Thẻ tạm trú là một trong những loại giấy tờ được sử dụng để cư trú và xuất nhập cảnh do cơ quan nhà nước có thẩm quyền Việt Nam cấp cho người nước ngoài có thời hạn. Vậy theo quy định của pháp luật hiện nay thì những trường hợp nào người nước ngoài sẽ được cấp thẻ tạm trú?
Mục lục bài viết
1. Những trường hợp người nước ngoài được cấp thẻ tạm trú:
Pháp luật hiện nay đã quy định cụ thể về các trường hợp được cấp thẻ tạm trú cho người nước ngoài. Căn cứ theo quy định tại Điều 36 của Văn bản hợp nhất Luật xuất nhập cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam năm 2023 có quy định về các trường hợp được cấp thẻ tạm trú và ký hiệu thẻ tạm trú. Cụ thể bao gồm:
– Các trường hợp được cấp thẻ tạm trú như sau:
+ Người nước ngoài được xác định là thành viên trong cơ quan đại diện ngoại giao, thành viên trong cơ quan lãnh sự, cơ quan đại diện của các tổ chức quốc tế thuộc Liên hợp quốc, thành viên trong các tổ chức liên chính phủ đặt trên lãnh thổ của Việt Nam, là vợ chồng/con dưới 18 tuổi/người giúp việc đi cùng theo nhiệm kỳ;
+ Người nước ngoài nhập cảnh bằng thị thực (visa) có ký hiệu như sau: LV1, LV2, LS, ĐT1, ĐT2, ĐT3, NN1, NN2, DH, PV1, LĐ1, LĐ2, TT.
– Ký hiệu thẻ tạm trú theo quy định của pháp luật hiện nay được xác định như sau:
+ Thẻ tạm trú được cấp cho người nước ngoài là thành viên của các cơ quan đại diện ngoại giao, thành viên của cơ quan lãnh sự, cơ quan đại diện của các tổ chức quốc tế trực thuộc Liên hợp quốc, tổ chức liên chính phủ đặt trên lãnh thổ của Việt Nam, những đối tượng được xác định là vợ chồng/con là người dưới 18 tuổi hoặc người giúp việc đi cùng theo nhiệm kỳ, theo quy định của pháp luật hiện nay thì thẻ tạm trú đối với những đối tượng này sẽ có ký hiệu là NG3;
+ Thẻ tạm trú được cấp cho người nước ngoài nhập cảnh bằng thị thực (visa) với ký hiệu LV1, LV2, LS, ĐT1, ĐT2, ĐT3, NN1, NN2, DH, PV1, LĐ1, LĐ2, TT, thì theo quy định của pháp luật hiện nay thẻ tạm trú này sẽ có các ký hiệu tương tự với ký hiệu của thị thực (visa) đó.
Tóm lại, các trường hợp người nước ngoài được cấp thẻ tạm trú theo quy định của pháp luật Việt Nam bao gồm:
– Người nước ngoài được xác định là thành viên trong cơ quan đại diện ngoại giao, thành viên trong cơ quan lãnh sự, cơ quan đại diện của các tổ chức quốc tế thuộc Liên hợp quốc, thành viên trong các tổ chức liên chính phủ đặt trên lãnh thổ của Việt Nam, là vợ chồng hoặc con dưới 18 tuổi hoặc người giúp việc đi cùng theo nhiệm kỳ;
– Người nước ngoài nhập cảnh bằng thị thực có ký hiệu như sau: LV1, LV2, LS, ĐT1, ĐT2, ĐT3, NN1, NN2, DH, PV1, LĐ1, LĐ2, TT.
2. Cơ quan nào có thẩm quyền giải quyết cấp thẻ tạm trú?
Pháp luật hiện nay đã có quy định cụ thể về cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết vấn đề cấp thẻ tạm trú cho người nước ngoài. Căn cứ theo quy định tại Điều 37 của Văn bản hợp nhất Luật xuất nhập cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam năm 2023 có quy định về vấn đề giải quyết cấp thẻ tạm trú. Cụ thể như sau:
– Cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự, các cơ quan khác được ủy quyền của nước ngoài tại Việt Nam gửi thành phần hồ sơ đề nghị cấp thẻ tạm trú có ký hiệu NG3 tại cơ quan có thẩm quyền của Bộ ngoại giao;
– Cơ quan, tổ chức, cá nhân mời, bảo lãnh sẽ trực tiếp nộp thành phần hồ sơ đề nghị xin cấp thẻ tạm trú cho người nước ngoài thuộc các trường hợp quy định cụ thể tại điểm b khoản 1 Điều 36 của Văn bản hợp nhất Luật xuất nhập cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam năm 2023, tại cơ quan quản lý xuất nhập cảnh nơi cơ quan, tổ chức mời, bảo lãnh đặt trụ sở hoặc nơi cá nhân mời, bảo lãnh cư trú;
– Trong khoảng thời gian 05 ngày làm việc được tính kể từ ngày nhận đầy đủ thành phần hồ sơ, cơ quan quản lý xuất nhập cảnh hoặc cơ quan có thẩm quyền của Bộ ngoại giao sẽ xem xét để cấp thẻ tạm trú.
Đồng thời, tiếp tục căn cứ theo quy định tại Điều 4 của Thông tư 31/2015/TT-BCA của Bộ Công an, có quy định cụ thể về thẩm quyền và thủ tục giải quyết đề nghị cấp thẻ tạm trú. Theo đó:
– Người nước ngoài thuộc diện được cấp thẻ tạm trú theo quy định của pháp luật bắt buộc phải thông qua cơ quan, tổ chức, cá nhân đã mời, bảo lãnh để trực tiếp thực hiện thủ tục tại Cục quản lý xuất nhập cảnh hoặc thực hiện tại Phòng quản lý xuất nhập cảnh thuộc Công an cấp tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương nơi cơ quan, tổ chức mời, bảo lãnh đặt trụ sở hoặc nơi cá nhân mời, bảo lãnh cư trú;
– Về vấn đề giải quyết cấp thẻ tạm trú, trong khoảng thời gian 05 ngày làm việc được tính kể từ ngày nhận đầy đủ thành phần hồ sơ, cục quản lý xuất nhập cảnh hoặc phòng quản lý xuất nhập cảnh thuộc Công an cấp tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương sẽ xem xét để cấp thẻ tạm trú.
Theo đó, cơ quan quản lý xuất nhập cảnh hoặc cơ quan có thẩm quyền của Bộ ngoại giao, cụ thể là Cục quản lý xuất nhập cảnh hoặc Phòng quản lý xuất nhập cảnh thuộc Công an cấp tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương là cơ quan có thẩm quyền xem xét cấp thẻ tạm trú.
3. Người nước ngoài được cấp thẻ tạm trú theo quy trình thế nào?
Quy trình cấp thẻ tạm trú cho người nước ngoài tại Việt Nam sẽ được thực hiện như sau:
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ theo quy định của pháp luật.
– Bản sao có chứng thực giấy phép hoặc quyết định của cơ quan có thẩm quyền về việc thành lập tổ chức;
– Văn bản giới thiệu có dấu, chữ ký của người có thẩm quyền của tổ chức;
– Giấy tờ tùy thân của người nước ngoài xin cấp thẻ tạm trú;
– Đơn bảo lãnh cấp thẻ tạm trú cho người nước ngoài.
Sau đó nộp hồ sơ tới cơ quan có thẩm quyền. Cơ quan, tổ chức, cá nhân mời, bảo lãnh sẽ trực tiếp nộp hồ sơ đề nghị cấp thẻ tạm trú cho người nước ngoài thuộc một trong những trường hợp được quy định tại khoản 2 Điều 36 của Văn bản hợp nhất Luật xuất nhập cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, cụ thể nộp tại Cơ quan quản lý xuất nhập cảnh thuộc Công an cấp tỉnh nơi cơ quan, tổ chức mời, bảo lãnh đặt trụ sở hoặc nơi cá nhân mời, bảo lãnh cư trú. Hoặc có thể nộp hồ sơ trực tuyến thông qua Cổng dịch vụ công quốc gia hoặc cổng dịch vụ công của Bộ công an, hoặc có thể nộp hồ sơ thông qua dịch vụ bưu chính công ích.
Bước 2: Các cán bộ tiếp nhận hồ sơ, kiểm tra tính pháp lý và nội dung của hồ sơ. Trong trường hợp thành phần hồ sơ đã đầy đủ hợp lệ thì sẽ tiếp nhận hồ sơ, cấp giấy hẹn trả kết quả cho người nộp hồ sơ theo quy định của pháp luật, yêu cầu nộp phí cho cán bộ thu phí. Cán bộ thu phí sẽ thu tiền và giao biên lai thu tiền cho người đề nghị cấp thẻ tạm trú, hoặc thông báo trên Cổng dịch vụ công quốc gia hoặc cổng dịch vụ công của Bộ công an đề nghị cấp thẻ tạm trú thanh toán trực tuyến hoặc nhận biên lai điện tử. Trong trường hợp thành phần hồ sơ còn thiếu hoặc không hợp lệ, cán bộ tiếp nhận hồ sơ sẽ hướng dẫn hoặc thông báo trên cổng dịch vụ công quốc gia hoặc cổng dịch vụ công của Bộ công an để người nộp hồ sơ hoàn chỉnh và bổ sung theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp không đáp ứng đầy đủ điều kiện thì sẽ không tiếp nhận hồ sơ, trả lời bằng văn bản hoặc thông báo trên Cổng dịch vụ công quốc gia hoặc cổng dịch vụ công của Bộ công an, trong thông báo đó cần phải nêu rõ lý do chính đáng. Tuy nhiên cần phải lưu ý, thời gian tiếp nhận hồ sơ từ thứ 02 đến thứ 07 hàng tuần, ngoại trừ ngày lễ và ngày tết.
Bước 3: Trả kết quả. Người đề nghị cấp thẻ tạm trú trực tiếp nhận kết quả tại Cơ quan quản lý xuất nhập cảnh Công an cấp tỉnh. Khi đến nhận kết quả cần phải mang theo giấy hẹn trả kết quả, các loại giấy tờ tùy thân như căn cước công dân hoặc chứng minh thư nhân dân hoặc hộ chiếu còn thời hạn, biên lai thu tiền để các cán bộ đối chiếu. Trong trường hợp đề nghị nhận kết quả thông qua dịch vụ bưu chính thì thực hiện theo hướng dẫn của cơ quan cung cấp dịch vụ bưu chính công ích. Trong trường hợp chưa cấp thẻ tạm trú thì cần phải trả lời bằng văn bản hoặc thông báo trên cổng dịch vụ công, trong thông báo đó cần phải nêu rõ lý do chính đáng. Thời gian trả kết quả sẽ được thực hiện từ thứ 02 đến thứ 06 hàng tuần, ngoại trừ ngày lễ và ngày tết.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Thông tư 25/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính về việc quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí trong lĩnh vực xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, cư trú tại Việt Nam;
– Thông tư 31/2015/TT-BCA của Bộ Công an về việc hướng dẫn một số nội dung về cấp thị thực, cấp thẻ tạm trú, cấp giấy phép xuất nhập cảnh, giải quyết thường trú cho người nước ngoài tại Việt Nam;
– Thông tư 31/2023/TT-BCA của Bộ Công an quy định về mẫu hộ chiếu, mẫu giấy thông hành và các biểu mẫu liên quan;
– Thông tư 65/2022/TT-BCA của Bộ Công an bãi bỏ toàn bộ hoặc một phần một số văn bản quy phạm pháp luật do Bộ trưởng Bộ Công an ban hành;
– Văn bản hợp nhất 30/VBHN-VPQH năm 2023 do Văn phòng Quốc hội ban hành hợp nhất Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.
THAM KHẢO THÊM: