Khái quát về vấn đề thuế tại nước ta hiện nay? Phân biệt thanh tra thuế và kiểm tra thuế? Điểm giống nhau, điểm khác nhau giữa thanh tra thuế và kiểm tra thuế?
Xã hội ngày càng phát triển, thu nhập của người dân ngày một cao. Cùng với đó, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh lần lượt ra đời. Để đảm bảo sự bình ổn của kinh tế cũng như tạo sự công bằng trong xã hội, Nhà nước đã đưa ra những quy định về thuế, chủ thể tham gia đóng thuế và việc giám sát hoạt động thuế tại nước ta. Dưới đây là bài viết về việc phân biệt và so sánh giữa thanh tra thuế và kiểm tra thuế.
Luật sư
Mục lục bài viết
1. Khái quát về vấn đề thuế tại nước ta hiện nay:
– Thuế là một khoản thu bắt buộc, không bồi hoàn trực tiếp của Nhà nước đối với các tổ chức và các cá nhân nhằm đáp ứng nhu cầu chi tiêu của Nhà nước vì lợi ích chung. Thuế giữ vai trò quan trọng trong xã hội hiện tại nếu không có thuế nhà nước sẽ không thể hoạt động vững mạnh. Trong các nguồn thu của ngân sách nhà nước thì thuế được coi là khoản thu quan trọng nhất, mang tính chất ổn định lâu dài và khi nền kinh tế càng phát triển thì khoản thu này càng tăng. Thuế là công cụ góp phần điều chỉnh các mục tiêu kinh tế vĩ mô: Góp phần thực hiện chức năng kiểm kê, kiểm soát, quản lý hướng dẫn và khuyến khích phát triển sản xuất, mở rộng lưu thông đối với tất cả các thành phần kinh tế theo hướng phát triển của kế hoạch nhà nước, góp phần tích cực vào việc điều chỉnh các mặt mất cân đối lớn trong nền kinh tế quốc dân.
– Thuế là khoản thu bắt buộc mà các cá nhân, tổ chức phải tuân thủ thực hiện. Nó đóng vai trò quan trọng trong việc tăng cường ngân sách Nhà nước, phục vụ lợi ích chung của Nhà nước. Thông thường, các công ty, doanh nghiệp, các cá nhân có thu nhập kinh tế cao đều phải tiến hành đóng thuế. Đây là trách nhiệm, nhiệm vụ chung của người dân. Điều này góp phần tăng giá trị kinh tế cho ngân sách chung của Nhà nước, giúp các cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm với nghĩa vụ của mình, chính là việc đóng thuế. Chính vì ý nghĩa đặc biệt quan trọng của thuế, nên Nhà nước đã quản lý hoạt động này thông qua việc kiểm tra thuế và thanh tra thuế. Thực tế có thể thấy sự tác động của thuế có ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế, đến việc điều tiết kinh tế thị trường của Nhà nước. Thông qua thuế, Nhà nước thực hiện định hướng phát triển sản xuất. Chính sách thuế có định hướng phân biệt, có thể góp phần tạo ra sự phát triển cân đối hài hoà giữa các ngành, các khu vực, các thành phần kinh tế, làm giảm bớt chi phí xã hội và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
– Về cơ bản, hiện nay ở nước ta, việc đóng thuế được cá nhân, cơ quan, tổ chức thực hiện đóng nghiêm chỉnh. Các cá nhân có thu nhập cao sẽ tuân thủ đảm bảo đóng thuế thu nhập cá nhân theo quy định của pháp luật. Các công ty, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất cũng tiến hành đóng thuế hàng năm. Số tiền thuế sẽ tương đương với giá trị tài sản mà các cá nhân, tổ chức có được trong hoạt động kinh doanh, lao động của mình. Việc đóng thuế có ý nghĩa, vai trò đặc biệt quan trọng. Thuế là một công cụ góp phần điều chỉnh các mục tiêu kinh tế vĩ mô của Nhà nước, Chính sách thuế được đặt ra không chỉ nhằm mang lại số thu đơn thuần cho ngân sách mà yêu cầu cao hơn là qua thu góp phần thực hiện chức năng việc kiểm kê, kiểm soát, quản lý hướng dẫn và khuyến khích phát triển sản xuất; đồng thời Nhà nước dùng thuế để điều tiết phần chênh lệch giữa người giàu và người nghèo, thông qua việc trợ cấp hoặc cung cấp hàng hoá công cộng, điều này góp phần tạo công bằng xã hội.
