Giám hộ là một trong những nội dung được quy định tại Bộ luật dân sự 2015. Vậy theo quy định ông bà có được làm người giám hộ của cháu không?
Mục lục bài viết
1. Các hình thức giám hộ hiện nay:
Căn cứ khoản 1 Điều 46 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định giám hộ chính là việc cá nhân, pháp nhân theo quy định của luật và được Ủy ban nhân dân cấp xã cử, được Tòa án chỉ định hoặc được yêu cầu có trách nhiệm chăm sóc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi.
Hiện nay, giám hộ có 02 hình thức là giám hộ đương nhiên và giám hộ được cử, cụ thể:
* Giám hộ đương nhiên:
Thứ nhất, người giám hộ đương nhiên của người chưa thành niên bao gồm:
– Anh cả, chị cả ruột.
– Anh ruột hoặc chị ruột tiếp theo giám hộ nếu như anh cả hoặc chị cả không có đủ điều kiện làm người giám hộ.
– Ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại là người giám hộ nếu như không có anh chị ruột.
– Bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột hoặc dì ruột là người giám hộ nếu như không có anh chị ruột; ông bà nội ngoại.
Thứ hai, người giám hộ đương nhiên của người mất năng lực hành vi dân sự bao gồm:
– Chồng là người giám hộ nếu vợ là người mất năng lực hành vi dân sự.
– Vợ là người giám hộ nếu chồng là người mất năng lực hành vi dân sự.
– Người con cả là người giám hộ nếu như cha và mẹ đều mất năng lực hành vi dân sự hoặc một người mất năng lực hành vi dân sự, còn người kia không có đủ điều kiện làm người giám hộ.
Người con tiếp theo có đủ điều kiện làm người giám hộ là người giám hộ nếu như người con cả không có đủ điều kiện để giám hộ.
– Cha, mẹ là người giám hộ nếu như người thành niên mất năng lực hành vi dân sự chưa có vợ, chồng, con hoặc có mà vợ, chồng, con đều không có đủ điều kiện làm người giám hộ.
* Giám hộ được cử:
Trường hợp người cần được giám hộ khi không có giám hộ đương nhiên thì Ủy ban nhân dân cấp xã sẽ cử người giám hộ hoặc Tòa án sẽ chỉ định người giám hộ.
Lưu ý: với người chưa thành niên từ đủ 6 tuổi trở lên khi chỉ định người giám hộ sẽ phải xem xét nguyện vọng của chính người đó.
2. Ông bà có được làm người giám hộ của cháu không?
Như phân tích tại mục 1, đối với trường hợp giám hộ đương nhiên của người chưa thành niên sẽ được áp dụng lần lượt như sau:
– Anh cả, chị cả ruột.
– Anh ruột hoặc chị ruột tiếp theo giám hộ nếu như anh cả hoặc chị cả không có đủ điều kiện làm người giám hộ.
– Ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại là người giám hộ nếu như không có anh chị ruột.
– Bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột hoặc dì ruột là người giám hộ nếu như không có anh chị ruột; ông bà nội ngoại.
Như vậy, cháu sẽ được giao cho ông bà giám hộ khi:
(i) Người người chưa thành niên không còn cha, mẹ hoặc không xác định được cha, mẹ; hoặc người chưa thành niên có cha, mẹ nhưng cha, mẹ đều mất năng lực hành vi dân sự; cha, mẹ đều có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi; cha, mẹ đều bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; cha, mẹ đều bị Tòa án tuyên bố hạn chế quyền đối với con; cha, mẹ đều không có điều kiện chăm sóc, giáo dục con và có yêu cầu người giám hộ.
(ii) Anh chị ruột của người chưa thành niên đó không có đủ điều kiện làm người giám hộ.
Cả ông bà nội, ông bà ngoại đều có quyền bình đẳng trong việc giám hộ cho cháu chưa thành niên theo quy định tại Bộ Luật dân sự và Khoản 1 Điều 104 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 thì ông bà nội, ông bà ngoại có quyền được trông nom, chăm sóc, giáo dục cháu. Nếu như cháu chưa thành niên, cháu đã thành niên nhưng mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình mà không có người nào khác nuôi dưỡng thì ông bà nội, ông bà ngoại có nghĩa vụ nuôi dưỡng cháu.
