Giành quyền nuôi con là một trong những vấn đề quan trọng, cần được giải quyết trong hoạt động xử lý ly hôn. Vậy ông bà có được giành quyền nuôi cháu khi bố mẹ ly hôn hay không?
Mục lục bài viết
1. Quy định của pháp luật về giành quyền nuôi con khi ly hôn:
Con cái là một trong những vấn đề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, chi phối quan hệ hôn nhân giữa vợ và chồng. Khi hai vợ chồng không còn tìm được tiếng nói chung trong hôn nhân và đi đến quyết định ly hôn, thì song song với việc giải quyết các vấn đề liên quan đến tài sản, con cái cũng là phạm trù đòi hỏi cần được giải quyết.
Điều 81 Luật hôn nhân và gia đình quy định về việc nuôi dưỡng con sau khi ly hôn như sau:
+ Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của pháp luật.
+ Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.
+ Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.
– Theo quy định của pháp luật hiện hành, vấn đề nuôi con được giải quyết như sau:
+ Quyền nuôi con được giải quyết dựa trên sự thỏa thuận của các bên. Theo đó, hai bên có thể thỏa thuận với nhau về vấn đề nuôi con. Nếu một trong hai người thấy đối phương có khả năng nuôi dưỡng con tốt hơn thì để họ nuôi. Hoặc hai bên có thể thỏa thuận với nhau về nuôi dưỡng, trợ cấp, chăm nom con thì việc nuôi dưỡng con sẽ dừng lại ở sự thỏa thuận giữa hai bên. Và pháp luật hoàn toàn tôn trọng sự thỏa thuận đó. Thực tế, đây là cách thức tốt nhất trong việc xác định quyền nuôi dưỡng trực tiếp con cái khi bố và mẹ không đăng ký kết hôn.
+ Giải quyết vấn đề nuôi con dựa trên quyết định của Tòa án. Nếu hai bên không thể thỏa thuận với nhau về việc trực tiếp nuôi dưỡng con, thì sẽ khởi kiện ra tòa, nhờ tòa phân xử việc giành quyền nuôi con. Cũng giống việc giải quyết việc tranh chấp con khi ly hôn, giành quyền nuôi con khi không đăng ký kết hôn cũng được giải quyết theo phương hướng tương tự. Nếu con trên 7 tuổi, Tòa án sẽ ưu tiên lựa chọn của con. Con sẽ bày tỏ quan điểm, mong muốn của bản thân rằng thích ở với bố hay với mẹ, lý do. Cùng với đó, bố và mẹ sẽ phải chứng minh điều kiện kinh tế và khả năng nuôi dưỡng cháu về mặt đạo đức, tinh thần (Đảm bảo cho con một môi trường sống văn minh, lành mạnh). Tòa sẽ căn cứ về điều kiện kinh tế, vật chất và nền tảng đạo đức, tinh thần để xác định xem bố hay mẹ có khả năng giành quyền nuôi con trực tiếp. Tòa sẽ một phần dựa vào sự lựa chọn đó của con để xác định xem con do ai trực tiếp nuôi dưỡng. Trong trường hợp con dưới 36 tháng tuổi (dưới 3 tuổi), pháp luật ưu tiên để mẹ nuôi dưỡng con. Bởi lẽ, trong giai đoạn này, con vẫn còn quá bé, cần nhận được sự chăm sóc, nuôi dưỡng trực tiếp từ người mẹ.Chỉ khi người mẹ không có khả năng về kinh tế, hoặc có chứng cứ chứng minh người mẹ có vấn đề về nhân cách, đạo đức thì Tòa mới để con dưới 36 tháng tuổi cho bố nuôi dưỡng.
2. Ông bà có được giành quyền nuôi cháu khi bố mẹ ly hôn?
– Theo quy định tại Điều 105 Luật hôn nhân và gia đình 2014, ông bà nội, ông bà ngoại có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, giáo dục cháu, sống mẫu mực và nêu gương tốt cho con cháu; trường hợp cháu chưa thành niên, cháu đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình mà không có người nuôi dưỡng theo quy định thì ông bà nội, ông bà ngoại có nghĩa vụ nuôi dưỡng cháu.
– Ngoài ra, theo quy định tại khoản 2 Điều 87 Luật Hôn nhân và Gia đình, việc trông nom, chăm sóc con sẽ được giao cho người giám hộ mà không phải cha mẹ trong các trường hợp sau:
+ Trường hợp 1: Cha, mẹ đều bị hạn chế quyền với con chưa thành niên.
+ Trường hợp 2: Một bên cha, mẹ không bị hạn chế nhưng không đủ điều kiện để nuôi dưỡng, chăm sóc, thực hiện quyền, nghĩa vụ với con.
+ Trường hợp 3: Một bên cha, mẹ bị hạn chế quyền với con chưa thành niên và một bên còn lại chưa xác định được cha, mẹ.
Theo nội dung phân tích nêu trên, ông bà sẽ có quyền và nghĩa vụ nuôi cháu nếu trong trường hợp cha mẹ bị hạn chế quyền với con chưa thành niên, một bên cha, mẹ không bị hạn chế nhưng không đủ điều kiện để nuôi dưỡng, chăm sóc, thực hiện quyền, nghĩa vụ với con.
Còn nếu khi cha mẹ đều có đầy đủ năng lực hành vi dân sự, thì việc xác định quyền nuôi con sẽ thuộc về bố và mẹ (bố và mẹ có quyền giành quyền nuôi con), ông bà không thể giành quyền nuôi cháu khi ly hôn.
Thực tế, có rất nhiều trường hợp, khi bố mẹ ly hôn, ông bà muốn giành quyền nuôi cháu. Nhưng điều này là không thể khi cả bố và mẹ đều có đầy đủ năng lực hành vi dân sự và nghĩa vụ pháp lý với con cái. Do đó, các cá nhân cần nhìn nhận đúng nghĩa vụ và quyền của mình đối với cháu để tránh những tranh chấp không mong muốn xảy đến khi giải quyết ly hôn. Đồng thời, pháp luật cũng quy định về quyền và nghĩa vụ của cha mẹ và con cái. Trách nhiệm của cha mẹ là thực hiện theo, không được vi phạm.
3. Quyền và nghĩa vụ của bố mẹ với con cái sau khi ly hôn:
3.1. Nghĩa vụ, quyền của cha, mẹ không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn:
Theo quy định tại Luật hôn nhân và gia đình 2014, nghĩa vụ, quyền của cha, mẹ không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn được quy định cụ thể như sau:
– Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ tôn trọng quyền của con được sống chung với người trực tiếp nuôi.
– Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.
– Sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở.
Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con lạm dụng việc thăm nom để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con thì người trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền thăm nom con của người đó.
3.2. Nghĩa vụ, quyền của cha, mẹ trực tiếp nuôi con đối với người không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn:
Nghĩa vụ, quyền của cha, mẹ trực tiếp nuôi con đối với người không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn được quy định tại Điều 83 Luật hôn nhân và gia đình 2014 như sau:
+ Cha, mẹ trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu người không trực tiếp nuôi con thực hiện các nghĩa vụ theo quy định; yêu cầu người không trực tiếp nuôi con cùng các thành viên gia đình tôn trọng quyền được nuôi con của mình.
+ Cha, mẹ trực tiếp nuôi con cùng các thành viên gia đình không được cản trở người không trực tiếp nuôi con trong việc thăm nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.
4. Mẫu văn bản thỏa thuận quyền nuôi con sau khi ly hôn:
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập Tự do Hạnh phúc
———————-
BẢN THỎA THUẬN
(V/v nuôi con sau khi ly hôn)
Hôm nay, ngày … tháng … năm ………. tại ………
Chúng tôi gồm:
1. Vợ:
Họ và tên: …… Năm sinh: ………
Số CMND: …… Ngày cấp: ……. Nơi cấp: ………
Hộ khẩu thường trú: ………
Nơi ở hiện tại: ………
2. Chồng:
Họ và tên: ……… Năm sinh: ………
Số CMND: …… Ngày cấp: ……. Nơi cấp: ……
Hộ khẩu thường trú: ………
Nơi ở hiện tại: ………
Chúng tôi là vợ chồng theo đăng ký kết hôn ngày………tháng……..năm………….tại………….
Chúng tôi làm đơn này yêu cầu Tòa án nhân dân quận/huyện……… công nhận sự thỏa thuận của chúng tôi về người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn:
Về con chung có:……… người con; gồm:
Họ và tên:………. sinh ngày………..tháng………..năm………
Họ và tên:………. sinh ngày………..tháng………..năm………
Họ và tên:………. sinh ngày………..tháng………..năm………
Chúng tôi đã thoả thuận về người trực tiếp nuôi con và mức cấp dưỡng nuôi con hàng tháng như sau:………..
……, ngày …. tháng …. năm …….
Người vợ (Ký và ghi rõ họ, tên) | Người chồng (Ký và ghi rõ họ, tên) |
Văn bản pháp luật sử dụng trong bài viết:
Luật hôn nhân và gia đình 2014.