Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án dân sự năm 1989 do Hội đồng Nhà nước ban hành.
PHÁP LỆNH
CỦA HỘI ĐỒNG NHÀ NƯỚC SỐ 27-LCT/HĐNN8 NGÀY 07/12/1989 VỀ THỦ TỤC GIẢI QUYẾT CÁC VỤ ÁN DÂN SỰ
Để giải quyết đúng pháp luật các vụ án dân sự nhằm bảo vệ lợi ích của Nhà nước, của tập thể, quyền lợi hợp pháp của công dân, góp phần tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa;
Căn cứ vào Điều 100 của Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
Pháp lệnh này quy định thủ tục khởi kiện, điều tra, hoà giải, xét xử các vụ án dân sự.
Chương 1:
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Quyền yêu cầu Toà án bảo vệ quyền lợi hợp pháp.
Công dân, pháp nhân, theo thủ tục do pháp luật quy định, có quyền khởi kiện vụ án dân sự để yêu cầu Toà án nhân dân bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình.
Điều 2. Quyền tự định đoạt của đương sự.
Người khởi kiện vụ án dân sự có quyền rút đơn khởi kiện, thay đổi nội dung khởi kiện. Các đương sự có quyền tự hoà giải với nhau.
Điều 3. Nghĩa vụ cung cấp, thu thập chứng cứ.
Đương sự có nghĩa vụ cung cấp chứng cứ để bảo vệ quyền lợi của mình. Toà án có nhiệm vụ xem xét mọi tình tiết của vụ án và khi cần thiết có thể thu thập thêm chứng cứ để bảo đảm cho việc giải quyết vụ án được chính xác.
Điều 4. Bình đẳng về quyền và nghĩa vụ giữa các đương sự.
Các đương sự bình đẳng về quyền và nghĩa vụ trong tố tụng dân sự.
Điều 5. Trách nhiệm hoà giải của Toà án.
Trong quá trình giải quyết vụ án, Toà án tiến hành hoà giải để giúp các đương sự thoả thuận với nhau về giải quyết vụ án, trừ những trường hợp không hoà giải được hoặc pháp luật quy định không được hoà giải.
Điều 6. Thẩm phán, hội thẩm nhân dân độc lập và chỉ tuân theo pháp luật.
Khi xét xử, thẩm phán, hội thẩm nhân dân độc lập và chỉ tuân theo pháp luật.
Điều 7. Tiếng nói, chữ viết dùng trong tố tụng dân sự.
Tiếng nói và chữ viết dùng trong tố tụng dân sự là tiếng Việt.
Công dân các dân tộc có quyền dùng tiến nói, chữ viết của dân tộc mình và Toà án phải cử người phiên dịch.
Điều 8. Việc tham gia tố tụng dân sự của các cơ quan Nhà nước, các tổ chức xã hội và công dân.
Các cơ quan Nhà nước, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc và công dân theo quy định của pháp luật có thể tham gia các tổ chức thích hợp của nhân dân để giải quyết những việc vi phạm pháp luật và tranh chấp nhỏ trong nhân dân trước khi khởi kiện, có quyền cung cấp cho Toà án tin tức về vụ án và, tuỳ trường hợp, giúp đỡ Toà án trong việc hoà giải; có quyền kiến nghị Toà án cấp trên xem xét những việc làm trái pháp luật của Toà án cấp dưới. Toà án phải xem xét, giải quyết và trả lời cho người đã kiến nghị.
Nếu không có người khởi kiện thì Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc trong phạm vi chức năng của mình có quyền khởi kiện hoặc đề nghị Viện kiểm sát xem xét việc khởi tố vụ án đối với những việc được quy định tại khoản 1 Điều 28 của Pháp lệnh này.
Điều 9. Kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng dân sự.
Viện kiểm sát nhân dân kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng dân sự theo quy định tại các Điều 12, 13a, 13b của Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân và những quy định của Pháp lệnh này.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568