Khái niệm chứng cứ trong tố tụng dân sự? Các đặc tính của chứng cứ trong tố tụng dân sự? Phân loại chứng cứ trong tố tụng dân sự? Nguồn của chứng cứ trong tố tụng dân sự?
Trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự, luôn diễn ra hoạt động chứng minh, kéo dài xuyên suốt vụ việc dân sự với các giai đoạn kế tiếp nhau liên tục từ khi Tòa án thụ lý cho đến khi bản án, quyết định của Tòa án hoặc đến khi chấm dứt tranh chấp/ Chứng minh là hoạt động tố tụng của chủ thể tố tụng theo quy định của pháp luật tố tụng trong việc làm rõ các sự kiện, tình tiết của vụ việc dân sự. Và vấn đề cơ bản, trước tiên và quan trọng nhất mà các chủ thể tiến hành và tham gia hoạt động chứng minh hướng tới là chứng cứ. Bài viết dưới đây chúng tôi sẽ cung cấp các thông tin về chứng cứ cũng như các đặc tính, đặc điểm của chứng cứ.
1. Khái niệm chứng cứ trong tố tụng dân sự
Chứng cứ là vấn đề trung tâm và quan trọng của tố tụng dân sự. Có thể nói, mọi hoạt động trong quá trình chứng minh chủ yếu xoay quanh vấn đề chứng cứ, mọi giai đoạn tố tụng dân sự mở ra, kết thúc và kết quả đều phụ thuộc phần lớn vào chứng cứ. Chứng cứ là phần quan trọng, lớn nhất để chứng minh vụ việc dân sự.
Dựa vào chứng cứ mà các đương sự có cơ sở xác đáng chứng minh bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình, các cơ quan tiến hành tố tụng có đủ hay không đủ điều kiện để xác định tình tiết của vụ việc dân sự đúng, đủ, chính xác để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho công dân và bảo vệ pháp luật. Vì vậy, nhận định chứng cứ có vai trò quan trọng nhất trong hoạt động chứng minh của tố tụng dân sự, từ đó giúp việc nhận thức đúng đắn về hoạt động thực tiễn.
Theo từ điển tiếng Việt, thì chứng cứ là cái được dẫn ra để dựa vào đó mà các định một điều là đúng hay sai, thật hay giả. Còn theo lý giải về mặt luật học thì chứng cứ là phương tiện để xác minh sự thật về vụ án. Luật có một số yêu cầu đối với chứng cứ nhằm đảm bảo tính xác thực cũng như kiểm tra và đánh giá tính đúng đắn chứng cứ: chứng cứ phải chứa đựng những tài liệu thực tế có liên quan đến vụ án cụ thể; chứng cứ phải được rút ra từ những nguồn do luật quy định… Những tình tiết có liên quan đến vụ án được ghi trong các tài liệu do cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân cung cấp có thể được coi là chứng cứ.
Theo quy định tại Điều 93
“Chứng cứ trong vụ việc dân sự là những gì có thật được đương sự và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác giao nộp, xuất trình cho Tòa án trong quá trình tố tụng hoặc do Tòa án thu thập được theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và được Tòa án sử dụng làm căn cứ để xác định các tình tiết khách quan của vụ án cũng như xác định yêu cầu hay sự phản đối của đương sự là có căn cứ và hợp pháp.”
Quy định trên của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 gần như kế thừa lại toàn bộ quy định về khái niệm chứng cứ được quy định trong Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004, sửa đổi bổ sung năm 2011, có sự thay đổi về cách sắp xếp từ ngữ trong quy định.
Chứng cứ có thể hiểu là những gì phản ánh sự thật khách quan, được đương sự và cá nhân, cơ quan, tổ chức khác giao nộp cho Tòa án hoặc do Tòa án thu thập được theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định. Trong một vụ việc dân sự thường có rất nhiều tình tiết, sự kiện mà quan hệ pháp luật giữa các bên đương sự phụ thuộc vào nó. Những tình tiết, sự kiện đó bao gồm các tin tức, dấu vết được thể hiện dưới những hình thức nhất định do Tòa án sử dụng làm cơ sở để giải quyết vụ việc dân sự được gọi là chứng cứ.
