Hiện nay, theo quy định của pháp luật về sáp nhập doanh nghiệp, trên thực tiễn đang tồn tại những vướng mắc nào, hãy cùng chúng tôi nghiên cứu rõ về những vấn đề thực tiễn.
Việc sáp nhập doanh nghiệp nhằm khai thác thế mạnh và khắc phục được những điểm yếu của mỗi doanh nghiệp. Pháp luật Việt Nam đã quy định một cách khá đầy đủ về vấn đề sáp nhập doanh nghiệp và trong thực tế, hoạt động sáp nhập doanh nghiệp cũng được tiến hành một cách sôi nổi và có hiệu quả.
1. Hoạt động mua lại, sáp nhập doanh nghiệp ( M&A) và vấn đề sáp nhập doanh nghiệp tại Việt Nam
Hiện nay, khi nói về hoạt động sáp nhập doanh nghiệp ở Việt Nam cũng như trên thế giới, chúng ta thường được nghe đến cụm từ mua bán, sáp nhập doanh nghiệp ( M&A) nhiều hơn. Tuy chúng được nhắc đến cùng nhau, nhưng mua bán và sáp nhập doanh nghiệp vẫn có sự khác nhau về bản chất.
M&A được viết tắt bởi hai từ Tiếng Anh là Mergers (sáp nhập) và Aquisitions (mua lại). M&A là hoạt động giành quyền kiểm soát doanh nghiệp, bộ phận doanh nghiệp (gọi chung là doanh nghiệp) thông qua việc sở hữu một phần hoặc toàn bộ doanh nghiệp đó. M&A (mua lại và sáp nhập) dường như trở thành một cụm từ được phát âm cùng nhau, cùng nghĩa với nhau, tuy nhiên trên thực tế chúng có những điểm khác biệt và cần hiểu rõ giữa sáp nhập và mua lại:
Sáp nhập: là hình thức kết hợp mà hai công ty thường có cùng quy mô, thống nhất gộp chung cổ phần. Công ty bị sáp nhập chuyển toàn bộ tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp sang công ty nhận sáp nhập, đồng thời chấm dứt sự tồn tại của công ty bị sáp nhập để trở thành một công ty mới.
Mua lại: là hình thức kết hợp mà một công ty mua lại hoặc thôn tính một công ty khác, đặt mình vào vị trí chủ sở hữu mới. Tuy nhiên thương vụ này không làm ra đời một pháp nhân mới.
Mục đích của M&A là giành quyền kiểm soát doanh nghiệp ở mức độ nhất định chứ không đơn thuần chỉ là sở hữu một phần vốn góp hay cổ phần của doanh nghiệp như các nhà đầu tư nhỏ, lẻ. Vì vậy, khi một nhà đầu tư đạt được mức sở hữu phần vốn góp, cổ phần của doanh nghiệp đủ để tham gia, quyết định các vấn đề quan trọng của doanh nghiệp thì khi đó mới có thể coi đây là hoạt động M&A. Ngược lại, khi nhà đầu tư sở hữu phần vốn góp, cổ phần không đủ để quyết định các vấn đề quan trọng của doanh nghiệp thì đây chỉ được coi là hoạt động đầu tư thông thường.
Vậy, điểm khác biệt giữa sáp nhập và mua bán doanh nghiệp là gì? Mua bán doanh nghiệp là một thuật ngữ chung để mô tả cách thức chuyển quyền sở hữu. Sáp nhập lại là một thuật ngữ có nghĩa hẹp hơn, một thuật ngữ kỹ thuật để mô tả một quy trình pháp lý đặc biệt có thể hoặc không tiếp diễn thông qua mua bán doanh nghiệp. Ví dụ cổ đông của doanh nghiệp A và doanh nghiệp B đồng ý sáp nhập thì việc sáp nhập sẽ bị ảnh hưởng bởi thoả thuận là cổ phiếu doanh nghiệp A sẽ chuyển đổi sang cổ phiếu doanh nghiệp B hay là chuyển thành tiền.
