Quy định về phong tỏa, giải tỏa chứng khoán làm tài sản đảm bảo khoản vay? Quy định chung về phong tỏa, giải tỏa chứng khoán? Biện pháp phong tỏa tài khoản chứng khoán?
Theo quy định của pháp luật chứng khoán, thì phong tỏa tài khoản chứng khoán hay yêu cầu người có thẩm quyền phong tỏa tài khoản tiền có liên quan đến hành vi vi phạm pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán được coi là một trong những biện pháp nhằm bảo đảm an ninh, an toàn thị trường chứng khoán. Trong các trường hợp phong tỏa, giải tỏa chứng khoán bao gồm cả phong tỏa, giải tỏa chứng khoán làm tài sản đảm bảo khoản vay. Trong bài viết dưới đây, chúng tôi xin chia sẻ tới bạn đọc quy định của pháp luật về phong tỏa, giải tỏa chứng khoán làm tài sản đảm bảo khoản vay.
Căn cứ pháp lý:
– Quyết định 04/QĐ-VSD
– Nghị định số 155/2020/NĐ-CP
1. Quy định về phong tỏa, giải tỏa chứng khoán làm tài sản đảm bảo khoản vay
Theo quy định tại Điều 29 Quyết định 04/QĐ-VSD ngày 02/01/2020 của Tổng Giám đốc Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam đã quy định về quy trình ký gửi chứng khoán tại Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam thì quy định về hồ sơ phong tỏa chứng khoán và hồ sơ giải tỏa chứng khoán làm tài sản đảm bảo khoản vay của nhà đầu tư, thành viên lưu ký hoặc tổ chức mở tài khoản trực tiếp được xác định như sau:
– Trong trường hợp nhà đầu tư, thành viên lưu ký hoặc tổ chức mở tài khoản chứng khoán trực tiếp sử dụng chứng khoán của mình làm tài sản bảo đảm cho các khoản vay tại các tổ chức tín dụng, TCMTKTT/ TVLK nơi nhà đầu tư, thành viên lưu ký hoặc tổ chức mở tài khoản lưu ký chứng khoán có trách nhiệm phong tỏa, giải tỏa chứng khoán trên tài khoản chứng khoán cầm cố của chính mình hoặc trên tài khoản chứng khoán cầm cố của khách hàng, đồng thời phải tiến hành gửi hồ sơ đề nghị phong toả, giải tỏa chứng khoán cho Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam để hạch toán tương ứng tại Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam. Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam chỉ thực hiện hạch toán phong tỏa, giải tỏa chứng khoán đối với các chứng khoán thuộc loại tự do chuyển nhượng đã tái lưu ký tại Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam.
– Hồ sơ đề nghị phong tỏa chứng khoán làm tài sản đảm bảo khoản vay bao gồm:
+ Công văn yêu cầu chuyển khoản phong tỏa chứng khoán của TVLK / TCMTKTT theo Mẫu 31/LK ban hành kèm theo Quyết định 04/QĐ-VSD, số lượng 02 bản.
+ Giấy đề nghị phong tỏa chứng khoán làm tài sản đảm bảo khoản vay của khách hàng/ TVLK/ TCMTKTT theo Mẫu 32/LK ban hành kèm theo Quyết định 04/QĐ-VSD.
+ Bảng kê chứng khoán đề nghị phong tỏa chứng khoán làm tài sản đảm bảo khoản vay có xác nhận của tổ chức tín dụng (bên cho vay) theo Mẫu 33/LK ban hành kèm theo Quyết định 04/QĐ-VSD.
+ Hợp đồng cầm cố chứng khoán: 01 bản gốc
+ Chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân (bản gốc để đối chiếu) đối với khách hàng là cá nhân; bản sao công chứng Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đối vơi khách hàng là tổ chức, doanh nghiệp.
– Hồ sơ đề nghị giải tỏa chứng khoán làm tài sản đảm bảo khoản vay bao gồm:
+ Yêu cầu chuyển khoản giải tỏa chứng khoán của TVLK / TCMTKTT theo Mẫu 34/LK ban hành kèm theo Quyết định 04/QĐ-VSD, số lượng: 02 bản.
+ Bảng kê chứng khoán đề nghị giải tỏa có xác nhận chấp thuận giải tỏa của tổ chức tín dụng (bên cho vay) theo Mẫu 35/LK ban hành kèm theo Quyết định 04/QĐ-VSD.
– Thời hạn VSD xử lý hồ sơ đề nghị phong tỏa/ giải tỏa chứng khoán làm tài sản đảm bảo khoản vay của nhà đầu tư, TVLK, TCMTKTT là 01 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ đề nghị phong tỏa/ giải tỏa chứng khoán làm tài sản đảm bảo khoản vay của nhà đầu tư, TVLK/ TCMTKTT.
* Lưu ý: Việc xác nhận chứng khoán phong tỏa chỉ được thực hiện tại VSD đối với trường hợp bên nhận cầm cố là các tổ chức tín dụng được thừa nhận theo quy định của pháp luật hiện hành.
2. Quy định chung về phong tỏa, giải tỏa chứng khoán
Phong tỏa, giải tỏa chứng khoán tại Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam được quy định tại Điều 23 Thông tư 119/2020/TT-BTC của Bộ tài chính quy định hoạt động đăng ký, lưu ký, bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán do Bộ Tài chính ban hành, cụ thể việc phong tỏa, giải tỏa chứng khoán như sau:
– Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam có trách nhiệm thực hiện phong tỏa, giải tỏa chứng khoán trong các trường hợp sau:
+ Trường hợp phong tỏa, giải tỏa chứng khoán theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền
+ Trường hợp phong tỏa, giải tỏa chứng khoán theo yêu cầu của nhà đầu tư
+ Trường hợp phong tỏa, giải tỏa chứng khoán của nhà đầu tư được sử dụng để đảm bảo thực hiện nghĩa vụ trong các giao dịch bảo đảm.
– Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam chỉ thực hiện phong tỏa, giải tỏa chứng khoán sau khi có yêu cầu bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật hiện hành trong trường hợp phong tỏa, giải tỏa chứng khoán theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Sau khi thực hiện phong tỏa, giải tỏa chứng khoán trên các tài khoản lưu ký chứng khoán, thì Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam có trách nhiệm
– Đối với trường hợp phong tỏa, giải tỏa chứng khoán theo yêu cầu của nhà đầu tư thì Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam chỉ thực hiện phong tỏa, giải tỏa chứng khoán của nhà đầu tư khi có yêu cầu của chính nhà đầu tư gửi cho Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam thông qua thành viên lưu ký nơi nhà đầu tư có chứng khoán lưu ký thực hiện phong tỏa, giải tỏa theo quy định của pháp luật.
– Đối với trường hợp phong tỏa, giải tỏa chứng khoán của nhà đầu tư được sử dụng để đảm bảo thực hiện nghĩa vụ trong các giao dịch bảo đảm, thì Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam có trách nhiệm thực hiện theo quy định về đăng ký biện pháp bảo đảm đối với chứng khoán đã đăng ký tập trung tại Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam theo quy định của pháp luật.
Chứng khoán phong tỏa được hiểu là loại chứng khoán tự do chuyển nhượng, không bị phong tỏa, tạm giữ, ký quỹ. Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam có trách nhiệm xử lý hồ sơ phong tỏa, giải tỏa chứng khoán trong thời hạn 01 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị phong tỏa, giải tỏa chứng khoán hợp lệ. Việc phong tỏa, giải tỏa chứng khoán theo yêu cầu của nhà đầu tư được cơ quan có thẩm quyền thực hiện theo quy chế về hoạt động lưu ký chứng khoán của Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam.
3. Biện pháp phong tỏa tài khoản chứng khoán
Theo quy định của Luật Chứng khoán, việc phong tỏa tài khoản chứng khoán, yêu cầu người có thẩm quyền phong tỏa tài khoản tiền có liên quan đến hành vi vi phạm pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán được coi là một trong những biện pháp nhằm bảo đảm an ninh, an toàn thị trường chứng khoán.
Theo quy định tại khoản 4, Điều 306, Nghị định số 155/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán, thì biện pháp phong tỏa tài khoản chứng khoán hoặc yêu cầu người có thẩm quyền phong tỏa tài khoản tiền có liên quan đến hành vi vi phạm pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán được áp dụng trong các trường hợp sau:
– Trường hợp khi cần xác minh tình tiết làm căn cứ để ban hành quyết định xử lý vi phạm về chứng khoán và thị trường chứng khoán theo quy định của pháp luật.
– Trường hợp khi có căn cứ xác định tổ chức, cá nhân đang thực hiện hành vi vi phạm pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán thì biện pháp phong tỏa tài khoản chứng khoán, phong tỏa tài khoản tiền là cần thiết nhằm mục đích ngăn chặn tổ chức, cá nhân tiếp tục thực hiện vi phạm hoặc khi cần ngăn chặn ngay hành vi tẩu tán tiền, chứng khoán có liên quan đến hành vi vi phạm pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán.
– Trường hợp phong tỏa chứng khoán theo yêu cầu của cơ quan, người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
Về biện pháp phong tỏa tài khoản chứng khoán thì được thực hiện theo quy định tại Điều 38, Nghị định số 155/2020/NĐ-CP, khi có căn cứ quy định tại khoản 4 Điều 306 Nghị định số 155/2020/NĐ-CP, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ ban hành quyết định phong tỏa tài khoản chứng khoán, và nêu rõ các thông tin về căn cứ áp dụng; tên và địa chỉ đối tượng bị áp dụng phong tỏa; thông tin về các tài khoản chứng khoán bị phong tỏa; thời hạn áp dụng và thời điểm bắt đầu áp dụng biện pháp phong tỏa; các tổ chức, cá nhân phối hợp thực hiện và trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân đó; và người chịu trách nhiệm theo dõi đôn đốc thi hành biện pháp phong tỏa.
– Quyết định áp dụng biện pháp phong tỏa tài khoản chứng khoán phải được gửi cho đối tượng bị áp dụng, công ty chứng khoán nơi có tài khoản bị phong tỏa, tổ chức, cá nhân liên quan, Sở giao dịch chứng khoán, Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam trong thời hạn 01 ngày làm việc kể từ ngày ban hành quyết định phong tỏa.
– Công ty chứng khoán nơi có tài khoản bị phong tỏa phải thực hiện phong tỏa tài khoản giao dịch, Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam phải thực hiện phong tỏa chứng khoán trên tài khoản lưu ký chứng khoán liên quan đồng thời thông báo cho chủ tài khoản về việc này trong thời hạn 24 giờ kể từ khi nhận được quyết định phong tỏa.
Khi hết thời hạn phong tỏa ghi tại quyết định của Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, thì công ty chứng khoán nơi có tài khoản bị phong tỏa phải thực hiện giải tỏa tài khoản giao dịch chứng khoán, sau đó Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam thực hiện giải tỏa chứng khoán trên tài khoản lưu ký chứng khoán liên quan đồng thời thông báo cho chủ tài khoản về việc giải tỏa này.