Phong trào chống thực dân Hà Lan của nhân dân Indonesia diễn ra như thế nào luôn là vấn đề được các thầy cô giáo và các bạn học sinh quan tâm trong chương trình giáo dục môn Lịch sử. Cùng tìm hiểu thông qua bài viết sau đây nhé.
Mục lục bài viết
1. Phong trào chống thực dân Hà Lan của nhân dân Indonesia:
Ở In-đô-nê-xi-a, sau thất bại của cuộc khởi nghĩa do Đi-pô-nê-gô-rô lãnh đạo vào những năm 1825-1830, người dân A-chê đã chiến đấu chống lại 3.000 quân Hà Lan đổ bộ vào khu vực này vào tháng 10 năm 1873. Để chống lại quân xâm lược, người dân Indonesia đã tiến hành chiến tranh du kích. Mặc dù quân đội Hà Lan đã chiếm được hoàng cung nhưng vẫn không chinh phục được A-chê. Tiếp đó là các cuộc khởi nghĩa bùng nổ ở Tây Xu-ma-tơ-ra (1873-1909), Ba Tắc (1878-1907), Ca-li-man-ta (1884-1886). Các phong trào nông dân nổ ra mạnh mẽ. Một ví dụ điển hình là cuộc khởi nghĩa nông dân vào năm 1890 do Shamin lãnh đạo.
Shamin không công nhận sự cai trị của Hà Lan, vì vậy ông đã huy động người dân, chủ yếu là nông dân, để đấu tranh chống lại các loại thuế vô lý của thực dân. Ông chủ trương xây dựng một đất nước nơi mọi người đều có việc làm và được hưởng hạnh phúc. Ông tuyên truyền, vận động và tổ chức quần chúng đấu tranh chống áp bức, bóc lột và bất công. Phong trào công nhân cũng sớm được hình thành với sự ra đời của các tổ chức: Hiệp hội công nhân đường sắt (1905), Hiệp hội công nhân xe lửa (1908)…
Tháng 12 năm 1914, Liên minh Dân chủ Xã hội Indonesia ra đời, nhằm truyền bá chủ nghĩa Mác trong công nhân, đặt nền móng cho việc thành lập Đảng Cộng sản (tháng 5 năm 1920). Giai cấp tư sản dân tộc và trí thức, những người tiếp thu các tư tưởng dân chủ tư sản châu Âu, đã đóng một vai trò nhất định trong phong trào yêu nước ở Indonesia vào đầu thế kỷ 20.
Sơ đồ tư duy phong trào chống thực dân Hà Lan ở In-đô-nê-xi-a
2. Sự thống trị của Hà Lan với chính sách của Đanđên:
Vào đầu thế kỷ 19, Hà Lan trở thành thuộc địa của Pháp dưới thời Napoleon nên phải thực hiện chính sách “bao vây kinh tế” đối với Anh. Xung đột giữa Anh và Hà Lan tại các vùng lãnh thổ ngày càng trở nên căng thẳng.
Sau khi Công ty Đông Ấn giải thể, chính quyền Hà Lan đã cử Đanđên lên làm thống đốc. Đanđên đã sẵn sàng chiến đấu chống lại người Anh, tổ chức lại quân đội của các lãnh chúa phong kiến để thực hiện chế độ nghĩa vụ quân sự, bắt nô lệ vào quân đội. Đồng thời, họ xây dựng các công trình phòng thủ và ra lệnh cho các lãnh chúa bắt nông dân xây dựng một con đường từ Tây Giava đến Đông Giava, dài 1000km. Các trại lính được dựng lên khắp nơi, các xưởng quân sự, bệnh viện quân đội và pháo đài chiến tranh được xây dựng tại các thành phố quan trọng như Batavia, Surabaia, Sêmarang… Máu và xương của hàng chục ngàn nông dân đã đổ vào công trình trên của Đanđên. Ở Bantam, để xây dựng các bức tường thành, người ta đã sử dụng 1500 tráng đinh, sau đó không ai sống sót trở về. Các lãnh chúa chống lệnh binh dịch đều bị Đanđên cách chức và cho tay chân thay thế.
Trong tình trạng kiệt quệ về tài chính, và với lệnh phong tỏa đường biển của Anh, các kho hàng của Hà Lan tại Indonesia chất đầy hồ tiêu và các sản phẩm địa phương khác không thể vận chuyển đến bất cứ nơi nào để bán, Đanđên vẫn duy trì phương pháp bóc lột cũ, nghĩa là bóp nặn với thuế nặng, bán những vùng đất rộng lớn cho người châu Âu và người Trung Quốc để lấy tiền. Những người mua đất được cấp quyền sử dụng đất và quản lý dân số trên vùng đất đó, có quyền bổ nhiệm người cai trị, thi hành chế độ lao dịch bắt buộc và thu thuế trong khu vực quản lí. Đanđên nắm giữ độc quyền mua bán gạo, muối. Nhân dân Giava bị bóc lột tàn nhẫn dưới ách thống trị tàn bạo. Năm 1811, quân đội Anh tiến vào chiếm đóng Batavia. Những người lính Indonesia đã giết chết các sĩ quan Hà Lan và bỏ chạy. Chính phủ Hà Lan phải ký một văn bản đầu hàng trao lại quyền cai trị cho người Anh.
