Pháp lệnh về lực lượng dự bị động viên 1996 quy định về xây dựng và huy động lực lượng dự bị động viên.
PHÁP LỆNH
VỀ LỰC LƯỢNG DỰ BỊ ĐỘNG VIÊN
Để đảm bảo sức mạnh của quân đội đáp ứng yêu cầu bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa;
Để tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước, nâng cao trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân và mọi công dân trong việc xây dựng và huy động lực lượng dự bị động viên;
Căn cứ vào Điều 46 và Điều 91 của Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992;
Căn cứ vào Luật nghĩa vụ quân sự và Luật về sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam;
Căn cứ vào Nghị quyết của Quốc hội khoá IX, kỳ họp thứ 8 về chương trình xây dựng pháp luật;
Pháp lệnh này quy định về xây dựng và huy động lực lượng dự bị động viên.
CHƯƠNG I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Nhà nước xây dựng lực lượng dự bị động viên hùng hậu để bổ sung, tăng cường cho lực lượng thường trực của quân đội khi có nhu cầu chiến đấu.
Điều 2. Lực lượng dự bị động viên gồm quân nhân dự bị và phương tiện kỹ thuật đã xếp trong kế hoạch bổ sung cho lực lượng thường trực của quân đội.
Quân nhân dự bị gồm sĩ quan dự bị, quân nhân chuyên nghiệp dự bị và hạ sĩ quan, binh sĩ dự bị.
Phương tiện kỹ thuật gồm phương tiện vận tải, làm đường, xếp dỡ, thông tin liên lạc, y tế và một số loại phương tiện khác. Danh mục phương tiện kỹ thuật do Chính phủ quy định.
Điều 3.
Xây dựng và huy động lực lượng dự bị động viên đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam, sự thống lĩnh của Chủ tịch nước và sự quản lý, điều hành của Chính phủ
Lực lượng dự bị động viên được xây dựng vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức, có trình độ chiến đấu cao và được quản lý chặt chẽ. Xây dựng và huy động lực lượng dự bị động viên phải bảo đảm đủ chỉ tiêu, đúng tiêu chuẩn, đúng thời gian, bảo đảm bí mật, an toàn theo quy định của pháp luật.
Điều 4. Trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh và lợi ích quốc gia, nhà nước điều động phương tiện kỹ thuật thuộc sở hữu toàn dân, trưng mua, trưng dụng phương tiện kỹ thuật thuộc sở hữu cá nhân, tổ chức của Việt Nam để bổ sung, tăng cường cho lực lượng thường trực của quân đội và để triền khai kế hoạch xây dựng, huy động lực lượng dự bị động viên. Việc trưng mua, trưng dụng phương tiện kỹ thuật được thực hiện theo quy định của pháp luật.
Điều 5. Các cơ quan nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân và mọi công dân có trách nhiệm thực hiện những quy định về xây dựng và huy động lực lượng dự bị động viên của Pháp lệnh này và các văn bản pháp luật khác có liên quan
Điều 6. Nghiêm cấm việc thành lập và sử dụng các đơn vị dự bị động viên trái với quy định của Pháp lệnh này.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568