2. Phân biệt thanh tra thuế và kiểm tra thuế:
Thanh tra thuế và kiểm tra thuế là các hoạt động chính trong việc Nhà nước quản lý thuế. Ngoài nhiệm vụ chung là làm phương tiện để cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thanh tra, kiểm tra quá trình hoạt động thuế, góp phần thúc đẩy sự phát triển chung của kinh tế đất nước, thì hai hoạt động này còn có những điểm khác biệt nhất định, cụ thể như sau:
2.1. Điểm khác nhau giữa thanh tra thuế và kiểm tra thuế:
– Về khái niệm:
+ Kiểm tra thuế là hoạt động thường xuyên mang tính nghiệp vụ của cơ quan quản lý thuế nhằm đánh giá tính đầy đủ, chính xác của các thông tin, chứng từ trong hồ sơ thuế hoặc đánh giá việc tuân thủ pháp luật của người nộp thuế. Về nguyên tắc, nó là hoạt động giám sát của cơ quan thuế đối với các hoạt động, giao dịch liên quan đến phát sinh nghĩa vụ thuế và tình hình thực hiện thủ tục hành chính thuế, chấp hành nghĩa vụ nộp thuế nhằm đảm bảo pháp luật thuế được thực hiện nghiêm chỉnh trong đời sống kinh tế – xã hội.
+ Thanh tra thuế là hoạt động của cơ quan quản lý thuế nhằm đánh giá việc chấp hành pháp luật của người nộp thuế, xác minh và thu thập chứng cứ để xác định hành vi vi phạm pháp luật về thuế dựa trên cơ sở phân tích thông tin, dữ liệu liên quan đến người nộp. Thực chất, thanh tra thuế là hoạt động thanh tra chuyên ngành, được tiến hành bởi, cơ quan quản lý chuyên ngành Thuế (cơ quan thuế) đối với các tổ chức, cá nhân (người nộp thuế) trong việc thực hiện pháp luật về thuế, xử lý các vi phạm pháp luật thuế nhằm đạt được các mục tiêu của quản lý thuế.
– Chủ thể tiến hành: chủ thể tiến hành kiểm tra thuế rộng hơn chủ thể tiến hành thanh tra thuế.
+ Chủ thể kiểm tra thuế bao gồm các cơ quan, bộ phận và công chức quản lý thuế nhà nước. Việc kiểm tra thuế sẽ do cơ quan quản lý trực tiếp việc nộp thuế của cá nhân, tổ chức thực hiện tại cơ quan quản lý thuế hoặc tại trụ sở của người nộp thuế. Thông thường, việc kiểm tra thuế được diễn ra tại trụ sở cơ quan thuế dựa trên hồ sơ kê khai thuế của người nộp thuế. Ngoài ra, việc kiểm tra thuế có thể diễn ra tại trụ sở của người nộp thuế nếu họ không tự giác sửa đổi, bổ sung những nội dung sai sót mà cơ quan thuế đã kiểm tra, phát hiện và yêu cầu.
+ Chủ thể thanh tra thuế bao gồm tổ chức thanh tra chuyên trách của nhà nước trong lĩnh vực thu, chỉ có tổ chức thanh tra mới có quyền thực hiện hoạt động thanh tra.
– Nội dung:
+ Nội dung kiểm tra thuế là những vấn đề trong hiện tại dễ nhận biết thực chất của chúng hơn. Nội dung kiểm tra bao gồm những nội dung cụ thể của kiểm tra trước, trong và sau khi các hoạt động kinh tế – xã hội phát sinh cũng như kiểm tra việc thực hiện các chính sách pháp luật, chế độ pháp lý của nhà nước nhưng chủ yếu là kiểm tra thường xuyên trong quá trình thực hiện kế hoạch kinh tế – xã hội. Vì vậy dễ nhận biết được thực chất của vấn đề mà không đòi hỏi phải có những nghiệp vụ phức tạp để xác minh tài liệu chứng cứ mà vẫn có thể đánh giá đúng đắn và kết luận chính xác.
+ Thanh tra thuế thường là những vấn đề phức tạp bao gồm những hành vi thuộc về quá khứ, hoạt động thanh tra là kiểm tra ở giai đoạn sau khi các hoạt động kinh tế – xã hội phát sinh. Vì thế hoạt động thanh tra phải giải quyết các vấn đề tồn đọng trong quản lý, giải quyết các khiếu nại, tranh chấp với khách thể kiểm tra vi phạm pháp luật. Nội dung của thanh tra thường là những vấn đề phức tạp, có những vấn đề bề nổi, song rất nhiều vấn đề bị che đậy bởi những bề ngoài khác nhau, dễ gây những nhận định khác nhau và khó nhận biết được bản chất.
– Nguyên tắc quản lý:
+ Đối với kiểm tra thuế:
Được tiến hành với bất kỳ người nộp thuế nào. Kiểm tra thuế tại trụ sở cơ quan quản lý thuế thực hiện thường xuyên đối với các hồ sơ thuế, kiểm tra thuế tại trụ sở người nộp thuế thực hiện với các trường hợp: Người nộp thuế không giải trình, khai bổ sung hồ sơ thuế theo yêu cầu của cơ quan quản lý thuế hoặc giải trình, khai bổ sung không đúng, không chứng minh được số thuế phải nộp, số thuế miễn, giảm, hoàn đúng. Các trường hợp kiểm tra sau thông quan gồm kiểm tra theo kế hoạch, kiểm tra chọn mẫu, kiểm tra đối với hàng hóa xuất nhập khẩu. Kiểm tra đối với các đối tượng kiểm tra theo tiêu chí đánh giá rủi ro về thuế.
+ Đối với thanh tra thuế:
Khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật về thuế. Để giải quyết khiếu nại, tố cáo hoạch thực hiện các biện pháp phòng, chống tham nhũng. Theo yêu cầu của công tác quản lý thuế trên cơ sở kết quả phân loại rủi ro trong quản lý thuế. Theo kiến nghị của Kiểm toán nhà nước, kết luận của Thanh tr nhà nước và cơ quan khác có thẩm quyền.
– Về thời hạn tiến hành:
+ Đối với kiểm tra thuế: Thời hạn kiểm tra được xác định trong quyết định kiểm tra nhưng không quá mười ngày làm việc tại trụ sở của người nộp thuế (thời hạn kiểm tra được tính từ ngày công bố quyết định kiểm tra); trường hợp phạm vi kiểm tra lớn, nội dung phức tạp thì người đã quyết định kiểm tra có thể gia hạn một lần nhưng không quá mười ngày làm việc tại trụ sở của người nộp thuế. Lập biên bản kiểm tra thuế trong thời hạn năm ngày làm việc kể từ ngày hết thời hạn kiểm tra.
+ Đối với thanh tra thuế: Cuộc thanh tra do Thanh tra Chính phủ tiến hành không quá sáu mươi ngày, trường hợp phức tạp thì có thể kéo dài, nhưng không quá chín mươi ngày. Đối với cuộc thanh tra đặc biệt phức tạp, liên quan đến nhiều lĩnh vực, nhiều địa phương thì thời hạn thanh tra có thể kéo dài, nhưng không quá 150 ngày. Cuộc thanh tra do Thanh tra tỉnh, Thanh tra bộ tiến hành không quá 45 ngày, trường hợp phức tạp thì có thể kéo dài, nhưng không quá 70 ngày. Cuộc thanh tra do Thanh tra huyện, Thanh tra sở tiến hành không quá 30 ngày; ở miền núi, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn thì thời hạn thanh tra có thể kéo dài, nhưng không quá 45 ngày.
2.2. Điểm giống nhau giữa thanh tra thuế và kiểm tra thuế:
Dù có những điểm khác biệt, song về nguyên tắc, hoạt động kiểm tra thuế và thanh tra thuế phải tuân thủ theo những quy định chung của Nhà nước và pháp luật. Cụ thể như sau:
– Thứ nhất, thanh tra, kiểm tra thuế được thực hiện trên cơ sở phân tích thông tin, dữ liệu liên quan đến người nộp thuế, đánh giá việc chấp hành pháp luật của người nộp thuế, xác minh và thu thập chứng cứ để xác định hành vi vi phạm pháp luật về thuế. Tức ở đây, cơ quan chức năng có thẩm quyền phải tiến hành điều tra, phân tích dữ liệu để đưa ra những kết quả, xem xét xem cơ quan, tổ chức, cá nhân có vi phạm việc đóng thuế hay không. Từ đó đưa ra những biện pháp xử lý kịp thời.
– Thứ hai, thanh tra, kiểm tra thuế không cản trở hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức, cá nhân là người nộp thuế. Thanh tra, kiểm tra thuế là việc giám sát, quản lý hoạt động đóng thuế của các cá nhân, tổ chức. Đây là công việc điều tra, kiểm tra của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Còn doanh nghiệp, cá nhân chỉ cần thực hiện việc đóng thuế, việc kiểm tra đúng sai thuộc thẩm quyền của cơ quan ban ngành. Do đó, việc thanh tra, kiểm tra này không được ảnh hưởng, làm gián đoạn hoạt động làm việc bình thường của các cá nhân, tổ chức.
– Thứ ba, thanh tra, kiểm tra thuế phải tuân thủ quy định của Luật Quản lý thuế và các quy định khác của pháp luật có liên quan. Thực chất, thanh tra, kiểm tra thuế là hoạt động của Nhà nước nhằm đảm bảo hoạt động đóng thuế của các cá nhân, tổ chức được thực hiện một cách nghiêm chỉnh. Pháp luật về thuế được xem là căn cứ pháp lý, điều chỉnh hoạt động của các cá nhân, tổ chức liên quan đến lĩnh vực này. Và việc thanh tra, kiểm tra thuế cũng phải tuân thủ pháp luật. Điều này giúp cho quá trình kiểm tra, thanh tra diễn ra một cách khách quan, không xảy ra sai phạm, bảo vệ một cách tối đa quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân và Nhà nước.