách nhiệm nghề nghiệp với từng bị can trong từng vụ án cụ thể, có vậy Kiểm sát viên mới thấy được tầm quan trọng của công việc, tầm quan trọng của việc truy tố, buộc tội đúng hay sai một con người và hệ quả của nó. Do đó, việc nâng cao nhận thức, có ý thức trách nhiệm khi được phân công thụ lý, giải quyết vụ án là rất quan trọng; tạo tiền đề, từng bước xây dựng đội ngũ Kiểm sát viên có năng lực, bản lĩnh, có tầm và có tâm với nghề.
– Trước khi tiến hành hoạt động phúc cung bị can, Kiểm sát viên phải luôn luôn có kế hoạch, có phương pháp, có các dự kiến tình huống phát sinh và nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ án; có làm tốt công tác chuẩn bị mới hỗ trợ Kiểm sát viên thêm tự tin, bản lĩnh và không bị lúng túng khi phúc cung, nhất là đối với bị can ranh mãnh, tinh vi, bị can là người có chức vụ, quyền hạn, có địa vị trong xã hội.
– Phải chú trọng việc nghiên cứu, trau dồi chuyên môn nghiệp vụ về các văn bản luật, dưới luật có liên quan để phục vụ công tác; có nắm được các quy định của pháp luật mới thực hiện được chức năng, nhiệm vụ nói chung và hoạt động phúc cung bị can trong giai đoạn truy tố nói riêng đạt hiệu lực, hiệu quả cao.
– Kiểm sát viên phải luôn chủ động, nắm tiến trình điều tra, thu thập chứng cứ của Cơ quan điều tra xuyên suốt vụ án; tránh ý thức chủ quan, thụ động, chờ hồ sơ đến rồi mới nghiên cứu thì chưa thể phát hiện, dự liệu được hết những nội dung, yêu cầu về tài liệu, chứng cứ cần phải sửa chữa, bổ sung hoặc củng cố kịp thời để truy tố.