Phân biệt tội đánh bạc với tội tổ chức đánh bạc (Điều 322 BLHS năm 2015), tội gá bạc (Điều 322 BLHS năm 2015) trong luật hình sự Việt Nam
Mục lục bài viết
1. Phân biệt tội đánh bạc với tội tổ chức đánh bạc (Điều 322 BLHS năm 2015):
Trước tiên chúng ta cần nhận định rằng, hai tội phạm này trên thực tế là rất phổ biến và thường đi kèm với nhau. Trong một vụ án cụ thể, thường sẽ có một vài đối tượng đóng vai trò khởi xướng, bị xét xử về tội tổ chức đánh bạc, các đối tượng khác tham gia có thể bị xử lý hành chính hoặc xét xử về
Hành vi đánh bạc được hiểu là hành vi của các con bạc giải quyết việc được thua trong các trò chơi bằng những lợi ích vật chất xác định, hành vi tổ chức đánh bạc là hành vi của chủ thể nhằm rủ rê, lôi kéo các chủ thể khác thực hiện hành vi đánh bạc. Như vậy, trong một vụ án tổ chức đánh bạc, hành vi tổ chức đánh bạc xuất hiện trước, hành vi đánh bạc của các đối tượng tham gia mang tính chất là hành vi phái sinh sau đó và có thể chúng là kết quả được hình thành, tạo nên do hành vi tổ chức (trong trường hợp rủ rê, lôi kéo thì hành vi đánh bạc là kết quả trực tiếp của hành vi tổ chức đánh bạc, trong trường hợp chủ mưu, bố trí, tạo sòng bạc thì hành vi tổ chức đánh bạc chỉ đóng vai trò tạo điều kiện, hoàn cảnh cho hành vi đánh bạc diễn ra).
Một điểm cần đặc biệt chú ý, là không phải mọi hành vi tổ chức đánh bạc của người phạm tội sẽ đều bị xét xử với tội danh tổ chức đánh bạc, mà trong một số trường hợp đó người phạm tội sẽ bị xét xử về tội danh đánh bạc.
Trường hợp thứ nhất là khi người có hành vi tổ chức đánh bạc nhưng không thỏa mãn cả hai dấu hiệu được nói tới trong cấu thành cơ bản (quy mô lớn và đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc Điều 321…) nhưng tổng số tiền hoặc hiện vật dùng để đánh bạc có giá trị từ năm triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng thì phải chịu trách nhiệm hình sự về đồng phạm tội đánh bạc.
Trường hợp thứ hai là người phạm tội thực hiện hành vi tổ chức đánh bạc chỉ nhằm cùng tham gia, thỏa mãn “máu cờ bạc” của bản thân, khi đó họ cũng chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự theo tội danh đánh bạc.
2. Phân biệt tội đánh bạc với tội gá bạc (Điều 322 BLHS năm 2015):
Tội gá bạc trong BLHS được quy định cùng chung Điều luật với tội tổ chức đánh bạc, do đó người thực hiện hành vi gá bạc chi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội gá bạc theo khoản 1, Điều 322 BLHS khi thuộc một trong các trường hợp được quy định từ điểm a đến đ, khoản 1 Điều này.
Trong hiện trạng các tội về cờ bạc nước ta, tội gá bạc tuy thấp hơn hai tội danh còn lại về mức độ phổ biến, nhưng xét về lượng, số các án gá bạc xét xử trên thực tế là không hề nhỏ. Mặt khác, các đối tượng khi tổ chức đánh bạc thường kèm theo hành vi thu tiền hồ của các con bạc, đây cũng chính là một lợi ích vật chất mà hầu hết các đối tượng tổ chức đều hướng vào và đặt ra khi quyết định thực hiện hành vi phạm tội. Chúng ta cũng có thể thấy nhà làm luật đã đặt hai tội trong cùng một Điều luật, với các khung hình phạt cho từng điều khoản giống nhau, thể hiện tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội tương đồng của hai hành vi, nên việc phân biệt chúng là cần thiết, có ý nghĩa thiết thực cả về lý luận và thực tiễn.
Mặt khách quan, hành vi tổ chức là hành vi chủ mưu, rủ rê, lôi kéo, kích động người khác tham gia đánh bạc, hành vi gá bạc là hành vi người phạm tội sử dụng (cho thuê hoặc cho mượn) địa điểm thuộc quyền quản lý của mình làm nơi đánh bạc nhằm thu lời. Trên thực tế rất dễ có sự nhầm lẫn do hành vi tổ chức thường bao gồm cả hành vi bố trí địa điểm, giống với hành vi gá bạc. Tuy vậy, hành vi bố trí địa điểm chỉ là một trong nhiều hành vi khác của người phạm tội tổ chức như cung cấp các công cụ đánh bạc, tụ tập các đối tượng, trong khi hành vi gá bạc chỉ chủ yếu bao gồm hành vi sử dụng địa điểm để vụ đánh bạc diễn ra. Hành vi tổ chức thể hiện tính chủ động của chủ thể cao hơn hẳn so với hành vi chỉ cho sử dụng địa điểm đánh bạc để thu lời.
Mặt chủ quan, ta có thể phân biệt được hai tội phạm này qua dấu hiệu động cơ phạm tội. Người phạm tội gá bạc luôn gắn việc cho người đánh bạc sử dụng địa điểm của mình với mong muốn thu lời. Trong thực tế, việc thu lời thường được người gá bạc thể hiện qua hành vi thu tiền hồ, tiền phế của các con bạc đến chơi, hoặc trong một số trường hợp cũng có thể thông qua các “dịch vụ đi kèm” như cho trông giữ phương tiện, bán đồ ăn uống, cho vay lãi, thậm chí là bán dâm để các đối tượng “giải đen”,… Đối với loại tội phạm này dấu hiệu động cơ vụ lợi là bắt buộc, những trường hợp có hành vi cho người khác sử dụng địa điểm để đánh bạc mà không nhằm thu lời (nể nang, quen biết mà cho đánh nhờ) thì không bị xử lý theo tội danh gá bạc. Còn đối với tội tổ chức đánh bạc, động cơ vụ lợi không phải dấu hiệu bắt buộc khi định tội.