Phòng tạm giam như thế nào? Tạm giam có bị khổ không?
Tạm giam là hình thức quản lý áp dụng đối với các cá nhân đặc biệt trong tố tụng hình sự. Tạm giam được thực hiện tại các cơ sở giam giữ theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền. Để hoạt động tạm giam thực sự có hiệu quả, pháp luật đã có những quy định về phòng tạm giam và chế độ đối với người tạm giam, để đảm bảo rằng tuy bị hạn chế một số quyền công dân nhưng người bị tạm giam vẫn phải được bảo đảm các quyền cơ bản của con người. Trong bài viết dưới đây, Luật Dương Gia sẽ trả lời cho câu hỏi: Phòng tạm giam như thế nào? Tạm giam có bị khổ không?
Luật sư
Cơ sở pháp lý:
Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015.
1. Phòng tạm giam như thế nào?
Tạm giam là việc buộc bị can; bị cáo; người bị kết án phạt tù, người bị kết án tử hình mà bản án chưa có hiệu lực pháp luật hoặc đang chờ thi hành án; người bị tạm giam để thực hiện việc dẫn độ chịu sự quản lý tại cơ sở giam giữ trong thời hạn tạm giam, gia hạn tạm giam theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự.
Phòng tạm giam (Buồng tạm giam) là nơi người bị tạm giam thực hiện chế độ ở, ngủ, được bố trí trong cơ sở giam giữ. Buồng tạm giữ phải đáp ứng các điều kiện nhất định.
Buồng tạm giam là một phần trong tổ chức trại tạm giam được quy định tại Điểm a, Khoản 2, Điều 14 Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam , theo đó: “Trại tạm giam có phân trại tạm giam, khu giam giữ, buồng tạm giam, buồng tạm giữ, buồng giam người đang chờ chấp hành án phạt tù, buồng giam người bị kết án tử hình, buồng kỷ luật, phân trại quản lý phạm nhân….“. Buồng trạm giam có thể được coi là thành phần quan trọng nhất trong tổ chức trại tạm giam, bởi đây là nơi thi hành đúng bản chất của tạm giam.
Quy định liên quan trực tiếp đến buồng tạm giam được quy định tại Khoản 3 Điều 14, Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam, cụ thể: “Buồng tạm giữ, buồng tạm giam trong nhà tạm giữ, trại tạm giam được thiết kế, xây dựng kiên cố, có khóa cửa, có phương tiện kiểm soát an ninh, đủ ánh sáng, bảo đảm sức khỏe của người bị tạm giữ, người bị tạm giam, vệ sinh môi trường, an toàn phòng cháy, chữa cháy, phù hợp với đặc điểm khí hậu của từng địa phương và yêu cầu công tác quản lý giam giữ.”
Theo tìm hiểu của tác giả, không có văn bản pháp luật nào quy định về một tiêu chuẩn cụ thể đối với buồng tạm giam, không có quy định về việc không gian tối thiểu về buồng tạm giam, mà chỉ có quy định về việc “Chỗ nằm tối thiểu của mỗi người bị tạm giữ, người bị tạm giam là 02 mét vuông (m2), được bố trí sàn nằm và có chiếu.” (Khoản 4, Điều 27, Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam). Việc thiết kế, xây dựng kiên cố được xác định dựa trên tiêu chuẩn xây dựng có tính chuyên môn. Khóa cửa, phương tiện kiểm soát an ninh là cách thức để cơ sở giam giữ quản lý và kiểm soát chặt chẽ hoạt động của người bị tạm giam, hạn chế quyền đi lại của người bị tạm giam kể cả đi lại trong cơ sở giam giữ, đặc biệt là tránh việc người bị tạm giam trống thoát.
Điều kiện về đủ ánh sáng đòi hỏi phòng tạm giam phải có cửa sổ, điện chiếu sáng, phục vụ cho các sinh hoạt của người tạm giam, việc đủ ánh sáng vừa đảm bảo sức khỏe thể chất, vừa đảm bảo sức khỏe tinh thần cho người bị tạm giam, tránh bị tù túng, gò bó, gây rối loạn sức khỏe.
Bên cạnh đó, buồng tạm giam phải đảm bảo điều kiện về vệ sinh môi trường, phòng cháy chữa cháy, đây là các điều kiện quan trọng, tránh gây nguy hiểm cho chính người bị tạm giam và cả cơ sở tạm giam. Tính chất phù hợp với điều kiện khí hậu ở từng địa phương cũng là tiêu chí quan trọng để tác động tới thiết kế, cấu trúc phòng, nhằm đảm bảo sức khỏe cho người bị tạm giam.
Người tạm giam phải ở trong buồng tạm giam và chỉ được ra ngoài khi có lệnh của thủ trưởng cơ sở giam giữ để thực hiện lệnh trích xuất và các hoạt động khác. Người tạm giam chỉ được mang theo đồ dùng cần thiết cá nhân vào buồng tạm giam. Về nguyên tắc: Không giam giữ chung buồng những người trong cùng một vụ án đang trong giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử. (Khoản 2, Điều 18, Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam).
Như vậy, tổng kết lại vấn đề có thể thấy rằng, quy định về phòng tạm giam chỉ mang tính chung chung, không phải là quy định cụ thể, các văn bản hiện hành chỉ tập trung quy định đối với người bị tam giam, liên quan đến người bị tạm giam. Nhưng suy cho cùng, quy định chung cũng mang tính linh hoạt, để cho các cơ sở giam giữ có được các phòng tạm giam phù hợp với điều kiện tự nhiên và yêu cầu quản lý ở nơi đó. Điều quan trọng là phòng tạm giam phải được thiết kế và bố trí không được dựa trên hình thức tra tấn đặc biệt đối với người bị tạm giam.
2. Tạm giam có bị khổ không?
Để trả lời cho câu hỏi: Tạm giam có bị khổ không? Tác giả sẽ có những phân tích, nhận định trước khi đưa ra câu trả lời cho người đọc.
Dựa trên quy định của pháp luật, người bị tạm giam được đảm bảo các chế độ ăn, ở, mặc, đồ dùng sinh hoạt cá nhân, chăm sóc y tế, sinh hoạt tinh thần, gửi, nhận thư, nhận quà, nhận sách, báo, tài liệu. Các quyền về bảo vệ an toàn tính mạng, thân thể, tài sản, tôn trọng danh dự, nhân phẩm; được quyền bầu cử, được khiếu nại, tố cáo, được bồi thường thiệt hại nếu bị giam giữ trái luật,…và các quyền khác của công dân nếu không bị hạn chế bởi Luật thi hành tạm giữ, tạm giam và luật khác có liên quan, trừ trường hợp các quyền đó không thể thực hiện được do họ đang bị tạm giữ, tạm giam. (Khoản 1 Điều 9 Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam). Như vậy, có thể nói ở một chừng mực nào đó, người bị tạm giam vẫn được hưởng các quyền và được bảo đảm các quyền con người một cách tốt nhất đối với các quyền mà họ có.
Có thể thấy, có hai chế độ mà người tạm giam quan tâm là chế độ ăn ở và chế độ chăm sóc y tế. Đây là những chế độ nhằm duy trì sự sống, sức khỏe của người bị tạm giam, theo đó, “người bị tạm giam được bảo đảm tiêu chuẩn định lượng về gạo, rau, thịt, cá, đường, muối, nước chấm, bột ngọt, chất đốt, điện, nước sinh hoạt” hay “người bị tạm giam được hưởng chế độ khám bệnh, chữa bệnh, phòng, chống dịch bệnh.”.
Tuy nhiên, phải nói rằng, quy định của pháp luật và thực tiễn áp dụng là hai phạm trù khác nhau, đó là hai phạm trù bổ trợ cho nhau, pháp
Điều mà người bị tạm giam phải gặp phải khi bị tạm giam đó là quyền tự do đi lại bị tước bỏ hoàn toàn, người bị tạm giam phải chịu sự quản lý chặt chẽ, nghiêm ngặt và chỉ được sinh hoạt, sống, lao động, cải tạo trong cơ sở tạm giam và chỉ được ra ngoài khi hết thời hạn tạm giam hoặc có quyết định của chủ thể có thẩm quyền. Chính vì bị tước bỏ quyền tự do đi lại, trong thời gian này, người bị tạm giam sẽ bị cách ly khỏi xã hội, phải xa gia đình, người thân và không được chăm sóc họ.
Mỗi người sẽ có những cách nhận định riêng về “khổ”, vì vậy, trước câu hỏi: Tạm giam có khổ không? tác giả không thể đưa ra được bất kỳ khẳng định chắc chắn rằng khổ hay không khổ, mà đó là trải nghiệm thực tế và là sự nhận thức của người đọc dựa trên quy định của pháp luật. Có nhiều người cho rằng, các chế độ, điều kiện mà tạm giam đang có là khổ, nhưng có nhiều người lại không cho là như thế. Tuy nhiên, câu hỏi này đặt ra không nhằm mục đích xúi giục hành vi phạm tội để trở thành người bị tạm giam, mà chỉ mang tính chất như một sự phân tích về quy định pháp luật, thực tiễn, đưa ra các nhận định và quan điểm về các trại tạm giam, từ đó có những đóng góp tích cực để thay đổi chế độ, chính sách, góp phần giúp người bị tạm giam cải tạo tốt và nhanh chóng hòa nhập cộng đồng.
Cuối cùng, tác giả thực sự muốn nhận mạnh rằng: câu trả lời về việc tạm giam có khổ không là dựa vào sự nhìn nhận của mỗi cá nhân dựa trên sự phân tích của tác giả. Những ý kiến, nhận định trong mục này không nhằm xúi giục hay tạo động lực cho bất kỳ cá nhân nào thực hiện hành vi phạm tội, gây nguy hiểm cho xã hội để trở thành người bị tam giam. Đồng thời, tác giả chỉ muốn chứng minh các quy định của pháp luật đối với chế định tạm giam ngày càng hoàn thiện, hợp lí, đáp ứng được yêu cầu trong tình hình phát triển của kinh tế, xã hội và đời sống.