Trên thực tế, thường thấy phổ biến các giao dịch mua bán doanh nghiệp trong đó có thể không dẫn đến kết quả sáp nhập. Ví dụ doanh nghiệp B mua một lượng lớn cổ phiếu của doanh nghiệp A, dù đủ lớn để biến thành một thương vụ sáp nhập nhưng nếu bên B quyết định là bên A sẽ vẫn tồn tại riêng rẽ như một công ty con của B thì đó không phải là sáp nhập; hoặc nếu bên B mua toàn bộ hoặc hầu hết tài sản của bên A và thanh toán bằng tiền hoặc cổ phiếu của bên B và bên A lúc này chỉ còn là cái vỏ bọc mà không còn hoạt động nữa và cổ đông của bên A không thay đổi, tài sản còn lại duy nhất của bên A là tiền hoặc cổ phiếu do bên B thanh toán.
Hoạt động M&A tại Việt Nam khởi động từ năm 2000 và gia tăng nhanh chóng về số lượng và giá trị các thương vụ. Các giao dịch M&A năm sau đã gấp 5-6 lần năm trước về tổng giá trị và gấp 2- 3 lần về số lượng.
Theo đánh giá chung, xu hướng mua bán, sáp nhập doanh nghiệp sẽ được đẩy nhanh khi thị trường Việt Nam trở thành đối tượng quan tâm của nhiều nhà đầu tư nước ngoài. Với hình thức liên kết hoặc mua lại doanh nghiệp nội địa, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ nhanh chóng tiếp cận thị trường hơn thay vì khởi động một dự án kinh doanh từ đầu. Xu hướng này cũng phù hợp với những gì đang diễn ra trên thế giới và khu vực thời gian gần đây.
Và ở Việt Nam, hoạt động này cũng đã được diễn ra một cách sôi nổi: Vừa qua, Đại hội cổ đông của NKD và KIDO cũng đồng ý sáp nhập hai công ty vào Công ty CP Kinh Đô (KDC), Đại hội cổ đông Công ty CP Viễn thông Sài Gòn – SaigonTel (SGT) đã thông qua
Đặc biệt là sự sáp nhập Công ty CP Vinpearl vào Công ty CP Vincom, sau khi hoàn thành thủ tục, Vincom sẽ hoạt động dưới tên mới là Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư Việt Nam (Tập đoàn Vingroup). Có thể nói, đây là một trong những sự kiện sáp nhập doanh nghiệp lớn nhất tại Việt Nam từ trước đến nay. Ngày 4 tháng 10 năm 2011, Hội đồng quản trị hai doanh nghiệp là công ty CP Vinpearl và công ty CP Vincom đều đã họp và có nghị quyết thông qua chủ trương sáp nhập công ty CP Vinpearl vào công ty CP Vincom nhằm phát huy và tập trung nguồn lực của cả hai công ty, nâng cao năng lực tài chính, phát triển thương hiệu, mở rộng sản xuất kinh doanh và hoạt động đầu tư…Đồng thời, nhất trí giao Chủ tịch Hội đồng quản trị và Tổng giám đốc các công ty xây dựng phương án sáp nhập, tổ chức triển khai, thực hiện các thủ tục cần thiết để xin ý kiến Đại hội đồng cổ đông thông qua các vấn đề nêu trên. Theo kế hoạch này, sau khi sáp nhập, cổ phiếu của công ty CP Vinpearl sẽ được chuyển đổi thành cổ phiếu của công ty CP Vincom. Đồng thời, để phù hợp với mô hình phát triển mới, Công ty CP Vincom sẽ tiến hành đổi tên thành Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư Việt Nam. Ông Lê Khắc Hiệp, Phó Chủ tịch Tập đoàn Vingroup, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vincom cho biết: “ Sự kiện sáp nhập này nhằm tạo ra sức mạnh mới trong hoạt động quản trị doanh nghiệp, tập trung trí tuệ và thống nhất chỉ đạo trong các phương thức, chiến lược đầu tư kinh doanh… Như chúng ta đã biết, Vincom hoạt động chính trong lĩnh vực bất động sản còn Vinpearl là Du lịch mà đây là hai lĩnh vực có sự liên quan mật thiết và bổ trợ cho nhau nên sự sáp nhập này là rất hợp lý và chắc chắn sẽ tạo ra một sức bật mới trên thị trường. Mặt khác, trong chiến lược vươn ra biển lớn, tham gia sâu rộng vào quá trình hội nhập kinh tế toàn cầu, với sự sáp nhập này, chúng tôi mong muốn hình thành một pháp nhân tập đoàn có tầm vóc quốc tế và đủ sức mạnh cạnh tranh với các tập đoàn nước ngoài. Ngoài ra, việc sáp nhập cũng hoàn toàn phù hợp với thông lệ Quốc tế và xu thế phát triển của các Tập đoàn bất động sản lớn trong khu vực và trên thế giới”.
Hoạt động sáp nhập doanh nghiệp được tiến hành một cách khá thuận lợi, mạng lại nhiều lợi ích, cơ hội mới cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên, trên thực tế, các doanh nghiệp cũng gặp một số khó khăn khi thực hiện hoạt động này, do những quy định của pháp luật còn chưa được rõ ràng và có một số hạn chế
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
2. Những điểm vướng mắc về khái niệm của Luật doanh nghiệp năm 2005 khi quy định vấn đề sáp nhập doanh nghiệp
Ở Luật Doanh nghiệp 2005 và Luật Canh tranh 2004 đều có quy định khái niệm về sáp nhập doanh nghiệp. Thế nhưng khái niệm ở hai luật này lại có độ vênh nhau. Cụ thể nếu so sánh về mặt từ ngữ thấy theo Luật Doanh nghiệp 2005 thì các công ty sáp nhập phải là công ty “cùng loại nhau” còn ở Luật Cạnh tranh 2004 thì không quy định cụm từ này. Tuy cả hai luật này cùng điều chỉnh vấn đề sáp nhập doanh nghiệp, thế nhưng để thực hiện vấn đề này chủ yếu phải dựa vào Luật Doanh nghiệp 2005. Bởi suy cho cùng đây là luật gốc quy định vấn đề này. Đặc biệt là đối với thủ tục thực hiện sáp nhập doanh nghiệp là hầu như hoàn toàn phụ thuộc vào Luật Doanh nghiệp 2005. Do đó, việc giải thích sáp nhập doanh nghiệp ở Luật Doanh nghiệp 2005 có ảnh hưởng rất lớn đến thủ tục thực hiện.
Như trên vừa nói, một vấn đề về từ ngữ phải bàn của khái niệm sáp nhập doanh nghiệp. Đó là tại Luật Doanh nghiệp 2005 quy định các công ty sáp nhập, hợp nhất với nhau phải là các công ty “cùng loại” với nhau. Theo hai từ “cùng loại” này mọi người sẽ suy ra như thế nào? Cùng loại về loại hình doanh nghiệp hay cùng loại về ngành nghề kinh doanh hay cùng là doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài hay cùng là công ty thành lập theo luật đầu tư …
Không những thế, đến các văn bản hướng dẫn thì các nhà quản lý cũng bỏ qua việc hướng dẫn thế nào là “ cùng loại”. Trên thực tế, cơ quan đăng ký kinh doanh của các địa phương thường hiểu “ cùng loại” là cùng về loại hình tổ chức doanh nghiệp. Và trong quá trình thực hiện thủ tục cho các doanh nghiệp thì các cơ quan đăng ký kinh doanh cũng xử lý theo cách hiểu “ cùng loại” là cùng mô hình tổ chức doanh nghiệp.
Như vậy, theo thực tế này có thể suy ra rằng các công ty thuộc các loại hình tổ chức khác nhau thì không tiến hành các hoạt động sáp nhập doanh nghiệp lại với nhau được. Từ đây, lại phát sinh thêm “cái khó” cho các doanh nghiệp khi thực hiện. Bởi các doanh nghiệp khi tiến hành xác định mục tiêu sáp nhập doanh nghiệp thì yếu tố cùng mô hình tổ chức không phải là yếu tố hàng đầu mà họ quan tâm. Do đó, sau khi tiến hành tất cả các đàm phán và bắt tay vào thực hiện thủ tục thì họ lại bị vướng quy định này. Vậy họ phải làm sao để vẫn có thể tiến hành được một vụ sáp nhập doanh nghiệp? Ai sẽ hướng dẫn các doanh nghiệp gỡ khỏi vướng mắc này. Và thực tế cái khó đã giúp các doanh nghiệp “cái phải làm”.
Các doanh nghiệp thường phải bắt buộc đi đường vòng, họ phải chấp nhận mất thêm một khoảng thời gian và một khoản chi phái cho hoạt động sáp nhập. Đó là các doanh nghiệp phải chuyển đổi loại hình tổ chức doanh nghiệp mình cho “cùng loại” nhau. Luật Doanh nghiệp 2005 và Nghị định số 139/2007/NĐ-CP có hướng mở cho vấn đề chuyển đổi doanh nghiệp.
Vấn đề khác liên quan tới khái niệm sáp nhập doanh nghiệp đó là hiện tại ở khái niệm này sử dụng thuật ngữ là “công ty” chứ không sử dụng thuật ngữ “doanh nghiệp”. Ở đây theo khái niệm thì chỉ có các công ty cùng loại mới sáp nhập với nhau được. Mà cũng theo Luật Doanh nghiệp 2005 thì trong các mô hình tổ chức hiện tại doanh nghiệp tư nhân không được xem là công ty. Như thế rõ ràng là doanh nghiệp tư nhân không được phép tham gia sáp nhập với nhau. Trong khi thuật ngữ dành cho sáp nhập lại sử dụng là sáp nhập “doanh nghiệp”. Thế nhưng nội hàm bên trong của hai thuật ngữ này lại sử dụng là “công ty”. Do đó nếu không chú ý kỹ các chủ doanh nghiệp tư nhân sẽ bị mắc phải vướng mắc này. Và họ sẽ không thể tiến hành được hoạt động sáp nhập doanh nghiệp của mình. Từ những phân tích trên thấy rất rõ cái vướng trong sáp nhập doanh nghiệp. Mà cái vướng này đã tồn tại ngay trong khái niệm của sáp nhập doanh nghiệp.
3.Những điểm bất cập về quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2005 và Luật đầu tư năm 2005 về sáp nhập doanh nghiệp
Trong quá trình thực hiện thủ tục sáp nhập các doanh nghiệp thường gặp phải một số quan điểm không rõ ràng và thiếu nhất quán giữa các Sở Kế hoạch và Đầu tư trong vấn đề giải quyết sáp nhập doanh nghiệp, thể hiện sự bất cập của Luật Doanh nghiệp năm 2005 và Luật đầu tư 2005. Cụ thể như sau: Sáp nhập Công ty TNHH một thành viên và Công ty TNHH nhiều thành viên, Việc sáp nhập của Công ty hoạt động theo Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và Công ty thì hoạt động theo Giấy chứng nhận đầu tư, và Thủ tục sáp nhập.
a, Sáp nhập Công ty TNHH một thành viên và Công ty TNHH nhiều thành viên
Hiện nay một số địa phương trong đó có TP. Hồ Chí Minh cho rằng Công ty TNHH một thành viên và Công ty TNHH nhiều thành viên là hai loại hình doanh nghiệp khác nhau nên không đồng ý cho sáp nhập. Tuy nhiên, có một số địa phương khác thì cho rằng đây chỉ là hai hình thức tồn tại của cùng một loại hình doanh nghiệp đó là Công ty TNHH nên được phép sáp nhập.
