Định chế Thương mại thế giới sẽ là một thể chế đa phương hợp pháp, với địa vị pháp lý chính thức như là một tổ chức quốc tế và địa vị ngoại giao chính thức cho ban thư ký của nó. Các quy tắc chi tiết và cơ chế xử lý tranh chấp tự động và ràng buộc sẽ làm cho nó trở thành một trong những tổ chức quốc tế hợp pháp nhất trên thế giới.
Mục lục bài viết
1. Thích ứng với sự thay đổi về quyền lực, lợi ích và tư tưởng:
Những kết quả đạt được của các thể chế quốc tế có thể đem lợi ích không cân xứng cho các quốc gia hùng mạnh (Krasner 1991), nhưng các kết quả này có thể làm cho mọi quốc gia khá giả hơn. Do vậy, nhiều nhà phân tích đã cho thấy rằng những dàn xếp thể chế quốc tế có thể tạo thuận lợi cho việc ký kết các hợp đồng không ai bị thiệt (Pareto- improving contracts). Chẳng hạn, Milgrom, North và Weingast (1990) cho thấy rằng các thể chế thời Trung cổ của luật thương gia và các hội chợ thương mại đã giải quyết vấn đề tín nhiệm cơ bản đã từng là rào cản đối với thương mại đường dài, cung cấp các thông tin quan trọng về uy tín của những người bán hàng trong việc giao hàng và uy tín của những người mua hàng trong việc trả tiền. Những nhà phân tích khác đã cho thấy tình hình chung hơn về việc các thể chế quốc tế có thể giải quyết các vấn đề hợp tác mà nếu không như vậy sẽ là trở ngại để đạt được các thỏa thuận không ai bị thiệt (Keohane 1982, 1984; Stein 1993). Theo logic này, các thể chế quốc tế có thể giải quyết các vấn đề hợp tác bằng cách làm suy yếu hành vi cơ hội của các thành viên, thông qua các cơ chế như là theo dõi thu thập thông tin và giảm các chi phí giao dịch.
Theo cách hiểu này, GATT/WTO có thể được xem là tổ chức thực hiện các chức năng quan trọng cho các thành viên của nó, kể cả việc tạo điều kiện cho việc trao đổi thông tin quan trọng. Việc đạt được thỏa thuận về các quy tắc và nguyên tắc sẽ đem áp dụng cho gần 150 nước không phải là công việc dễ dàng. Nó đòi hỏi sự hiểu biết cấu trúc lập pháp về kinh tế chính trị của mỗi quốc gia và trong nhiều trường hợp, cả những thông tin cụ thể về các cơ cấu pháp luật và luật lệ. Sự có mặt liên tục của các nhà đàm phán của nhiều nước thành viên WTO tại một địa điểm duy nhất – Geneva – giảm được rất nhiều chi phí để có được thông tin. Cơ chế Rà soát Chính sách Thương mại của GATT/WTO nhằm làm ra báo cáo chi tiết về các luật pháp, quy định và thông lệ liên quan đến thương mại của mỗi nước thành viên cứ bốn năm một lần cung cấp thông tin phong phú cho các mục đích này. Các nỗ lực của ban thư ký nhằm thu thập, tổ chức và phân phát các thông tin chi tiết tới các cuộc đàm phán cụ thể sẽ giúp giải quyết cho vấn đề thông tin. Và mặc dù không phải tất cả các thành viên WTO đồng ý với thông lệ này, việc thành lập các nhóm đàm phán không chính thức từ một nhóm đại diện tiêu biểu cho các nước có lợi ích sẽ tạo thuận lợi cho việc trao đổi thông tin tốt hơn là khi thực hiện trong một tập thể khi mà tất cả các thành viên đều có mặt (Steinberg 2002a).
Các quy tắc GATT/WTO đã tạo thuận lợi cho việc mở rộng thương mại theo nhiều cách khác. Chẳng hạn, giả định về các nghĩa vụ pháp lý quốc tế đã có ảnh hưởng đến chính trị nội bộ bằng cách trói tay các chính phủ và dẫn dắt các nhà hoạch định chính sách những người thường coi những nghĩa vụ đó là cơ sở để chống lại các biện pháp bảo vệ mậu dịch (Goldstein 1996). Hơn nữa, giả định về các nghĩa vụ mở cửa thị trường có thể làm mất cân bằng chính trị nội bộ đối với việc tiếp tục mở cửa do làm mất đi thế lực của nhóm đã làm giàu và củng cố quyền lực thông qua bảo hộ mậu dịch.
Qua những năm tồn tại của GATT, các cơ chế về thể chế quốc tế và trong nước của sự liên kết lợi ích và sự trung gian được bổ sung và củng cố lẫn nhau. Chẳng hạn tại Mỹ, Quốc hội đã ủy quyền cho cơ quan hành pháp, là nơi tiến hành thỏa thuận tự do hóa cả gói ở mức độ quốc tế sao cho xây dựng được sự gắn bó chính trị trong nước. Có lẽ một vấn đề lớn nhất đối với thương mại ngày nay là các cơ chế thể chế trong nước và quốc tế không còn bổ sung cho nhau một cách đầy đủ nữa: hàng ngũ những người có liên quan trong nước đã được mở rộng, và các vấn đề quốc tế đã trở nên phức tạp và đòi hỏi sự thay đổi thể chế nội bộ nhiều hơn. Trong bối cảnh đó, việc trao quyền cho cơ quan hành pháp cam kết với những ý niệm đã có từ trước về điều gì cần đưa vào các hiệp định thương mại thì bây giờ sẽ can thiệp vào lợi ích liên kết và lợi ích trung gian.
GATT 1947 là con đẻ của thời đại chính trị lúc đó, nhưng thời đại thì thay đổi. Các thể chế có thể không thích ứng với các đòi hỏi chính trị khi chúng thực hiện các nhiệm vụ mới hoặc mở rộng. Mục đích chính của GATT là hạ thấp các rào cản thương mại tại biên giới: thuế quan, hạn ngạch, thuế quan đối kháng, thuế quan chống phá giá, các biện pháp tự vệ, cùng với biện pháp hành chính. Nhưng, như đã nói ở trên, những nỗ lực ban đầu về tự do thương mại đã gây ra “sự tràn đầy” – một tập hợp các rào cản thương mại mới và những nhu cầu để giải phóng những rào cản đó. Có nhà quan sát đã vì sự tràn đầy này như việc bóc vỏ củ hành: khi một lớp rào cản thương mại được bóc ra, thì lớp rào cản tiếp theo được lộ ra.
Từ khi GATT được soạn ra, lớp rào cản thương mại sâu hơn quả thực đã được phơi bày, tạo ra hàng chục chức năng mới hơn cho hệ thống GATT/WTO để hoạt động. Trong những năm 1960 và 1970, đã có nhu cầu tăng lên về những quy tắc chi tiết hơn nhằm điều chỉnh các hành động thuế quan chống phá giá và đối kháng, các thỏa thuận tự nguyện hạn chế, và sự mua sắm của chính phủ. Trong những năm 1980 và 1990, có sự xuất hiện nhu cầu cần xử lý các vấn đề “mới”, như là thương mại dịch vụ, bảo vệ sở hữu trí tuệ, và các biện pháp đầu tư nội bộ. Từ vòng đàm phán Uruguay, WTO đã bắt đầu đề cập đến các vấn đề bảo vệ môi trường, và chính sách cạnh tranh. Nói tóm lại, những hiện tượng tràn đầy không ngừng gây ra những đề tài “thương mại” mà trong lịch sử đã từng được coi là các biện pháp luật lệ trong nước. Nhận thức được sự thay đổi này, Stanley Hoffman đã không đồng ý với lối so sánh củ hành, ra tuyên bố rằng các hiện tượng tràn đầy thương mại trông giống cây atiso hơn là củ hành: từ năm 1947 đến năm 1979, chúng ta đã bóc ra các lá bên ngoài, và bây giờ chúng ta đi tới trung tâm của vấn đề – những sự khác biệt trong các hệ thống luật lệ quốc gia đã từng được bảo lưu theo truyền thống vì là vấn đề chủ quyền (Vogel 1986).
