Phân tích quyền hiến xác và hiến bộ phận cơ thể của cá nhân sau khi chết. Đưa ra giải pháp pháp lý để quyền hiến xác, hiến bộ phận cơ thể của cá nhân sau khi chết được thực hiện.
Tóm tắt câu hỏi:
Phân tích quyền hiến xác, hiến các bộ phận cơ thể của cá nhân sau khi chết. Đánh giá thực tiễn thi hành và đưa ra giải pháp pháp lý cụ thể để quyền này của cá nhân được thực hiện sau khi cá nhân chết. ?
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Cơ sở pháp lý:
2. Luật sư tư vấn:
Điều 34 “Bộ luật dân sự 2015” quy định về quyền hiến xác, bộ phận cơ thể sau khi chết như sau:
“Cá nhân có quyền hiến xác, bộ phận cơ thể của mình sau khi chết vì mục đích chữa bệnh cho người khác hoặc nghiên cứu khoa học.
Việc hiến và sử dụng xác, bộ phận cơ thể của người chết được thực hiện theo quy định của pháp luật.”
Đây là một trong những quyền nhân thân của con người vì thế, quyền hiến xác sau khi chết luôn gắn liền với một chủ thể nhất định, không thể dịch chuyển cho chủ thể khác, không xác định được bằng tiền.
*) Đặc điểm của quyền hiến xác, bộ phận cơ thể sau khi chết:
Thứ nhất, mang đặc điểm chung của quyền nhân thân:
– Mang tính cá nhân tuyệt đối;
– Quyền hiến xác là quyền nhân thân không được xác định bằng tiền – Giá trị nhân thân và tiền tệ không phải là những đại lượng tương đương và không thể trao đổi ngang giá.
– Quyền nhân thân được xác lập trực tiếp trên cơ sở của những quy định pháp luật.
– Quyền nhân thân là một quyền tuyệt đối. Mỗi chủ thể có một giá trị nhân thân khác nhau nhưng được bảo vệ như nhau khi các giá trị đó bị xâm phạm.
Thứ hai, Quyền hiến xác của cá nhân sau khi chết mang những điểm riêng:
Đem lại lợi ích cho người khác, cho toàn xã hội, là niềm vui khi cứu sống được người khác đang mắc bệnh nguy kịch hiểm nghèo đang chờ sự giúp đỡ, đặc biệt là khi những người bệnh đó lại là người thân thích ruột thịt của mình, niềm vui khi thấy mình có thể cống hiến cho sự nghiệp nghiên cứu khoa học. Lợi ích của chủ thể thực hiện quyền này chủ yếu là về mặt tinh thần bởi họ sẽ cảm thấy khi mình sống hết cuộc đời rồi khi chết đi vẫn có thể làm được một việc có ích. Đó là những điểm riêng biệt của quyền hiến xác so với các quyền nhân thân khác.
*) Thực tiễn thi hành:
Trên thực tế, việc thực hiện quyền hiến xác, bộ phận cơ thể sau khi chết của cá nhân vẫn gặp rất nhiều khó khăn trở ngại cần khắc phục. Việc thực hiện quyền hiến xác còn khá hạn chế. Từ khi quyền hiến xác sau khi chết của cá nhân được ghi nhận nhưng số người hiến xác sau khi chết còn rất ít trong khi đó việc nghiên cứu học tập của y khoa và số bệnh nhân chờ được ghép các bộ phận cơ thể còn đang rất nhiều mà nguồn tạng, mô, các bộ phận cơ thể,…còn đang rất khan hiếm. Tại Việt Nam nhu cầu ghép tạng là rất lớn, nhất là ghép thận và ghép gan, nhưng y học không đáp ứng được chủ yếu vì thiếu nguồn tạng. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất của chúng ta là không có đủ người hiến tạng. Do vậy cần tăng cường khuyến khích mọi cá nhân tự nguyện đăng ký hiến xác sau khi chết hơn nữa. Có rất nhiều nguyên nhân khiến số lượng người hiến xác sau khi chết hạn chế:
+Thứ nhất, do phong tục tập quán của người Việt Nam ta “chết phải toàn thây” nên việc dụng chạm dao kéo vào người chết là một điều cấm kỵ.
+Thứ hai, do ảnh hưởng của tôn giáo chủ yếu là theo Phật giáo thì người chết chỉ là chấm dứt sự tồn tại ở thế giới này nhưng khi chết họ sẽ chuyển sang tồn tại ở một thế giới khác nên sự nguyên vẹn cơ thể là một điều quan trọng hơn nữa sau khi chết là lúc chuyển giao từ thể này sang thể khác nên hạn chế việc dụng chạm vào người chết.
+Thứ ba, do một số người còn chưa biết đến quyền này do ít tiếp cận đến các phương tiện thông tin đại chúng, hoặc biết nhưng chưa hiểu hết được những lợi ích mang lại cho người khác từ việc làm của mình hoặc là do người thân ngăn cản.
>>> Luật sư
*) Giải pháp pháp lý:
– Cần phải bổ sung về thủ tục và điều kiện thể hiện sự đồng ý của người quá cố.
– Về năng lực chủ thể của người hiến xác sau khi chết: Về năng lực chủ thể của người hiến là cần thiết trong trường hợp người đó hiến xác của mình khi còn sống hoặc đăng ký hiến sau khi chết. Tuy nhiên, trường hợp mà người chết không để lại di chúc mà gia đình họ làm đơn hiến xác của con mình nhằm mục đích cứu chữa người bệnh thì vấn đề năng lực nhận thức của người đó không nên đặt ra, bởi cho dù người đó có thể bị rơi vào trường hợp bị tâm thần hoặc mất năng lực hành vi đi chăng nữa thì cũng không có nghĩa là bộ phận cơ thể nào của họ cũng bị ảnh hưởng hoặc không sử dụng được để cứu chữa người bệnh. Do đó, chúng ta không nên đặt ra vấn đề khả năng nhận thức cũng như năng lực hành vi của người hiến trong những trường hợp như trên.
– Nên nghiên cứu quy định về điều kiện và trình tự, thủ tục cho phép người bị tuyên tử hình có quyền hiến xác của mình sau khi chết, đây là một việc làm rất nhân văn và mang tính nhân đạo sâu sắc. Vì thế nên có quy định về điều kiện hiến xác đối với tử tù trong trường hợp họ muốn hiến, ngoài những điều kiện chung về độ tuổi, năng lực nhận thức, sức khỏe… thì cần phải có những quy định đầy đủ hơn nữa về vấn đề này.
– Cần có quy định pháp lý rõ ràng về vấn đề chết não vì chết não là vấn đề khá nhạy cảm, vì bệnh nhân tim còn đập và mặc dù rằng chắc chắn họ không bao giờ sống lại được nhưng thân quyến thực sự khó chấp nhận cho cán bộ y tế ngừng mọi biện pháp hồi sức, thở máy, truyền dịch…. để mổ lấy phủ tạng. Vì vậy nên có quy định pháp lý rõ ràng để tránh khiếu kiện về sau.