Chúng tôi cho rằng, nếu không cho phép hai loại hình Công ty này sáp nhập thì sẽ gây sự bất lợi cho doanh nghiệp Việt Nam trên chính “sân nhà” của mình, nhất là trong bối cảnh Việt Nam chúng ta đã trở thành thành viên của tổ chức Thương mại quốc tế (WTO) vì hơn 90% doanh nghiệp Việt Nam là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Sự sáp nhập của các loại hình Công ty sẽ tạo nên sự cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước với các Công ty có vốn đầu tư nước ngoài, vốn có lợi thế về tiềm lực tài chính, công nghệ và kinh nghiệm quản lý.
b, Sáp nhập Công ty theo đăng ký kinh doanh và Công ty theo đầu tư
Việc sáp nhập của Công ty hoạt động theo Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và Công ty thì hoạt động theo Giấy chứng nhận đầu tư.
Về bản chất đều là Công ty TNHH một thành viên, nhưng một Công ty thì hoạt động theo Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và một Công ty thì hoạt động theo Giấy chứng nhận đầu tư. Trong trường hợp này chúng có được phép sáp nhập hay không? Theo chúng tôi, tiêu chí để cho phép các doanh nghiệp sáp nhập là loại hình, cơ cấu tổ chức của doanh nghiệp (Công ty TNHH, Công ty Cổ phần) chứ không phải là hình thức đăng ký hoạt động. Mặt khác, theo Luật Đầu tư năm 2005 thì Giấy chứng nhận đầu tư thì cũng đồng thời là Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Tuy nhiên trên thực tế các doanh nghiệp đã bị các cơ quan có thẩm quyền từ chối cho sáp nhập vì có sự khác biệt về hình thức đăng ký hoạt động.
c, Thủ tục sáp nhập
Theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2005, thì Doanh nghiệp nhận sáp nhập và doanh nghiệp bị sáp nhập phải ký Hợp đồng sáp nhập, dự thảo điều lệ của Công ty nhận sáp nhập. Trên thực tế nếu doanh nghiệp nhận sáp nhập là chủ sở hữu của doanh nghiệp bị sáp nhập thì có nên chăng đặt ra vấn đề phải lập Hợp đồng sáp nhập hay không, hay chỉ cần Quyết định sáp nhập của chủ sở hữu doanh nghiệp? Và có nhất thiết phải sửa đổi lại Điều lệ của doanh nghiệp nhận sáp nhập?
Theo chúng tôi, trong trường hợp này thì không cần phải có Hợp đồng sáp nhập mà chỉ cần có quyết định sáp nhập trong đó nêu rõ phương án sử dụng lao động của Công ty bị sáp nhập, chuyển giao quyền và nghĩa vụ… cho chủ sở hữu là đủ vì trong quan hệ này hai bên không thể bình đẳng với nhau về mặt tổ chức. Mặt khác chủ sở hữu doanh nghiệp thì có toàn quyền quyết định sự tồn của “đứa con” do mình sinh ra.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp cũng như sự thống nhất trong việc áp dụng pháp luật, các doanh nghiệp rất mong những nhà hoạch định chính sách pháp luật cần đánh giá lại quá trình thực thi các quy định pháp luật trong việc sáp nhập các loại hình doanh nghiệp để hướng dẫn các cơ quan đăng ký kinh doanh giải quyết các nguyện vọng chính đáng của doanh nghiệp. Từ đó, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có thể tiến hành hoạt động sáp nhập một cách dễ dàng, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp có thể liên kết với nhau, tạo sức cạnh tranh lớn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong nền kinh tế thị trường hiện nay.