2. Các đặc tính của chứng cứ trong tố tụng dân sự
Để xác định được đâu là chứng cứ của vụ việc dân sự cần dựa vào các đặc tính của chứng cứ bao gồm tính khách quan, tính liên quan và tính hợp pháp
* Tính khách quan của chứng cứ
Chứng cứ trước hết phải là những gì có thật tồn tại khách quan không phụ thuộc vào ý chí chủ quan của con người. Chứng cứ là những gì có thật, tồn tại ngoài ý muốn của những người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng. Trong quá trình tố tụng, những người tiến hành tố tụng và những người tham gia tố tụng không thể tạo ra chứng cứ theo ý muốn chủ quan của họ mà chỉ có thể thu thập, nghiên cứu đánh giá và sử dụng chúng. Chứng cứ có tính khách quan bởi chứng cứ là cơ sở để nhận thức vụ việc dân sự. Giữa sự kiện có thật và sự kiện do con người tạo ra trong thực hiện xét xử thường gây ra nhầm lẫn, vì vậy, đánh giá tính khác quan của đối tượng để tìm ra chứng cứ có vai trò quan trọng trong quá trình tố tụng, đảm bảo việc giải quyết vụ việc dân sự được nhanh chóng, đúng đắn.
* Tính liên quan của chứng cứ
Chứng cứ là những sự kiện thực tế tồn tại khách quan và liên quan đến vụ, việc mà Tòa án dựa vào đó để giải quyết. Chứng cứ có tính liên quan bởi một vật luôn chứa đựng một tình tiết sự kiện, nếu sự kiện này có liên quan đến vụ việc dân sự, ý nghĩa đối với việc tìm ra sự thực khách quan của vụ việc đó thì đó là chứng cứ. Bộ luật Tố tụng dân sự quy định cụ thể các loại nguồn chứng cứ, tuy nhiên, Tòa án phải chọn lọc và đánh giá những gì có liên quan đến vụ việc. Thông thường, chứng cứ bao gồm những tin tức liên quan trực tiếp đến vụ việc dân sự, hoặc những tin tức liên quan gián tiếp, có tính chất trung gian, nhưng vẫn có khả năng giúp cho Tòa án công nhân hoặc phủ nhận được những tình tiết, sự kiện hay từ công nhận hoặc phủ nhận một tình tiết, sự kiện mà tìm ra được ý nghĩa của tình tiết, sự kiện khác. Như vậy, tính liên quan của chứng cứ có thể trực tiếp hoặc gián tiếp, tuy nhiên, cho dù là trực tiếp hay gián tiếp thì Tòa án cũng có thể sử dụng để giải quyết vụ việc dân sự sau khi áp dụng các biện pháp chọn lọc, đánh giá, phân tích,…
* Tính hợp pháp của chứng cứ:
Các tính tiết, sự kiện được coi là chứng cứ phải được thu thập, bảo quan, xem xét, đánh giá, nghiên cứu theo thủ tục luật định, có như vậy mới bảo đảm giá trị chứng minh. Trước hết, chứng cứ phải được pháp luật thừa nhận, các tình tiết, sự kiện chỉ được coi là chứng khi mà pháp luật tố tụng dân sự quy định nó được rút ra từ một trong các loại nguồn chứng cứ. Vật chứng phải luôn là vật gốc, có tính đặc định, liên quan đến vụ việc dân sự thì mới có giá trị pháp lý. Vì vậy, Tòa án không chỉ thu thập đúng trình tự mà phải bảo quản, giữ gìn, đánh giá chứng cứ một cách đầy đủ, toàn diện để đảm bảo tính đúng đắn, tính hợp pháp của chứng cứ.
