Tìm hiểu phân tích báo cáo tài chính doanh nghiệp? Ưu điểm của phân tích báo cáo tài chính? Nhược điểm của phân tích báo cáo tài chính? Tại sao phải phân tích báo cáo tài chính?
Tài chính đóng vai trò quan trọng đối với hoạt động của một tổ chức, doanh nghiệp.
Luật sư tư vấn luật miễn phí qua tổng đài điện thoại: 1900.6568
Mục lục bài viết
1. Tìm hiểu phân tích báo cáo tài chính doanh nghiệp:
Đối với các nhà quản lý tài chính của doanh nghiệp thì việc phân tích báo cáo tài chính là công việc bắt buộc và cần thiết. Khi phân tích báo cáo tài chính sẽ áp dụng các phương pháp phân tích tài chính một cách khoa học và logic, giúp cho các nhà quản lý cấp cao, các nhà đầu tư nắm được thực trạng tài chính doanh nghiệp ơt thời điểm hiện tại và đánh giá được xu hướng phát triển trong tương lai.
Thông qua phân tích báo cáo tài chính của doanh nghiệp, giúp xác định được những hạn chế mà doanh nghiệp gặp phải, có thể dự đoán gần đúng hoặc chính xác những rủi ro mà doanh nghiệp có thể gặp phải trong tương lai, từ đó đưa ra những phương án giảm thiểu rủi ro, phát triển hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và đảm bảo lợi ích cho chủ đầu tư, chủ doanh nghiệp.
Các cá nhân, tổ chức quan tâm tới thông tin tài chính và hoạt động tài chính của doanh nghiệp là những đối tượng có liên quan trực tiếp tới lợi ích từ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đó. Các cá nhân, tổ chức đó thường là những chủ doanh nghiệp, nhà đầu tư (cổ đông), các tổ chức tín dụng (chẳng hạn như ngân hàng, tổ chức tài chính, những người mua cổ phiếu của doanh nghiệp đó…)
2. Ưu điểm của phân tích báo cáo tài chính:
2.1. Ưu điểm chung của phân tích báo cáo tài chính:
Thứ nhất, thông tin về hoạt động kinh doanh và tài chính của doanh nghiệp được tiết lộ thông tin đầy đủ. Công khai rõ ràng các số liệu tài chính để phục vụ cho việc phân tích báo cáo tài chính. Khi phân tích được số liệu báo cáo tài chính sẽ nắm bắt được tình hình kinh doanh của công ty.
Thứ hai, phân tích báo cáo tài chính cung cấp giá trị nội tại của doanh nghiệp so với giá trị thị trường. Cụ thể đây là phương pháp so sánh giá trị sổ sách với giá trị thị trường, xác định được giá doanh nghiệp so với các doanh nghiệp cung nghành và định giá được doanh nghiệp so với định giá thị trường. Để các chủ thể tiết kiệm thời gian, chi phí, công sức khi phân tích báo cáo tài chính, thường sử dụng các công cụ như thống kê, so sánh, phân tích, …
Thứ ba, cung cấp thông tin thông số minh bạch khi phân tích báo cáo tài chính. Chính vì vậy, các số liệu tài chính, hoạt động kinh doanh sẽ được cung cấp rộng rãi ra thị trường. Nếu báo cáo tài chính không được phân tích số liệu cụ thể sẽ không thể đánh giá được các số liệu có chính xác hay không, vừa giúp kiểm chứng thông tin vừa giúp cho báo cáo tài chính trở nên đáng tin cậy.
2.2. Ưu điểm của phân tích báo cáo tài chính đối với người đang quản trị điều hành doanh nghiệp:
Thứ nhất, thông qua việc phân tích báo cáo tài chính sẽ giúp cho các nhà quản trị, quản lý của doanh nghiệp dễ dàng đưa ra được các quyết định sáng suốt, có hiệu quả cao hơn là chỉ dựa vào cảm tính. Đồng thời dựa vào các con số được phân tích sẽ đánh giá được thế mạnh của doanh nghiệp, những mặt còn hạn chế của doanh nghiệp để có thể đưa ra các biện pháp phát triển đúng hướng, khắc phục những hạn chế hoặc thay đổi cơ cấu trong hoạt động kinh doanh, sản xuất của doanh nghiệp, có biện pháp điều chỉnh hoạt động của doanh nghiệp phù hợp với các thông tin liên quan từ báo cáo tài chính đó.
Thứ hai, báo cáo tài chính có thể giúp cho những nhà quản trị quản lý doanh nghiệp có thể có những điều chỉnh về phương pháp quản lý hay phương pháp huy động vốn có hiệu quả hơn, giúp quản trị doanh nghiệp tốt hơn. Phân tích báo cáo tài chính rõ ràng với các thông tin xác thực là căn cứ để cho các nhà quản trị, quản lý đưa ra quyết định đầu tư vào doanh nghiệp hay rút khỏi doanh nghiệp. Đồng thời, các nhà quản lý có thể khái quát được tình hình tài chính kinh doanh từ phân tích báo cáo tài chính, từ đó đưa ra được các giải pháp khắc phục hoặc tăng cường trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
2.3. Ưu điểm của phân tích báo cáo tài chính đối với các đối tượng quan tâm khác:
Thứ nhất, có các số liệu về phân tích báo cáo tài chính doanh nghiệp sẽ giúp cho các đối tượng này có được thông tin về doanh nghiệp, từ đó có được những thông tin phù hợp với yêu cầu và mục đích của bản thân. Báo cáo tài chính của doanh nghiệp thể hiện quá trình kinh doanh giúp cho các nhà đầu tư lựa chọn doanh nghiệp đánh giá được sự ổn định, lâu dài của doanh nghiệp đó.
Thứ hai, để có được sự đánh giá khách quan về khả năng tài chính và những rủi ro từ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp thì các nhà đầu tư kết hợp với các số liệu phân tích báo cáo tài chính của doanh nghiệp mà có thể đưa ra quyết định các cơ hội đầu tư hợp lý.
Việc phân tích báo cáo tài chính còn góp phần giúp cho các cơ quan quản lý Nhà nước thực hiện, sửa đổi, bổ sung hay thay đổi các chính sách liên quan.
Như vậy, có thể thấy phân tích báo cáo tài chính giúp cho nhà nước nói chung và doanh nghiệp đó nói riêng thấy được tình hình hoạt động và sự phát triển của doanh nghiệp trong năm báo cáo. Đáp ứng 2 mục đích chính của doanh nghiệp như sau:
Mục đích ra quyết định: việc phân tích sẽ đánh sâu vào yếu tố mạnh yếu của doanh nghiệp dựa trên những thông tin từ các con số cụ thể như: chỉ số nguồn vốn, tỉ số thanh khoản, chỉ tiêu thanh toán ngay….
Mục đích đầu tư vào doanh nghiệp hoặc rời bỏ doanh nghiệp: ngoài việc phân tích các yếu tố tài chính như phân tích hệ thống báo cáo tài chính thì còn phân tích rất nhiều các chỉ số phi tài chính khác như: tình hình nhân sự trong doanh nghiệp, hoạt động marketing, chế độ phúc lợi, những khó khăn của doanh nghiệp gặp phải… Từ đó đưa ra giải pháp khắc phục hoặc tăng cường trong hoạt động kinh doanh doanh nghiệp.
3. Nhược điểm của phân tích báo cáo tài chính:
Phân tích báo cáo tài chính của doanh nghiệp cũng tồn tại nhiều mặt hạn chế, cần lưu ý như sau:
– Số liệu phân tích trên báo cáo tài chính chỉ dựa trên các số liệu quá khứ: Trước thực tế của nền kinh tế thị trường thay đổi hàng ngày và liên tục thì các số liệu trong báo cáo có thể đúng trong quá khứ nhưng không có nghĩa là sẽ xảy ra trong tương lai. Nên khi sử dụng chúng ta chỉ tham khảo đánh giá khả năng kinh doanh diễn ra qua các giai đoạn kinh doanh của doanh nghiệp chứ không phụ thuộc hoàn toàn.
– Vấn đề lạm phát: Đây là một trong những mối qua tâm khi phân tích báo cáo tài chính. Mức lạm phát thay đổi trong tình hình kinh doanh luôn luôn biến động, vì vậy phải quan tâm đến việc thay đổi cách thức kinh doanh và các khoản thu lợi nhuận.
– Cách thay đổi hoạt động kinh doanh: Việc thay đổi cơ cấu của donah nghiệp liên tục dẫn đến chỉ số tính toán nhiều năm trước với chỉ số này ở thời điểm hiện tại dễ có những kết luận sai lầm.
– Sự khác nhau của việc áp dụng các chuẩn mực kế toán, khác nhau về điều kiện kinh doanh: Việc áp dụng các chuẩn mực kế toán khác nhau, phân tích bào cáo tài chính dựa vào nhiều yếu tố của hoạt động kinh doanh khác nhau dẫn đến sự sai lệch trong phân tích.
– Khó khăn trong kết luận phân tích: Hiện tại việc phân tích báo cáo tài chính doanh nghiệp vẫn còn phải dựa vào ý chí chủ quan của người phân tích kết luận số liệu chứ chưa có phương pháp nào được coi là chuẩn mực hay có sự tin tưởng tuyệt đối.
– Thời điểm phân tích số liệu: Việc phân tích báo cáo tài chính trong quá trình đầu tư mà chậm hoặc sớm quá sẽ ảnh hưởng đến thời điểm ra vào hợp lý, ảnh hưởng đến hiệu suất sinh lợi nhuận của hoạt động kinh doanh.
4. Tại sao phải phân tích báo cáo tài chính?
Kết quả của phân tích báo cáo tài chính nhằm cung cấp thông tin tài chính hữu ích cho người sử dụng để đưa ra các quyết định liên quan về các vấn đề mua hay bán cổ phần trong doanh nghiệp, cho vay hay từ chối cho vay. Thông qua các thông tin từ việc phân tích báo cáo tài chính và một số nguồn khác, nhà đầu tư, chủ nợ , nhà quản lý, cơ quan thuế có thể đánh giá rõ ràng hơn về tình trạng và kết quả tài chính của doanh nghiệp. Cụ thể là:
– Đối với doanh nghiệp: Việc phân tích báo cáo tài chính sẽ giúp cho các nhà lãnh đạo, nhà kế hoạch công ty đánh giá được vị trí tài chính hiện tại của doanh nghiệp, xác định những hạn chế, cơ hội, triển vọng tài chính từ đó hoạch định các kế hoạch phù hợp và có tính khả thi, đặt ra mục tiêu và phương hướng thực hiện, các nhà kiểm soát thì quan tâm chủ yếu đến kết quả đầu tư và hiệu suất sử dụng tài chính để từ đó đưa ra các khuyến cáo trong việc sử dụng và đầu tư tài sản.
– Đối với các chủ nợ: Kết quả phân tích báo cáo tài chính doanh nghiệp giúp chủ nợ cân nhắc, xem xét cho doanh nghiệp vay khi hiểu rõ hơn các vấn đề: Doanh nghiệp vay nợ để làm gì? Doanh nghiệp hiện đang nợ bao nhiêu? Tiến trình doanh nghiệp trả nợ tốt không? Nguồn trả nợ doanh nghiệp lấy từ đâu? … Thực tế, chủ nợ luôn quan tâm đến khả năng trả nợ của doanh nghiệp, nếu kết quả báo cáo tài chính của doanh nghiệp thể hiện doanh nghiệp chứng minh được nhiều nguồn trả nợ thì chủ nợ càng dễ dàng cho doanh nghiệp vay.
– Đối với nhà đầu tư: Kết quả phân tích báo cáo tài chính là cơ sở để họ thấy được hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp hiện tại có tốt không? Tỷ suất sinh lời kỳ vọng trong tương lai, mức độ rủi ro hiện tại và trong tương lai, vị thế cạnh tranh của doanh nghiệp, … để quyết định đầu tư vào doanh nghiệp đó hay không.
– Đối với các cơ quan chính quyền: cần có thông tin về báo cáo tài chính của doanh nghiệp để thực hiện các hoạt động về kiểm soát, ngăn ngừa, thúc đẩy, hỗ trợ. Ví dụ : kiểm soát thuế, ngăn ngừa hàng giả, hàng lậu, các hành vi vi phạm pháp luật khác, cấp phép, bổ sung vốn, hỗ trợ về thuế, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển,…
– Đối với các đối tượng khác: thông qua kết quả phân tích báo cáo tài chính để biết được tiềm năng của doanh nghiệp, thị trường, mức lợi nhuận, … để tham gia các công việc có liên quan như : ký kết hợp đồng, gia công, đấu thầu, mua lại hay xác nhập để biết được tiềm năng của doanh nghiệp, thị trường, mức lợi nhuận, thực hiện các hình thức liên doanh liên kết, …
Chính vì vậy, trong bối cảnh nền kinh tế nước ta đang hội nhập sâu rộng vào đời sống kinh tế toàn cầu đầy thách thức, biến động và bất ổn của khủng hoảng và hậu khủng hoảng kinh tế, phân tích báo cáo tài chính có ý nghĩa quan trọng đối với bản thân chủ doanh nghiệp và cả các đối tượng bên ngoài có liên quan đến tài chính của doanh nghiệp.