Thi hành án dân sự là giai đoạn cuối cùng trong hoạt động tố tụng dân sự, quá trình thi hành án dân sự hướng tới mục đích đảm bảo cho bạn án của tòa án được thực hiện và tuân thủ đầy đủ trên thực tế. Vậy sẽ cần phải làm gì khi người phải thi hành án không có tài sản?
Mục lục bài viết
1. Phải làm gì khi người phải thi hành án không có tài sản?
Căn cứ theo quy định tại Điều 3 của Văn bản hợp nhất Luật thi hành án dân sự năm 2022 có quy định về người phải thi hành án. Theo đó, người phải thi hành án được xác định là cá nhân, cơ quan và tổ chức phải thực hiện nghĩa vụ ghi nhận trong bản án, quyết định có hiệu lực của tòa án. Thông thường trên thực tế, người phải thi hành án được xác định là bị đơn, người bị yêu cầu phải người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong vụ việc dân sự. Đồng thời, người phải thi hành án cũng cần phải tuân thủ các nghĩa vụ nhất định. Căn cứ theo quy định tại Điều 7a của Văn bản hợp nhất Luật thi hành án dân sự năm 2022 có quy định về các nghĩa vụ của người phải thi hành án. Theo đó, người phải thi hành án cần phải tuân thủ đầy đủ các nghĩa vụ sau đây:
– Thi hành bản án đầy đủ, kịp thời;
– Kê khai trung thực tài sản phải điều kiện thi hành án của bản thân, cung cấp đầy đủ giấy tờ tài liệu chứng cứ có liên quan đến tài sản của mình khi có yêu cầu của người có thẩm quyền, đồng thời chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung kê khai đó;
– Thực hiện đầy đủ các quyết định và yêu cầu của các chấp hành viên trong quá trình thi hành án dân sự, thông báo cho cơ quan thi hành án khi có sự thay đổi về địa chỉ nơi cư trú.
Nhìn chung, vấn đề thi hành án của người phải thi hành án là một trong những vấn đề vô cùng quan trọng sau khi cơ quan có thẩm quyền đã đưa ra bản án cụ thể. Căn cứ theo quy định tại Điều 44 của Văn bản hợp nhất Luật thi hành án dân sự năm 2022 có quy định về vấn đề xác minh điều kiện thi hành án. Cụ thể như sau:
– Trong khoảng thời gian 10 ngày được tính kể từ ngày hết thời hạn tự nguyện thi hành án, tuy nhiên người có trách nhiệm thi hành án vẫn không tự nguyện thi hành, chủ thể có thẩm quyền đó là Chấp hành viên cần phải tiến hành hoạt động xác minh tài sản, trường hợp thi hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời thì bắt buộc sẽ phải tiến hành hoạt động xác minh ngay lập tức. Người phải thi hành án bắt buộc phải thực hiện nghĩa vụ kê khai trung thực, kê khai đầy đủ các thông tin liên quan đến tài sản, thu nhập và điều kiện thi hành án của mình với cơ quan thi hành án dân sự, đồng thời chịu trách nhiệm về vấn đề kê khai của mình trước pháp luật;
– Trường hợp người phải thi hành án chưa đáp ứng đầy đủ điều kiện để có thể thi hành án, thì ít nhất trong khoảng thời gian 06 tháng một lần, chủ thể có thẩm quyền đó là các Chấp hành viên cần phải thực hiện thủ tục xác minh điều kiện thi hành án của người phải thi hành án. Trong trường hợp người phải thi hành án chưa đáp ứng đầy đủ điều kiện để thi hành án trên thực tế là người đang chấp hành hình phạt tù, mà thời gian chấp hành hình phạt tù còn lại kéo dài từ 02 năm trở lên hoặc không xác định được địa chỉ nơi cư trú của người phải thi hành án, thì thời hạn xác minh sẽ được kéo dài ít nhất là 1 năm một lần. Sau 02 lần tiến hành hoạt động xác minh, tuy nhiên người phải thi hành án vẫn chưa đáp ứng đầy đủ điều kiện để có thể thi hành án, thì cơ quan thi hành án dân sự bắt buộc phải ra thông báo bằng văn bản cho người được thi hành án, kết quả xác minh trên thực tế. Việc xác minh lại sẽ được tiến hành khi có thông báo mới về điều kiện thi hành án của người phải thi hành án;
– Trường hợp các chấp hành viên nhận thấy cần thiết hoặc kết quả xác minh của các chấp hành viên và người được thi hành án khác nhau hoặc có kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân có thẩm quyền thì cần phải thực hiện thủ tục xác minh lại. Hoạt động xác minh lại sẽ được tiến hành trong khoảng thời gian 05 ngày làm việc được tính kể từ ngày nhận được kết quả xác minh do các đương sự cung cấp hoặc được tính kể từ ngày nhận được kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân có thẩm quyền.
Tiếp tục căn cứ theo quy định tại Điều 44a của Văn bản hợp nhất Luật thi hành án dân sự năm 2022 có quy định về vấn đề xác định việc chưa có điều kiện thi hành án. Theo đó, căn cứ vào kết quả xác minh điều kiện thi hành án, thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự sẽ có thẩm quyền ra quyết định về việc chưa có đủ điều kiện để thi hành án khi thuộc một trong những trường hợp sau đây:
– Người phải thi hành án không có thu nhập trên thực tế, hoặc người phải thi hành án có phát sinh thu nhập tuy nhiên chỉ đảm bảo cho cuộc sống tối thiểu của người phải thi hành án và người mà họ có trách nhiệm nuôi dưỡng, người phải thi hành án không có tài sản để thi hành án hoặc có tài sản tuy nhiên giá trị của tài sản đó chỉ đủ để thanh toán chi phí cưỡng chế thi hành án, hoặc tài sản theo quy định của pháp luật không được phép tiến hành thủ tục kê biên bản xử lý để thi hành án;
– Người phải thi hành án phải thi hành nghĩa vụ trả vật đặc định, tuy nhiên vật phải trả đã không còn hoặc vật phải trả bị hư hỏng đến mức không thể sử dụng được, người phải thi hành án phải trả giấy tờ tuy nhiên giấy tờ đó không thể thu hồi và không thể cấp lại được, mà các đương sự cũng không có sự thỏa thuận khác;
– Chưa xác định được địa chỉ nơi cư trú của người phải thi hành án.
Theo đó thì có thể nói, có rất nhiều trường hợp bản án không thể thi hành được xuất phát từ lý do người phải thi hành án không có tài sản trên thực tế.
Trong trường hợp người phải thi hành án không có tài sản thì cần phải xử lý như sau:
– Trong trường hợp người phải thi hành án không có đủ tài sản để thực hiện thi hành án dân sự trên thực tế thì ít nhất trong khoảng thời gian 06 tháng một lần, chủ thể có thẩm quyền đó là các chấp hành viên cần phải thực hiện thủ tục xác minh điều kiện thi hành án của người phải thi hành án đó;
– Trong trường hợp người phải thi hành án chưa có đủ điều kiện thi hành án được xác định là những người đang chấp hành hình phạt tù, thời gian chấp hành hình phạt tù còn lại của những người đó được xác định là từ 02 năm trở lên/không xác định được địa chỉ nơi cư trú của người phải thi hành án, thì thời gian xác minh điều kiện thi hành án ít nhất là 01 năm một lần;
– Sau 02 lần tiến hành thủ tục xác minh, người phải thi hành án vẫn chưa có đủ điều kiện để thi hành án trên thực tế, cơ quan thi hành án dân sự bắt buộc phải ra thông báo bằng văn bản cho người được thi hành án và kết quả xác minh. Việc xác minh lại sẽ được tiến hành khi có thông báo mới về điều kiện thi hành án của người phải thi hành.
– Theo đó thì có thể nói, người không có tài sản để thi hành án không đương nhiên là nghĩa vụ thi hành án của họ sẽ chấm dứt. Nếu có căn cứ xác định người phải thi hành án có đủ điều kiện để thi hành, các chấp hành viên ngay lập tức sẽ tiến hành thủ tục xác minh lại, để Thủ trưởng cơ quan thi hành án ra quyết định thi hành án đối với người đó.
2. Người có thẩm quyền thực hiện việc xác minh tài sản, điều kiện thi hành án dân sự của người phải thi hành án:
Căn cứ theo quy định tại Điều 20 của Văn bản hợp nhất Luật thi hành án dân sự năm 2022 có quy định về nhiệm vụ và quyền hạn của chấp hành viên. Cụ thể như sau:
– Kịp thời tổ chức hoạt động thi hành án, thi hành vụ việc được phân công bởi chủ thể có thẩm quyền phải có trách nhiệm ra các quyết định về thi hành án theo thẩm quyền và theo chức năng của mình;
– Thi hành đúng nội dung bản án, đúng quyết định của cơ quan có thẩm quyền phải áp dụng đúng quy định của pháp luật về trình tự và thủ tục thi hành án, đảm bảo tối đa lợi ích của nhà nước, quyền lợi hợp pháp của các đương sự, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, thực hiện đầy đủ và tuân thủ nghiêm chỉnh đạo đức nghề nghiệp chấp hành viên;
– Triệu tập đương sự theo quy định của pháp luật, triệu tập người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan để phục vụ cho quá trình giải quyết việc thi hành án;
– Tiến hành hoạt động xác minh tài sản, xác minh điều kiện thi hành án của người phải thi hành án, yêu cầu cơ quan và cá nhân có liên quan cung cấp các loại giấy tờ tài liệu chứng cứ có liên quan để xác minh địa chỉ và tài sản của người phải thi hành án, phối hợp với các cơ quan có liên quan để xử lý tài sản và vật chứng cũng như thực hiện các việc khác có liên quan đến thi hành án;
– Quyết định áp dụng biện pháp đảm bảo thi hành án, áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án, lập kế hoạch cưỡng chế và thu giữ tài sản thi hành án;
– Yêu cầu cơ quan công an tạm giữ những đối tượng chống đối việc thi hành án theo quy định của pháp luật;
– Lập biên bản về hành vi vi phạm pháp luật về thi hành án, xử phạt nghiêm minh đối với các hành vi vi phạm hành chính theo thẩm quyền và theo chức năng, kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền xử lý kỷ luật xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với những đối tượng vi phạm;
– Quyết định áp dụng biện pháp cưỡng chế để thu hồi tài sản, thu hồi tiền đã chi trả cho đương sự không đúng quy định pháp luật, thu phí thi hành án và các khoản tiền khác;
– Sử dụng các công cụ hỗ trợ trong quá trình thi hành công vụ theo quy định của pháp luật;
– Thực hiện các nhiệm vụ khác theo sự phân công của thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự.
Theo đó thì có thể nói, chủ thể có thẩm quyền thực hiện việc xác minh tài sản và xác minh điều kiện thi hành án của người phải thi hành án là các Chấp hành viên.
3. Người thi hành án dân sự có điều kiện nhưng không thi hành án thì xử lý như thế nào?
Căn cứ theo quy định tại Điều 9 của Văn bản hợp nhất Luật thi hành án dân sự năm 2022 có quy định về việc tự nguyện và cưỡng chế thi hành án. Cụ thể như sau:
– Nhà nước hiện nay khuyến khích các đương sự tự nguyện thi hành án;
– Người phải thi hành án khi có đầy đủ điều kiện thi hành tuy nhiên không tự nguyện thi hành thì sẽ bị cưỡng chế theo quy định của pháp luật.
Đồng thời, căn cứ theo quy định tại Điều 46 của Văn bản hợp nhất Luật thi hành án dân sự năm 2022 có quy định về cưỡng chế thi hành án. Cụ thể như sau:
– Nếu hết thời gian được quy định cụ thể tại Điều 45 của Luật thi hành án dân sự năm 2022, tuy nhiên người phải thi hành án mặc dù có đầy đủ điều kiện để thi hành vẫn không tự nguyện thi hành án thì sẽ bị cưỡng chế;
– Không được phép tổ chức hoạt động cưỡng chế thi hành án trong khoảng thời gian từ 22.00 đêm ngày hôm trước đến 06.00 sáng ngày hôm sau, không được thực hiện hoạt động cưỡng chế thi hành án trong các ngày nghỉ lễ theo quy định của pháp luật và các trường hợp đặc biệt khác theo quy định của Chính phủ.
Theo đó thì có thể nói, trường hợp người bị thi hành án dân sự mặc dù có đầy đủ điều kiện để thi hành án, tuy nhiên không tự nguyện thi hành thì sẽ bị cưỡng chế. Cơ quan thi hành án có thể áp dụng các biện pháp cưỡng chế căn cứ theo quy định tại Điều 71 của Văn bản hợp nhất Luật thi hành án dân sự năm 2022. Cụ thể như sau:
– Khấu trừ tiền trong tài khoản, thực hiện hoạt động thu hồi và xử lý tiền, thu hồi và xử lý giấy tờ có giá của người phải thi hành án;
– Khấu trừ vào thu nhập của người phải thi hành án;
– Kê biên xử lý tài sản của người phải thi hành án;
– Khai thác tài sản của người phải thi hành án;
– Bắt buộc chuyển giao vật, bắt buộc chuyển giao quyền tài sản và các loại giấy tờ có giá;
– Bắt buộc người phải thi hành án thực hiện một công việc hoặc không thực hiện một công việc nhất định.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Văn bản hợp nhất 09/VBHN-VPQH 2022 Luật Thi hành án dân sự.
THAM KHẢO THÊM: