Pháp luật thi hành án dân sự về đấu giá tài sản là hệ thống tất cả những quy tắc xử sự mang tính bắt buộc chung do Nhà nước ban hành hoặc thừa nhận và đảm bảo thực hiện, điều chỉnh các quan hệ phát sinh trong quá trình cơ quan thi hành dân sự tổ chức việc đấu giá tài sản.
Mục lục bài viết
1. Khái niệm về pháp luật thi hành án dân sự về đấu giá tài sản:
Khái niệm pháp luật thi hành án dân sự về đấu giá tài sản là một khái niệm dài. Đối với khái niệm pháp luật, học viên nhất trí với cách định nghĩa pháp luật như trong giáo trình Lý luận Nhà nước và Pháp luật như sau:
Pháp luật là hệ thống những quy tắc xử sự mang tính bắt buộc chung do Nhà nước ban hành hoặc thừa nhận và đảm bảo thực hiện, thể hiện ý chí của giai cấp thống trị và là nhân tố điều chỉnh các quan hệ xã hội phát triển phù hợp với lợi ích của giai cấp mình.
Pháp luật thi hành án dân sự về đấu giá tài sản là hệ thống những quy tắc xử sự mang tính bắt buộc chung do Nhà nước ban hành hoặc thừa nhận và đảm bảo thực hiện, thể hiện ý chí của giai cấp thống trị và điều chỉnh các quan hệ phát sinh trong quá trình cơ quan thi hành dân sự tổ chức việc đấu giá tài sản đã bị kế biên, định giá nhằm thực hiện các bản án, quyết định dân sự có hiệu lực thi hành.
Pháp luật thi hành án dân sự về đấu giá tài sản gồm toàn bộ các quy định pháp luật về nguyên tắc, trình tự, thủ tục đấu giá tài sản, đấu giá viên, tổ chức đấu giá tài sản, thù lao dịch vụ đấu giá, chi phí đấu giá tài sản, xử lý vi phạm, hủy kết quả đấu giá tài sản, bồi thường thiệt hại cũng như quản lý nhà nước về đấu giá tài sản.
2. Vai trò của pháp luật thi hành án dân sự về đấu giá tài sản:
Pháp luật thi hành án dân sự về đấu giá tài sản có vai trò quan trọng trong hoạt động tư pháp nói chung và quá trình thi hành án dân sự nói riêng. Hoạt động thi hành án là công đoạn cuối cùng, bảo đảm cho bản án, quyết định của Toà án được chấp hành, góp phần bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật và pháp chế xã hội chủ nghĩa; bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân và Nhà nước, góp phần giữ vững ổn định chính trị – xã hội, tăng cường hiệu lực, hiệu quả của bộ máy nhà nước. Pháp luật thi hành án dân sự về đấu giá tài sản có những vai trò sau đây: – Góp phần tạo chuyển biến cơ bản trong công tác thi hành án dân sự về đấu giá tài sản, khắc phục tình trạng tồn đọng án kéo dài; nâng cao hiệu quả hoạt động thi hành án, kỷ cương phép nước và tính nghiêm minh của pháp luật.
Bảo vệ tốt hơn quyền của người được thi hành án, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức và Nhà nước. Xác định rõ hơn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tăng cường vị trí, vai trò của cơ quan thi hành án, Chấp hành viên; xác định rõ hơn trách nhiệm, cơ chế phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức có liên quan trong hoạt động thi hành án dân sự về đấu giá tài sản, cũng như công tác quản lý nhà nước về thi hành án dân sự về đấu giá tài sản. Là cơ sở pháp lý quan trọng để cơ quan thi hành án dân sự, đấu giá viên thực hiện việc tổ chức đấu giá tài sản trong thi hành án dân sự cũng như người tham gia đấu giá có căn cứ để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình trong thi hành án dân sự.
3. Nội dung của pháp luật thi hành án dân sự về đấu giá tài sản:
Pháp luật thi hành án dân sự về đấu giá tài sản mang tính đa dạng và có quan hệ đến một số ngành luật như: Luật thi hành án dân sự, Luật đấu giá tài sản, Bộ luật dân sự, Bộ luật tố tụng dân sự, Luật đất đai,... Tuy nhiên, các quy phạm pháp luật điều chỉnh về đấu giá tài sản thi hành án dân sự được quy định ở nhiều ngành luật khác nhau nhưng chủ yếu nhất vẫn là các quy phạm pháp luật được quy định trong Luật thi hành án dân sự và Luật đấu giá tài sản. Sau khi có bản án, quyết định của Tòa án, Trọng tài, Hội đồng xử lý, vụ việc cạnh tranh được đưa ra thi hành, cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền phải ra quyết định thi hành án và tống đạt cho các đương sự. Hết thời gian tự nguyện mà người phải thi hành án có điều kiện thi hành án (có tài sản thuộc quyền sở hữu của người phải thi hành án) nhưng không tự nguyện thi hành án thì chấp hành viên phải ra quyết định kê biên tài sản và thực hiện các thủ tục tiếp theo để tiến hành định giá, đấu giá tài sản của người phải thi hành án. Vì vậy, các quy định pháp luật về đấu giá tài sản thi hành án dân sự bao gồm những quy phạm điều chỉnh các quan hệ phát sinh trước khi tiến hành đấu giá tài sản như xác định giá khởi điểm, định giá lại đối với tài sản bị kê biên để đưa ra đấu giá, lựa chọn tổ chức đấu giá để tiến hành đấu giá. Để tiến hành các hoạt động đấu giá tài sản cần phải có các quy phạm pháp luật điều chỉnh các hoạt động như: ký kết hợp đồng để thực hiện việc đấu giá tài sản, xây dựng quy chế, niêm yết, thông báo đấu giá tài sản, tổ chức đăng ký tham gia đấu giá, cho xem tài sản, các quy định về hình thức, phương thức đấu giá,... Để tiến hành các hoạt động sau đấu giá cần phải có các quy phạm pháp luật điều chỉnh về trình tự, thủ tục đấu giá thành, đấu giá không thành. Do đó, có thể nói các quy định pháp luật đấu giá tài sản thi hành án dân sự cần phải bao gồm những quy phạm điều chỉnh các quan hệ trước khi đấu giá, trong đấu giá và sau đấu giá, bao gồm cả tài sản đấu giá, chủ thể, khách thể, quyền, nghĩa vụ của các chủ thể trong đấu giá tài sản thi hành án dân sự, các quy phạm pháp luật để bảo đảm cho hoạt động đấu giá tài sản thi hành án dân sự, cụ thể:
Thứ nhất, nhóm quy phạm pháp luật thi hành án dân sự điều chỉnh về tài sản đấu giá, bao gồm: – Tài sản mà pháp luật quy định phải bán thông qua đấu giá
Tài sản thuộc sở hữu của cá nhân, tổ chức tự nguyện lựa chọn bán thông qua đấu giá theo trình tự, thủ tục quy định.