Tính hợp pháp của chứng cứ được xác định cụ thể:
– Phải thu thập từ một trong các nguồn hợp pháp mà Bộ luật Tố tụng dân sự quy định
– Phải thu thập từ phương diện chứng minh hợp pháp mà Bộ luật Tố tụng dân sự
– Phải được giao nộp trong một thời hạn hợp pháp
– Phải được công bố công khai theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự
– Quá trình thu thập chứng cứ của các chủ thể không được vi phạm pháp luật. Nếu vi phạm pháp luật thì nó không có giá trị chứng minh, không được sử dụng làm căn cứ để giải quyết vụ án.
3. Phân loại chứng cứ trong tố tụng dân sự
Trên thực tế , chứng cứ thường được phân thành các loại khác nhau. Có nhiều cách phân loại, song phổ biến là dựa vào ba căn cứ sau:
– Dựa vào nguồn thu nhận chứng cứ: Chứng cứ được phân ra chứng cứ theo người và chứng cứ theo vật.
Chứng cứ theo người là chứng cứ được lấy từ lời khai của đương sự, người làm chứng, từ kết luận của giám định viên.
Chứng cứ theo vật được Tòa án thu thập từ những vật khác nhau và giấy tờ, tài liệu có liên quan.
– Căn cứ vào hình thức tạo thành chứng cứ mà chia ra làm chứng cứ gốc và chứng cứ thuật lại:
Chứng cứ gốc là những sự kiện thực tế đầu tiên về sự kiện cần chứng minh. Thông tin đó có liên quan trực tiếp đến sự kiện cần chứng minh.
Chứng cứ thuật lại là những chứng cứ được sao chép lại từ những chứng cứ khác. Giữa chứng cứ thuật lại và chứng cứ gốc là một khâu trung gian.
– Căn cứ vào mối liên hệ giữa chứng cứ với những sự kiện cần chứng minh: Chứng cứ được chia ra thành chứng cứ trực tiếp và chứng cứ gián tiếp.
Chứng cứ trực tiếp là những sự kiện, tình tiết, tin tức mà qua đó Tòa án có thể xác định ngay được mức độ đúng, sai các yêu cầu của đương sự. Ví dụ, bản di chúc có chữ ký của người chết, hoặc hợp đồng mua bán tài sản có chữ ký của các bên.
Chứng cứ gián tiếp là chứng cứ có vai trò, ý nghĩa quan trọng trong mối quan hệ đối với việc sử dụng chứng cứ trong hoạt động chứng minh. Chứng cứ gián tiếp khi được so sánh sử dụng trong mối liên hệ với các chứng cứ khác tạo cơ sở nhận định đầy đủ, toàn diện các tình tiết, sự kiện giúp Tòa án có kết luận giải quyết đúng đắn vụ việc dân sự.
4. Nguồn của chứng cứ trong tố tụng dân sự
Các loại nguồn của chứng cứ trong tố tụng dân sự hiện nay được quy định tại Điều 94 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015. Chứng cứ được thu thập từ các nguồn sau đây:
“1. Tài liệu đọc được, nghe được, nhìn được, dữ liệu điện tử.
2. Vật chứng.
3. Lời khai của đương sự.
4. Lời khai của người làm chứng.
5. Kết luận giám định.
6. Biên bản ghi kết quả thẩm định tại chỗ.
7. Kết quả định giá tài sản, thẩm định giá tài sản.
8. Văn bản ghi nhận sự kiện, hành vi pháp lý do người có chức năng lập.
9. Văn bản công chứng, chứng thực.
10. Các nguồn khác mà pháp luật có quy định.”
Đây chính là các nguồn mà các cơ quan tiến hành tố tụng căn cứ vào đó để thu thập chứng có. Nguồn chứng cứ được thể hiện rất đa dạng, có thể dưới dạng đồ vật, tài liệu hoặc cũng có thể chính là thể hiện dưới dạng âm thanh, văn bản có giá trị pháp lý,… Để xác định chứng cứ ở các loại nguồn chứng cứ trên, thì cần phải tiến hành xác định nội dung, tính khách quan của nó và tính liên quan đến vụ án dân sự đồng thời đảm bảo quá trình thu thập chứng cứ từ nguồn chứng cứ được thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục mà pháp luật tố tụng dân sự và pháp luật có liên quan quy định.