GATT/WTO đã đối mặt với những thách thức chính trị lớn khi chức năng trung tâm của nó được chuyển từ các biện pháp biên giới sang các vấn đề luật lệ trong nước. Chưa có gì rõ ràng là các nguyên tắc, thủ tục và các thông lệ về tự do hóa thương mại đã được áp dụng có kết quả vào trường hợp các biện pháp biên giới sẽ là thích hợp khi nó được áp dụng vào các biện pháp luật lệ nội bộ. Chẳng hạn, xem xét một lần nữa – sự tự do hóa thuế quan của GATT và các kiến nghị WTO để phối hợp hay điều hòa chính sách cạnh tranh, lần này xét từ góc độ so sánh tính hiệu quả của việc áp dụng các nguyên tắc cơ bản và các thủ tục về sự tự do hóa thuế quan với chính sách cạnh tranh. Các nguyên tắc truyền thống của GATT/WTO, như đối xử tối huệ quốc (MFN) và đối xử quốc gia, và những thông lệ điển hình của GATT/WTO, như là lối mặc cả kiểu “buôn bán ngựa” (lối mặc cả nói thách – ND) gắn với các cuộc thương lượng có đi có lại, đã trở nên khá hiệu quả và là trọng tâm đối với việc đàm phán giảm thuế quan đa phương, nhưng lại không chắc có hiệu quả hay là trọng tâm đối với việc điều hòa chính sách cạnh tranh.
Như đã nêu ở trên, GATT/WTO cần phản ứng lại trước những thay đổi về những vấn đề thương mại mà tổ chức này quan tâm, những thay đổi về quyền lực và lợi ích của các nhân tố trong nước và quốc tế, và những tư tưởng mới về các lợi ích của tự do thương mại. Sau thời gian nhất định những vấn đề sai lạc này cũng sẽ được tổ chức này xử lý thành công, dù ít hay nhiều. Sự thay đổi về địa chính trị, chẳng hạn sự xuất hiện Chiến tranh lạnh, lúc đầu đã hạn chế phần lớn sự tham gia của GATT vào khối phương Tây; ngược lại, sự kết thúc chiến tranh lạnh đã làm cho EC và Hoa Kỳ rảnh tay hơn trong việc đặt ra các luật lệ của WTO (Steinberg 2002a). Việc thay đổi các điều kiện kinh tế vĩ mô, như là cuộc khủng hoảng tài chính châu Á 1997, đã tạo ra đòn bẩy cho Hoa Kỳ và châu Âu mở cửa các thị trường mới thông qua các thỏa thuận của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).
Những tiến bộ kỹ thuật đã dẫn đến việc hình thành các thị trưởng toàn cầu thực sự cũng như khả năng để bán các loại dịch vụ cũng như các sản phẩm công nghiệp. Điều này cũng tạo ra sự khích lệ để thay đổi luật lệ WTO.
Sự thay đổi thể chế còn được thúc đẩy bởi nhiều yếu tố nội sinh. Hiện tượng tràn đầy từ các vòng đàm phán do thương mại sớm hơn đã tạo ra các thành viên mới cũng như các vấn đề cho định chế thương mại. Tương tự như vậy, cấu trúc của các cơ hội và sự khuyến khích do các quy tắc và thủ tục của WTO tạo ra để giải quyết tranh chấp có thể làm nảy sinh động lực của chính nó để không ngừng mở rộng luật lệ thương mại (Keohane, Moravcsik, và Slaughter 2000). Những luật lệ được áp dụng để phục vụ cho một mục đích này có thể đem lại các cơ hội hay sự khuyến khích để tạo ra động lực của chính nó. Sự thay đổi về một khía cạnh của thể chế có thể sản sinh đầu ra phản hồi lại các bộ phận khác của thể chế, đặt ra các đòi hỏi về chức năng mới đối với các bộ phận đó – mà chúng có thể hoặc không có thể thích ứng được.
