Phá hoại công trình di tích lịch sử bị xử lý như thế nào? Vẽ bậy, làm hỏng di tích lịch sử bị xử lý theo quy định của Nghị định 75/2010/NĐ-CP
Tóm tắt câu hỏi:
Chào Luật sư! Tôi sinh ra và lớn lên ở mảnh đất Hà Thành, nơi được coi là một trong những cái nôi văn hóa lớn của dân tộc Việt Nam. Điều đó được thể hiện thông qua rất nhiều di tích lịch sử văn hóa lâu đời và độc đáo. Tuy nhiên, mấy năm trở lại đây, ý thức của người dân, đặc biệt là giới trẻ như những hành vi ký tên mình lên di tích, hay vẽ một bức tranh hoàn chỉnh lên di tích đang làm mất đi sự cổ kính vốn có. Vậy thưa luật sư, những hành vi trên có bị xử lý theo pháp luật không?
Luật sư trả lời:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
Việt Nam được biết đến là một quốc gia có bề dày lịch sử lâu đời, đi kèm với đó là những phong tục tập quán, nét đẹp văn hóa được lưu truyền từ đời này sang đời khác và điều quan trọng đó chính là các di tích lịch sử, văn hóa còn tồn tại cho đến ngày nay, minh chứng cho một sự phong phú, đa dạng về văn hóa của dân tộc Việt Nam. Việc bảo tồn và phát huy các giá trị của các di tích lịch sử văn hóa đã và đang đem lại không chỉ các giá trị về văn hóa mà còn góp phần phát triển ngành du lịch văn hóa. Chính vì vậy, để bảo vệ tốt hơn các khu di tích lịch sử trên cả nước, Chính phủ đã ban hành Nghị định 75/2010/NĐ-CP ngày 12 tháng 7 năm 2010 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
Theo đó, theo quy định tại Điều 34, Nghị định 75/2010/NĐ-CP thì tổ chức, cá nhân nào có hành vi làm hoen ố di tích văn hóa, lịch sử (tức là tự ý vẽ, hay khắc họa một bức tranh hoàn chỉnh hoặc ký tên mình lên các công trình kiến trúc đã được công nhận là di tích lịch sử, văn hóa) thì sẽ bị phạt tiền từ 300.000đ đến 1.000.000đ (Điều 34, Khoản 1, Nghị định 75/2010/NĐ-CP).
Ngoài việc bị xử phạt vi phạm hành chính trong vấn đề này, những người thực hiện hành vi trên còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 272, “Bộ luật hình sự 2015”, sửa đổi, bổ sung 2009. Như vậy, đối với hành vi tự ý làm hoen ố các công trình di tích lịch sử, văn hóa mà gây ra hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính mà vẫn vi phạm thì có thể bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 2 triệu đến 20 triệu đông, cải tạo không giam giữ 3 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 3 năm. Trong trường hợp việc thực hiện hành vi này gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng thì có thể bị phạt tù từ 6 tháng đến 7 năm.
Ngoài ra, người thực hiện hành vi này còn phải khắc phục hậu quả tức khôi phục lại trạng thái ban đầu đối với di tích lịch sử, văn hóa bị chiếm hữu trước khi bị làm hoen ố (Điều 34, Khoản 8, Nghị định 75/2010/NĐ-CP).
Hy vọng rằng sự tư vấn của chúng tôi sẽ giúp bạn lựa chọn phương án thích hợp nhất để giải quyết những vướng mắc của bạn. Nếu còn bất cứ thắc mắc gì liên quan đến sự việc bạn có thể liên hệ Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến 24/7 của Luật sư: 1900.6568 để được giải đáp.