Ranh giới giữa hành vi lợi dụng với hành vi lạm dụng không phải bao giờ cũng được hiểu rõ ràng, tách bạch; tuy nhiên về cơ bản, lợi dụng là việc sử dụng quyền hạn của bản thân để mưu lợi riêng không chính đáng; lạm dụng là việc sử dụng quá mức, vượt quá giới hạn quyền hạn quy định.
Mục lục bài viết
- 1 1. Phân biệt tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản với tội tham ô tài sản:
- 2 2. Phân biệt tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản với tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ:
- 3 3. Phân biệt tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản với tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ hay với tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi:
- 4 4. Phân biệt tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản với một số tội phạm chiếm đoạt tài sản:
1. Phân biệt tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản với tội tham ô tài sản:
Lạm dụng chức vụ quyền hạn, chiếm đoạt tài sản với tham ô tài sản là hai hành vi nguy hiểm cùng được quy định trong chương XXIII với nhiều điểm tương đồng dễ gây nhầm lẫn. Xét về yếu tố thúc đẩy người có chức vụ thực hiện hai tội phạm này đều có động cơ giống nhau đó là chiếm đoạt tài sản, tuy nhiên điểm tạo nên sự khác nhau là chủ sở hữu tài sản. Nếu như đối tượng tác động của tội tham ô tài sản là tài sản do người phạm tội quản lý một cách hợp pháp, và là tài sản của Nhà nước hoặc tổ chức doanh nghiệp; thì đối với tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản, đối tượng tác động là tài sản không thuộc sự quản lý hợp pháp của bản thân (tài sản của người khác và dưới sự quản lý hợp pháp của người khác), chủ sở hữu tài sản có thể là nhà nước doanh nghiệp hay bất cứ cá nhân nào. Nói cách khác chủ thể của tội tham ô tài sản bao giờ cũng có mối liên hệ rõ ràng với tài sản – là người trực tiếp quản lý tài sản đó.
Xét về hành vi khách quan: Đối với tội tham ô tài sản, người phạm tội thực hiện “hành vi dịch chuyển trái pháp luật tài sản đang thuộc quyền sở hữu của nhà nước, của tập thể hoặc của các tổ chức, đơn vị ngoài nhà nước thành tài sản của mình” [8, tr. 609]. Hành vi chuyển dịch tài sản bất hợp pháp có thể được thực hiện dưới nhiều hình thức khác nhau một cách trực tiếp hoặc gián tiếp; ví dụ như trường hợp người phạm tội tự thực hiện hành vi chuyển dịch tài sản như: kế toán tự lập phiếu thu, phiếu chi để chiếm đoạt tài sản, thủ kho tự lấy sản phẩm trong kho đem bán...; hay thực hiện một cách gián tiếp như Giám đốc lệnh cho thủ quỹ đưa tiền cho mình. Đối với tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản, thì người phạm tội sử dụng quyền hạn của mình làm phương tiện để thực hiện một hành vi vượt quá trách nhiệm được giao nhằm chiếm đoạt tài sản ví dụ như lạm dụng chức vụ, quyền hạn đe dọa, uy hiếp về mặt tinh thần làm chủ tài sản phải giao tài sản; lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản của người khác giao cho mình trên cơ sở tín nhiệm;...
2. Phân biệt tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản với tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ:
Cùng xuất phát từ tính chất vượt quá của quyền hạn, chức vụ, song không vì thế mà lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản với lạm quyền trong khi thi hành công vụ trở nên nhầm lẫn. Theo đó, khác với hành vi lạm quyền ở tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản, hành vi lạm quyền quy định tại Điều 357 BLHS năm 2015 không phải là phương tiện để người phạm tội chiếm đoạt tài sản của người khác mà là nguyên nhân gây ra những thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước, của xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân. Hay nói cách khác lạm quyền ở đây không phải là thủ đoạn phạm tội mà là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến các hậu quả vật chất, ví dụ như: Chủ tịch phường ra lệnh dỡ nhà dân để giải phóng mặt bằng hay chủ tịch xã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính quá mức tiền phạt mà pháp luật quy định, ... Mối liên hệ nhân quả mang tính chất trực tiếp giữa hành vi vượt quá giới hạn công vụ và hậu quả tội phạm là nội dung chủ yếu tạo nên sự khác biệt giữa tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ và tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản.
Ngoài ra, động cơ của tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ cũng không nhất thiết là chiếm đoạt tài sản. Hành vi vượt quá công vụ gây thiệt hại đáng kể (trên 10.000.000 đồng theo quy định khoản 1 Điều 357 BLHS năm 2015) thì có thể bị xem xét truy cứu TNHS. Tuy nhiên, xét về mặt chủ quan “vụ lợi và động cơ cá nhân khác” vẫn được xem là yêu cầu bắt buộc khi xem xét cấu thành của tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ.
3. Phân biệt tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản với tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ hay với tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi:
Lạm dụng và lợi dụng là hai thuật ngữ khó phân biệt trên thực tiễn, tuy có nội hàm khác nhau nhưng từng được giải thích là một. Chính điều này cũng tạo nên những khó khăn nhất định trong việc phân định rõ ràng chúng. Ở góc độ lý luận, lợi dụng có thể được hiểu là việc sử dụng quyền hạn của bản thân để mưu lợi riêng không chính đáng; lạm dụng là việc sử dụng quá mức, vượt quá giới hạn về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định.
Đối với tội phạm lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ hay với tội phạm lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi, hành vi của các chủ thể là việc họ sử dụng chức vụ, quyền hạn, trong phạm vi giới hạn về chức năng nhiệm vụ của mình thực hiện hoặc không thực hiện các hành vi trái với quy định gây ra thiệt hại cho lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức, nhà nước. Đối với tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản, hành vi của các chủ thể là việc họ lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao, thực hiện quá mức chức năng, nhiệm vụ của mình để chiếm đoạt tài sản của người khác hoặc tài sản không thuộc quyền quản lý của mình.
Vậy nên, trước khi xác định một người phạm tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản hay phạm tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ hay với tội phạm lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh
hưởng đối với người khác để trục lợi, ta cần căn cứ vào chức vụ, quyền hạn để xem họ đã vượt quá giới hạn về chức năng, nhiệm vụ được giao hay chưa? Nếu trong khi thi hành công vụ, các chủ thể thực hiện hành vi vượt quá giới hạn quy định thi hành vi đó phạm tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản. Và ngược lại, nếu trong khi thi hành công vụ, các chủ thể không thực hiện hành vi vượt quá giới hạn quy định thì hành vi đó phạm tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn.
4. Phân biệt tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản với một số tội phạm chiếm đoạt tài sản:
Thực tiễn lập pháp cho thấy có những giai đoạn tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản được các nhà làm luật sắp xếp tại chương tội phạm xâm phạm sở hữu – cùng vị trí đối với các tội phạm nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản khác. Do vậy, việc làm rõ sự khác biệt giữa tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản với một số tội phạm chiếm đoạt tài sản có ý nghĩa hết sức thiết thực, đặc biệt trong trường hợp tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản với một số tội phạm chiếm đoạt tài sản và các tội chiếm đoạt tài sản khác trong chương tội phạm xâm phạm sở hữu do người có chức vụ thực hiện.
Các tội chiếm đoạt tài sản khác trong chương tội phạm xâm phạm sở hữu có thể kể đến như bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản, công nhiên chiếm đoạt tài sản, lừa đảo chiếm đoạt tài sản và lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Đặc điểm chung tạo lên mối liên hệ giữa các tội phạm này với tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản là yếu tố thôi thúc tội phạm thực hiện – động cơ về tài sản. Người phạm tội trong các trường hợp trên đều hướng tới lợi ích vật chất, tài sản không thuộc sở hữu hợp pháp của bản thân khi thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội. Sự khác biệt giữa tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản với một số tội phạm chiếm đoạt tài sản và các tội chiếm đoạt tài sản khác trong chương tội phạm xâm phạm sở hữu thì được thể hiện rõ trong các yếu tố chủ thể và khách thể.
Thứ nhất, về chủ thể: Chủ thể của tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản được xác định là chủ thể đặc biệt là người giữ chức vụ, quyền hạn. Chức vụ, quyền hạn là cơ sở đầu tiên để xuất hiện hành vi này; đồng thời người phạm tội “sử dụng chức vụ, quyền hạn của mình như một phương tiện để làm một việc vượt quá chức năng quyền hạn của mình” [8, tr. 621] tạo nên điều kiện cho tội phạm hoàn thành. Đối với các tội danh trong chương tội phạm xâm phạm sở hữu, chủ thể được xác định là chủ thể thường, hay nói cách khác là bất kỳ người nào có năng lực trách nhiệm hình sự, trong đó bao gồm cả người có chức vụ và không có chức vụ. Mặc dù, BLHS năm 2015 đã có những quy định mở rộng phạm vi người có chức vụ, quyền hạn ra phạm vi ngoài nhà nước, tuy nhiên chủ thể của các hành vi tội phạm xâm phạm sở hữu vẫn đa dạng hơn rất nhiều so với hành vi lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản.
Thứ hai, về khách thể: Khác với các tội phạm xâm phạm sở hữu là quan hệ sở hữu, quyền chiếm hữu, sử dụng và định đoạt thì tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản ngoài những tác động tiêu cực đến quan hệ sở hữu, tội phạm này còn gây ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động bình thường của các cơ quan, tổ chức; bất ổn về dư luận; giảm sút niềm tin của nhân dân và sự công khai minh bạch của nhà nước trong các lĩnh vực quản lý xã hội, ... Các tội phạm xâm phạm sở hữu thực tế cũng có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng về tính mạng, sức khoẻ cho bị hại, tuy nhiên không gây ra những ảnh hưởng có cùng tính chất với tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản.
Cũng cần lưu ý, thực tiễn truy tố, xét xử cho thấy tồn tại một số vấn đề trong việc phân định đối với người phạm tội thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản áp dụng tình tiết định khung “lợi dụng chức vụ, quyền hạn” ở điểm đ
Khoản 2 Điều 174 và Điều 355. Điều này, xuất phát từ “ranh giới giữa hành vi lợi dụng với hành vi lạm dụng không phải bao giờ cũng phân biệt được một cách rạch ròi“; tuy nhiên về cơ bản việc phân tích ngữ nghĩa của “lạm dụng” và “lợi dụng” gắn với các yếu tố cấu thành của tội phạm, ở góc độ lý luận cũng không khó phân biệt được hai trường hợp này với nội dung:
– Lợi dụng là việc sử dụng quyền hạn của bản thân để mưu lợi riêng không chính đáng
– Lạm dụng là việc sử dụng quá mức, vượt quá giới hạn quyền hạn quy định
Tuy nhiên, ở góc độ thực tiễn, việc vận dụng các tình tiết này vẫn gặp nhiều hạn chế, đặc biệt là sự bất đồng quan điểm giữa các cơ quan THTT cùng cấp giải quyết vụ án và sự không đồng nhất trong việc áp dụng tình tiết định khung và định tội của các cơ quan ở các địa phương khác nhau.