Việc thiết kế lại thể chế hầu hết đặt dưới sự dẫn dắt của cộng đồng các nhà đàm phán thương mại, các quan chức ban thư ký, và các học giả – những người gắn bó với công việc của GATT/WTO. Người ta thường nhấn mạnh rằng GATT/WTO là một “tổ chức do thành viên thúc đẩy”, ý nói rằng những người đại diện cho các nước thành viên đưa ra các đề xuất và thương lượng các điều khoản của những luật lệ, nguyên tắc, thủ tục và thông lệ. Lịch sử của nhiều cuộc thương lượng của GATT/WTO hình như chứng minh cho quan điểm này (Paemen và Bensh 1995; Winham 1986; Wilcox 1972). Thế nhưng Ban thư ký GATT/WTO cũng đã đưa ra nhiều đề nghị thay đổi thể chế, phổ biến nhất có lẽ là đối với các thông lệ của GATT/WTO. Và đôi khi, các nhân tố phi nhà nước và các học giả cũng đưa ra những thay đổi về thể chế và được chấp nhận. Cuối cùng thì ý tưởng của những đối tượng nào chỉ rõ hình thức thay đổi cụ thể thể chế sẽ được chấp nhận.
Nhiều nhà bình luận nhận xét rằng GATT/WTO ngày càng trở nên hợp pháp hóa nhiều hơn, nổi bật nhất là qua Thỏa thuận Giải quyết Tranh chấp của Vòng đàm phán Uruguay. Liệu việc giải quyết tranh chấp của WTO bây giờ có “hợp pháp hóa quá mức” hay không đã được tranh cãi dưới nhiều góc độ (Steinberg 2004; Barfield 2001; Goldstein và Martin 2000). Một số nhà bình luận, như là Claude Barfield, lập luận rằng Vòng Uruguay đã tạo ra một quá trình hợp pháp hóa quá mức, khi được nhìn nhận dưới bối cảnh hệ thống pháp lý của WTO nói chung. Barfield lập luận rằng việc hợp pháp hóa quá trình giải quyết tranh chấp đã sinh ra chủ nghĩa tích cực pháp lý (judicial activism) và sự chi tiết hóa trong việc giải thích các thỏa thuận WTO. Ông ta coi đây là một “lỗi hợp hiến”: xét đến khả năng lập pháp yếu ớt của WTO theo quy tắc quyết sách đồng thuận, thì “chi nhánh chính trị” của WTO càng không có khả năng phản ứng có kết quả để đưa ra các quyết sách giải quyết tranh chấp có tính chất chính trị. Để hiểu rõ Barfield đúng hay sai đòi hỏi sự phân tích các khía cạnh chính thức và không chính thức của tổ chức đầy đủ hơn so với điều ông ta đưa ra. Việc làm luật tư pháp phải là sự phản ứng chức năng đối với một vấn đề cụ thể của định chế; nghĩa là việc làm luật như vậy là sự lấp chỗ trống và làm rõ sự mơ hồ vốn có đối với mọi văn bản luật và Cơ quan Phúc thẩm thực hiện các chức năng đó sao cho không làm thay đổi cơ bản và có hại cho sự cân bằng về quyền lợi và trách nhiệm của các quốc gia hùng mạnh. Các nhà phân tích cần phải hiểu rõ không những động lực gây ra sự thay đổi cụ thể trong cơ cấu mà còn các hậu quả của sự thay đổi đối với môi trường chính trị rộng lớn hơn nơi luật lệ thương mại xuất hiện.
2. Những cách nhìn khác về Định chế Thương mại:
Sự phân tích chính trị các thể chế GATT/WTO đã không trùm lên cách nhìn của các nhà bình luận Mỹ đối với tổ chức này. Quả vậy, nhiều phân tích chính trị và nhiều kiến nghị thay đổi thể chế đưa ra là do sự thúc đẩy của các quan điểm kinh tế và pháp lý truyền thống. Những người cổ vũ cho “dân chủ hóa” WTO đã tham gia vào cuộc tranh luận ngày càng nhiều hơn. Quan điểm chính trị được nêu ra ở đây là sự bổ sung cho cách nhìn khác này.
Sự phân tích kinh tế các thể chế quốc tế phần lớn xuất phát từ hai phong trào trí thức ở Bắc Mỹ có liên hệ với nhau: phong trào khoa học kinh tế thương mại tại các khoa kinh tế của các trường đại học và các chuyên gia kinh tế, và phong trào luật pháp – kinh tế học tại các trường luật. Các phân tích kinh tế về tính hiệu năng của GATT/WTO được dựa trên các công thức cổ điển của học thuyết lợi thế tương đối và các học thuyết khác. Các nhà kinh tế về thương mại đã chỉ trích suốt một thế hệ các quy tắc của hệ thống thương mại thế giới và các luật lệ thương mại quốc gia về tính kém hiệu năng do các rào cản thương mại. Phong trào thứ hai xuất hiện từ cuối những năm 1950 và 1960, khi các học giả về luật bắt đầu áp dụng các phương pháp kinh tế và đo lường vào phân tích luật pháp (Coase 1960; Calabresi và Melamed 1972). Phương pháp tiếp cận này nở rộ vào những năm 1970 trở thành một trong những phong trào có ảnh hưởng nhất trong nửa cuối thế kỷ qua về phân tích các thể chế luật pháp. Alan Sykes, có thể được coi là học giả nổi tiếng nhất về
Tính hiệu quả là một mục tiêu quan trọng, thích hợp và trung tâm đối với hệ thống thương mại thế giới, và không có phong trào hàn lâm nào ở Bắc Mỹ trở nên gắn kết, lớn tiếng và có ảnh hưởng đến chính sách thương mại hơn phong trào kinh tế học thương mại. Tuy nhiên, cũng giống như phương pháp lượng hóa chuẩn tắc (normative metrics) khác, sự đánh giá tích cực tính khả thi kết quả của nó phụ thuộc vào yếu tố bên ngoài. Sự tối đa hóa hiệu quả không phải là tối đa hóa sự ủng hộ chính trị đối với tự do hóa, đa phương hóa thương mại, một phần là vì tối đa hóa tính hiệu quả không thể giải thích quyền lực chính trị tương đối của các nhóm lợi ích đối với các vấn đề chính sách thương mại. Chẳng hạn, những người tiêu dùng có lợi từ tự do hóa thương mại thường gặp phải vấn đề hành động tập thể trong nỗ lực tổ chức để ủng hộ tự do thương mại thuần túy, trong đó các nhà sản xuất, mà một số người là đối thủ cạnh tranh nhập khẩu ủng hộ chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch, có thể dễ dàng tổ chức để thiên vị cho những tính toán chính trị của các quan chức được bầu (Olsen 1971). Hơn nữa, tùy thuộc vào mức độ kém hiệu quả chưa được phát hiện, cách tiếp cận hướng về hiệu quả không thể ước lượng chính xác sự ổn định chính trị của thương mại tự do chính thống mà nó ủng hộ. Trong khi sự an toàn đối với những bất ổn về kinh tế và xã hội do sự tự do hóa gây ra có thể được bù đắp từ những hiệu quả thu được, thì tính hiệu quả không tự nói lên các vấn đề về công bằng sẽ được giải quyết (Okun 1975). Và nhiều nhà môi trường quan ngại điều đó sẽ vượt quá những ý tưởng truyền thống về giá trị kinh tế (Leopold 1990). Do vậy cách tiếp cận về tính hiệu quả không tự thân nó giải thoát hay đánh giá cao chức năng ổn định chính trị của việc duy trì “các van an toàn” (như là một số luật về bù đắp thương mại) hay cách thức theo đó một thể chế tự do hóa nói chung có thể có một số quy tắc không tự do vì chúng “đã được hiện diện” trong bối cảnh chính trị xã hội cụ thể (Ruggie 1983). Những vấn đề này thường được coi là những yếu tố thể chế thứ yếu và được giải thích bằng lập luận chính trị phụ thêm.
Các nhà bình luận pháp lý quốc tế và các nhà hoạt động thực tế có đưa ra những đề nghị về thể chế cho hệ thống GATT/WTO khác với những đề nghị của các nhà kinh tế. Trong khi có những ngoại lệ đáng chú ý,13 thì phần lớn công việc của các nhà bình luận pháp lý đã làm tăng tính pháp lý của hệ thống GATT/WTO: luật lệ chính xác nhiều hơn; tăng cường ủy quyền giải quyết tranh chấp cho các cơ quan tư pháp; và tăng sự tuân thủ nghĩa vụ của các thành viên. Nhiều nhà bình luận pháp lý của GATT/WTO ủng hộ quan điểm làm cho hệ thống pháp lý của WTO có tính hoàn thiện và dự đoán được, phần lớn bằng cách thông qua lấp đầy các kẽ hở và làm rõ tính chất mơ hồ, cũng như sự tuân thủ, tính mạch lạc và năng động trong hệ thống pháp lý (Pauwelyn 2001; Jackson 2000; Trachtman 1999).
Không nghi ngờ gì nữa, hệ thống GATT/WTO đã được luật pháp hóa ngày càng nhiều kể từ năm 1970, khi mà “Văn hóa luật pháp” bắt đầu xuất hiện tại nhiều nước thành viên. Các thỏa thuận Vòng Uruguay rõ ràng đã đưa hệ thống tiến tới việc xác lập các luật lệ và việc thực thi nhiều hơn. Và từ khi được thành lập, Cơ quan Phúc thẩm của WTO đã đưa ra nhiều quyết định dựa trên việc mở rộng công pháp quốc tế và tăng cường độ chính xác của các luật lệ WTO (Steinberg 2004; Palmeter và Mavroidis 1998).
Phần nhiều những đề xuất này và nội dung của xu thế luật pháp hóa (sẽ thảo luận ở phần sau) có thể không gắn kết với khía cạnh chính trị của định chế thương mại. Chẳng hạn, trong khi nghĩa vụ pháp lý là tuân theo nghiêm ngặt với các quyết định của Cơ quan Giải quyết Tranh chấp của WTO (Jackson 1997b), thì việc tuân thủ này có thể không phù hợp chính trị trong tất cả các bối cảnh. Trong một số hoàn cảnh, khi các thế lực chính trị nội bộ được liên kết với nhau mạnh mẽ hoặc được quần chúng ủng hộ chống lại việc tuân thủ, thì quốc gia có thể cần phải có “sự đền bù” bằng cách hạ thấp thuế quan đối với sản phẩm từ các nước bị vô hiệu hóa hoặc bất lợi do kết quả của sự vi phạm quy tắc WTO (Bello 1996). Ở nơi mà việc đền bù giải phóng một khối lượng thương mại bằng với việc đóng cửa thương mại do sự vi phạm quy tắc, thì kết quả của việc này có thể có hệ quả tương đương với khi tuân thủ quy tắc. Sự khác biệt là ở chỗ sự vi phạm có đền bù là có hiệu quả về chính trị nhiều hơn: quốc gia vi phạm sẽ cho rằng việc vi phạm và đền bù có lợi hơn là tuân thủ. Và quốc gia nạn nhân do việc không tuân thủ sẽ không bị thiệt hơn so với thực trạng vì quốc gia đó sẽ được đền bù. Do đó, cách tiếp cận vi phạm thỏa thuận cho phép giải quyết tranh chấp thương mại thông qua một tập hợp các giải pháp thể chế có sự ổn định chính trị nhiều hơn so với cách tiếp cận tuân thủ nghiêm ngặt pháp luật.