3. Sự thống trị của Anh ở Indônêxia (1811-1815):
Sau khi chiếm được Indonesia, người Anh đã cử Râyphơlít đến làm Tổng đốc, vốn là người đã có quan hệ với các lãnh chúa ở đây, nên dễ dàng kích động họ chiến đấu chống lại người Hà Lan. Khi cai trị Giava, Râyphơlít đã tìm mọi cách ngăn cản không cho người Hà Lan và người nước khác đến Giava.
Đối với các lãnh chúa phong kiến, Râyphơlít đã sa thải các lãnh chúa không tuân theo lệnh, chia Giava thành 16 quận. Trên danh nghĩa, các lãnh chúa nắm giữ chức quận trưởng, nhưng trên thực tế, họ không có quyền lực, vì bên cạnh có các quan giám sát người Anh khống chế. Các lãnh chúa phong kiến trở thành bù nhìn lĩnh lương hàng tháng của thực dân Anh.
Râyphơlít tuyên bố đất đai thuộc sở hữu của nhà nước, trên thực tế là của chính quyền thực dân Anh, biến những người nông dân Indonesia thành những người nông dân tá điền cho người Anh. Đất đai được chia thành nhiều loại khác nhau, với mức thuế từ 1/5 đến 1/2 thu hoạch.
Râyphơlít bắt chước Đanđên bán đất cho người châu Âu, Ấn Độ và Trung Quốc để xây dựng các đồn điền và hy vọng rằng hòa bình ở châu Âu sẽ sớm đến, các loại hương liệu của quần đảo và các sản phẩm nhiệt đới sẽ có thể tràn vào châu Âu một lần nữa, sẽ đem về những món lợi lớn. Do đó, ở một số khu vực, vẫn duy trì phương pháp bóc lột lao dịch trung cổ để buộc nông dân phải trồng các loại cây hương liệu.
Về tư pháp, Râyphơlít ra lệnh cấm nuôi nô lệ và cấm bán nô lệ, từ đó tạo ra nguồn sức lao động phục vụ cho nhu cầu của tư bản.
Là quốc gia tư bản công nghiệp hàng đầu, tư bản Anh đã đầu tư rất nhiều vào việc khai thác Indonesia. Về mặt khách quan, chính sách thực dân của Anh có tác dụng kích thích phát triển kinh tế hơn so với chủ nghĩa thực dân Hà Lan. Số lượng tàu buôn châu Âu vào quần đảo tăng gấp 11 lần và vốn nước ngoài cũng thâm nhập vào vùng nông thôn mạnh mẽ hơn. Tất nhiên, hiện tượng này sẽ dẫn đến hậu quả thảm khốc, vì ngành thủ công ở Giava bị đàn áp mạnh mẽ. Sự cướp bóc của thực dân Anh khác với Hà Lan, nhưng điều kiện sống khốn khổ của người dân Indonesia vẫn không thay đổi, luôn đói khát, không có cách nào để sống.
Nhưng nền thống trị của Anh ở Inđônêxia rất ngắn ngủi. Sau khi Đế chế Napoleon sụp đổ, Hà Lan giành được độc lập, Anh muốn Hà Lan trở thành đồng minh trên lục địa châu Âu, vì vậy đã đồng ý trả lại cho Hà Lan một số thuộc địa mà Anh đã chiếm. Indonesia đã trở lại với thực dân Hà Lan.
4. Chế độ cướng bức trồng trọt của thực dân Hà Lan:
Trước nguy cơ Indonesia rơi vào tay thực dân Anh thông qua con đường khống chế kinh tế, thực dân Hà Lan ngay lập tức xóa bỏ chế độ Râyphơlít và thực hiện chính sách bóc lột lạc hậu hơn, tàn bạo hơn nhưng có lợi hơn cho Hà Lan.
Trước tiên là đối với thương nghiệp, duy trì các quyền ưu đãi và thực hiện chế độ bảo hộ thuế cho các thương thuyền Hà Lan. Nhờ đó, lượng hàng dệt may nhập khẩu của Hà Lan tăng so với trước, năm 1819, hàng dệt may Hà Lan sử dụng 1/3 tổng lượng hàng dệt may nhập khẩu, đến năm 1830, đã đẩy lùi được hàng Anh và chiếm tỉ lệ 2/3.
Trong nông nghiệp, Hà Lan áp dụng chính sách bóc lột cực kỳ tàn bạo. Đó là các chính sách “cưỡng bức trồng trọt” của Vanđen Bốt (Vanđen Bosch), chính sách này bắt đầu được thi hành từ năm 1830. Từ đó, mọi gánh nặng đè lên đầu nông dân khiến cho đời sống của họ vô cùng khổ cực.
Thực dân Hà Lan dùng chính sách khuyến khích giai cấp địa chủ, ban cho một số quyền lợi để bọn này cưỡng ép và giám sát nông dân. Nhiều lãnh chúa phong kiến được phục hồi tước hiệu cũ, hưởng mức thu nhập tối thiểu từ lâm nghiệp, có quyền thừa kế và quyền sử dụng đất vĩnh viễn. Do đó, những tên thống trị người địa phương đã tìm cách cấu kết với thực dân để đàn áp nông dân.
Chính sách trên khiến cuộc sống của nông dân vô cùng khốn khổ. Ngoài việc làm ruộng, nông dân còn phải đi lao dịch như làm đường, sửa cầu, xây dựng đồn lũy. Bộ máy hành chính của các xã nông thôn hoàn toàn trở thành cơ quan tiếp tay thay cho thực dân Hà Lan bóc lột nhân dân.