3. Điều kiện để ông bà được giám hộ cho cháu:
Căn cứ Điều 49 Bộ luật dân sự 2015 quy định ông bà làm người giám hộ cho cháu sẽ phải đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:
– Phải có năng lực hành vi dân sự đầy đủ.
– Đảm bảo về mặt tư cách đạo đức là tốt.
– Có đủ các điều kiện cần thiết để thực hiện quyền, nghĩa vụ của người giám hộ.
– Không thuộc diện đang bị Tòa án tuyên bố hạn chế quyền đối với con chưa thành niên.
– Không thuộc trường hợp đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc người bị kết án nhưng chưa được xoá án tích về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản của người khác.
Như vậy, ông bà phải đáp ứng đủ các điều kiện trên thì mới được trở thành người giám hộ cho cháu chưa thành niên.
4. Có được đổi người giám hộ từ ông bà sang người khác được không?
Theo quy định tại Điều 60 Bộ luật dân sự năm 2015, các trường hợp sau đây sẽ thực được thay đổi người giám hộ, bao gồm:
– Không đáp ứng đủ các điều kiện về giám hộ theo quy định của Bộ luật dân sự, cụ thể:
+ Đối với cá nhân:
- Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ.
- Về tư cách đạo đức: phải tốt.
- Có đủ các điều kiện cần thiết để thực hiện quyền, nghĩa vụ của người giám hộ.
- Không phải là người bị Tòa án tuyên bố hạn chế quyền đối với con chưa thành niên.
- Không nằm trong diện đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc người bị kết án nhưng chưa được xoá án tích về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản của người khác.
+ Đối với pháp nhân:
- Có năng lực pháp luật dân sự phù hợp với việc giám hộ.
- Có điều kiện cần thiết để thực hiện quyền, nghĩa vụ của người giám hộ.
– Trường hợp người giám hộ là cá nhân chết, hoặc bị Tòa án tuyên bố hạn chế năng lực hành vi dân sự, có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, mất năng lực hành vi dân sự, mất tích.
– Trường hợp người giám hộ là pháp nhân làm giám hộ chấm dứt tồn tại.
– Người giám hộ đề nghị được thay đổi và có người khác nhận làm giám hộ.
– Người giám hộ vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ giám hộ.
Nếu như thay đổi người giám hộ đương nhiên thì những đối tượng quy định tại mục 1 trên sẽ là người giám hộ đương nhiên.
Trường hợp không có người giám hộ đương nhiên thì sẽ thực hiện cử, chỉ định người giám hộ theo quy định như sau:
– Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của người được giám hộ có trách nhiệm cử người giám hộ.
– Nếu như có tranh chấp giữa những người giám hộ hoặc tranh chấp về việc cử người giám hộ thì Tòa án chỉ định người giám hộ.
Lưu ý: với trường hợp cử hay chỉ định người giám hộ cho người chưa thành niên từ đủ sáu tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của người đó.
– Khi thực hiện cử người giám hộ thì phải được lập thành văn bản.
– Phải có sự đồng ý của người được cử làm người giám hộ khi thực hiện cử người giám hộ.
Để thực hiện đổi người giám hộ từ ông bà sang người khác thì thủ tục thực hiện như sau:
Bước 1: Chuẩn bị đơn khởi kiện và tài liệu kèm theo:
Cá nhân hoặc pháp nhân có nhu cầu khởi kiện yêu cầu đổi người giám hộ soạn đơn khởi kiện theo mẫu số 23-DS, nội dung trình bày đầy đủ các thông tin chính sau:
– Ngày, tháng, năm làm đơn khởi kiện.
– Tên Tòa án nhận đơn khởi kiện.
– Thông tin của người khởi kiện.
– Thông tin của của người bị kiện.
– Thông tin của của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
– Họ, tên, địa chỉ của người làm chứng (nếu có).
– Danh mục tài liệu, chứng cứ kèm theo đơn khởi kiện.
Bước 2: Nộp đơn khởi kiện:
Theo quy định tại khoản 14 Điều 26, điểm a khoản 1 Điều 35, điểm a Khoản 1 Điều 39 Bộ Luật Tố tụng dân sự 2015 thì Tòa án nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp liên quan đến giành quyền giám hộ.
Bước 3: Tiếp nhận đơn khởi kiện và giải quyết.
Văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết: Bộ luật dân sự 2015.