Sự hoàn thiện, tính có thể dự đoán, sự mạch lạc và sự năng động là các mục tiêu hợp lý đối với hệ thống pháp lý của WTO. Nhưng để đạt được các mục tiêu này thông qua Cơ quan Phúc thẩm đòi hỏi phải có luật tư pháp, mà luật này có thể làm yếu đi hay tăng cường sự ủng hộ chính trị dành cho tổ chức này. Sự phân tích chính trị là cần thiết để hiểu được giới hạn hoạt động của luật tư pháp nếu muốn tránh làm suy yếu sự ủng hộ chính trị dành cho hệ thống.
Cuối cùng, một số nhân tố phi nhà nước mới và các nhà bình luận phê phán rộng rãi “sự thiếu dân chủ” tại WTO. Họ phê phán về việc WTO thiếu sự minh bạch bên ngoài (nghĩa là tính bí mật “của bản thân nó”) và hạn chế các cơ hội cho NGO (Tổ chức phi chính phủ) tham gia vào quá trình quyết sách thương mại và giải quyết tranh chấp của WTO (Charnovitz 2002; Atik 2001; Raustiala 2000; Wallach 2000). Một nhà bình luận cho rằng các quá trình quyết sách của WTO cần phải giống với “các thông lệ hợp pháp và đã được chấp nhận mà đã được các quốc gia tự do dân chủ tán thành rộng rãi” (Raustiala 2000). Đồng thời, nhiều nhà đàm phán của các nước đang phát triển phê phán về việc thiếu “sự minh bạch nội bộ” trong WTO, cho rằng quá trình đàm phán là “thiếu dân chủ” và thiên vị đối với họ. Những phân tích mới nhất về những khiếm khuyết về tính dân chủ tại WTO nhanh chóng mổ xẻ “dân chủ” nhằm đo lường kết quả hoạt động của WTO và đề xuất các giải pháp (Keohane và Nye 2003; Howse 2002b; Dahl 1999).
“Dân chủ” có một sức mạnh hùng biện không thể phủ nhận ở hầu hết mọi nơi trên thế giới, và do đó đặc tính dân chủ của WTO làm cho nó có được tính hợp pháp và sự ủng hộ về chính trị dành cho tổ chức. Nhưng theo cách nhìn của những người quan tâm đến việc duy trì hay tăng cường sự ủng hộ chính trị đối với WTO và tự do hóa thương mại, thì thậm chí những người chỉ trích WTO nhiều nhất về tính dân chủ là vừa phiến diện, vì họ nhìn nhận tính hợp pháp chỉ ở khía cạnh dân chủ và không tính đến các yếu tố khác có ảnh hưởng đến tính bền vững chính trị, và vừa ôm đồm, vì họ có thể tính đến một thứ triết lý đạo đức mà không phải là cốt yếu đối với sự ủng hộ chính trị dành cho tổ chức. Ở mức độ quốc tế, một quá trình dân chủ đầy đủ sẽ không bền vững về chính trị: chẳng hạn, các nước có thương mại hùng mạnh có thể rút lui khỏi một định chế thương mại với lá phiếu có sức nặng về dân số; và các nước đang phát triển đang chống lại một cách cay cú đối với việc tăng cường tính minh bạch đối với bên ngoài, mà họ coi đó là một phương tiện để các NGO do phía Bắc thống trị thâm nhập nhiều hơn vào WTO.
Nói tóm lại, không phủ nhận tầm quan trọng của tính hiệu quả, trật tự luật pháp hay tính dân chủ trong định chế thương mại thế giới. Nhưng trong các giá trị này, chẳng có cái nào có thể hoàn thiện được, và bản thân định chế này cũng không thể tồn tại nếu các thể chế WTO không hoạt động được về mặt chính trị.