Thứ hai, nhóm quy phạm pháp luật thi hành án dân sự điều chỉnh về trình tự, thủ tục đấu giá tài sản thi hành án, bao gồm các bước:
Người có tài sản đấu giá ký kết Hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản với tổ chức đấu giá tài sản để thực hiện việc đấu giá tài sản. Tổ chức đấu giá tài sản ban hành Quy chế cuộc đấu giá. Tổ chức đấu giá tài sản niêm yết việc đấu giá tài sản. Tổ chức đấu giá tài sản tổ chức cho người tham gia đấu giá được trực tiếp xem tài sản hoặc mẫu tài sản. Cá nhân, tổ chức đăng ký tham gia đấu giá. Các bên tiến hành đấu giá. Lập biên bản đấu giá sau khi kết thúc đấu giá. Ký kết Hợp đồng mua bán tài sản đấu giá.
Thứ ba, nhóm quy phạm pháp luật thi hành án dân sự điều chỉnh về chủ thể tham gia đấu giá, cụ thể: – Tổ chức đấu giá:
+ Nghĩa vụ của tổ chức đấu giá: thông báo, niêm yết công khai, đầy đủ, chính xác thông tin cần thiết có liên quan đến tài sản đấu giá; bảo quản tài sản được giao, không được sử dụng tài sản, nếu làm hư hỏng, mất mát thì phải bồi thường thiệt hại; trước khi đấu giá phải trưng bày, cho xem hồ sơ tài sản đấu giá.
+ Quyền của tổ chức đấu giá: yêu cầu người có tài sản đấu giá cung cấp đầy đủ, chính xác các thông tin liên quan đến tài sản đấu giá và chịu trách nhiệm về các thông tin đó; yêu cầu người mua phải thực hiện đúng hợp đồng mua bán tài sản đấu giá, trường hợp không thực hiện việc giao kết hợp đồng thì tổ chức đấu giá tài sản có quyền xử lí tiền đặt trước mà người mua đã đóng. – Người có tài sản đấu giá:
+ Nghĩa vụ của người có tài sản đấu giá: Chịu trách nhiệm về tài sản đưa ra đấu giá; ký hợp đồng mua bán tài sản đấu giá hoặc trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt kết quả đấu giá tài sản; giao tài sản và các giấy tờ liên quan đến tài sản đấu giá cho người mua được tài sản đấu giá; báo cáo cơ quan có thẩm quyền về việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản, diễn biến cuộc đấu giá và kết quả đấu giá tài sản trong trường hợp đấu giá tài sản nhà nước.
+ Quyền của người có tài sản đấu giá: Giám sát quá trình tổ chức thực hiện việc đấu giá; tham dự cuộc đấu giá; yêu cầu dừng việc tổ chức đấu giá khi có căn cứ cho rằng có hành vi vi phạm; đơn phương chấm dứt, hủy bỏ hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản, hợp đồng mua bán tài sản đấu giá hoặc đề nghị Tòa án tuyên bố hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản, hợp đồng mua bán tài sản đấu giá vô hiệu theo quy định của Luật này và quy định của pháp luật về dân sự. – Người trúng giá:
+ Nghĩa vụ của người trúng giá: Ký biên bản đấu giá, hợp đồng mua bán tài sản đấu giá; thanh toán đầy đủ tiền mua tài sản đấu giá cho người có tài sản đấu giá theo thỏa thuận trong hợp đồng mua bán tài sản đấu giá hoặc theo quy định của pháp luật có liên quan và nghĩa vụ khác theo thỏa thuận trong hợp đồng mua bán tài sản đấu giá và theo quy định của pháp luật.
+ Quyền của người trúng giá: Yêu cầu người có tài sản đấu giá ký hợp đồng mua bán tài sản đấu giá hoặc trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt kết quả đấu giá tài sản theo quy định của pháp luật; được nhận tài sản đấu giá, có quyền sở hữu đối với tài sản đấu giá theo quy định của pháp luật; được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản đấu giá đối với tài sản phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng theo quy định của pháp luật và quyền khác theo thỏa thuận trong hợp đồng mua bán tài sản đấu giá và theo quy định của pháp luật.